LTCGVN (19.02.2014)
Cầu nguyện liên lỉ
Cầu nguyện là công việc cần thiết cho đời sống
tâm linh, giống như không khí và ẩm thực cần thiết cho sự sống về thể lý vậy.
Chúa Giêsu
đã căn dặn: “Anh em hãy canh thức và cầu
nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu
đuối” (Mc 14:38; Lc 22:40 & 46). Rõ ràng là việc cầu nguyện rất cần
thiết, không chỉ thi thoảng cầu nguyện mà phải cầu nguyện liên lỉ.
Khi các
tông đồ xin Chúa Giêsu dạy cầu nguyện, Ngài đã “mách nước” cầu nguyện là sử
dụng Kinh Lạy Cha (x. Mt 6:9-13). Tuy nhiên, chúng ta cũng phải lưu ý cách cầu
nguyện. Chúa Giêsu dạy: “Khi cầu nguyện,
hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi
kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều
là được nhận lời” (Mt 6:6-7).
Tuy nhiên, Chúa
Giêsu cũng cảnh báo chúng ta rằng đừng
giả hình khi cầu nguyện, như người Pha-ri-sêu “làm bộ đọc kinh cầu nguyện
lâu giờ” (Mt 23:14), nhưng lại “ngốn” hết những thứ khác của người khác. Cầu
nguyện chỉ tốt khi chúng ta cầu nguyện theo phong cách của Chúa Giêsu.
Thật vậy, Chúa
Giêsu đã lên núi một mình mà cầu nguyện (x. Mt 14:23). Cầu nguyện rất cần, cầu
nguyện là “sức mạnh” của con người vì khiến Thiên Chúa phải “mềm lòng”. Chúa
Giêsu đã xác định: “Tất cả những gì anh
em lấy lòng tin mà xin khi cầu nguyện, thì anh em sẽ được” (Mt 21:22).
Cầu nguyện
rất dễ dàng, chỉ cần hướng tâm hồn lên tới Chúa. Như vậy, cầu nguyện có thể
thực hiện bất kỳ lúc nào, bất kỳ nơi nào, bất kỳ tư thế nào. Thánh Phaolô nhắn
nhủ: “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc
gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10:31). Tại sao cần
cầu nguyện? Giáo lý Công giáo “định nghĩa” sự cầu nguyện và cũng là cách giải
thích: “Cầu nguyện Kitô giáo là mối tương
quan giao ước giữa Thiên Chúa và con người trong Đức Kitô” (số 2564). Mối
tương quan đó làm tăng mức độ sống trong chúng ta hằng ngày.
Chúa Giêsu không ngừng cầu nguyện.
Khi cho La-da-rô sống lại, Ngài thân thưa: “Lạy
Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con” (Ga 11:41). Đây là vài cách
cầu nguyện điển hình cần áp dụng hằng ngày:
– Lạy Chúa, xin dạy bảo con về
đường lối của Ngài (Tv 25:4).
– Lạy Chúa, xin thương xót con vì
con là kẻ có tội (Lc 18: 13).
– Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì
con là kẻ tội lỗi! (Lc 5:8).
– Lạy Chúa, này con đây, con đến để
thực thi ý Ngài (Dt 10:7 & 9).
– Lạy Chúa, con kêu lên cùng Chúa,
xin Ngài mau đến phù trợ con. Xin lắng nghe lời con, khi con kêu lên Ngài. Xin
canh giữ miệng con, và trông chừng lưỡi con. Xin đừng để lòng con nghiêng về sự
dữ, đừng để con làm điều ác với bọn gian tà (Tv 141:1, 3-4).
– Xin canh giữ miệng con, lạy Chúa,
và trông chừng lưỡi con. Xin đừng để lòng con nghiêng về sự dữ, đừng để con làm
điều ác với bọn gian tà (Tv 141:3-4).
Cầu nguyện không đơn thuần chỉ là cầu xin, mà còn là
tạ ơn. Không chỉ cầu nguyện cho mình mà còn phải cầu nguyện cho người khác. Rất
nhiều lý do để tạ ơn, nói tóm lại là vì “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình
thương” (Tv 100:5; Tv 106:1; Tv 107:1; Tv 118:1-4, 29; Tv 136:1-12).
Có lẽ không ai đau khổ cùng cực
bằng Thánh Gióp, trung thành tôn thờ Thiên Chúa nhưng ông vẫn bị “trắng tay”
mọi thứ, thế nhưng ông vẫn chúc tụng Chúa: “Thân
trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban
cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Đức Chúa!” (G 1:21). Tấm gương
sáng chói để chúng ta soi mình thật kỹ!
Chúa Giêsu đã cầu nguyện không
ngừng, nhất là trong những lúc nhân tính yếu đuối, Ngài đã phải thốt lên: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi
phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26:39).
Ngài tiếp tục thân thưa: “Lạy Cha, nếu
con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng Ý Cha” (Mt
26:42). Đặc biệt là đỉnh cao cô đơn: “Lạy
Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27:46; Mc 15:34).
Nhân tính là thế, chắc chắn phàm
nhân chúng ta còn tệ hơn thế. Tuy nhiên, Chúa Giêsu vẫn yêu thương nồng nàn,
hải hà thương xót. Ngài cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34).
Quá đỗi cao thượng vì Ngài xin tha cho chính những kẻ xấu nhẫn tâm hành quyết
Ngài. Thế nên Ngài mới bắt buộc chúng ta yêu thương, yêu thương không chỉ với
người bình thường mà còn phải yêu thương kẻ thù (Mt 5:38-48; Lc 6:27-35). Nếu
không yêu kẻ thù thì chúng ta cũng chẳng hơn gì người ngoại giáo hoặc các tgg
khác, nghĩa là không xứng đáng mang danh
là tín hữu Công giáo.
Cuối cùng, trước khi trút hơi thở
cuối cùng, Chúa Giêsu cũng cầu nguyện: “Lạy
Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23:46). Lời cầu nguyện này
cần được sử dụng liên tục, nhất là trước khi đi ngủ mỗi tối. Cầu nguyện liên lỉ
là dấu chỉ tốt lành, để có thể nói như Thánh Phaolô: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể
hiện nơi Đức Kitô Giêsu” (Rm 8:39).
Cầu nguyện liên lỉ là dấu chỉ Thiên
Chúa đang thương xót, như tác giả Thánh Vịnh cảm nhận: “Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì hãy còn có Chúa đón nhận con” (Tv
27:10). Thật vậy, chính Thiên Chúa cũng đã xác định: “Cho dù cha mẹ có quên con cái mình, thì Ta cũng chẳng quên ngươi bao
giờ” (Is 49:15).
TRẦM THIÊN THU
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét