Đừng lo!
Mồng Một Tết Nguyên Đán – cầu bình an)
Một năm đã cũ qua, một năm mới vừa tới. Đó là quy luật tự nhiên bất
biết muôn thuở, vì cái gì cũng có hai “điểm” – khởi sự và kết thúc. Cả hai
“điểm” đó đều là Chúa: “Ta là An-pha và
Ô-mê-ga, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng” (Kh 22:13).
Mồng Một Tết là ngày cầu bình an
cho năm mới. Khởi đầu cuộc đời, khởi đầu công việc, khởi đầu hôn nhân, khởi đầu
sự nghiệp,… đặc biệt là khởi đầu năm mới. Tất cả những cái khởi đầu đều làm
người ta cảm thấy lo – lo đủ thứ, đủ kiểu, đủ mức độ. Lẽ tất nhiên, vì chúng ta
không thể chủ động, không biết tương lai ra sao. Thời gian là của Chúa. Vì vậy
mà người ta cần và phải tín thác vào Chúa. Đó là sống khôn ngoan!
Tại giáo xứ Thánh Gioan Chrysostom ở
Inglewood (California, Hoa Kỳ) có một chiếc đồng hồ lớn. Trên chiếc đồng hồ đó
có khắc chữ “Tempus Fugit” – La ngữ nghĩa là “thời giờ trôi qua”. Thật là chí
lý! Cũng giống như người Việt chúng ta nói: “Thời
giờ thấm thoắt thoi đưa, nó đi đi mãi có chờ đợi ai”. Và hôm nay, mồng Một
Tết, Thiên Chúa động viên mỗi chúng ta: “ĐỪNG
LO!” (Mt 6:34).
Mùa Xuân chỉ là một phần của thời
gian. Xuân đến rồi Xuân lại đi. Tác giả Thánh Vịnh xác định: “Chính Ngài vạch biên cương cho cõi đất,
thời hạ, tiết đông, cũng chính Ngài thiết lập” (Tv 74:17).
Sau mùa Đông giá lạnh là mùa Xuân
ấm áp, mọi vật đều biến đổi, khác lạ, y như được hồi sinh từ cõi chết vậy. Lạ
lắm, đúng như sách Diễm Ca (2:11-12) mô tả, đơn giản mà tinh tế và khéo léo:
Tiết Đông giá lạnh đã
qua
Mùa mưa đã dứt, đã xa
lắm rồi
Sơn hà nở rộ hoa tươi
Và mùa ca hát vang
trời về đây
Tiếng chim gáy hót mê
say
Văng vẳng cả ngày trên khắp đồng quê
Mùa Xuân là mùa khởi đầu một năm
mới, cái vẻ “mới lạ” của mùa Xuân khiến chúng ta nhớ tới việc sáng tạo của
Thiên Chúa từ thuở hồng hoang. Khoảng thời gian đó được Kinh Thánh cụ thể hóa
là sáu ngày, và thêm một ngày nghỉ nữa là thành một tuần.
Ngày thứ tư trong công trình khai
thiên lập địa, Thiên Chúa phán: “Phải có
những vầng sáng trên vòm trời, để phân rẽ ngày với đêm, để làm dấu chỉ xác định
các đại lễ, ngày và năm. Đó sẽ là những vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi
mặt đất” (St 1:14-15). Tức thì đã xảy ra như vậy.
Kinh Thánh tường thuật chi tiết: “Thiên Chúa làm ra hai vầng sáng lớn: vầng
sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm; Người
cũng làm ra các ngôi sao. Thiên Chúa đặt các vầng sáng trên vòm trời để chiếu
soi mặt đất, để điều khiển ngày và đêm, và để phân rẽ ánh sáng với bóng tối.
Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp” (St 1:16-18). Ngày để làm việc, đêm để nghỉ
ngơi. Thiên Chúa đã tạo cơ hội thuận lợi để chúng ta có thể cân bằng cuộc sống,
nhờ đó mà làm việc có hiệu quả cao nhất. Xin tạ ơn Chúa Tể càn khôn!
Cuộc sống luôn có những nỗi lo,
không nhiều thì ít, không to thì nhỏ, chẳng ai có thể vô tư. Ngay cả người điên
cũng có nỗi lo riêng của họ, thậm chí người sống thực vật cũng lo – vì họ não
và tim của họ vẫn hoạt động, tức là vẫn sống. Thật vậy, cứ mở mắt ra là thấy lo
rồi. Tuy nhiên, lo là lẽ thường tình của nhân sinh, nhưng đừng lo quá, vì chúng
ta “không thể làm cho một sợi tóc hóa trắng hay đen” (Mt 5:36). Việc nhỏ như
vậy còn chưa làm nổi kia mà! Do đó, tác giả Thánh Vịnh nhắc nhở chúng ta
“thoát” ra khỏi cái “vỏ ốc yếu đuối” của mình: “Cứ tin tưởng vào Chúa và làm điều thiện thì sẽ được ở trong đất nước
và sống yên hàn. Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn, Người sẽ cho được phỉ chí
toại lòng. Hãy ký thác đường đời cho Chúa, chính Người sẽ ra tay” (Tv 37:4-5).
Không chỉ vậy, Chúa còn làm cho
chúng ta hơn vậy nữa: “Chính nghĩa bạn,
Chúa sẽ làm rực rỡ tựa bình minh, công lý bạn, Người sẽ cho huy hoàng như chính
ngọ” (Tv 37:6). Tuy nhiên, chúng
ta phải chú ý đến “chính nghĩa” (lẽ phải, sự thật) và “công lý” (công minh,
chính trực). Tức là phải nghiêm túc, rạch ròi, thẳng thắn, chứ đừng “bẻ cong”
hoặc “bóp méo”. Không dễ đâu đấy, thế nên phải can đảm mới khả dĩ thực hiện.
Tác giả Thánh Vịnh bày tỏ: “Chúa giúp con người bước đi vững chãi, ưa
chuộng đường lối họ dõi theo. Dầu họ có vấp cũng không ngã gục, bởi vì đã có
Chúa cầm tay. Từ nhỏ dại tới nay tôi già cả, chưa thấy người công chính bị bỏ rơi, hoặc dòng giống phải ăn mày
thiên hạ. Ngày ngày họ thông cảm và cho mượn cho vay, dòng giống mai sau hưởng
phúc lành”(Tv 37:23-26). Mấy câu này làm sáng tỏ mấy câu trên. Rất lô-gích!
Sống tốt thì người ta an vui, hy vọng
cũng làm người ta vui, và càng an tâm hơn nếu người ta biết phó thác tất cả cho
Chúa. Thánh Phaolô kêu gọi: “Anh em hãy
vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi
người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi
hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt
Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện” (Pl 4:4-6). Sống tín thác cũng
là sống “con đường thơ ấu” của Thánh Hoa Hồng Nhỏ Tê-rê-xa Hài Đồng.
Đây là hệ quả tất yếu dành cho
những ai sống tín thác: “Bình an của
Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em
được kết hợp với Đức Kitô Giêsu” (Pl 4:7). Thánh Phaolô nhắn nhủ thêm về
các đức tính cần thiết để sống tốt lành và đạo đức: “Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là
chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt,
những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý” (Pl 4:8).
Chính xác và rõ ràng nhất là lời
khuyên của Đại sư Giêsu: “Đừng lo cho
mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống
chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?” (Mt 6:25).
Một câu nghi-vấn-xác-định thật độc chiêu quá chừng!
Chúa Giêsu biết chúng ta yếu đuối,
chưa đủ tin, nên Ngài phải “dài hơi” giải thích và đưa ra chứng cớ minh nhiên: “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không
gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em
lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo
dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm
gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không
làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua
Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (Mt
6:26-29). Chúng ta có thực sự tâm phục khẩu phục chưa?
Ngài nhấn mạnh: “Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã
quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi
những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay
mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời
thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước
hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả
những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6:30-33). Với sức con người thì khó
lắm, nhưng với niềm tín thác, chúng ta sẽ làm được nhờ Đức Giêsu Kitô.
Cuối cùng, Chúa Giêsu vừa động viên
vừa khuyến cáo khi Ngài xác định: “Anh em
đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai,
cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6:34).
Giờ đây, ngay giây phút đầu tiên
của mùa Xuân, khi hòa chung niềm vui mừng của muôn loài và cùng nhau ăn Tết, mỗi
người chúng ta hãy ghi nhớ và chân thành thề hứa với Chúa: “Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở
muôn đời” (Tv 145:2).
Lạy Chúa, chúng con tin kính và yêu mến Ngài, xin giúp chúng con thể
hiện niềm tin yêu đó qua động thái yêu thương tha nhân, hôm nay và mãi mãi. Đó
là TÌNH XUÂN của chúng con, và chúng con muốn chia sẻ với tha nhân, nhất là
những người chưa có thể tận hưởng ngày Xuân trọn vẹn vì lý do nào đó – tội
nhân, bệnh tật, mồ côi, ưu sầu, chia ly, tù đày, nghèo khổ, bị ruồng bỏ, bị
phản bội,… Xin Chúa thương ban an bình cho mọi người. Chúng con cầu xin nhân
danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người và cứu độ chúng con, hiệp nhất
với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.
TRẦM THIÊN THU
==================
Uống nước nhớ nguồn
(Lễ Mồng Hai Tết – cầu cho Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ)
Mồng Hai Tết là ngày cầu cho tiền nhân, những người
đã “ra đi” trước chúng ta, mang tính cách cầu hồn. Tuy nhiên, dù cầu nguyện cho
những người đã khuất bóng, nhưng lại vẫn liên quan chuyện hiếu nghĩa – tức là
liên quan những người thân còn sống với chúng ta dịp Xuân này. Hãy nghe Thánh
Phaolô nói: “Ai không chăm sóc người
thân, nhất là người sống trong cùng một nhà, thì đã chối bỏ đức tin, và còn tệ
hơn người không có đức tin” (1 Tm 5:8). Cách so sánh thật “mạnh” khiến
chúng ta phải “giật mình”.
Nói đến hiếu nghĩa, nhiều người
ngoại giáo thường nghĩ rằng đạo Công giáo không cho thờ kính tổ tiên. Đúng và
sai. Đúng vì “không ai được thờ kính (tôn thờ) bất kỳ thụ tạo nào” (Xh 20:3; Xh
34:14; Đnl 4:35; Đnl 4:39; Đnl 5:7; Đnl 32:39), kể cả tổ tiên, nhưng họ nghĩ
sai vì Công giáo không chỉ “cho phép” (được) mà còn “bắt buộc” (phải) kính nhớ
tổ tiên, các thân nhân và người có công trạng. Đúng như tục ngữ Việt Nam nói: “Uống nước nhớ nguồn”. Như vậy, đừng vội
“kết án” Công giáo khi chưa hiểu rõ!
Cổ thư nói về đạo hiếu rất hay, tất
nhiên cũng phù hợp với tinh thần Kitô giáo: “Hiếu
hữu tam: Đại hiếu tôn thân, kỳ thứ phất nhục, kỳ thứ năng dưỡng”. Nghĩa là “Đạo
hiếu có ba điều: Hiếu lớn nhất là tôn
vinh cha mẹ, hai là không làm nhục
cha mẹ, ba là có thể phụng dưỡng cha
mẹ”.
Liên quan đạo hiếu vào dịp Tết,
chúng ta nhớ tới chuyện An Tiêm: Vào đời Hùng Vương, ở một vùng quê cách xa
kinh đô Phong Châu, có một cậu bé mồ côi thường theo người lớn đi săn thú và
đánh cá. Năm tám tuổi, cậu được lên kinh đô gặp vua Hùng. Thấy cậu thông minh,
nhà vua nhận làm con nuôi và đặt tên là Mai An Tiêm.
Vua Hùng cưới vợ cho An Tiêm và cho
cả hai vợ chồng đi phá rừng, làm rẫy trồng trọt. Chỉ ít lâu sau, An Tiêm đã
dựng được nhà cửa và gặt được nhiều thóc lúa chứa đầy kho. Thấy thế, bọn người ghen
tị tâu nịnh với vua vì cho rằng An Tiêm coi thường ơn vua. Vua Hùng giận lắm,
không cần tìm hiểu thực hư ra sao, và đày hai vợ chồng ra hoang đảo.
Cây ngay không sợ chết đứng, vì
“người công chính được Chúa độ trì” (Tv 37:17). Ở hoang đảo, có con chim trắng bay
tới làm rơi hạt đen xuống bãi cát trắng. An Tiêm đem trồng thử hạt này. Chúng
mọc thành những dây bò lan trên mặt cát. Cây có nhiều trái màu xanh thẫm to
bằng đầu người. An Tiêm hái một trái đem về cho cả nhà ăn thấy ruột đỏ mà ngọt,
lại có nhiều nước. Loại trái “xanh vỏ, đỏ lòng” đó chính là trái dưa hấu.
Bài học về chữ hiếu: Dù bị Phụ
vương đày ra hoang đảo, nhưng An Tiêm vẫn giữ trọn đạo hiếu với cha, không hề
trách hờn ai. Về sau, vua Hùng hối hận và phục chức cho An Tiêm.
Và chắc hẳn nhiều người (tuổi trung
niên trở lên) còn nhớ sách “Nhị Thập Tứ Hiếu”, tác phẩm văn học của tác giả
Quách Cư Nghiệp, kể lại gương hiếu thảo của 24 người con đời nhà Nguyên (Trung
Hoa). Chính tác giả cũng là người con chí hiếu.
Sách Huấn Ca dạy: “Hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha
ông của chúng ta qua các thế hệ” (Hc 44:1). Đồng thời xác nhận: “Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia
tài quý báu đó là lũ cháu đàn con. Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao
ước; nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành. Dòng dõi các ngài sẽ muôn
đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài được mồ yên mả đẹp
và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế” (Hc 44:10-14). Do đó, nhân dân sẽ “kể
lại đức khôn ngoan của họ và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen họ” (Hc 44:15).
Thánh Vịnh ca tụng những thành quả
của gia đình: “Hạnh phúc thay bạn nào
kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. Công khó tay bạn làm, bạn
được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may. Hiền thê bạn trong cửa trong nhà
khác nào cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn, xúm xít
tại bàn ăn” (Tv 128:1-3). Tuy nhiên, phúc lộc đó không phải ai cũng có
được: “Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho
kẻ kính sợ Người” (Tv 128:4). Đúng nhu Chúa Giêsu đã nói chắc: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”
(Ga 15:5).
Thánh Phaolô phân tích lý do mà con
cái phải tuân giữ đạo hiếu: “Kẻ làm con,
hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính
cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và
hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6:1-3). Tuy nhiên, không phải là làm lớn
thì có thể làm láo, là cha mẹ thì có thể độc đoán, muốn làm gì thì làm, mà cũng
phải tuân giữ nghiêm luật và thể hiện tình yêu thương đúng nghĩa: “Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái
tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa
dạy” (Ep 6:4).
Cuộc sống đời thường và tâm linh
đều có những điều phức tạp, cần phải biết kết hợp và cân bằng. Thánh Phaolô
nói: “Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy
dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Để được như vậy,
anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh. Anh em cũng
hãy cầu xin cho tôi nữa, để khi tôi mở miệng nói, thì Thiên Chúa ban lời cho
tôi, hầu tôi mạnh dạn loan báo mầu nhiệm của Tin Mừng; tôi là sứ giả của Tin
Mừng này cả khi tôi đang bị xiềng xích. Anh em hãy cầu xin cho tôi để khi rao
giảng Tin Mừng, tôi nói năng mạnh dạn, như bổn phận tôi phải nói” (Ep 6:18-20).
Về đạo hiếu, sách Huấn Ca nhắc nhở
những người con: “Cha con, con hãy hết
lòng tôn kính, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn
dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng?” (Hc
7:27-28). Và Công đồng Vatican II dạy: “Con
cái sẽ đáp lại công ơn cha mẹ với lòng biết ơn, tâm tình hiếu thảo và tin cậy,
sẽ theo đạo làm con mà phụng dưỡng cha mẹ trong nghịch cảnh cũng như trong tuổi
già cô quạnh” (Hiến chế Gaudium et Spes
– Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Ngày nay, số 48).
Hãy ghi nhớ và noi theo tấm gương
tột đỉnh: Dù là Ngôi Hai Thiên Chúa, nhưng khi mặc xác phàm và làm con trong
một gia đình, Chúa Giêsu đã chu toàn bổn phận làm con với cha mẹ trong suốt 30
năm (x. Lc 2:51-52).
Không chỉ vậy, Chúa Giêsu còn có
phong cách hoàn toàn không giống ai khác. (Mt 15:1-6
Một hôm, có mấy người Pha-ri-sêu và
mấy kinh sư từ Giêrusalem đến gặp Đức Giêsu và nói: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay
khi dùng bữa?” (Mt 15:2). Đúng là lũ người xấu bụng, chuyên thọc gậy bánh
xe, thích phá rối, ưa gài bẫy, chuyên gia sử dụng loại phần mềm về “dấu trừ” và
“dấu chia”, chứ không rành (hoặc không thích) sử dụng “dấu cộng” và “dấu nhân”.
Chọc vào ổ kiến lửa thì sẽ “đỏ
người”, chọc tổ ong vò vẽ thì “sáng mắt” ngay thôi. Họ vừa hỏi xong, Chúa Giêsu
liền trả lời một hơi: “Còn các ông, tại
sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên
Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha
mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ
phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa’. Như thế,
các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa” (Mt 15:4-6).
Tất nhiên là họ chỉ có nước ngậm bồ
hòn và im như thóc thối. Ai bảo ngu dốt mà lại chảnh, dám vênh váo “ta đây”,
muốn chứng tỏ mình là “ngon” lắm! Thùng càng rỗng càng kêu to, kêu càng to càng
mau… xẹp. Phải thế mới đáng đời bè lũ Pha-ri-sêu hèn nhát!
Lạy Thiên Chúa, chúng con chúc tụng Ngài là Chúa Tể càn khôn! Chúng con
xin lỗi Chúa về mọi lỗi lầm năm cũ, xin ban Thánh Linh để chúng con biến đổi nên
giống Ngài mỗi ngày mỗi hơn. Chúng con xin tán dương Ba Ngôi Thiên Chúa, xin
giúp chúng con biết một lòng hướng về Mùa Xuân Vĩnh Hằng trên Thiên quốc; xin
Chúa lì xì nhiều Hồng Ân để chúng con sống trọn vẹn năm mới; và chúng con cũng
xin lì xì cả cuộc đời của chúng con cho Chúa, xin Ngài thương thánh hóa và hướng
dẫn chúng con đi đúng Đường Chân Lý của Ngài.
Xin Đức Mẹ Maria, Đức Thánh Giuse, chư Thần và chư Thánh nguyện giúp
cầu thay cho chúng con luôn, để mai đây chúng con cũng được hợp đoàn và chung
lời với các ngài mà ca tụng Thiên Chúa muôn đời. Nguyện xin Chúa thương cho mọi
người đã hoàn tất đường lữ hành trần gian được niềm vui Xuân Trường Sinh nơi
Thiên Quốc.
Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người và
cứu độ chúng con, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.
TRẦM THIÊN THU
==================
Trách nhiệm
(Lễ Mồng 3 Tết – thánh hóa công việc)
Mồng Ba Tết là ngày cầu mùa. Gọi là “cầu mùa” vì Việt Nam là nước
nông nghiệp, cần thời tiết tốt, cần mưa thuận gió hòa. Ngày nay, Việt Nam đã công
ngiệp hóa, nhân dân làm nhiều ngành nghề, nên cần nói chung là “thánh hóa công
ăn việc làm”.
Ngày xưa, đa số dân Việt làm nghề
nông, bán lưng cho trời, bán mặt cho đất, đầu tắt mặt tối, rất cực nhọc mà vẫn
nghèo khổ. Tuy vậy, dân Việt vẫn dạt dào “máu” văn chương, thế nên văn học bình
dân rất phổ biến câu vè chứa đầy chất tâm linh:
Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm
Người ta ví von: “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất
nông nhì sĩ”. Theo cách phân chia gia cấp thời xưa là: sĩ, nông, công,
thương, binh. Kẻ sĩ coi mình là giới trí thức nên phải “ưu tiên” đứng đầu. Nhưng
Việt Nam
là nước nông nghiệp, thế nên nhà nông lại quyết coi mình trọng hơn nên mình
phải là nhất. “Nhất sĩ” nhưng khi bụng đói thì còn “sĩ khí” được hay là phải “chạy
rông” mà cầu mong nhà nông cho mượn gạo? Thế là lại “nhất nông, nhì sĩ”. Phải
chăng kinh tế vẫn quyết định cuộc sống? Không ăn làm sao sống mà học hành để
trở thành “kẻ sĩ” chứ? Có thể lắm, vì người ta nói: “Có thực mới vực được đạo”. Đạo còn phải nhờ kinh tế, huống chi
đời! Cuộc sống như một vòng lẩn quẩn, khó xác định rạch ròi cái nào nhất hay
nhì. Mỗi người và mỗi thứ đều có một vị trí riêng biệt, không thể tự mãn mà cho
mình hơn người khác!
Thánh Phaolô nói: “Mỗi người chúng ta đã nhận được ân sủng tuỳ
theo mức độ Đức Kitô ban cho” (Ep 4:7). Thứ tự hoặc cấp bậc do con người
đặt ra, chứ đối với Chúa thì ai cũng như ai: “Kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho
lớn lên, mới đáng kể. Kẻ trồng người tưới đều như nhau, nhưng ai nấy sẽ được
thù lao theo công khó của mình” 1 Cr 3:7-8). Rõ ràng, không ai có thể ảo
tưởng hoặc “chảnh”, nhưng ai cũng phải có TRÁCH NHIỆM (riêng và chung).
Tất cả là của Chúa, như Giáo hội đã
xác định: “Chính NHỜ Người, VỚI Người và
TRONG Người, mà mọi chúc tụng và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong
sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời”. Cầu xin Chúa ban
cho mùa màng bội thu và công việc xuôi xắn để an tâm làm bổn phận kính thờ
Thiên Chúa trong từng hơi thở của cuộc sống trần gian này.
Thiên nhiên giúp con người tạo
phương tiện sinh sống, đó cũng là trách nhiệm với chính bản thân. Sách Sáng Thế
nói về thời tiết và mùa màng: “Ngày Đức
Chúa là Thiên Chúa làm ra đất và trời, chưa có bụi cây ngoài đồng nào trên mặt
đất, chưa có đám cỏ ngoài đồng nào mọc lên, vì Đức Chúa là Thiên Chúa chưa cho
mưa xuống đất và không có người để canh tác đất đai. Nhưng có một dòng nước từ
đất trào lên và tưới khắp mặt đất” (St 2:5-6).
Thiên Chúa tạo phương tiện sống
trước rồi mới tạo dựng con người: “Đức
Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi,
và con người trở nên một sinh vật” (St 2:7). Nhưng con người phải biết vâng
lời, vì vâng lời là thể hiện lòng biết ơn: “Rồi
Đức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào đó con
người do chính mình nặn ra. Đức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi
thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho
biết điều thiện điều ác” (St 2:8-9). Thiên Chúa biết mọi thứ, ngay cả khi
con người có ý định, vì thế Ngài không cần thử thách (chứ không phải như chúng
ta thường nói vậy), nhưng Ngài muốn con người biết rằng thụ tạo phải tuân phục
Tạo Hóa (Tạo Vật), vì “vâng lời trọng hơn của lễ” (1 Sm 15:22; Tv 50:8-9).
Thế nhưng tạo vật lại “chảnh”, kiêu
căng ngạo mạn, quá ngang ngược, coi thường trách nhiệm của mình. Đúng là vừa
dại dột vừa ngu xuẩn vì “cóc mà muốn bằng bò”, như triết gia Pascal nói: “Con người không là thiên thần, cũng không
là thú vật, nhưng ai muốn làm thiên thần thì sẽ trở thành thú vật”.
Thiên Chúa đã “đem con người đặt vào vườn Ê-đen để cày cấy và canh giữ đất đai” (St
2:15). Cơ ngơi bao la, cho làm chủ các thụ tạo khác, được sướng mà không
biết hưởng. Nói về những người không muốn chịu trách nhiệm, ưa nhà hạ, chuyên
gia lười biếng, Thánh Phaolô nói: “Ai
không chịu làm thì cũng đừng ăn!” (2 Tx 3:10).
Hãy tự kiểm điểm bản thân để có thể
biết mình sai mà biết noi gương tác giả Thánh Vịnh thân thưa: “Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn
trùng cao cả! Ngài khiến mọc cỏ xanh nuôi sống đàn gia súc, làm tốt tươi thảo
mộc cho người thế hưởng dùng” (Tv 104:1a & 14ab). Rõ ràng Chúa làm mọi
thứ để chúng ta tận hưởng.
Có cực khổ mới quý sự thanh thản,
có bị tù rồi mới hiểu rõ giá trị của tự do, có bị áp bức rồi mới chân nhận giá
trị của công lý, có vất vả làm lụng thì mới cảm thấy ngon miệng khi ăn uống: “Từ ruộng đất, họ kiếm ra cơm bánh, chế rượu
ngon cho phấn khởi lòng người, xức dầu thơm cho gương mặt sáng tươi, nhờ cơm
bánh mà no lòng chắc dạ” (Tv 104:14b-15). Mưu sinh nuôi thân là trách
nhiệm, nhờ lương thực phần xác mà sống khỏe để thực hiện trách nhiệm về tâm
linh.
Muông thú cũ là thụ tạo của Chúa,
chúng cũng phải mưu sinh để sinh tồn và cầu xin Chúa: “Đêm trở lại khi Chúa buông màn tối, chốn rừng sâu, muông thú tung
hoành. Tiếng sư tử gầm lên vang dội, chúng săn mồi, gào xin Chúa cho ăn. Ánh
dương lên, chúng bảo nhau về, tìm hang hốc, chui vào nằm nghỉ” (Tv 104:20-22).
Tất nhiên con người cũng phải vậy, nghĩa là tích cực làm trọn trách nhiệm sống
của mình: “Đến lượt con người ra đi làm
lụng, những mải mê tới lúc chiều tà”
(Tv 104:23).
Thánh Phaolô tâm sự: “Giờ đây, tôi xin phó thác anh em cho Thiên
Chúa và cho lời ân sủng của Người, là lời có sức xây dựng và ban cho anh em
được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến. Vàng
bạc hay quần áo của bất cứ ai, tôi đã chẳng ham” (Cv 20:32-33). Ham cái gì
của người khác là tham lam, tức là liên quan giới răn thứ bảy: “Chớ lấy của người”.
Thánh Phaolô bày tỏ thêm: “Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết
cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi
tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng
cách làm lụng vất vả như thế, và
phải nhớ lại lời Chúa Giêsu đã dạy: CHO thì có phúc hơn là NHẬN” (Cv 20:34-35).
Chúa Giêsu đã dặn dò: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong
anh em. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại
trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15: 4a & 5).
Có Chúa thì chúng ta có thể làm được cả những việc khó mà chúng ta ngỡ như
không thể. Trách nhiệm với Thiên Chúa, trách nhiêm với tha nhân, trách nhiệm
với bản thân, nào cũng khó, nhưng tất cả sẽ hóa đơn giản và dễ dàng nếu chúng
ta làm chỉ vì sáng danh Chúa và cứu các
linh hồn chứ không vì bất kỳ thứ gì khác.
Trình thuật Phúc Âm hôm nay nói rõ
đến trách nhiệm qua dụ ngôn “những yến bạc” (Mt 25:14-30).
Có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình
cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến,
tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, người đã lãnh năm yến lấy
số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. Cũng vậy, người đã
lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ
chôn giấu số bạc của chủ. Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với
các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ. Người đã lãnh năm yến tiến lại gần,
đưa năm yến khác, và nói: “Thưa ông chủ,
ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây”. Ông chủ
nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ
tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao
nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!”. Người đã lãnh hai
yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông
chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây”.
Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi
đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ
giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!”. Rồi người đã
lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa
ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi.
Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây,
ông cầm lấy!”. Ông chủ đáp: “Hỡi đầy
tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi,
thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu
được cả vốn lẫn lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho
người đã có mười yến”.
Có hai loại người: Người cần cù (có
trách nhiệm) và kẻ lười biếng (vô trách nhiệm). Loại người thứ nhất cứ chăm chỉ
làm việc, sinh lời nhiều hay ít cũng được, Chúa không đặt thành vấn đề, vì khả
năng mỗi người khác nhau theo số “nén” Chúa trao. Đó cũng là “định mệnh” của
mỗi người. Họ là những tôi trung đáng khen vì đã dùng hết khả năng. Còn loại
người thứ nhì thì sống ung dung tự tại, quen thói lười biếng, thích “ngồi mát
ăn bát vàng”, nhưng lại ưa “chỉ tay năm ngón”, khoái ra lệnh, muốn ra vẻ “ta
đây”, bép xép, lẻo mép mà làm chẳng được tích sự gì. Loại người này làm băng
hoại xã hội và Giáo hội, rất nguy hiểm. Hãy tránh cho xa!
Nghe có vẻ rất “nghịch lý” và “chói
tai” khi Chúa Giêsu bảo: “Ai đã có thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy đi” (Mt 25:29). Thế nhưng suy
cho cùng, cái nghịch lý đó lại là thuận lý, nói cho gọn là nghịch-lý-thuận.
Thật tốt phúc nếu chúng ta là người
sống có trách nhiệm, biết chăm chỉ và cần mẫn như loài ong, nhưng nếu chúng ta
lười biếng thì thật là vô phúc, vì chúng ta sẽ trở thành “tên đầy tớ vô dụng”, và
Chúa sẽ thẳng thắn trừng trị ngay: “Hãy
quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt
25:30).
Lạy Chúa, cảm tạ Ngài đã ban cho chúng con mùa Xuân tuyệt vời. Xin cho
mọi người đều có công ăn việc làm ổn định để an tâm thờ phượng Ngài, và xin
thánh hóa những gì chúng con làm để sáng danh Cha. Xin giúp chúng con nhận ra Ý
Ngài trong từng công việc, để chúng con có thể sinh lời theo số nén Ngài đã
trao. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người cứu
độ chúng con, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét