Nếu như tháp Eiffel từng bị rao bán sắt vụn mà vẫn có người tin và bỏ tiền ra mua thì việc biến cầu Long Biên thành bảo tàng sắt vụn có thể thành hiện thực
1. Nếu như giới văn học nhìn cầu Long Biên như một nàng thơ kiều diễm thì dân nhiếp ảnh, kiến trúc sư nhìn cầu Long Biên như một tác phẩm đầy cảm hứng nghệ thuật.
Nếu như giới nghiên cứu văn hoá lịch sử nhìn cầu Long Biên như một di sản, một biểu tượng văn hoá thì người Hà Nội coi cầu Long Biên thân thương như một kỷ vật không thể đánh mất.
Tình yêu dành cho cầu Long Biên quá lớn đến nỗi trong tâm trí của họ, cây cầu-mối tình trăm năm, xuyên 3 thế kỷ ấy luôn đẹp đẽ, lung linh mà quên mất những vết thương bởi bom đạn và cả sự vô tình của thời gian đang bào mòn trên thân thể của nó.
Nếu các bạn cứ yêu kiểu như vậy thì xin đừng trách vào những ngày mưa phùn giá rét như mấy ngày qua, cầu Long Biên bỗng trở nên có giá trị thiết thực trong mắt…mấy bà đồng nát!
Dù rằng công trình tuyệt đẹp này đã trở thành một di sản kiến trúc của nhân loại khi từng là cây cầu lớn thứ 2 thế giới và hiện là một trong 4 công trình duy nhất có giải pháp thiết kế kiểu giàn treo, trong đó có tháp Eiffel.
Hãy nhìn thẳng vào hiện thực tàn nhẫn: “Người tình trăm năm” của các bạn đang vô tình “ngáng đường sắt, cản đường sông” trong một dự án hàng nghìn tỷ.
Trớ trêu thay, người nhìn thấu những vết thương tình yêu của các bạn lại chính là những người có khả năng sẽ hiện thực hoá suy nghĩ của các công ty…thu mua sắt vụn.
2. Tôi từng đến Paris 2 lần, như mọi du khách trên khắp thế giới đã đến Thủ đô hoa lệ này thì đều phải đến thăm tháp Eiffel. Nhưng tôi đã không thể kiên nhẫn mỏi chân hàng tiếng đồng hồ trong dòng người bất tận xếp hàng chờ đến lượt lên đỉnh ngắm Paris thơ mộng.
Mấy ai biết rằng, biểu tượng của Paris, mỏ vàng của ngành du lịch nước này đã từng được rao bán sắt vụn trong vụ lừa siêu đẳng nhất mọi thời đại. Năm 1925, Viktor Lustig đã đóng vai một quan chức chính phủ và gửi giấy mời đại diện 6 hãng chuyên thu gom sắt vụn tới gặp.
Tại cuộc gặp, Viktor thông báo tin mật rằng việc duy tu tháp Eiffel đòi hỏi khoản tiền quá lớn, Toà thị chính Paris không đủ sức gánh vác nên dự định sẽ bán làm sắt vụn. Sau cuộc đua ngầm với những khoản “đi đêm” lót tay hậu hĩnh, hãng thu gom sắt vụn của triệu phú Andre Poisson đã giành được hợp đồng. Viktor rời Paris với vali căng phồng tiền mặt.
Còn hãng đã trót bỏ tiền ra mua thì bị sốc và cảm thấy quá “mất mặt” nên đành nín lặng, không đệ đơn kiện kẻ đại bịp kia.
3. Sinh ra và lớn lên ở khu phố cổ Hà Nội, ngày ngày chứng kiến sự ra đi không trở lại của nhiều di sản ngàn năm bởi sai lầm của con người, vì thế tôi đã hạnh phúc đến choáng ngợp khi tiếp cận ý tưởng táo bạo của KTS Nguyễn Nga nhằm cải tạo cầu Long Biên: “Một không gian lớn sẽ được xây dựng dựa trên cấu trúc của cầu, với các quán cà phê, nhà hàng…Còn bãi giữa sông Hồng sẽ được cải tạo, đắp cao và kè bờ để quy hoạch thành “Công viên nghệ thuật””.
“Với 131 vòm cầu bằng gạch nằm dọc tuyến đường sắt dẫn lên cầu hiện bị bịt kín sẽ mở thông để tạo thành một dãy phòng triển lãm của các làng nghề thủ công nghệ thuật truyền thống, nhà hàng, cà phê hay dành cho nghệ sĩ và giới trẻ yêu hội hoạ, điêu khắc…và tháp nước phố Hàng Đậu trở thành bảo tàng…Một phố đi bộ xanh mang tên “Đại lộ Hoà Bình” nối liền những điểm văn hoá lịch sử của thủ đô dài 4 km cũng được đề xuất triển khai…”
Những ý tưởng táo bạo hoàn toàn khả thi đó (được phía Pháp sẵn sàng đóng góp tài chính) khiến tôi nhớ đến những lần rưng rưng đứng giữa Hội An, chứng kiến sự sinh động, hẫp dẫn và ấm áp của những đêm phố cổ mà cảm thấy xót xa Hà Nội của tôi. Ước gì…
4. Nếu như tháp Eiffel từng bị rao bán sắt vụn mà vẫn có người tin và bỏ tiền ra mua thì việc biến cầu Long Biên (được ví như tháp Eiffel nằm ngang) thành một bảo tàng sắt vụn khổng lồ, hoặc bị dỡ bỏ đi xây mới cũng có thể thành hiện thực.
Cả 3 phương án được Bộ GTVT đưa ra thì cái nào cũng xuyên thấu trái tim cây cầu thương yêu của bạn.
Một sớm người Hà Nội thức dậy không thấy cầu Long Biên chắc sẽ cảm thấy trống rỗng lắm, sẽ bàng hoàng như người Paris không còn thấy hình dáng tháp Eiffel in bóng trên trời xanh.
Cả Hà Nội thất tình!
Cái đẹp thường mong manh, cầu Long Biên không ngoại lệ khi phải nhiều lần đứng trước thử thách cam go của số phận.
Thật vậy, vẻ đẹp thường mong manh nhưng yêu thương còn mong manh hơn thế và khi thương yêu vỡ tan sẽ để lại những nỗi tiếc nhớ, day dứt khôn nguôi.
Qua biết bao thăng trầm, lần này có vẻ như là ván bài cuối cùng-ván bài của định mệnh.
Tình yêu của bạn, niềm tin của bạn với cây cầu ấy mạnh mẽ chừng nào?./.
Trà Xanh
Theo VOV online
0 nhận xét:
Đăng nhận xét