Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014

Công Giáo và Hồi Giáo: hai đường tiến trái ngược.

LTCGVN (21.01.2014)


Dù với những biến cố kinh hoàng như biến cố 11 tháng Chín 2001, quan điểm của Giáo Hội Công Giáo đối với Hồi Giáo vẫn là quan điểm đã được Tuyên Ngôn Nostra Aetate và Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo nói lên. Đại để, tiếng nói chính thức của Giáo Hội Công Giáo vẫn cho rằng bạo lực, có chăng, của người Hồi Giáo là do họ bóp méo và giải thích sai tôn giáo của họ. Chứ Hồi Giáo vốn là một tôn giáo hoà bình. 

Không riêng Giáo Hội Công Giáo, đến cả các nhà lãnh đạo thế tục như cựu tổng thống Bush và nhiều nhà lãnh đạo khác cũng bảo đảm với ta rằng Hồi Giáo là tôn giáo hòa bình. 

Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo cho rằng Hồi Giáo cũng như Kitô Giáo đều thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất. Tuyên ngôn Nostra Aetate của Vatican II cũng quả quyết rằng người Hồi Giáo “thờ một Thiên Chúa duy nhất”, liên kết đức tin của họ với Ápraham, tôn kính Chúa Giêsu như một tiên tri, “sùng kính Đức Maria”, thậm chí còn kêu cầu ngài nữa, và “trân qúy đời sống luân lý”. 

Với những giáo huấn như thế, Đức HY Dolan đã tới thăm một đền thờ Hồi Giáo tại New York và tuyên bố rằng “Qúy bạn yêu mến Thiên Chúa, chúng tôi cũng yêu mến Thiên Chúa, và Người là cùng một Thiên Chúa ấy”. 

Những người Công Giáo không mấy thiện cảm với chủ trương trên nhấn mạnh rằng Vatican II không nhắc gì tới chính Hồi Giáo, tới Mohammad hay tới Kinh Kôrăng, mà chỉ nhắc tới “người Hồi Giáo” và số 841 trong Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo chỉ nhắc lại hai câu trong Hiến Chế Lumen Gentium. Nhưng khi nói: người Hồi Giáo “xưng rằng họ giữ đức tin của Ápraham”, Lumen Gentium 16 không cho hay họ có thực sự giữ cùng một đức tin như Ápraham hay không. Cũng thế, khi quả quyết rằng người Hồi giáo “tôn kính Người (tức Chúa Giêsu) như một tiên tri”, Nostra Aetate 3 không nhắc gì tới các dị biệt quan trọng giữa Chúa Giêsu của Kôrăng và Chúa Giêsu của Tin Mừng. 

Những người trên còn nêu ra điểm nữa để cho rằng Nostra Aetate không hẳn là một tuyên bố có tính tín điều. Họ dựa vào một bài đăng trên Catholic News Service hồi tháng Năm, 2012, trong đó, Đức Hồng Y Walter Brandmuller (cựu chủ tịch Ủy Ban Giáo Hoàng về Các Khoa Học Lịch Sử) được trích dẫn như đã tuyên bố rằng Nostra Aetate “không có nội dung tín lý bắt buộc”. Họ cho lời tuyên bố này nặng ký vì ngài vốn cùng Đức Cha Agostino Marchetto là đồng tác giả cuốn “Chìa Khóa Giải Thích Vatican II của Đức GH Bênêđíctô XVI”. Trong một tiểu luận đăng trên tờ L’Osservatore Romano” hồi tháng 10 năm 2012, chính Đức Bênêđíctô XVI có đề cập tới một điểm yếu của Nostra Aetate vì “đã chỉ nói về tôn giáo theo nghĩa tích cực, mà bỏ qua các hình thức bệnh hoạn và bóp méo về tôn giáo, là các hình thức, xét theo các quan điểm lịch sử và thần học, có tầm quan trọng sâu xa”. Chắc hẳn ngài có ý nói tới việc Nostra Aetate đánh giá quá tích cực các niềm tin của người Hồi Giáo, mà quên đưa ra những cảnh báo thận trọng đối với một số các niềm tin này. 

Những người trên quên rằng thực ra trong Giáo Hội, vẫn luôn có những cảnh báo như thế, và đã có từ rất lâu. Tại Công Đồng Basil năm 1434, Đức GH Eugene IV cho rằng “…đang có hy vọng rằng nhiều người từ giáo phái ghê tởm của Mohammad sẽ trở lại Đức Tin Công Giáo”. Năm 1455, Đức GH Callixtus III cho hay: “Tôi thề sẽ … hiển dương Đức Tin chân thực, và nhổ tận gốc giáo phái quỉ quái của tên Mohammad tội lỗi và vô tín tại Đông Phương”. Năm 1459, trong một sắc chỉ, Đức GH Piô II nhắc tới “… tiên tri giả Mohammad”. 

