TUẦN LỄ CẦU NGUYỆN CHO SỰ HIỆP NHẤT TỪ NGÀY 18-25 THÁNG GIÊNG
NÊ-HÊ-MI 8,1-4 ;45-6 ; 8-10 ; 1CÔ-RIN-TÔ 12,12-3O ; LU-CA 1,1-4 ; 4,14-21
Hiệp Nhất
Chúng ta vừa mới nghe qua Lời Chúa, mà mỗi một trang sách của Thánh Kinh đáng cho chúng ta nghiễn ngẫm và suy tưởng… Tiên khởi trong sách của Ngôn Sứ Nê-hê-mi, tả lại cho chúng ta thấy họat cảnh của dân Do Thái trở về quê cũ sau thời gian lưu đày, và họ quây quần bên nhau để lắng nghe Lời Chúa. Còn trong lá thư của Thánh Phao-lô gửi cho giáo đoàn Cô-rin-tô, thì ta thấy tác động của Chúa Thánh Thần ban cho mỗi tín hữu các chức vụ cùng các ơn thiêng khác nhau, hầu làm tốt cho các công việc của mình. Còn trong Tin Mừng thánh Lu-ca, chúng ta thấy giới thiệu Chúa Ki-tô được sai đến, mà Ngôn Sứ I-sai-a đã loan báo cho dân thủa xa xưa khi họ trông đợi – Và được quyền lực của Chúa Thánh Thần , Chúa Ki-tô khởi đầu cho việc rao giảng Tin Mừng cúu độ để : « giải thoát cho các người nghèo khó cũng như các kẻ bị giam cầm, rồi cho người mù trông thấy, trà tự do cho các kẻ bị áp bức » cùng ban ân sủng và tỏ quyền năng của Ngài.
Qua các bài đọc Sách Thánh này chúng ta khám phá ra việc làm của Chúa Thánh Thần có hai cách thức để tạo nên thân thể mầu nhiệm của Chúa Ki-tô : đó là cùng một lúc Chúa Thánh Thần liên kết chúng ta lại trong thân thể Chúa Ki-tô, đồng thời vẫn giữ những nét khác biệt. Chúng ta thấy Chúa Thánh Thần kết hiệp chúng ta người này với người khác, rồi Ngài ban ơn cho chúng ta mỗi người một chức vị không thể thay thế được và không giống với người khác. Do đó để hiểu được tác dụng của Chúa Thánh Thần, tất chúng ta cần cố gắng hợp tác với Ngài trong ý nghĩa hiệp nhất này, hầu khỏi phí phạm nghị lực cùng nổ lực vô ích của ta.
Do từ ý này chúng ta cùng nhau kết hiệp một ý, để cùng suy niệm qua bài học cụ thể mà chúng ta vừa nghe qua ba bài bài đọc Sách Thánh. Trước hết, sách Nê-hê-mi tường thuật lại cho ta thấy họat cảnh của dân Do Thái quây quần bên nhau, kết hiệp cùng một tâm lòng để nghe Lời Chúa. Chúng ta biết rằng Lời Chúa đó không phải là lời trừu tượng, nhưng là một Lời hiện hữu cụ thể sinh động của Chúa được Tư Tế Esdra tuyên đọc . Chính là « đọc sách Luật của Thiên Chúa, giải thích ý nghĩa, và người ta hiểu được ý nghĩa của bài đọc đó ». Và lúc ấy dân chúng đã khóc, cảm động bởi hiểu được ý Lời Chúa trong đoạn sách Luật. Song các thầy Lê-vi bảo dân chúng rằng chớ khóc nữa, và hãy nhận ra niềm vui được chia sẻ, bởi sự thăm viếng của Chúa Trời đối với dân Ngài.
Còn trong bài Tin Mừng, chúng ta cần biết rằng , để hiểu được mầu nhiệm hiệp nhất này, thì mầu nhiệm ấy được thiết tạo do bởi một người : đó chính là Chúa Giê-su. Ngài đến trần gian này để thực hiện những lời hứa đã được các Ngôn Sứ tiên báo. Chúa Giê-su đến để giúp con người vượt qua những trở ngại mà họ không thể vượt qua hầu hiệp nhất lại cùng nhau.
Riêng thư thánh Phao-lô, tỏ cho chúng ta làm thế nào khi chúng ta chịu phép Thánh Tẩy, thi chúng ta kết hiệp lại trong cùng một thân thể của Chúa Ki-tô, và các phần thân thể đó có các phận vụ khác biệt của thân thể con người. Chúng ta cũng cần lưu ý là chính Chúa Thành Thần tạo cho chúng ta sự hiệp nhất này trong sự kết hợp cùng một thân thể, đồng thời có sự khác nhau ở nơi bản thân ta, là Ngài ban cho ta các chức vụ của phận việc khác biệt. Ðây chính là nét độc đáo của chúng ta, do quyền năng của Chúa Thánh Thần phú cho mỗi người.
Vì vậy, chúng ta hay rằng sự hiệp nhất là ơn của Thiên Chúa. Sự hiệp nhất được tuyên báo do Lời Chúa, thực hiện nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần. và công việc cứu độ cùng giải thoát của Chúa Ki-tô.
Quả thực, chúng ta thấy con người thường chia rẻ. Tuy nhiên thánh Phao-lô đã kể ra một số khác biệt đó : như Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hoặc tự do, song một khi họ chịu Phép Thánh Tẩy, thì những khác biệt, chia loại đó sẽ bị loại đi. Con người có thể khám ra ở đây là vượt qua các hàng rào ngăn cách, để trở nên một thân thể của Chúa Ki-tô. Như chúng thấy rằng việc hiệp nhất theo khả năng của loài người, thi khó có thể đạt đến được một ý. Do đó, vấn đề hiệp nhất, thì con người không thể thiết tạo. Vì vấn đề hiệp nhất chính nó được ban ơn. Con người cũng không thể sáng tạo nên như ý, bởi vần đề hiệp nhất là được Chúa Thánh Thần ban ơn cùng mặc khải cho. Quả như chúng ta thấy vấn đề hiệp nhất được ban cho từ trời cao, và thói tính tự nhiên của nhân loại là chia rẻ. Tuy thế để đạt đến điểm hiệp nhất, chúng ta không chỉ dừng lại ở các điểm tiêu cực này, nhưng cố gắng đào sâu những điểm chúng ta có thể gặp gỡ, để từng bước diễn tiến chúng ta có thể hiệp thông với nhau, cùng tỏ lộ sự kết hiệp này được thể hiện ra bên ngoài đời sống của chúng ta. Và nữa chúng hay rằng, có lẽ sự hiệp nhất là khởi đầu cho sự nghịch lý của các việc làm tự nhiên của chúng ta. Theo chúng ta nghĩ thì sự hiệp nhất phải là điều cần có ngay lập tức, và tùy thuộc vào các cố gắng của ta. Có nghĩa chúng ta tìm kiếm sự hiệp nhất này bằng cách tránh xa các sự đối đầu, để thực thi một sự hiệp nhất bằng tư tưởng hay một sự hòa hợp tình cảm. Con đường hiệp nhất kiểu này tự nó là sự bất thành. Vì trường hợp đó dẫn chúng ta đến một tính cách gượng ép hoặc bắt ép, làm chúng ta thấy không ổn. Do thế, ai tìm kiếm sự hiệp nhất trong con đường này, tất chỉ dẫn đến sự hiệp nhất giả dối và dễ tan vỡ.
Quả thế, việc hiệp nhất chỉ có con đường là kết hiệp vào Lời Chúa như sự tuyệt đối, như một chân thực sống động, thật quan trọng để quyết định cho vận mệnh cả đời sống chúng ta. Sự hiệp nhất này đòi hỏi chúng ta một diễn tiến thanh lọc tư tưởng, tình cảm của ta, để rồi nhờ vào việc hòa hợp cùng các nỗ lực cố gắng và thành tâm của chúng ta, thì sự hiệp nhất lúc đó mới có dấu hiệu tỏ lộ ra thật. Thực thế sự hiệp nhất là một tương quan của con đường dài, của một thời gian thanh tẩy. Bởi ơn hiệp nhất này chỉ có thể sinh sản ra hoa quả khi con người biết nhận thức, cùng chấp nhận những khác biệt của nhau và tôn trọng các khác biệt đó. Thế nên mỗi người chúng ta đều có bổn phận phát triển cái khả năng của mình, làm tươi nở các khả năng đó trên con đường hiệp nhất. Vì sẽ không có hiệp nhất nếu như chúng ta mỗi người không chịu thành tâm phát triển các khả năng của mình. Chúng ta cũng nên nhớ rằng ơn gọi hiệp nhất, đó là ơn của Chúa Thánh Thần ban cho, để chúng ta cò thể kết hợp cùng nhau vì ích lợi chung, chớ không phải mưu lợi cho cá nhân, mà Thiên Chúa đã ký thác vào mỗi người chúng ta khi trao cho chúng ta mỗi người một nhiệm vụ, để hoàn thành ơn gọi hiệp nhất này.
