Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

PHONG CÁCH PHANXICÔ: BÀI 3. CON ĐƯỜNG THẬP GIÁ CỦA PHANXICÔ TRONG HỘI THÁNH


PHONG CÁCH PHANXICÔ

BÀI 3. CON ĐƯỜNG THẬP GIÁ CỦA PHANXICÔ

TRONG HỘI THÁNH

Tất cả các Thánh được Hội Thánh tuyên phong luôn có một điểm chung là các ngài rất yêu mến Hội Thánh nhưng lại phải chịu nhiều đau khổ vì Hội Thánh.
Thánh Jeanne d’Arc bị Giám Mục Beauvais Pierre Cauchon kết án dị giáo và bị tòa án tôn giáo thiêu sống khi ngài mới 19 tuổi vào năm 1431.
Năm 1782, Papa Piô VI đã ra tông sắc trục xuất Thánh Anphong ra khỏi Dòng Chúa Cứu Thế do chính ngài sáng lập. Lúc đó thánh nhân đã 86 tuổi. Ngài phải sống trong tình trạng bị trục xuất này cho tận tới khi qua đời vào năm 1781. Nhưng vào năm 1796, cũng chính Papa Piô VI đã khởi sự tiến trình phong Thánh cho Anphong khi tuyên phong ngài là “Đấng Đáng Kính” ( Venerable ).
Thánh Don Bosco bị đa số Linh Mục khác tại Turin ganh ghét, họ kết án ngài đã cướp mất giới trẻ tại các giáo xứ của họ. Họ cử ra hai Linh Mục thực hiện kế hoạch nhốt Don Bosco vào một nhà thương điên, nhưng bất thành.
Có khi chịu đau khổ vì Hội Thánh lại là số phận của ngay cả một dòng tu lớn trong một thời gian dài.
Năm 1773, Papa Clement XIV ( nhiệm kỳ 1769 – 1774 ), thuộc Dòng Anh Em Hèn Mọn Viện Tu ( Conventual Franciscan ), vì lý do chính trị hơn là vì thần học tín lý, đã ra tông sắc Dominus ac Redemptor ( Thiên Chúa và Đấng Cứu Độ ) giải thể Dòng Tên. Trong cuộc đời Thánh Anphong, bản thân ngài và các sĩ tử DCCT thường bị vu cáo là những Tu Sĩ Dòng Tên trá hình. Mãi cho đến 1814, tức 41 năm sau, Papa Piô VII mới ban hành tông thư cho phép Dòng Tên hoạt động trở lại. Đây là một vết thương rất lớn không những cho Dòng Tên mà còn cho toàn Hội Thánh.
Nhưng đúng 240 năm sau biến cố đáng tiếc này, vào ngày 28.2.2013, Hồng Y Đoàn, gồm toàn các chuyên gia Giáo Sử, chắc chắn các ngài không thể nào quên các sự kiện này, khi lần đầu tiên trong lịch sử đã chọn cho một Tu Sĩ Dòng Tên lên làm Giáo Hoàng. Đó là đương kim Papa Phanxicô của chúng ta. Khi chọn ngài làm Nhân Vật nổi bật nhất thế giới trong năm 2013, tạp chí Times có uy tín lớn trên thế giới, đã nhận định rằng ngài sẽ thay đổi Hội Thánh, và do đó cũng kéo theo thay đổi cả thế giới, không thua kém tầm mức của Papa Gioan-Phaolô II, nhân tố chính làm sụp đổ các chế độ và ý thức hệ Cộng Sản.
Hiện nay, các Jesuit ( Tu Sĩ Dòng Tên, ở Việt Nam thường gọi là Giêsu Hữu ) khi kỷ niệm 240 năm Dòng bị giải tán và 200 năm được khôi phục, đang cố gắng đào sâu ý nghĩa của các biến cố này để nhận ra ý muốn của Chúa trong ơn gọi của những người có vinh dự và trọng trách mang tên Giêsu.
Cuộc đời Phanxicô cũng không nằm ngoài thông lệ chịu đau khổ vì Hội Thánh.

Sau khi bị gia đình trục xuất, Phanxicô vẫn còn tha thiết với việc tái thiết nhà thờ San Damiano. Anh đi ăn xin và dùng đôi tay của mình để dựng lại đền thánh. Lúc đó anh vẫn chưa nhận ra “Nhà của Ta” mà Chúa muốn anh xây lại phải được viết hoa, là chính Hội Thánh, chứ không phải là ngôi đền thờ vật chất.
Trong nhiều ngôn ngữ Âu Châu, “nhà thờ” cũng có nghĩa là “Hội Thánh”. Trong tiếng Anh, church viết thường có nghĩa là nhà thờ, Church viết hoa có nghĩa là Hội Thánh. Tương tự, tiếng Pháp là église và Église, tiếng Ý là chiesa và Chisea, tiếng Tây Ban Nha là iglesia và Iglesia.
Tại Việt Nam, bộ máy tuyên truyền của Nhà Nước Cộng Sản cũng luôn dùng chữ “nhà thờ” khi muốn nói về “Hội Thánh”.
Chính quyền Xôviết tuyên bố về sự bình đẳng giữa nam và nữ, quyền tự do tín ngưỡng, quyết định nhà thờ tách khỏi nhà nước và trường học. Từ nay, tôn giáo và nhà thờ là việc riêng của các công dân, mọi đặc quyền của Nhà Thờ đều bị bãi bỏ.
( Nguồn: http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30684&cn_id=371471 )
Vào thời Phanxicô, thời nào cũng thế, nhất là thời nay, Hội Thánh luôn có rất nhiều tiêu cực từ bên trong và gặp đủ loại thế lực chống đối từ bên ngoài. Chắc chắn Phanxicô biết rất rõ điều này, nhưng anh không hề bao giờ muốn trở thành một nhà cải cách để thay đổi Hội Thánh. Anh chỉ luôn kêu gọi mọi người quay về với Chúa và tùng phục Hội Thánh.
Khi có người nêu trường hợp một Linh Mục đang sống chung với một phụ nữ và cho rằng như thế thì Thánh Lễ do ngài dâng đã bị ô uế, Phanxicô đã đi gặp vị Linh Mục này, quỳ gối xuống và hôn đôi tay của ngài. Anh cho rằng đôi bàn tay này vẫn đáng tôn kính vì được cử hành Thánh Thể. Hội Thánh vì là nhiệm thể Chúa Kitô, Đấng Vô Tì Tích, nên dù có nhiều bất toàn, Hội Thánh vẫn luôn luôn là Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ Trần Gian, mà Phanxicô muốn yêu mến hết lòng. 

NGUYỄN TRUNG ( Còn tiếp )
Theo EPHATA số 599


0 nhận xét:

Đăng nhận xét