Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

PAPA DƠI PHANXICÔ


LTCGVN (21.02.2014)

PAPA DƠI PHANXICÔ

Có nhiều danh hiệu chính thức dành cho Đức Thánh Cha được liệt kê trong Annuario Pontificio ( Niêm giám chính thức Tòa Thánh ):
Bishop of Rome
Giám Mục Rôma
Đại diện Chúa Giêsu Kitô. Đây là danh xưng chính thức của Giáo Hoàng trong Niên Giám Tòa Thánh.
Tông Đồ trưởng
Supreme Pontiff of the Universal Church
Thủ Lĩnh tối cao Hội Thánh toàn cầu
Primate of Italy
Giáo Chủ nước Ý
Tổng Giám Mục toàn cõi Rôma
Quốc Trưởng quốc gia Vatican
Đầy tớ các đầy tớ của Thiên Chúa
Vicar of Peter
Đại diện Thánh Phêrô
Tín hữu Công Giáo toàn cầu thường cung kính gọi các ngài là Holy Father ( Cha Thánh ). Ở đây không có ý nói làm Giáo Hoàng tức là Thánh. Chỉ duy nhất một mình Thiên Chúa tự bản chất là Thánh Thiện. Tuy nhiên một người, một nơi chốn hay đồ vật tiến dâng cho Chúa cũng có thể gọi là Thánh. Sách Sáng Thế 28, 16 nói rằng nơi Thiên Chúa hiện ra là nơi Thánh. Trong Xuất Hành 19, 6, Thiên Chúa nói với dân Israel qua Môsê: “Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân Thánh”. Sách Lêvi 10, 17 còn gọi là “Thánh” ngay đến một con dê khi bị mang đi sát tế cho Thiên Chúa.
Sau khi Chúa Giêsu chịu khổ nạn và phục sinh, các Kitô hữu tiên khởi luôn gọi chính mình và gọi lẫn nhau là các “vị thánh” được Thiên Chúa mời gọi để chỉ thuộc về Người ( Rm 1, 7 ). Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em, vì có lời Kinh Thánh chép: Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh ( 1 Pr 1, 16 ).
Vì chúng ta là Dân Thánh của Thiên Chúa, và Dân Thánh cũng chính là Hội Thánh, nên vị đứng đầu Dân Thánh cũng được gọi là Cha Thánh, không phải vì ngài luôn thánh thiện, nhưng chính vì Đức Kitô đã chết cho ngài và cho Hội Thánh mà ngài đang dẫn dắt trên đường lữ hành trần gian.

Tuy nhiên, tuyệt đại đa số tín hữu toàn cầu, đặc biệt đối với những người ngoài Công Giáo, thường chỉ quen gọi các Giáo Hoàng một cách tuy vẫn tôn kính nhưng lại thân mật gần gũi là Papa ( theo tiếng Latinh, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha ), Pope ( theo tiếng Anh ), Pape ( tiếng Pháp ), Papst ( tiếng Đức ). Tất cả những chữ này đều có cùng nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp là πάππας tức pappas, là tiếng một đứa trẻ gọi cha nó một cách rất thân thương trìu mến, tương đương như trong tiếng Việt là “tía, cha, ba, bố…” Từ tương đương với Papa trong tiếng Aramaic mà Chúa Giêsu sử dụng là Abba, dành cho một đứa trẻ nhỏ gọi cha nó, vừa có nghĩa tôn kính vừa có nghĩa thân mật âu yếm. Chính Chúa Giêsu đã sử dụng từ này “Abba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” ( Mc 14, 36 ).
Thánh Phaolô khẳng định, phải nhờ ơn Thánh Thần, người tin mới thốt lên được tiếng đó: "Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: Abba, Cha ơi !" ( Rm 8, 15 ). "Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Abba, Cha ơi !" ( Gl 4, 6 ).
Papa, danh xưng tôn kính và thân mật dành cho Giáo Hoàng, thì lại không có trong Niên Giám Tòa Thánh nhưng lại luôn được chính các vị Giáo Hoàng sử dụng kèm theo tông hiệu. Giáo Hoàng Phaolô VI luôn ký tên là Paulus PP. VI. Chữ PP ở đây là viết tắt của Papa.
Bản thân Giáo Hoàng Phanxicô cũng luôn tự gọi mình là Papa Phanxicô. Ngày 4.1.2014, truyền thông thế giới ồ ạt đưa tin vào đêm Giao Thừa 2013 – 2014, Papa Phanxicô đã gọi điện thoại chúc mừng năm mới tới cộng đoàn Nữ Tu Cát Minh tại Lucena, Tây Ban Nha. Vì các chị đang cầu nguyện vào lúc điện thoại reo, nên ngài phải để lại tin nhắn: "I am Pope Francis, I wish to greet you in this end of the year, I will see if I can call you later. May God bless you ! – Đây là Papa Phanxicô, xin chúc mừng nhân dịp tất niên, sẽ gọi lại sau. Xin Chúa chúc lành cho các chị.”
Vì tiếng mẹ đẻ của Papa Phanxicô là tiếng Tây Ban Nha, chắc chắn rằng khi gọi điện thoại cho các Nữ Tu tại Tây Ban Nha, ngài đã sử dụng tiếng Tây Ban Nha. Đây là những lời bằng tiếng Tây Ban Nha ghi lại trong tin nhắn: Soy el papa Francisco, quiero saludarlas en este fin de año. Veré si más tarde las puedo llamar. Que Dios les bendiga”, dijo el Pontífice. Chú thích thêm: Soy el papa Francisco: Tôi là Papa Phanxicô. Trong tiếng Tây Ban Nha, el papa ( Giáo Hoàng ), không bao giờ được viết hoa.
Nguồn theo tiếng Tây Ban Nha: http://www.youtube.com/watch?v=KoTyqkqEBXI
Bản tin này còn minh họa bằng hình Papa Phanxicô mừng sinh nhật 77 tuổi của mình cùng với một nhóm người homeless.
Danh xưng Papa đã có từ đầu thế kỷ thứ 3. Ban đầu tất cả các giám mục đều được gọi là Papa. Giáo Hoàng Marcellinus ( nhiệm kỳ 296 – 304 ) là vị đầu tiên chính thức dùng danh xưng này cho chính mình. Giáo Hoàng Gregory VII ( nhiệm kỳ 1073 – 1085 ) quy định Papa chỉ được dành riêng cho Giáo Hoàng.
Riêng tín hữu Công Giáo Việt Nam xưa nay thường gọi các ngài là Đức Thánh Cha hay Đức Giáo Hoàng. Truyền thông nhà nước có khi gọi là Giáo Hoàng hay Giáo Chủ Thiên Chúa Giáo. Điều này chẳng có gì là không đúng. Tuy nhiên, dễ làm vơi đi tính cách thân mật gần gũi của một vị Cha Chung đối với con cái trong Hội Thánh, cũng như dễ làm cho người ngoài ngộ nhận ngài như là một vị hoàng đế của một tôn giáo, và được người Công Giáo xếp ngang hàng với Đức Phật, Đức Khổng Tử, Đức Hộ Pháp, trong khi bản chất đích thực của Giáo Hoàng không là gì khác hơn “Đầy tớ của các đầy tớ của Thiên Chúa” ( Servus servorum ).
Tại sao cả thế giới từ hàng ngàn năm nay luôn gọi các Giáo Hoàng là Papa, các vị đó cũng luôn tự gọi mình là Papa, mà người Việt Nam không thể gọi như thế ? Ai đó cho rằng gọi như thế là bất kính thì chưa hiểu rõ ý nghĩa của Papa. Tuy là tiếng Latin nhưng lại rất giống chữ “ba” trong tiếng Việt. Một đứa trẻ ở Việt Nam cũng hiểu được “Papa” nghĩa là “ba”. Tôi cho rằng người Việt Nam không phân biệt tôn giáo và tín ngưỡng cũng có thể gọi các ngài một cách tôn kính và thân mật theo đúng với từ gốc La Tinh và Hy Lạp là Papa ( tạm dịch là Cha già kính yêu ). Ngôn ngữ Việt nằm ngoài hệ ngôn ngữ Ấn-Âu ( Indo-European ), rất khó tìm ra một từ thuần Việt tương đương khả dĩ chấp nhận được. Chúng ta vẫn quen dùng các từ theo nguyên gốc như Amen, Olympic, Halloween, Valentine, Kitô. Riêng Kitô được phiên âm trực tiếp từ tiếng Hy Lạp Χριστός tức là Khristós, tiếng Latin là Christus, tiếng Pháp, Anh là Christ.
Ngày 4.12.2013, danh hài Stephen Colbert, đã tài tình sáng chế ra một danh xưng mới rất thu  phục nhân tâm dành cho Papa Phanxicô vì ngài thường vi hành ra ngoài điện Vatican vào ban đêm để gặp gỡ những người cùng khổ. Ông gọi ngài là Batpope, tức là Papa Dơi, dựa theo truyện hình rất nổi tiếng Batman ( Người Dơi ) của họa sỹ Bob Kane và nhà văn Bill Finger. Nhân vật Batman có đặc điểm thường xuất hiện vào ban đêm để trừ gian diệt bạo. Trong các phim do người đóng, Batman thường nói chuyện với ông quản gia do tài tử lừng danh Morgan Freeman đóng. Mà  Morgon còn nổi tiếng hơn vì thường thủ vai Thiên Chúa trong nhiều bộ phim khác. Papa Phanxicô cũng thường nói chuyện với Thiên Chúa. Do đó, đây là cách bố cục tìm ra điểm tương đồng để tấu hài và gọi Papa Phanxicô là Papa Dơi của danh hài Stephen Colbert.
Điều này chứng tỏ thời đại chúng ta đã được Thiên Chúa rất ưu ái gởi đến một Cha già kính yêu rất đặc biệt, có sức thu hút và cảm hóa nhân tâm rất lớn. Các tạp chí xưa nay thường đả kích Hội Thánh về những tiêu cực không thể tránh khỏi về mặt nhân sự như Times chuyên về chính trị và kinh tế, Rolling Stone chuyên về văn nghệ và chính trị đã không ngần ngại đưa Papa Phanxicô làm hình bìa các số đặc biệt. Tờ Times còn bình chọn ngài là Nhân Vật nổi bật nhất trong năm 2013. Thậm chí ngay như tờ People, một loại báo lá cải chuyên bới móc đời tư phóng túng của các tài tử ca sĩ và người nổi tiếng để câu độc giả, cũng phải đưa hình và tin về Batpope, Papa Dơi, một cách hết sức trân trọng. Hình đính kèm chụp Papa Phanxicô hòa đồng rất thân thương với các bạn trẻ đăng trên tạp chí People số 30.12.2013.

NGUYỄN TRUNG, 
Theo EPHATA 598

0 nhận xét:

Đăng nhận xét