LTCGVN (19.02.2014)
Sài Gòn- Như lời kêu gọi về việc ‘kỷ niệm Ngày Biên Giới Việt Nam 17-2’ được đưa ra cách đây vài ngày bởi nhóm No-U, lúc 9h ngày 16 tháng 2 tại tượng đài Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã diễn ra buổi tưởng niệm hàng vạn người hi sinh trong cuộc chiến tranh Biên giới năm 1979.
Chiến tranh Việt Nam – Trung Quốc, 1979 hay thường được gọi là Chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979 nổ ra vào ngày 17 tháng 2 năm 1979 khi Trung Quốc xua quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới trên bộ giữa hai nước.
Theo một chuyên gia nhận định với tờ Thanh Niên: “Kể từ sau khi VN và TQ bình thường hóa quan hệ (1991), hai bên dường như đều không muốn nhắc lại cuộc chiến này. Từ hơn 30 năm qua, cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc gần như không được nhắc tới.”
Tham dự trong buổi tượng niệm hôm 16/2 kể trên có đoàn nhân sĩ trí thức bao gồm TS. Nguyễn Quang A, TS. Nguyễn Xuân Diện, Cựu chiến binh Ngô Nhật Đăng, luật sư Dương Hà, nhà văn Võ Thị Hảo cùng các bạn trẻ thuộc nhóm No-U.
Tuy nhiên, trái ngược với bầu khí thành kính của buổi tưởng niệm, khuôn viên tượng đài Lý Thái Tổ đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho tổ chức buổi khiêu vũ trải quanh. Tiếng nhạc chát chúa, âm thanh hỗn độn, kèm theo một đống gỗ để làm sân khấu cũng gây cản trở không ít đến buổi tưởng niệm.
Bất chấp sự giải thích của một số người trong đoàn tưởng niệm rằng xin một vài phút để dâng hương nhưng nhạc vẫn mở chát chúa và nhóm nhảy vẫn nhảy.
Theo Đài Á Châu Tự Do nhận định, đây là “chiêu” mới của nhà cầm quyền Hà Nội nhằm để át những bài phát biểu, những tiếng hô khẩu hiệu của đoàn người tuần hành.
BBC tiếng Việt cũng dẫn lời bình luận của nhà thơ Đỗ Trung Quân, viết trên Facebook cá nhân về cảnh nhảy múa: “Nhảy nhót chả có gì sai, nhưng dàn trận để quấy rối những cuộc tưởng niệm đồng bào chiến sĩ trong ngày bọn xâm lược tấn công 35 năm trước thì trông hèn nhục.”
Theo thông tin mà VRNs có được, những người có mặt tại buổi tưởng niệm sau đó đã quyết định tuần hành vòng quanh khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm lúc 9h20 phút. Lúc 9h45 phút, đoàn tưởng niệm lên đến gần 300 người diễu hành đến khu vực Đền Ngọc Sơn thì dừng lại.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của một số thành viên tham gia trong buổi tuần hành, sự ôn hòa từ phía công an, an ninh trong suốt cuộc tuần hành cũng như việc lực lượng này chỉ nhắc nhở đoàn người không đi xuống lòng đường để tránh ùn tắc giao thông, là một dấu hiệu tích cực.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ VnExpress, sử gia Dương Trung Quốc cho biết: “cần tôn vinh với công lao và sự hy sinh của một thế hệ” trong cuộc chiến tranh biên giới Việt -Trung 1979.
Ông cũng nhấn mạnh rằng: “Đề cập cuộc chiến năm 1979 không phải để kích động hận thù mà là rút ra những bài học trách nhiệm với hoà bình. Một cuộc chiến chống xâm lược phải là niềm tự hào cần tôn vinh.” Bên cạnh đó, việc “Trung Quốc động binh ào ạt đánh chiếm các tỉnh biên giới phía Bắc, bài học rút ra là sự trưởng thành về nhận thức của người Việt Nam. Không thể ảo tưởng rằng có những giá trị cao hơn tinh thần và lợi ích dân tộc, đương nhiên không phải chủ nghĩa dân tộc cực đoan.”
Bạn đọc tunglyphoto cũng như nhiều bạn đọc khác bày tỏ: “Chúng ta cần tưởng nhớ và vinh danh các anh hùng liệt sĩ của ta đã ngã xuống trong trận chiến bảo vệ biên giới Tổ quốc này, để cổ vũ, khích lệ thêm về lòng tự hào dân tộc trong giới trẻ hiện nay.”
Sự xuất hiện ‘bất ngờ’ của nhóm nhảy đầm trước tượng đài Lý Thái Tổ trùng dịp kỷ niệm ‘ngày biên giới Việt Nam 17/2’ phải chăng đã mâu thuẫn với chính tâm tình phải có của những người con đất Việt ?
Liên tiếp sự kiện mâu thuẫn kể trên, Đại diện Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam vừa cho BBC tiếng Việt biết: Hội sẽ không tiến hành tổ chức đánh dấu 35 năm cuộc chiến tranh Biên giới Việt Trung (17/2/1979-17/2/2014) vì “điều kiện chưa cho phép”, nhưng kêu gọi các Hội viên tùy nghi tưởng niệm sự kiện.
Giáo sư Trần Đức Cường, Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, nguyên Viện Trưởng Viện Sử học nói: “Vì hiện nay chưa có điều kiện để tổ chức một hình thức tưởng niệm nào riêng của Hội Khoa học Lịch sử, chúng tôi động viên các Hội viên của mình tham gia trực tiếp vào các nơi, các địa phương, hoặc các lĩnh vực công tác mà họ đang đảm nhiệm.”
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Lao Động, Giáo sư Vũ Minh Giang, tuy với tư cách là một thành viên của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đã khẳng định: “Lễ tưởng niệm dự kiến sẽ được [Hội Khoa học lịch sử Việt Nam] tổ chức gắn với một hội thảo khoa học về đề tài này.”
Trong khi GS. Giang nhấn mạnh: “chúng tôi dự kiến không trọng quy mô, mà trọng chiều sâu, nêu đúng bản chất của vấn đề. Chủ trương của Hội Sử học là dứt khoát phải thể hiện quan điểm”, thì GS Cường lại cho rằng: Hội cần có đủ điều kiện “để tổ chức một hình thức tưởng niệm riêng [biệt].”
Thiện Đinh,VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét