LTCGVN (24.01.2014)
Mong muốn của Cha
Có nhiều
dịp để tâm sự, nhưng chắc hẳn dịp Tết Nguyên Đán là cơ hội đặc biệt nhất, đặc
biệt là khi người ta không thể ở gần nhau. Với tâm tình đó trong vai trò người
cha, NS Nguyên Thảo (1) đã trải tâm sự qua ca khúc “Lời Đầu Năm Cho Con” (2).
Dù là ca
khúc Xuân nhưng tác giả viết ở âm thể thứ, nhịp 4/4 (vấn đề nhịp không quan
trọng). Ca khúc này có tiết tấu giản dị, không buồn, không vui, nhưng thâm trầm
tình phụ tử, tình cảm cha – con, tình cảm trào dâng và chân thành nổi bật vào thời
điểm Xuân về, người cha không có dịp gần gũi đứa con yêu vì bận tác chiến nơi
chiến trường heo hút.
Vừa như một lá thư vừa như một lời
tâm sự trực tiếp khi đối diện với nhau, người cha chân thành bày tỏ: “Lời đầu năm Ba viết cho con, trên quê hương
khói lửa rã mòn. Ba vẫn miệt mài thân chinh chiến, nên biết rằng con chẳng được
vui, ngày đầu năm sẽ vắng tiếng cười”. Trẻ em vô tư nên vẫn cười, nhưng
chắc hẳn cũng có lúc nó không muốn cười mỗi khi nó chợt nhớ đến người cha kính
yêu, tất nhiên nó mơ ước được có cha bên cạnh để mùa Xuân của nó hồn nhiên hơn.
Người cha nhớ gia đình, nhớ vợ, nhớ
đứa con yêu bé bỏng, nhưng vì chiến cuộc nên người lính không được về sum họp
mùa Xuân, chẳng biết làm gì hơn là viết thư: “Lời đầu năm tha thiết bao la, cho con yêu để gọi là quà. Nơi chiến
trường quà xuân đâu có, chỉ còn đây những vỏ đạn đồng, với loài hoa hư không”.
Cuộc đời phức tạp, cuộc chiến nhiêu khê. Có những thứ có-mà-như-không, và những
thứ không-mà-lại-có.
Thân trai, binh nghiệp, chí nam
nhi. Với bản thân mình đã đành phải hy sinh vì đại cuộc chung, chỉ thương đứa
con nhỏ cũng như bao trẻ thơ vô tội khác không được vui Xuân trọn vẹn.
Người-cha-chiến-sĩ mong ước: “Cho con
niềm vui đó, mùa xuân có hoa có cỏ, con vui đầy tuổi ngọc ngà. Một mai quê
hương không còn chinh chiến, Ba sẽ về bên con, bỏ đi ngày tháng mỏi mòn”.
Chắc hẳn ai cũng mong muốn hòa bình như vậy, bởi vì mùa Xuân bình yên là mùa
Xuân tự do, đó mới là mùa Xuân tuyệt vời nhất cuộc đời này.
Ai cũng có những mơ ước, dù lớn hay
nhỏ, hoặc cao hay thấp. Người cha tiếp tục mơ ước dành cho đứa con yêu: “Lời đầu năm thêu bướm thêu hoa, cho con vui
để gọi là quà. Ba chỉ còn niềm tin sau cuối: Con hãy chăm chỉ học nên người,
nơi miền xa ba vui”. Sao lại là “niềm tin sau cuối” khi Xuân về? Dù không
bi quan yếm thế nhưng đó là một thực tế, thậm chí là phũ phàng. Bởi vì, giữa
chiến trường hiểm nguy vì làn tên mũi đạn, người lính có thể ngã gục bất cứ lúc
nào, sự sống như treo bằng sợi chỉ, thế nên người cha đó khao khát tột cùng
dành cho đứa con: Hãy cố gắng chăm chỉ học tập để nên người hữu ích cho bản
thân, cho gia đình và xã hội.
Kết quả của ước mơ đó còn tùy thuộc
vào đứa con. Nếu đứa con biết thương cha mẹ thì lo học hành đàng hoàng, sống thật
tốt, đó là báo hiếu cha mẹ vậy!
Đối với các Kitô hữu – nói chung,
và người Công giáo – nói riêng, chúng ta có một Người Cha là Thiên Chúa. Người
Cha này cũng mong muốn chúng ta sống tốt là “hoàn thiện như Cha trên trời” (Mt
5:48), và chuyên cần thực hành những điều Chúa Giêsu đã dạy: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về
Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” (Mt 17:5; Mc 9:7; Lc 9:35).
Là những người con, chúng ta yêu
mến Chúa thì phải thực hành những điều Ngài truyền dạy là yêu thương nhau (Ga
13:34), vào cửa hẹp (Mt 7:13), vác thập giá (Mt 10:38; Mt 16:24),… Nói chung,
mỗi chúng ta đều phải nỗ lực tuân giữ Mười Điều Răn (Xh 20:3-17; Đnl 5:12-21)
và thực hiện Tám Mối Phúc (Mt 5:3-11).
Xem quả thì biết cây (Mt 12:33; Lc 6:44), không thể chỉ “ra vẻ” hoặc
“lẻo mép”, vì đó là thói giả hình (Mt 23:1-12; Mc 12:38-40; Lc 11:43-46,
20:45-47). Nghiêm túc
vâng lời Chúa Giêsu là noi gương Đức Mẹ “xin vâng”, như vậy chúng ta mới xứng
đáng thân thưa với Chúa: “Lạy Cha chúng
con ở trên trời…” (Mt 6:9-13; Lc 11:2-4).
TRẦM THIÊN THU
(1) Tác giả của các ca khúc khác như: Bạc Màu
Áo Trận, Nguyện Cầu Trong Đêm, Phận Gái Thuyền Quyên,… [đừng lầm lẫn nhạc sĩ
Nguyên Thảo ngày xưa với cô ca sĩ Nguyên Thảo ngày nay].
0 nhận xét:
Đăng nhận xét