CHÚA NHẬT THỨ HAI THƯỜNG NIÊN
I-SAI-A 49,3.5-6 ; 1CÔ-RIN-TÔ 1,1-3 ; GIO-AN 1,29-34
Chiên Thiên Chúa
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta nghe được câu nói tuyên xưng đức tin một cách tuyệt hảo của thánh Gio-an Tiên Hô : « đây là Chiên Thiên Chúa, đây là Đấng xóa bỏ tội trần gian », để nói lên sứ mạng cứu chuộc nhân trần của Chúa Giê-su. Câu tuyên xưng này của thánh Gio-an đã được Giáo Hội dùng làm công thức tuyên xưng đức tin, và sự xác tín của mình vào Chúa Ki-tô, mà trước giờ giáo dân lên chịu Lễ, thì vị Linh Mục tuyên bố một cách long trọng câu nói này cho giáo dân lên cung thánh để tiếp nhận Mình Thánh Chúa Ki-tô vào lòng.
Chiên Thiên Chúa! Câu nói này được ám chỉ vào Chúa Ki-tô, là một lịch sử lâu dài mà người ta có thể tìm hiểu cùng đi sâu vào thời Cựu Ước cùng thời Tân Uớc. Trước hết chúng ta bắt đầu thời Cựu Ước.
Trong thời Cựu Uớc thì Ngôn Sứ I-sai-a đã nói một cách bí nhiệm vể Chúa Ki-tô, mà thánh nhân gọi Ngài là Người tôi tớ đau khổ, và thánh nhân mô tả như một Con Chiên người ta dẫn đến lò sát sinh (Is.53, 7). Người tôi tớ đó không còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong. Tuy nhiên chính Người tôi tớ đó là Đấng gánh tội cho muôn dân, và chính Ngài hiến thân không nói một lời, để cho phép các con dân được thấy ánh sáng (Isaia 53,10-12). Đẹp thay nhờ hồng ân của Ngươì tôi ttớ đau khổ này. được xem như Con Chiên hiến tế, để dân chúng được giao hòa với Thiên Chúa. Để từ đó Giáo Hội đã nhận ra trong các lời mô tả này, chính là lời tiên báo về Chúa Ki-tô. Thực thế, Con Chiên chân thật, là Đấng cứu độ toàn thể nhân loại, đó chính là Chúa Ki-tô. Và Thánh Gio-an Tiền Hô nói với chúng ta Con Chiên đó chính thực là Ngài. Ngài là Con Thiên Chúa. Hay nữa, vì chính Ngài là Con Thiên Chúa nên Ngài là Đấng cứu độ nhân trần.
Vì vậy, giờ đây chúng ta có thể hồi tưởng lại những trang sách Xuất Hành, tất chúng ta sẽ thấy được câu hỏi về một Con Chiên mà người Do Thái sẽ ăn mừng hằng năm vào dịp đại Lễ Vượt Qua. Trong lúc ăn con chiên này, thì các thực khách không chỉ nhớ lại các biến cố mà cha ông họ đã sống ở Ai Cập, nhưng họ còn ý thức vào việc như họ cũng được tham dự vào biền cố ấy của cha ông. Bởi người Do Thái nghĩ rằng những gì mà Thiên Chúa đã hoàn thành cho cha ông họ ờ Ai Cập, thì Ngài cũng hoàn thánh cho họ lúc này vậy.
Người ta biết rằng khi dân Do Thái đến Ai Cập, ở đó người dân chỉ biết cúi đầu làm thân nô lệ cực nhọc ỏ xứ người. Qủa thấy dân khổ cực, Chúa Trời đã chạnh lòng thương, nên từ đó Thiên Chúa đã gửi Mô-sê, có trách nhiệm dẫn đưa những người anh chị em mình và con cái Ngài đi về miền Đất hứa. Và đến lúc ngày khởi hành đã điểm, ngày mà dân chúng Do Thái lo thu xếp hành trang để lên đường ra đi về miền Đất hứa, thì Chúa Trời yêu cầu người Do Thái cứ mỗi gia đình phải sát tế một con chiên, rồi lấy máu con chiên bôi lên các khung cửa của nhà mình, để Sứ Thần Chúa khi thi hành lệnh Chúa đánh phạt các con trai đầu lòng của người Ai Cập và Pha-ra-on, thì các Thiên Sứ sẽ tránh qua, vì biết đó là phần tử dân Chúa, nên các ngài không sát hại (Xuất hành 12,1-14).
Tất cả sự mô tả kể trên được xem như là hình ảnh của Người tôi tớ đau khổ, và con chiên này là hình bóng trước của Chúa Ki-tô chịu khổ nạn. Thánh Gio-an nói về Chúa Ki-tô rất rõ khi thánh nhân nhấn mạnh rằng Chúa Giê-su chết trên cây thập giá vào chính giờ, chính ngày mà dân Do Thái sẽ sát tế các con chiên ở Đên Thờ để cử hành Đại Lễ Vượt Qua. Với cái nhìn của thánh nhân, thì Chúa Giê-su mới là Con Chiên hiến tế đích thực, để rồi cái chết của Ngài sẽ cứu độ trần gian. Chính máu Chúa Ki-tô đổ ra, đó là dấu chỉ tình yêu của Ngài - Là máu của Con Thiên Chúa, Máu đó chính là nguồn suối đem lại sự giải thóat những xích xiềng của mọi tội lỗi chúng ta. Duy chỉ Chúa Giê-su, Con Chiên Thiên Chúa tự hiến sự sống mình cho đến đổ máu đào ra, hầu mở cánh cửa Đất Hứa cho chúng ta cùng mọi ngưòi được bước vào đó, hầu chung hưởng sự hoan lạc với Thiên Chúa cùng muôn triều thần thánh.
Để có thể đầy đủ hơn, chúng ta gợi ra đây hình ảnh Con Chiên mà trong sách Khải Huyền thánh Gio-an đề cập đến Con Chiên này, chính là Chúa Ki-tô. Song Chúa Ki-tô giờ đây đã khải hoàn, Chúa Kitô nhờ sức mạnh Thánh Thần trong mình nên đã hoàn toàn chiến thắng oai hùng tử thần cùng những ác thần của nó (Khải Huyền 15,1-4). Đấng cao cả mà thế gian đã làm cho « méo mó, biến dạng » khuôn mặt xinh đẹp của Ngài, thì Thiên Chúa đã ban lại cho Ngài khuôn mặt uy nghi là Con Thiên Chúa. Đấng cao cả mà thế gian ngạo mạn đã dẫm đạp Ngài đưới chân, thì Thiên Chúa đã tôn vinh Ngài vượt lên trên tất cả mọi loại thụ tạo. Đấng cao cả mà dân Do Thái và thế gian xem thường, khinh khi cho Ngài không ra gì cả, thì đã trở nên trung tâm điểm cho hết thảy mọi con người trên trái đất phải thông hiệp với Con Thiên Chúa mới nhận lãnh được ơn cứu độ cùng cứu sinh.
« Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian, phúc cho ai đến dự tiệc Con Chiên Chúa ». Tuyệt diệu thay câu tuyên xưng này, không gì đẹp bằng cùng hạnh phúc bằng cái cảm nghĩ sâu sắc khi chúng ta được vinh dự đến dự tiệc Con Chiên Chúa đích thực, đến tiếp nhận ơn cứu độ của Ngài ban cho con người nhưng không. Thế nên mỗi một lần chúng ta tiến lên Bàn Thánh để nhận lãnh Mìmh Máu Chúa Ki-tô, thì không những mổi người chúng ta chỉ được mời gọi đi vào sự hiệp thông với Chúa thôi, song với việc tiếp rước Mình Màu Chúa đó vào lòng ta, còn nói cho chúng ta hay rằng : là mỗi người chúng ta cũng phải trở nên con chiên với Con Chiên Thiên Chúa. Vì việc hy tế của của Chúa Ki-tô cũng mời gọi chúng ta phải trở nên giống Ngài, là tự ban mình cho tha nhân.
Do thế lúc chúng ta biết kết hiệp với sự sống Chúa, là để cho chúng ta cũng sống như Ngài. Để từ ý nghĩa cao đẹp này, chúng ta biết rằng đời chúng ta đang được Chúa dẫn dắt. Qủa khi chúng ta bằng lòng tham dự vào các sư đau khổ của Con Chiên Thiên Chúa, thì chúng ta cũng sẽ được dự phần vào sự vinh hiển của Ngài. Đó chính là lời hứa thưởng ban của Chúa cho mỗi người chúng ta. Amen.
LM. Peter Lê Quang Dũng
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét