Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

Tình Mẫu Tử (Lễ Mẹ Thiên Chúa)

LTCGVN (01.01.2014)

Tình Mẫu Tử

(Lễ Mẹ Thiên Chúa)

Tình Mẫu Tử luôn kỳ diệu, không ai có thể hiểu hết. Thiên Chúa đã trao cho phụ nữ một thiên chức cao cả: Làm Mẹ. Đứa con dù tật nguyền, xấu xí, tội lỗi, thậm chí là xử tệ với mình, nhưng người mẹ vẫn hết lòng vì con đến nỗi có thể xả thân mình để con được an toàn. Tất nhiên người cha cũng thế, nhưng người cha thâm trầm nên thường ít được nhắc tới. Ca dao Việt Nam ví von:

Công Cha như núi Thái Sơn
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ Mẹ kính Cha
Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con

Công ơn cha mẹ khôn ví, thế nên người con cũng phải có bổn phận với song thân và hết lòng vì các ngài, vậy mới xứng đáng mang danh con người. Trong kinh Tâm Địa Quán của Phật giáo cũng có nói về công ơn cha mẹ và bổn phận con cái đối với song thân phụ mẫu:
Ân cha lành cao như núi Thái
Đức mẹ hiền sâu tợ biển khơi
Dù cho dâng trọn một đời
Cũng không trả hết ân người sanh ta
Bổn phận làm con phải biết hiếu kính với cha mẹ đã được thấm nhuần từ xa xưa của tổ tiên ông bà để lại cho ngày nay. Thiên Chúa cũng đề cao thiên chức làm cha và làm mẹ. Chính Chúa Giêsu cũng đã nêu gương hiếu thảo trong suốt cuộc đời Ngài khi làm người trên dương thế.
Nói theo quan niệm con người, nếu xét về Âm Dương tức Trời Đất, thì người Cha Dương và người Mẹ Âm, giống như ngày và đêm hài hòa Âm Dương, hoặc nói cách khác, nếu không có Thiên Địa (Trời Đất) thì không thể con người. Thật vậy, nếu không nhờ “cha sinh, mẹ dưỡng thì chúng ta không thể hiện hữu trên cõi đời này. Còn nói về tâm linh, chính Thiên Chúa mới là Tạo Hóa, là Đấng tác tạo chúng ta: “Đức Chúa, Đấng tạo thành ngươi, Đấng cứu chuộc ngươi, Đấng nắn ra ngươi từ khi ngươi còn trong lòng mẹ” (Is 44:2 & 24).

Ngày xưa, Đức Chúa phán với ông Môsê: “Hãy nói với A-ha-ron và các con nó rằng: Khi chúc lành cho con cái Ít-ra-en, anh em hãy nói thế này: “Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em! Chúc như thế là đặt con cái Ít-ra-en dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng” (Ds 6:23-27).

Đó là lời chúc bình an dành cho những người con hiếu thảo của Thiên Chúa. Người cha và người mẹ là con cái của Thiên Chúa, những người con vừa là con cái của Thiên Chúa vừa là con cái của cha mẹ phần đời. Bất cứ người con nào ngoan ngoãn và hiếu thảo đều được Thiên Chúa chúc lành.

Con người quá yếu đuối và dễ kiêu ngạo, làm gì cũng phải nhờ ơn Chúa, không có Ngài thì chúng ta chẳng làm được gì, sảy một giây thôi thì chúng ta lại sa ngã ngay, vì thế mà luôn phải cầu nguyện: “Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con, cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài” (Tv 67:2-3).

Tác giả Thánh vịnh mơ ước, và cũng phải là mơ ước của chúng ta: “Ước gì muôn nước reo hò mừng rỡ, vì Chúa cai trị cả hoàn cầu theo lẽ công minh, Người cai trị muôn nước theo đường chính trực và lãnh đạo muôn dân trên mặt đất này” (Tv 67:5-6). Đó cũng là một cách truyền giáo, là thể hiện lòng tín thác vào Thiên Chúa và sống đức tin Kitô giáo. Niềm vui khôn tả khi được tôn thờ và xưng tụng Thiên Chúa, nhưng niềm vui đó không chỉ dành riêng cho mình mà còn phải lan tỏa sang mọi người: “Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa, chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài. Nguyện Chúa Trời ban phúc lộc cho ta! Ước chi toàn cõi đất kính sợ Người!” (Tv 67:7-8).

Thời gian đang tới hồi viên mãn, nghĩa là chúng ta đang sống trong thời cánh chung. Thánh Phaolô nói: “Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4:4-5). Ngôi Hai Thiên Chúa đã mặc xác phàm, làm con một phụ nữ, ở giữa chúng ta, và cũng theo luật pháp của một đất nước như chúng ta. Thật may mắn và hạnh phúc cho chúng ta biết bao, vì Chúa Giêsu làm như vậy là coi chúng ta vừa là con cái vừa là huynh đệ.

Thật vậy, Ngài đã chứng thực chúng ta là con cái, như Thánh Phaolô giải thích: “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Áp-ba, Cha ơi!” (Gl 4:6). Chúng ta chỉ là những tội nhân khốn nạn, thế mà được quyền gọi Thiên Chúa là Cha. Còn vinh dự nào hơn? Còn hạnh phúc nào bằng? Vì thế, chúng ta “không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa” (Gl 4:7). Quả thật, không còn ngôn từ nào để diễn tả hết ý nghĩa và cũng chẳng có cách nào để có thể tạ ơn Thiên Chúa một cách trọn vẹn.

Được có cha mẹ, làm con cái của người phàm mà cả đời chúng ta còn chưa đủ để đáp đền công ơn đó, huống chi đối với Thiên Chúa, Đấng không chỉ đã ban cho chúng ta cả hồn lẫn xác, mà còn nhận chúng ta là con cái và chấp nhận kiếp người để cứu độ chúng ta.

Thánh sử Luca kể vắn tắt: “Các mục đồng hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2:16). Đơn giản chỉ có vậy, nhưng khi họ thấy thế, họ đã tin Hài Nhi nằm trên máng cỏ kia thực sự là Con Thiên Chúa, và rồi họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Họ đã truyền giáo, đã sống tinh thần Phúc âm.

Mục đồng là những người chăn chiên thuê, ít học, chân chất, có sao nói vậy, không biết “buôn chuyện”, không biết “đặt điều” hoặc khoác lác. Thế nên khi nghe họ thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Lạ là những người này cũng tin, chắc chắn lời kể của các mục đồng kia phải toát lên sự chân thật.

Còn Đức Maria chẳng biết nói gì hơn, chỉ “ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:19). Trái tim người mẹ luôn nhạy bén, linh tính người mẹ cũng rất chính xác, Đức Mẹ biết rõ Con Trẻ Giêsu ngày mai sẽ thế nào.

Các người chăn chiên ra về, họ quá đỗi vui mừng, đến nỗi họ “vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ” (Lc 2:20). Các mục đồng thật là được đại phúc, vì được tận mắt nhìn thấy Con Thiên Chúa, được “nựng” Chúa Hài Đồng, nhưng họ còn có phúc hơn vì họ đã thật lòng tin Em Bé Giêsu đang ngọ nguậy kia là Vương Nhi giáng sinh từ Trời, là Thiên Tử đích thực.

Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì theo quốc luật Israel, Cô Maria và Chú Giuse đã đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu, đúng tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.

Thiên chức làm mẹ cao cả nhưng cũng đầy gian khổ, người mẹ nào cũng đã từng mắt lệ nhạt nhòa vì con mình, dù đứa con đó là trai hay gái. Trong mắt mẹ, đứa con nào cũng vẫn còn bé bỏng, đúng như thi sĩ Chế Lan Viên (Phan Ngọc Hoan, 1920-1989) đã cảm nhận về Tình Mẹ qua bài thơ “Con Cò”, với hai câu đầy ý nghĩa:

Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con

Tình Mẫu Tử thật kỳ diệu, chúng ta có đi hết cuộc đời cũng không thể đi hết những lời mẹ ru… Có mẹ và còn mẹ, thật là hạnh phúc; mất mẹ, thật là bất hạnh!

Ngày lễ Mẹ Thiên Chúa cũng là Ngày Hòa bình Thế giới. Hòa bình luôn là niềm khao khát cháy bỏng của mọi người, dù lương hay giáo: Hòa bình trong tâm hồn, hòa bình trong gia đình, hòa bình trong các mối quan hệ, hòa bình trong cộng đồng, hòa bình giữa các quốc gia, hòa bình giữa các tôn giáo,… Muốn có hòa bình thì cần tôn trọng công lý, và đó mới là niềm hạnh phúc với sự bình an đích thực.

Lạy Thiên Chúa chí minh và chí thiện, xin giúp chúng con biết thảo hiếu với cha mẹ đúng như Thánh Luật Ngài; xin nâng đỡ các bậc sinh thành trong thiên chức cao cả mà Chúa đã trao; xin ban cho chúng con nền hòa bình đích thực qua việc thể hiện công lý. Chúng con cầu xin nhân Danh Chúa Hài Đồng, Đấng Thiên Sai cứu độ chúng con. Amen.


TRẦM THIÊN THU

Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét