Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Bản tin Lao Động Việt

Tiếp tục bắc cầu để người lao động mọi nơi mọi nghề nói lên tiếng nói của mình, lần này Lao Động Việt đến thăm nông nhân ở Quảng Nam, Bình Định, Huế.. đã nghèo lại còn bị nhà nước cướp đất.


 Nghề bán mặt cho đất, bán lưng cho trời

     Đối với người nông dân, mảnh ruộng mấy đời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời của họ là cuốn sổ lương hưu để tránh cái đói lúc tuổi già, nhưng gần đây, nhiều nông dân mất đất.
     Cô Tuyến, một nông dân ở Đại Lộc, Quảng Nam, chia sẻ: “Nhà tui có bảy người, những đứa con sinh sau khoán 10 năm 1995 đều chưa có ruộng, có thể chẳng bao giờ được chia ruộng, ba đứa con đầu và hai vợ chồng tui được chia mỗi người 400 mét vuông đất, làm không đủ ăn!”.

     “Trung bình, mỗi sào ruộng, một năm thu được một triệu đồng tiền lãi, năm sào, kiếm được cao nhất là năm triệu, bảy người, xài năm triệu trên một năm, ăn cách gì cũng đói. Chính vì vậy mà cả nhà phải đi làm thuê, bốc vác, lau nhà, nói chung là ai kêu gì mình làm nấy!”.
     Bà Tống, một nông dân đang sống ở Hương Điền, Thừa Thiên, Huế, cho biết: “Nhà tui có bốn người đang tuổi lao động, chồng tui bị bệnh tai biến não gần hai năm nay, nằm tại nhà, ba người làm nuôi hai người đi học, với mức thu nhập mỗi tháng chưa tới bốn trăm ngàn đồng, chia đều cho cả nhà, không tài nào sống nổi. Cũng may là nhờ vào đứa con đi làm công nhân khu công nghiệp, lương của nó được ba triệu đồng một tháng”.
     “Tui nghe nói mức lương này đối với công nhân là thấp, nhưng so với mức thu nhập nhà nông, nó cao hơn nhiều, dường như mọi thứ chi tiêu trong nhà là nhờ vào đứa con công nhân, nhất là tiền ăn học của hai đứa út”.

 "Con tôi đi làm osin nuôi các em"

     Đối với người nông dân ở phía Nam của miền Trung, câu chuyện đời sống của họ cũng chẳng may hơn chút nào. Ông Trần Hà, nông dân xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, Bình Định chia sẻ: “Tui có hai đứa con đang đi học cấp hai, một đứa đi làm osin ở Hàn Quốc, đứa làm osin phải chịu khổ, hy sinh mà gởi tiền về nuôi em ăn học, cả ba đứa con tui vốn học rất giỏi, nhưng hồi đó thủ tục xin công nhận hộ người nghèo nhiêu khê quá, tui thấy nhục quá mà cho con nghỉ học, nghĩ lại thấy đau lòng lắm!”.
     “Thử hỏi, mỗi năm, mỗi sào ruộng thu vào chưa được tám trăm ký lúa, với bốn sào ruộng, xấp xỉ hai ngàn rưỡi ký lúa, trong đó phân, thuốc, tiền máy cày, thuế thủy lợi chiếm hết gần một nửa, bán lúa ra được giá nhất thì bảy tám ngàn đồng một ký, bán tất tần tật được cùng lắm mười tám triệu, trừ ra hết, dư được chừng mười triệu đồng, mười triệu chi tiêu cho 12 tháng, 4 miệng ăn! Tui phải đi làm thuê đủ thứ, vợ tui phải đi bắt ốc bán kiếm thêm tiền mua bột nuôi heo…”.
     Ông Nguyễn Truyền, nông dân ở Phước Tuy, Phú Yên cho biết thêm: “Làm nông dân bây giờ chẳng có thứ gì là không nguy hiểm, mọi thứ đều phải dùng chất hóa học, sức khỏe không đảm bảo, đó là chưa nói đến chuyện có thể mất đất bất kỳ giờ nào nếu như có công trình sắp xây dựng ở đó”.
     “Mà với nông dân như tụi tui, mảnh ruộng là cuốn sổ hưu quan trọng nhất, nó đảm bảo khi về già không bị đói, bây giờ người ta thu đất, đền bù cho mình vài đồng, ăn được bao nhiêu ngày đây chứ? Tiền thì rớt giá liên tục, nguy cơ lắm!”.

 Nhà nước cướp sổ hưu của nông dân

"nhà nước thu hồi  đất, mỗi mét vuông 30.000 đồng, nhưng có trả 1 lần đâu, có khi 2 triệu, có lúc 5, cuối cùng tôi ra thân ăn mày!” - bà Hạnh, Quảng Trị
     Bà Hạnh, 70 tuổi, người Quảng Trị, lúc tuổi già bóng xế, độc thân, vẫn phải đi hái rau má, mót lúa và lượm ve chai để sống vì bị mất đất, tiền đền bù một sào ruộng không bao nhiêu đồng, nhà nước trả cho bà mỗi lúc một ít, bà chỉ đủ ăn và chữa bệnh trong một thời gian ngắn, cuối cùng phải đói, ra đường lang thang kiếm cơm.
     Bà nghẹn ngào kể: “Hồi đó đất thu hồi giá không bao nhiêu, mỗi mét vuông người ta trả cho tôi ba mươi ngàn đồng, tổng cộng tiền đền bù là hai mươi bốn triệu đồng, nhưng có trả một lần đâu, có khi đưa hai triệu, có lúc đưa năm triệu, cả mấy năm mới trả hết, cuối cùng mình dùng chữa bệnh và ăn cũng hết trơn. Bây giờ ra thân ăn mày!”.
     Hoàn cảnh rơi nước mắt như bà Hạnh không phải là ít trên đất nước này. Cuốn sổ hưu của người nông dân đang bị nhà nước cướp trên tay!

Hồng Hạc,Lao Động Việt
chao@laodongViet.org

 GHI CHÚ: Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do (gọi tắt: Lao Động Việt, web: laodongViet.org) là liên minh của các tổ chức lao động trong và ngoài nước gồm: Phong Trào Lao Động Việt, Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông, Công Đoàn Độc Lập, và Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam.
- Hết-

0 nhận xét:

Đăng nhận xét