Chúng ta biết rằng Chúa Ki-tô đã chết cho sự hiệp nhất các con cái của Thiên Chúa. Hơn nữa, qua Tin Mừng thánh Gio-an, thánh nhân tường thuật lại lời cầu nguyện cuối cùng của Chúa Giê-su trước khi chịu tử nạn, là như một lời trăn trối trọng thể của Ngài , và đó cũng là những lời tha thiết mời gọi cho sự hiệp nhất của các môn đệ cùng cho con cái Chúa Trời. Thật vậy, ước muốn sâu thẳm của của Chúa Giê-su, là muốn kết hiệp tất cả mọi người trong tình yêu của Chúa Cha yêu Chúa Con. Nhất là, sự sống vĩnh cửu mà Ngài loan báo không có gì khác lạ cho sự hiệp nhất, đó chính là sự kết hiệp mọi người, mọi chúng sinh lại trong tình yêu duy nhất này.
Chúng ta nhớ lại bài học giáo lý tiên khởi, người ta dạy chúng ta là Chúa Giê-su Ki-tô đã đến trần gian để cứu thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Tuy nhiên người ta không hiểu luôn rằng chính tội lỗi là nguyên nhân tạo nên sự tan vỡ cho tình hiệp nhất giữa Thiên Chúa và loài người, cùng giữa con người với nhau. Chúng ta hồi tưởng lại bao hình ảnh sống thực trong Thánh Kinh kễ lại cho ta biết : là tổ tiên chúng ta A-đam và E-và đã thiếu lòng tin tưởng vào Chúa Trời, bởi thiều hẳn tình yêu, lại bất tuân phục cùng thiếu lòng khiêm nhường, vì thế đã tạo nên sự ngăn cách cùng đối đầu người này với kẻ khác. Còn Ca-in và A-ben, thi Ca-in giết A-ben, là em mình, nên đã làm tan vỡ tình kết hiệp anh em cùng huyết thống. Rồi sự kiêu ngạo của các kẻ xây tháp Ba-ben, họ đã ngang nhiên chống lại Thiên Chúa, do đó đã tạo cho họ không hiểu nhau cho dù cùng một tiếng nói bởi khác biệt ngôn ngữ thông hiểu. Ðể từ những việc làm này, đây chính là hậu quả cùng dấu chỉ sự bất an của thế giới.
Vì vậy Ngôn sứ I-sai-a loan báo cho muôn dân niềm hy vọng vào việc cứu độ của Chúa Trời, được xem là ngày của sự hòa giải của toàn thể thế giới, và là ngày của bình an. Cũng như thánh Gio-an đã nói với chúng ta rằng : chớ gì sự cứu độ chính là sự hiệp nhất của mọi người trong Chúa Ki-tô, mà trước khi chết Ngài đã nói với các Tông Ðồ rằng « Ta để lại bình an cho các con, hãy ở lại trong tình hiệp nhất này ». Thêm nữa, như lời của thánh Phao-lô nhắc nhở giáo đoàn Ê-phê-sô, là anh chị em hãy bảo giữ tình hiệp nhất của Chúa Thánh Thần ban cho anh chị em.
Do đó, để có được sự hiệp nhất này, đòi hỏi mỗi một con người chúng ta phải loại bỏ các tính ích kỷ, đố kỵ, ganh ghét, hận thù, dèm pha, chê bai, nói xấu, kiêu ngạo, tự cho mình đạo đức hơn người vv.. Nói tóm lại, chúng ta cần gột rửa cái nảo trạng xấu xa của chúng ta, để mang một tâm tình khiêm nhường, yêu thương, vị tha giống Chúa Ki-tô. Ðể rồi từ đó nhờ ơn Chúa Thánh thần giúp chúng ta sống dưới ánh sáng Lời Chúa, hầu hiểu biết sự hiệp nhất và các khác biệt của nhau : như cá tính, chức vụ, niềm tin vv.. Từ đó chúng ta biết sống yêu thương, chia sẻ, thông cảm, tha thứ, và giống như Chúa Giê-su Ki-tô đã yêu thương cùng đổ máu mình ra cho kẻ khác, để mời gọi mọi người hiệp nhất nên một tình yêu trong Ngài, trong Chúa Cha và Chúa Thánh Thấn. Amen !
Linh Mục Phê-rô Lê Quang Dũng
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét