LTCGVN (20.02.2014)
Giáo Hoàng của những người Tin Lành (Pope of the Evangelicals) là tiêu đề cuả một bài xã luận của ông Micheal Wear, cựu cố vấn tranh cử cho Tổng Thống Obama trong chương trình tranh cử Liên Tôn gọi là Values Partnerships.
Bài viết đã được đăng trên bản tin On Faith (cuả tờ báo The Washington Post) và tờ báo The Christian Post vừa mới đăng lại trên trang đầu ngay trong ngày lễ Valentine vừa qua.
The Christian Post là một tờ báo uy tín cuả Tin Lành có trụ sở tại Washington DC, New York, San Francisco và nhiều quốc gia khác như Indonesia, Singapore, và Mexico. Vị chủ tịch đương nhiệm là William L. Wagner, từng làm phó chủ tịch cuả Southern Baptist Convention (Liên Hiệp các hội thánh Baptist Miền Nam). Trong số cộng sự viên người ta thấy có nhiều nhân vật danh giá như muc sư Billy Graham, Charles Colson, R. Albert Mohler, Jr. ..
Tuy rằng quan điểm cuả tác giả không nhất thiết là đồng điệu với người Công Giáo chúng ta, nhưng chúng tôi cũng xin được lược dịch bài viết này để cống hiến cho qui độc giả một cái nhìn về những ý nghĩ hiện thời cuả xã hội bên ngoài:
Giáo Hoàng của những người Tin Lành
MICHAEL WEAR, CP OP-ED CONTRIBUTOR
Ngày 14 tháng Hai, 2014
Trong một thế giới hậu thế tục và hậu Kitô giáo ở Mỹ, người ta đã tưởng rằng xã hội không còn có thể có được những bậc vĩ nhân trên hai lãnh vực tôn giáo và trên bình diện quốc tế được nữa. Thế mà lại xuất hiện một vị Giáo Hoàng Phanxicô - người từng chỉ được biêt đến một cách mơ hồ là Tổng Giám Mục Jorge Mario Bergoglio - đã trở thành một ngôi sao sáng chói giống như một ngôi siêu sao nhạc rock mà người ta đã nghĩ là không còn có thể có trong môi trường tôn giáo. Đức Thánh Cha Phanxicô đã tạo được một cử toạ rộng lớn, thân thiện tại Hoa Kỳ, và người Công Giáo Mỹ đã tìm thấy một niềm hy vọng mới cho Giáo Hội của họ.
Mặc dù người Tin lành không thích thú gì trước sự nở rộ của Giáo Hội Công Giáo, nhưng thực ra những người Tin lành vẫn có thể dự phần vào sự thành công và vào sức quyến rũ của Ngài (ĐTC Phanxicô). Sự cất cánh tung bay cuả hiện tượng Phanxicô cho thấy rằng, trong thế kỷ mới này, người Kitô giáo vẫn có thể có một sự hiện diện và có thể gây tác động đến đời sống công cộng của Mỹ.
Sức quyến rũ cuả giáo hoàng Phanxicô dựa vào phương cách tiếp cận cuả Ngài là nhắm vào việc mục vụ, bao gồm những người khác biệt, và sự khiêm tốn về chức vụ giáo hoàng. Ngài né tránh không xử dụng các đặc quyền thế tục giống như những vị tiền nhiệm, thí dụ, Ngài chọn một tủ quần áo đơn giản và một chỗ ở và một chiếc xe ít sang trọng. Ngài tiếp cận nhiều người một cách bất ngờ như việc Ngài rửa chân cho một cô gái Hồi giáo, gặp gỡ và ăn cơm với những người vô gia cư và những người sống bên lề xã hội, Ngài cho nhà báo vô thần Eugenio Scalfari phỏng vấn, khuyến khích các bà mẹ cho con bú trong nhà thờ, và nói năng cách khiêm tốn khi đề cập đến chủ đề linh mục đồng tính.
Nhưng có lẽ điểm nổi bật đã trở thành định nghĩa cuả triều đại Phanxicô vẫn là cách lãnh đạo về mục vụ của Ngài. Đây là một người đặt ưu tiên lên việc làm thế nào để cho người ta trải nghiệm sự sống đạo, và Ngài hiểu được rằng học thuyết mà không có kinh nghiệm thực tế thì rất là giới hạn. Sự thay đổi về nhận thức này đã được chính Ngài mô tả rõ ràng như sau:
Điều mà Giáo Hội đang cần là khả năng chữa lành vết thương và hâm nóng trái tim của các tín hữu, Giáo Hội cần sự gần gũi, tiếp cận. Tôi coi nhà thờ như là một bệnh viện dã chiến sau một cuộc giao tranh. Thật là vô ích mà hỏi một người bị trọng thương rằng họ có độ cholesterol cao bao nhiêu và độ đường trong máu ra sao! Bạn cần chữa vết thương của họ đã. Rồi sau đó chúng ta có thể nói về tất cả mọi thứ khác.
Tấm gương lãnh đạo của Ngài, mặc dù không phải là chưa từng có, đã đánh trúng vào yếu huyệt cuả nhiều người Mỹ từng có nhiều hoài nghi về đức tin. Và do đó, sau nhiều thập kỷ suy giảm, người Công Giáo Mỹ đang bắt đầu cảm thấy có một làn gió thuận thổi ở sau lưng.
Trong lúc Giáo Hoàng Phanxicô đang thành công giúp người Công Giáo tìm lại vị thế cuả họ trong thế kỷ XXI, thì những người Tin Lành đang cảm thấy rằng họ dần dà bị mất chân đứng. Cái xu hướng về tôn giáo trong thập kỷ vừa qua là "sự trỗi dậy của những người không tin" ( "rise of the nones," ) là những người không có tôn giáo nào cả. Đại đa số những người Tin lành (71%) cảm thấy rằng tự do tôn giáo ở Hoa Kỳ sẽ bị hạn chế hơn trong năm năm tới. Bảy mươi hai phần trăm người Tin Lành tin rằng đức tin đang mất dần ảnh hưởng ở Mỹ. Người Tin Lành cảm thấy họ bị áp lực trên tất cả mọi lãnh vực: nhân số, tinh thần, chính trị, và văn hóa.
Chỉ mới 50 năm trước, John Kennedy (Công Giáo) đã buộc phải đảm bảo với những người theo đạo Tin Lành ở Mỹ rằng ông sẽ không tìm kiếm lời khuyên từ Vatican nếu ông làm tổng thống. Thế mà ngày nay, nhiều người Tin Lành lại đang nhìn đến tấm gương cuả Giáo Hoàng Phanxicô để tìm kiếm một lối đi cho họ trong quốc gia mới này.
Ngài cống hiến một mô hình truyền giáo thú vị mà một số thế hệ Tin Lành trẻ đang học cách áp dụng trên một quy mô nhỏ hơn, với nhiều mức độ khác nhau, một cách âm thầm. Người ta có thể nhìn thấy ngay trong đường lối lãnh đạo cuả Jim Daly của nhóm Focus on the Family, là tập trung sự chỉ đạo vào nhiệm vụ cốt lõi là phát triển các vấn đề về gia đình thay vì hoạt động như là một tổ chức vận động chính trị. Hay như cuả Russell Moore, tân chủ tịch ủy ban Đạo Đức và Tự Do Tôn Giáo cuả Liên Hiệp Baptist Miền Nam (Southern Baptist Convention's Ethics & Religious Liberty Commission), chú trọng nhiều hơn đến hy vọng và sự cam kết toàn diện. Nhiều làn sóng của các tổ chức Kitô giáo mới cuả thế kỷ XXI như những chương trình Q, Catalyst, Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo toàn cầu Willow Creek (Willow Creek Global Leadership Summit), Hội đồng Công Lý (the Justice Conference), và những tổ chức khác cũng đang tìm cách đối diện với những thách thức của ngày hôm nay bằng những phương pháp sáng tạo hơn và thanh nhã hơn. Người ta cũng tìm thấy phương pháp tiếp cận cuả Ngài được băt chước bời các blogger và các nhà văn Kitô giáo, tức là tranh biện những vấn đề đang gây tranh cãi với một tinh thần tự giác và suy tư chứ không còn là công kích hay ném bom vào địch thủ.
Những loại người Tin Lành mới mạnh mẽ tin rằng, đức tin kiểu mù quáng theo lối bè phái cuả các thế hệ trước đã vĩnh viễn gây tổn thương cho Giáo Hội cuả họ. Câu hỏi mà họ đang thử nghiệm qua các công việc của họ, và (cũng là) câu hỏi cốt lõi của giáo triều Phanxicô, đó là liệu rằng một sự bao dung hơn, mục vụ hơn, và khiêm tốn hơn có đủ để duy trì một tiếng nói Kitô giáo mạnh mẽ trên thị trường cạnh tranh giữa các ý tưởng ở Mỹ không.
Đức Thánh Cha Phanxicô một phần nào đã có sẵn một ưu thế là được tổ chức của Hội Thánh hỗ trợ trên nhiều phương diện quan trọng. Trong một quốc gia mà việc chỉ trích giáo lý Kitô giáo trở thành công khai hơn bao giờ hết, thì những nghi lễ và lịch sử của Giáo Hội Công Giáo cung cấp một lời nhắc nhở về truyền thống của đức tin. Ngay cả nhiều người Tin Lành trẻ cũng cảm thấy họ đang cần có lời nhắc nhở này và đã tham gia một số nhà thờ đặt nghi lễ phụng vụ lên hàng đầu.
Nhưng một số điểm mạnh của Công Giáo không dễ dàng áp dụng cho người Tin Lành trong quang cảnh chính trị văn hóa hiện tại. Ví dụ, người Tin Lành vì nhấn mạnh đến khả năng của cá nhân có thể giải thích Thánh Kinh, đã làm cho nhiều quan điểm cuả họ, dù là có gốc tích vững vàng trong lịch sử, trở thành chủ quan và không cần thiết đối với người bên ngoài, trong khi đó thì người Công Giáo có thể dựa vào lịch sử và vào những thành quả đã đạt được bằng những giá đắt đỏ cuả Giáo Hội từ trước. Người Công Giáo lại có một học thuyết xã hội, được thể chế hóa qua nhiều thông điệp và tông huấn, và được xây dựng lên qua nhiều thiên niên kỷ.
Cuối cùng, bởi vì Giáo Hội Công Giáo có một người lãnh đạo rõ ràng, cho nên một sự thay đổi lãnh đạo có thể cung cấp một cơ hội tự nhiên để "sửa đổi nhãn hiệu" và sửa chữa lối đi trong phong cảnh văn hóa. Còn các giáo phái Tin Lành, vì ít thứ bậc và ít ảnh hưởng lên trên các thành viên, thì việc lãnh đạo có vẻ như là ở trong một thị trường bị sứt mẻ. Nhìn dưới một con mắt lạc quan nhất thì điều này có thể tạo điều kiện cho phép các ý tưởng nổi bật được mau chóng thăng tiến lên cao, nhưng nó cũng tạo ra điều kiện cho một nạn phân hoá và, trớ trêu thay, vì thiếu một cơ cấu thống trị, bất kỳ một nỗ lực 'tự làm lại mình' nào cũng đều trở thành chậm trễ.
Sự nổi lên của hiện tượng Phanxicô làm cho người Tin Lành tưởng tượng đến sự nổi lên cuả chính họ một cách dễ dàng hơn. Chúng ta cần lưu ý rằng cảm tình cuả công chúng Mỹ dành cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô không phải là kết quả của một sự đồng quan điểm giữa Ngài và cuả họ. Đây là một giáo hoàng đang thúc đẩy việc truyền giáo cho những người ngoài Kitô giáo, đang tìm cách duy trì quan điểm của Giáo Hội trên nhiều vấn đề khác nhau, từ việc truyền chức linh mục cho nữ giới cho đến vần đề hôn nhân và phá thai, và là một người rõ ràng, hoàn toàn sống trong tình yêu với Chúa Giêsu.
Không biết tuần trăng mật giữa người Mỹ và vị Giáo Hoàng này sẽ còn kéo dài được bao lâu. Đã có, một số tiếng nói đặt câu hỏi liệu rằng cách tiếp cận cuả Đức Phanxicô là có đủ không, hoặc học thuyết Công Giáo sẽ có thể làm suy giảm sự ngưỡng mộ rộng rãi với Đức Giáo Hoàng hay không. Một số những người theo dõi tôn giaó đã có một cảm giác lo ngại, một loại linh cảm rằng những yếu tố giáo lý không được lòng dân cuối cùng sẽ bắt kịp với vị Giáo Hoàng. Tuy nhiên, cho tới nay thì hy vọng vẫn còn dẫy đầy. Qua một năm giáo hoàng của Ngài, người Mỹ đã dọn một phòng cho một vị Giáo Hoàng khiêm tốn, bao dung, và mục vụ này. Và trong khi Ngài vẫn còn tiếp tục truyền cảm hứng cho người Mỹ, thì người Tin Lành vẫn còn có một sự tự tin là vẫn còn một chỗ ở cho họ trên đất nước này.
Trần Mạnh Trác
VietCatholic
0 nhận xét:
Đăng nhận xét