LTCGVN (17.02.2014)
Sài Gòn – Tuần đầu tiên, sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán (từ ngày 10/2 đến ngày 14/2/2014), Văn phòng nhận được hồ sơ của Dân oan các Tỉnh, Thành phố: Nam Định, Đồng Tháp và An Giang.
1) Nam Định:
Ông Trần Hữu Thỉnh, địa chỉ liên hệ: P. 4, Quận 10, Sài Gòn: Ông tố cáo hành vi “đánh, bắt người trái pháp luật” của các công an xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định đối với nạn nhân Nguyễn Văn Hiền ở Đội 7- HTX Quần Liêu- Nghĩa Sơn, Nghĩa Hưng, Nam Định. Theo đơn tố cáo, các công an Thiện, Đô, Hiển đã vô cớ hành hung, dùng ma-trắc đánh gây thương tích, lột áo, giựt dây chuyền, cướp ví có tiền, giấy tờ… Sau khi nghiên cứu tài liệu (photocopy) do Ông Thỉnh gửi kèm theo, sơ bộ, Văn phòng chúng tôi có ý kiến:
a) Công an huyện Nghĩa Hưng đã có vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng hình sự trong việc giải quyết vụ việc. Cụ thể:
- Theo qui định Bộ luật Tố tụng Hình sự (“BLTTHS”), cơ quan CSĐT chỉ tiến hành điều tra sau khi có Quyết định khởi tố vụ án; trước đó, công an chỉ “kiểm tra, xác minh…” để quyết định “việc khởi tố hoặc không khởi tố”. (Điều 103, 104, 105, 108 và 119 BLTTHS). Chỉ sau khi khởi tố, phân công điều tra viên, tiến hành điều tra…, cơ quan CSĐT mới “kết thúc điều tra” và “ra bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc ra bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ vụ án” (khoản 1,2 Điều 162, Điều 163, 164 BLTTHS)…
- Thế nhưng, tại Bản kết luận điều tra số 31/KLĐT đề ngày 27/6/2012 (“Bản KLĐT số 31”), cơ quan CSĐT ca huyện Nghĩa Hưng đã vi phạm nghiêm trọng BLTTHS khi “thụ lý điều tra”, “tiến hành quá trình điều tra”, “kết thúc giai đoạn điều tra”… trong khi chưa ra quyết định khởi tố, chưa phân công Điều tra viên. Bản KLĐT số 31 (mục II, trang 2) nêu “…vì vậy không truy tố Hiền” trong khi chưa khởi tố vụ án, chưa khởi tố bị can, và không có “quyết định đình chỉ điều tra”. Ngược lại, đã “tiến hành điều tra”, “kết thúc giai đoạn điều tra”, đã “ra bản KLĐT”, cơ quan CSĐT lại “ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự…” (trang 3 Bản KLĐT số 31) là trái qui định.
b) Công an huyện Nghĩa Hưng đã thể hiện thiếu khách quan, thiên vị công an … trong giải quyết vụ việc:
- Tại Bản KLĐT số 31, cơ quan CSĐT nêu rõ “thụ lý điều tra vụ việc….chống người thi hành công vụ, làm nhục người khác và cố ý gây thương tích…”. Hành vị “cố ý gây thương tích” là do hai công an “đồng chí Phạm văn Thiện và Phạm văn Hiển” gây ra cho anh Hiền. Thế nhưng, tại Bản KLĐT số 31 chỉ nêu: “…thụ lý điều tra …đối với …Nguyễn Văn Hiền và Trần Văn Toản”. Không “thụ lý điều tra” vụ việc “cố ý gây thương tích” đối với hai “đồng chí Phạm Văn Thiện và Phạm văn Hiển” nhưng lại kết luận: “Hành vi gây thương tích của Phạm Văn Thiện và Phạm văn Hiển không cấu thành tội….”
- Bản KLĐT số 31- do quá trình xẩy ra vụ việc “anh em Hiền dùng điện thoại quay ghi hình” (trang 2), nên thừa nhận “lực lượng ca xã Nghĩa Sơn chưa thực hiện đúng qui trình công tác”…Vì vậy, cơ quan CSĐT ca huyện không khởi tố Toản về tội “chống người thi hành công vụ”…(trang 3), gián tiếp nhìn nhận những người này “không thi hành công vụ”. Nhưng ngay sau đó lại kết luận “không khởi tố” hai “đồng chí ca Thiện và Hiển” về tội “cố ý gây thương tích….trong khi thi hành công vụ”.
- Song song với Bản KLĐT số 31, ca huyện Nghĩa Hưng còn có văn bản số 222/CV-CAH cùng đề ngày 27/6/2012 gửi Anh Nguyễn Văn Hiền “trả lời Đơn Tố cáo” của Anh (“Văn bản số 222”). Văn bản số 222 này và Bản KLĐT đều do Đại tá Hoàng Công Thành ký, một với tư cách là Trường ca huyện và một với tư cách là thủ trưởng cơ quan CSĐT. Trước hết, văn bản số 222 này, vi phạm thời hạn “trả lời Đơn tố cáo” lên đến 180 ngày so với thời hạn chỉ là tối đa 60 ngày (khoản 2 Điều 103 BLTTHS). Văn bản số 222 xác định “trả lời đơn tố cáo” nhưng lại làm nhẹ đi khi nội dung lại nêu “ đơn đề nghị của anh Nguyễn Văn Hiền”. Văn bản số 222 và Bản KLĐT số 31 đều có những nhận định “ngớ ngẩn” bênh vựa công an như: “Vì vậy, tổ công tác đã sử dụng các biện pháp ngăn chặn là cần thiết…”, trong khi, “Các biện pháp ngăn chặn…” theo Điều 79 BLTTHS không có biện pháp nào là “cầm mũ bảo hiểm vất xuốngkhu mộ bên cạnh…”, “giằng co, vật lộn”, “dùng dùi cui vụt vào chân anh…”. Bản KLĐT số 31 nhìn nhận “thương tích của Anh Hiền” chỉ là “do vùng đầu”, và chỉ kết luận xảy ra “trong quá trình bắt giữ”. Còn Văn bản số 222 thì lại cho rằng “thương tích gây ra là cả do vùng đầu và do dùi cui quật”…nhưng lại cho rằng do “va đập đầu vào cạnh mộ xây”.
- Anh Hiền tố cáo bị “công an đánh, lột đồ, giựt dây chuyền, cướp ví…”. Bản KLĐT số 31 không thừa nhận đánh mà chỉ kết luận “cởi mũ bảo hiểm vứt xuống khu mộ bên cạnh” (?), không kết luận về “sợi dây chuyền”, nhưng lại kết luận về ví là”do Hiền tự cởi quần áo gây ra, vì vậy không có cơ sở điều tra, giải quyết”…Trong khi Văn bản số 222 thì thừa nhận sợi dây chuyền “đồng chí Phạm Quang Đô- P. ca xã nhặt được…Việc này, đồng chí Đô có trách nhiệm liên đới chịu trách nhiệm” mà không rõ là “trách nhiệm” gì?. Cả hai Bản KLĐT số 31 và Văn bản số 222 đều cho rằng “trước khi bị bắt, Anh Hiền tự cởi quần áo …chỉ mặc quần xịp” …(?)
Văn phòng hướng dẫn Ông làm lại Đơn Tố cáo với những nội dung phân tích trên gửi công an Huyện và Thanh tra công an Tỉnh Nam Định yêu cầu xem xét, giải quyết.
2) Đồng Tháp:
Bà Đỗ Thị Duy, Cao Lãnh: Bà “Nhờ Văn phòng can thiệp với địa phương: TT Mỹ Thọ, Huyện Cao Lãnh, …giải quyết đất đai theo luật pháp….để quyền lợi gia đình không bị thiệt thòi”. Vụ việc khiếu nại của Bà đã có Văn bản số 54/UBND-NC ngày 7/3/2008 của UBND Tỉnh. Văn phòng không rõ đến nay đã có những tình tiết gì thay đổi? Chúng tôi sẽ chủ động liên hệ với Bà để làm rõ một số chi tiết, trước khi có hướng dẫn cụ thể.
3) An Giang:
Bà Nguyễn Thị Dung, Phú Tân: Bà “yêu cầu chủ tịch UBND huyện Phú Tân – Huỳnh Thành Danh phải trả lại đất và bồi thường; vì lấy đất mà không có qui hoạch, không QĐ thu hồi, không bồi thường, không tuân thủ qui định pháp luật….để gia đình chúng tôi có sự sống và quyền con người”. Vụ việc của Bà đã có QĐ giải quyết của Tỉnh năm 2008. VP sẽ chủ động liên hệ với Bà để hướng dẫn.
Văn phòng Công lý & Hòa bình
Dòng Chúa Cứu Thế- Sài Gòn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét