LTCGVN (29.01.2014)
Niềm tin là một đại lượng không chỉ trừu tượng mà còn rất khó để số hóa. Trong một ngữ nghĩa nhất định có thể đồng nhất hai khái niệm niềm tin và Đức Tin.
Thần học gia người Đức, Karl Rahner, định nghĩa: Tin là chấp nhận sự bất khả tri về Thiên Chúa trong cuộc đời. Thánh Thomas Aquinas cho rằng: Tôi không thể tin nếu tôi đã không nhận thấy có lý để tin.
Đối với các Kitô hữu thì Đức Tin là một giá trị rất quan trọng. Đức Tin chi phối suy nghĩ, lời nói và việc làm của mỗi cá nhân. Việc chí phối này ít hay nhiều là phụ thuộc vào độ mạnh yếu của Đức Tin. Nhưng vấn đề cần bàn ở đây, vẫn tồn tại các nghịch lí giữa niềm tin và hành động: chúng ta tin nhưng ít hành động hoặc hành động nhưng lại ít tin.
Tin nhiều nhưng hành động ít
Đã đôi lần chúng ta ao ước được sống tại đất nước Do Thái vào những năm mà Đức Giêsu rao giảng và làm nhiều phép lạ tại đây. Ao ước này cho dù chính đáng, nhưng chúng ta tự hỏi, nếu được sống tại không gian này và tại thời điểm đó, chúng ta sẽ có những thái độ gì với những sự kiện quan trọng ?
Nếu chúng ta là những người tri thức, khi được mạc khải bởi một dấu lạ như 3 nhà chiêm tinh thấy ánh sao, chúng ta có dám tạm bỏ qua các công việc, tiền bạc… để tiến hành một cuộc ra đi, nhằm khám phá dấu lạ có ý nghĩa gì không ?
Nếu là những trẻ em, chúng ta có dám chọn lựa, mình là các trẻ mục đồng đơn sơ, nghèo hèn để được các thiên thần báo tin Đấng Cứu Thế giáng sinh hay thích đóng vai các tiểu gia trong những gia đình cao sang, giàu có ?
Nếu là các gia đình có ngôi nhà ấm cùng, chúng ta có sẵn sàng chia sẻ cho một cặp vợ chồng xa lạ, lở đường và người vợ mang thai, đang chuẩn bị sinh con hay không ?
Trước lúc khởi sự các công việc, môi miệng chúng ta khấn “từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhở bởi ơn Chúa”. Nhưng sau khi công việc hoàn tất mỹ mãn dường như chúng ta lại quên lời khấn trước, và cho phép nghĩ rằng, công sức, tài năng của cá nhân đã góp phần quan trọng trong sự hoàn thành công việc ấy.
Chúng ta có thể xác tín rằng, của cải đời này là chóng qua; được cả thế gian này mà mất linh hồn thì được ích gì, nhưng một ngày 24 tiếng, chúng ta lại lo toan, đổ mồ hôi, chỉ vì những thứ thuộc về dưới đất.
Chúng ta quả quyết Thiên Chúa là Đấng toàn năng và giàu lòng xót thương, nhưng trong cơn bỉ cực, chúng ta lại không biết cầu khẩn, chạy đến cùng Ngài.
Chúng ta thuộc lòng câu giáo lý, Công Giáo là tôn giáo của sự yêu thương, nhưng chúng ta mấy khi áp dụng tình yều ấy với mọi người vào trong cuộc sống thường nhật.
Hành động nhiều nhưng tin ít
Chúng ta tham dự Thánh Lễ hàng ngày, được đón Chúa vào lòng cùng với sự ban phước lành của vị chủ tế: anh chị em ra đi bình an. Nhưng khi gặp vài gian khó trong cuộc đời chúng ta lại đánh mất sự bình an.
Chúng ta cầu nguyện ngày đêm cho một ước vọng, nhưng khi chờ đợi khá lâu, hoặc kết quả không như mong đợi, chúng ta lại thoáng nghi ngờ lòng nhân hậu của Chúa.
Khi một người tốt qua đời lúc trẻ, vài kẻ xấu vẫn sống thọ và hưởng thụ trên dương thế, chúng ta lại tự hỏi, không biết Thiên Chúa có thấu suốt mọi bí ẩn của cuộc đời, có còn công bằng nữa hay không ?
Tin nhiều nhưng hành động ít hoặc hành động nhiều nhưng ít tin có lẻ là thuộc tính yếu đuối vốn có của con người. Nhận thức rõ ràng về cuộc sống siêu nhiên không chỉ phụ thuộc vào sự tìm hiểu và mỗi cá nhân, mà còn phụ thuộc vào sự mạc khải của Thiên Chúa ban tặng.
Chúng ta thử điểm lại những đặc tính Đức Tin, nhờ đó thu hẹp những nghịch lý giữa Đức Tin và hành động.
Đức Tin hoàn toàn là ân sủng của Thiên Chúa.
Đức Tin là một sức mạnh siêu nhiên. Nó cần thiết để chúng ta được ơn cứu độ.
Đức Tin đòi hỏi lý trí tự do và sự hiểu biết thấu đáo của một người khi họ chấp nhận lời mời của Thiên Chúa.
Đức Tin khiếm khuyết nếu nó không dẫn đến một tình yêu có hành động.
Đức Tin triển nở khi chúng ta càng lắng nghe chăm chú Lời của Thiên Chúa, và bước vào đối thoại với Ngài trong cầu nguyện.
Đức Tin cho chúng ta trải nghiệm trước hạnh phúc Nước Trời ngay từ bây giờ.
Lạy Chúa, xin nâng đở Đức Tin yếu kém và thôi thúc sự hành động nơi chúng con.
G. TUẤN ANH
0 nhận xét:
Đăng nhận xét