Còn Thánh Tôma Aquinô thì viết như sau: “Ông ta (Mohammad) quyến rũ người ta bằng lời hứa hẹn hưởng khoái lạc nhục dục… Ông ta xuyên tạc hầu như mọi chứng từ của Cựu và Tân Ước bằng cách biến chúng thành lời bịa đặt của chính ông ta, như bất cứ ai cũng thấy khi khảo sát lề luật của ông ta” (Summa Contra Gentiles, Cuốn 1, Chương 16, Điều 4).

Thế kỷ 20 có hòa dịu hơn. Vì ấn bản năm 1910 của Bộ Bách Khoa Công Giáo có nhận định như sau về đạo đức học Hồi Giáo “nó thấp hơn nhiều so với đạo đức học Do Thái Giáo và càng thấp hơn nữa so với đạo đức học Tân Ước”. Bộ Bách Khoa này giải thích rằng: “Điều thực sự tốt trong đạo đức học của Mohammad một là do thường thức hai là do vay mượn từ các tôn giáo khác, chứ những gì đặc thù của họ gần như lúc nào cũng thiếu sót hoặc xấu xa”. Bộ sách này kết luận bằng cách nhấn mạnh rằng Hồi Giáo vừa là một tôn giáo vừa là một hệ thống chính trị: “Trong các vấn đề chính trị, Hồi Giáo là một hệ thống đối nội thì chuyên quyền mà đối ngoại thì gây hấn… Quyền lợi của các bề tôi không theo Hồi Giáo thuộc loại hết sức mơ hồ và bị hạn chế hơn hết, và chiến tranh tôn giáo là bổn phận thánh thiêng bất cứ ở đâu có cơ may thành công chống lại ‘quân vô đạo’”. 

Muốn đọc những dòng trên cho đúng, ta nên đặt chúng vào ngữ cảnh lịch sử. Sở dĩ các nhà lãnh đạo Giáo Hội trong quá khứ có giọng điệu nghiêm khắc đối với Hồi Giáo là vì lúc đó, Hồi Giáo đang tấn kích Kitô Giáo đến chí mạng. Đến Vatican II, sự gây hấn của Hồi Giáo chống Kitô Giáo hầu như đã lui vào quá khứ. Hơn nữa như nhận định thông sáng của thần học gia Joseph Ratzinger, một trong các chuyên viên hàng đầu của Vatican II, thì thế giới lúc đó đã ý thức được tính đơn nhất của mình rồi. Nhận định này đã được lồng vào số 1 trong Tuyên Ngôn Nostra Aetate. Mặt khác, như nhận định của Đức Hồng Y Koenig, một trong các kiến trúc sư chính của Vatican II, nhất là đối với Tuyên Ngôn Nostra Aetate, Vatican II “khích lệ người Công Giáo cố gắng để mọi người quên đi mối hận thù xưa kia giữa người Công Giáo và Hồi Giáo, và trong niềm quí trọng lẫn nhau, hãy ý thức nhiệm vụ chung nhằm lợi ích cho mọi người”. Ngôn ngữ hòa giải, vì thế, là điều tất yếu.

Có điều, ngôn ngữ ấy xem ra không lọt tai người Hồi Giáo và không chuẩn bị người Công Giáo đương đầu thoả đáng với tình huống sự việc ngày nay với người Hồi Giáo. Hiện nay, người Hồi Giáo xem ra muốn trở lui với chính sách thù nghịch từng kéo dài trong nhiều thế kỷ chống lại Kitô Giáo.

Đọc chuyên gia Raymond Ibrahim, một học giả Mỹ gốc Ai Cập, tác giả cuốn Crucified Again: Exposing Islam's New War on Christians(Regnery, 2013), người ta thấy rõ xu hướng này. Theo ông, có sự liên tục hiển nhiên giữa ngôn từ, việc làm, và mục tiêu của phong trào thánh chiến (mujahidin) trong thế kỷ thứ 7 và phong trào của những người Hồi Giáo quá khích trong thế kỷ 21.Thành thử muốn hiểu đúng Hồi Giáo và chủ nghĩa nghĩa duy Hồi Giáo hiện nay, người ta trước nhất phải hiểu lịch sử và lý thuyết Hồi Giáo buổi đầu. 

