Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

PHONG CÁCH PHANXICÔ: BÀI 2 – THÀNH TÍCH PHANXICÔ ĐÍCH THỰC

LTCGVN (20.02.2014)

PHONG CÁCH PHANXICÔ
BÀI 2 – THÀNH TÍCH PHANXICÔ ĐÍCH THỰC
Bài 1 có sơ lược về thành tích Phanxicô. Nhưng liệt kê như vậy, có vẻ cũng không khác bao nhiêu kiểu đề cao thành tích của người đời.
Với những công lao, cống hiến, những giá trị đích thực của Nguyễn Trãi trong quá trình cứu nước và dựng nước, lịch sử Việt Nam đã tôn vinh ông là anh hùng cứu nước vĩ đại, nhà tư tưởng, chính trị, nhà chiến lược quân sự, nhà ngoại giao, nhà thơ, nhà văn, nhà sử học, nhà địa lý... với biết bao trước tác trên nhiều lĩnh vực phản chiếu lẽ sống, nhân cách và tài năng sáng tạo của ông. Năm 1980, ông được UNESCO công nhận là Danh Nhân văn hóa thế giới ( Trường Giang ).
Ta thường gặp một kiểu công thức cáo phó sáo mòn mỗi khi có một quan chức Nhà Nước qua đời đại để như thế này:

Ban Chấp hành... vô cùng thương tiếc báo tin: Đồng chí... do tuổi cao, sức yếu, mặc dù đã được tập thể các giáo sư, bác sĩ, nhân viên y tế gia đình hết lòng chăm sóc, đã từ trần. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đã được Huân chương, Huy hiệu… Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn đối với đất nước…
Bây giờ đã thành phổ biến việc mang vào đền thờ các nhà lãnh đạo Cộng Sản vô thần có nhiều thành tích chống tôn giáo nổi bật.
Ngày 18.1, trong chương trình thăm và làm việc tại tỉnh Hà Tĩnh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác của Trung Ương đã về dự lễ, cắt băng khánh thành Đền thờ cố Tổng bí thư Lê Duẩn tại tại huyện Cẩm Xuyên, một công trình văn hóa tâm linh có ý nghĩa tri ân công lao to lớn của cố Tổng bí thư Lê Duẩn, người lãnh đạo, người con ưu tú, kiệt xuất của quê hương miền Trung anh hùng ( Thanh Niên 18/01/2014 ).
Ngày 22.12, đền thờ đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Đồng Nai đã được khánh thành. Đền thờ được xây dựng trên diện tích 450m2, nằm bên bờ sông Đồng Nai, trong khuôn viên Nghĩa trang An Viên Vĩnh Hằng, thuộc xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Đền được xây dựng bằng gỗ, riêng phần tượng thờ làm bằng chất liệu composit. Cùng với tượng thờ đại tướng, đền còn có tượng của “thi tướng” Huỳnh Văn Nghệ, trung tướng Nguyễn Bình, thượng tướng Trần Văn Trà và thiếu tướng Nguyễn Thị Định ( Thanh Niên 11/02/2014 ).
Nhấn mạnh đến thành tích của mình còn chưa đủ. Ở Việt Nam, chủ nghĩa lý lịch còn đòi hỏi những người muốn đi học hay xin việc làm còn phải kê khai thành tích của của ông bà nội ngoại, cha mẹ cô dì chú bác. Điều này rất phổ biến trong giai đoạn sau 1975. Kèm theo đó còn phải chạy chọt đút lót. Thậm chí muốn xin cho con được chịu chức Linh Mục, một số gia đình dám bỏ hẳn ra vài cây vàng lo lót ( ngầm hiểu là sau đó sẽ gỡ vốn lại ).
Bây giờ, mỗi khi làm đơn xin việc, ai cũng phải kèm theo một cái résumé nhấn mạnh đến các thành tích học tập, kỹ năng ngoại ngữ vi tính, kinh nghiệm làm việc…
Ta cũng rất thường gặp cách ngưỡng mộ và đề cao công trạng ở trong Đạo, nhất là mỗi khi có một Giám Mục, Bề Trên Dòng Tu, hay Linh Mục nào đó qua đời…
Hướng đến ngày kỷ niệm 100 năm sinh nhật Đức cố Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình ( 1.9.1910 – 1.9.2010 ). Ngay từ tháng Năm 2010, Tòa Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận thành phố HCM ra thông cáo: “Thực hiện quyển sách về Đức Cố Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình” và mời gọi “quý cha, quý bề trên, quý tu sĩ và anh chị em Giáo Dân cùng đóng góp bài viết về Đức Cố Tổng Phaolô”. Thông cáo nêu rõ nội dung chính của công trình biên soạn này là “Phác thảo chân dung vị Tổng Giám Mục tiên khởi nhiều công trạng của Tổng Giáo Phận thành phố HCM.”
Công trạng đích thực của bất kỳ một ai được mời gọi đi theo Chúa Giêsu, nếu có, chỉ là công vác thập giá. Chúa Giêsu chỉ cứu độ trần gian qua thập giá của Người.
Từ năm 1975 cho đến 1995 là năm Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình qua đời, Hội Thánh Công Giáo Việt Nam, đặc biệt Tổng Giáo Phận Sàigòn, đã gặp nhiều vô cùng các gian nan thử thách, ngài đã phải chèo chống về mọi mặt để Hội Thánh được tồn tại và vươn lên. Không nhắc đến làm chi vô số Ơn Gọi Thánh Hiến bị ngăn trở. Có thêm một vị Tử Đạo là có thêm hạt giống Lòng Tin. Một ơn gọi bị cắt đứt sẽ nảy sinh ra nhiều ơn gọi khác. Không nói đến làm gì 2.000 cơ sở phục vụ xã hội của Hội Thánh bị chiếm đoạt. Hội Thánh không bao giờ đặt nền tảng của mình trên các cơ sở vật chất. Chúa Giêsu đã chỉ đặt Thánh Phêrô, một con người yếu đuối bồng bột, làm Đá Tảng cho Hội Thánh.
Ở đây, ta nhớ đến thân phận những con người làm nên Hội Thánh, họ là một số khá đông Giáo Sĩ, Tu Sĩ, Giáo Dân bị bạc đãi tù đầy vì Lòng Tin. Cụ thể trong số họ, có hiền đệ rất thân thương của ngài, Phó Tổng Giám Mục Sàigòn, Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, đi tù 13 năm, 1975 – 1988. Có lúc bị biệt giam trong xà lim tối tăm không hề có một tí ánh sáng nào, bị bỏ đói bỏ khát chung với các chất thải của mình. Lâu lâu có một cán bộ quản giáo, nói nôm na là cai tù, nhiều phen lại là một phụ nữ, mở cửa vào, lấy vòi nước tưới lên người ngài, như tắm cho một con vật, vừa tưới vừa chửi rủa thô tục, và tưới khắp phòng, như làm vệ sinh một chuồng súc vật.
Mỗi ngày ngài dùng ba giọt rượu và một giọt nước đổ vào lòng bàn tay để cử hành Thánh Thể. Khi không còn bị biệt giam nữa, buổi tối, khi ngài và các tù nhân khác đi ngủ, họ nằm sát nhau để cử hành Thánh Lễ, sau đó lén chuyền Thánh Thể cho nhau qua các tấm màn chống muỗi. Họ dùng bao thuốc lá để cất giữ Thánh Thể.
Trong những thập giá của cố Tổng Giám Mục Phaolô, có lẽ điều đau đớn lớn nhất là bị hoàn toàn cắt ly, không được đến thăm nuôi hiền đệ rất thân thương, Phó Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận. Có đi tù ở Việt Nam mới thấm thía được ý nghĩa của từ “thăm nuôi”. Mục đích chính của đến thăm là mang đồ tiếp tế để nuôi sống người tù…
Hàng trăm danh hiệu tôn vinh Mẹ Maria không được làm chúng ta quên rằng công trạng và sự cao cả đích thực của Mẹ, cũng như của tất cả các Thánh, đều ở chỗ kết hợp với thập giá Đức Kitô. Do đó, Mẹ Sầu Bi đích thực là Mẹ của mọi người tin.
Ông Simêôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” ( Lc 2, 34 – 35 ).
Do đó, trong kinh nguyện, Hội Thánh thấy rằng mình luôn luôn cần phải cậy dựa vào công nghiệp của Mẹ Maria và các Thánh, là những người đã kết hợp với thập giá sâu xa hơn ai hết.
Trong niềm hiệp thông của toàn thể Hội Thánh, chúng con muốn nhắc đến trước tiên Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của Đức Giêsu Kitô, Thánh Giuse, Bạn Người, các Thánh Tông Đồ và Tử Đạo, Thánh Phêrô, Thánh Phaolô, Anrê… và toàn thể các Thánh. Nhờ công nghiệp và lời chuyển cầu của các ngài, xin trợ giúp và che chở chúng con mọi nơi, mọi lúc. ( Lời nguyện Thánh Thể I ).
NGUYỄN TRUNG ( còn tiếp nhiều kỳ )
Theo EPHATA số 598

0 nhận xét:

Đăng nhận xét