Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

Phóng Sự Lao ĐộngViệt 20140205: "Những người bán nhang đèn xa xứ"


"Mỗi ngày tôi đạp xe 30-40 cây số khắp Sài Gòn để rao bán nhang"

     Chị Nguyện, cư dân tỉnh Quảng Ngãi, trú ngụ tại Tân Bình, Sài Gòn để mỗi ngày đạp chiếc xe đi bán nhang dạo, kể với chúng tôi: “Mỗi ngày tôi đi từ 30 đến 40 cây số, đạp xe đi khắp Sài Gòn để rao bán nhang, kiếm cũng được chăng hay chớ thôi, không ổn định đâu. Mình nghèo quá mà nghề nghiệp thì không có, vốn liếng cũng không có nên phải đi bán nhang, bán chiếu vậy!”.


     “Mùa tháng Chạp thì mình đi bán nhang đèn, bán thêm chiếu, còn ngày bình thường trong năm thì đi bán nhang và một số thứ lặt vặt như thúng, mũng, nong, nia… Bán nhiều thứ lắm nhưng chung qui nhang đèn vẫn là chủ lực, nó cho mình thu nhập từ 50 đến 70 ngàn đồng mỗi ngày”.

     “Mình trả tiền thuê phòng trọ, mỗi tháng 70 ngàn đồng mỗi người, 6 người thuê chung 1 phòng rộng 14 mét vuông. Để có cái chỗ mà tối về ngủ í mà!”.

     Một đồng nghiệp của chị Nguyện, năm nay 55 tuổi, kể thêm: “Tụi tui chủ yếu là dân Quảng Ngãi, đất Quảng Ngãi vốn khó khăn, eo óc, làm chẳng được gì nhưng được cái là gần miền Nam, nên rủ nhau vào miền Nam làm thuê, buôn bán nhỏ lẻ, làm đủ các công việc để mà tích lũy tiền mang về quê nuôi con cái”.

     “Ở quê hiếm khi có thu nhập ổn định lắm, mùa màng thì có thể bị thiên tai nuốt chửng, làm thuê thì cùng khó khăn với nhau, mấy ai trả công cho mình cao được. Còn đi làm công ty thì mình không có bằng cấp, chữ nghĩa, hơn nữa tuổi đã cao, làm sao mà đi làm, ai nhận mình!”.

"Đi bán nhang đèn đỡ bị công an rượt nhưng thu nhập thấp quá"

     “Đi bán nhang đèn đỡ cái chỗ ít bị công an rượt nhưng thu nhập thì thấp quá, trừ những ngày Rằm, Mồng Một ra, ngày còn lại bán để kiếm tiền duy trì cơm nước và chỗ ở thôi. Tiền gởi về nuôi gia đình hoàn toàn dựa vào những ngày lễ tôn giáo. Chứ ngày thường thì ốt lắm!”.

     “Thường thì người buôn bán dạo lẻ và người vô gia cư rất giống nhau, họ có thể bị công an xua đuổi bất kỳ giờ phút nào. Nếu gặp trời nắng mà bị đuổi thì không đến nỗi nào chứ gặp trời mưa mà bị rượt, nhang đèn mà ướt hết thì không có chỗ mà vứt, khốn nạn không ai bằng!”.

     Nói đến đây, chị quệt mồ hôi, chào tạm biệt chúng tôi và tiếp tục lên đường đi bán nhang, nhìn dáng đi nhỏ thó của chị, tiếng rao của một người đã trên “lục tuần tri thiên mệnh” yếu ớt và lọt thỏm giữa tiếng cộ xe, giữa những con hẻm, giữa dòng đời ngược xuôi bôn tẩu…

     Đi chưa đầy 20 phút, chúng tôi lại gặp một người bán nhang đèn, chiếu khác, tên Nguyệt. Chị Nguyệt cũng đã ngót nghét 50 tuổi, chồng chết sớm, để lại 2 đứa con nhỏ và 1 sào ruộng, không tài nào sống nổi với quê hương, chị bôn ba vào Sài Gòn kiếm sống bằng nghề bán nhang. Chị kể: “Nhang này mình lấy mối từ các cơ sở sản xuất ở Bình Định và Gò Vấp để bán”.

     “Thường thì lấy mối nhiều nơi để đủ các chủng loại nhang mà bán chứ lấy một chỗ khó bán lắm! Người thì thích nhang thơm nước hoa, người thì chê nhang loại đó, thích nhang thơm mùi trầm, người thì lại thích nhang thơm mùi cây bời lời, mỗi người mỗi ý thích. Cái chính là mình phải lục vụ tận tình và siêng năng để kiếm sống, vượt qua mọi thử thách, khổ đau. Thế thôi!”.

     Lại thêm một chữ “thế thôi” đầy tâm trạng và thân phận của lao động nghèo!

" gặp trời mưa mà bị công an rượt, nhang đèn mà ướt hết thì không có chỗ mà vứt, khốn nạn không ai bằng!”

Hồng Hạc,Lao Động Việt
chao@laodongViet.org

 GHI CHÚ: Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do (gọi tắt: Lao Động Việt, web: laodongViet.org) là liên minh của các tổ chức lao động trong và ngoài nước gồm: Phong Trào Lao Động Việt, Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông, Công Đoàn Độc Lập, và Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam.
- Hết-

0 nhận xét:

Đăng nhận xét