Theo 2014 World Watch List, mới công bố gần đây, trong số 50 quốc gia bách hại Kitô hữu nhiều hơn cả, Syria đứng hàng thứ ba, Iraq thứ tư, Afghanistan thứ năm và Libya thứ 13. Bốn nước này đều theo Hồi Giáo và đều được xếp vào loại “ cực kỳ bách hại” các Kitô Hữu. 

Theo tin Reuters, năm 2013 có tất cả 1,213 tử đạo Kitô Giáo tại Syria. Nhưng Frans Veerman, chủ tịch Open Doors, một tổ chức phi hệ phái ủng hộ các Kitô hữu bị bách hại khắp thế giới, thì con số này chỉ là con số được truyền thông báo cáo. Thực tế ra, con số được nhiều nhóm Kitô Giáo ước lượng lên tới 8,000 tử đạo một năm. 

Truyền thông Tây Phương cố tình làm lơ không thông báo nhiều vụ bách hại Kitô hữu trong thế giới Hồi Giáo hiện nay. Trái lại truyền thông, trang mạng và các nhà tranh đấu nói tiếng Ả Rập hàng ngày vẫn tường trình đầy đủ và cung cấp nhiều tài liệu cho thấy hết tàn bạo này tới tàn bạo nọ: chặt đầu và đặt bom các nhà thờ, bắt cóc các nữ tu, Kitô hữu bị thảm sát vì không chịu cải đạo qua Hồi Giáo, và rất nhiều các vụ bắt cóc đòi chuộc tiền hay hãm hiếp. 

Dù chưa thực sự cầm quyền, hễ chiếm được thành phố nào, người duy Hồi Giáo Syria cũng cho áp dụng luật lệ Hồi Giáo lên mọi cư dân: nhóm Quốc Gia Hồi Giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) vừa chiếm được Raqqah, bắc Syria, đã vội buộc mọi phụ nữ phải trùm khăn niqab vàburqua (phủ hết thân và mặt), sau khi tấn công hai nhà thờ Kitô Giáo, bẻ Thánh Giá, đốt sách thánh, đập tượng Đức Maria, vừa đập vừa hô khẩu hiệi chiến thắng của Hồi Giáo “Allahu Akbar!”

Tại Afghanistan, chính phủ mà người ta vốn gọi là “ôn hòa” của ông Karzai đã duy trì nhiều đạo luật hết sức khắc nghiệt của Taliban, trong đó có luật bỏ đạo, triệt để bách hại những ai tìm cách trở lại Kitô Giáo, và năm 2011, đã triệt hạ ngôi nhà thờ Kitô Giáo cuối cùng tại Afghanistan. Theo phúc trình của Bộ Ngoại Giáo Hoa Kỳ, hiện nay, tại Afghanistan không một nhà thờ Kitô Giáo nào được mở cho công chúng, cũng không có trường học Kitô Giáo nào. 

Tại Iraq, sau khi Hoa Kỳ hạ bệ Saddam Hussein, các nhóm thiểu số Kitô Giáo bị tấn công và sát hại một cách dã man, và hàng chục nhà thờ bị thiêu rụi. Kitô hữu bị khủng bố gần như bị tận diệt, với quá bán tổng số phải trốn chạy ra ngoại quốc.

Tại Libya, từ ngày Qaddafi bị lật đổ, Kitô hữu bị bách hại một cách nặng nề: các nhà thờ bị đốt, các Kitô hữu bị tra tấn và thảm sát, trong đó, có lý do từ chối trở lại Hồi Giáo. Đó là trường hợp hai tín hữu Chính Thống người Ai Cập sống tại Libya: Waleed Saad Shaker và Nash’at Shenouda Ishaq.

Lợi dụng lúc vô quyền, nhóm dân quân duy Hồi Giáo tự gọi là Đơn Vị An Ninh Phòng Ngừa đã bắt và tra tấn 8 kiều dân ngoại quốc tại Benghazi. Một trong 8 người này Ezzat Hakim Atallah, người Ai Cập, đã chết trong lúc bị giam. Chính phủ Ai Cập dưới quyền Morsi đồng quan điểm với chính quyền Libya cho hay anh qua đời vì sức khỏe riêng! Nhà thờ Thánh Máccô tại Benghazi bị tấn công hai lần, lần thứ hai bị thiêu rụi, linh mục và một tín hữu giáo dân bị đánh, cuối cùng vị linh mục phải chạy trốn. Tu viện Thánh Gia tại Derna, tu viện Chúa Hài Đồng tại Barce và Tu Viện Thánh Tâm tại Beida bị đe dọa đến phải đóng cửa. 

Người Hồi Giáo quả đang đi ngược hẳn lại chiều hướng cởi mở của Kitô Giáo.

Vũ Văn An
VietCatholic

0 nhận xét:

Đăng nhận xét