Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Tết trong ngục tù cộng sản

LTCGVN (20.01.2014)

Tết trong ngục tù cộng sản


Tết là ngày trọng đại mang nhiều truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt nam.Tết gợi lên những vui tươi đầm ấm nhất của tình gia đình, thân tộc và bạn bè. Những với người tù chính trị Tết mất hết cả ý nghĩa trên. 

Chỉ còn ba ngày nữa là Tết đến với chúng tôi, những người tù tại miền rừng núi thâm sơn chướng khí giá lanh này, nên người địa phương có câu ‘Nước Sơn la,ma Nghĩa lộ’.Hoa dại đang thi nhau phô sắc trên đỉnh núi mây mù giăng toả mà chúng tôi gọi là’Cổng trời’. Đứng trên nhìn xuông phía dưới chỉ toàn màu trắng đục. Ngồi trên phiến đá cùng người bạn tù, lấy hai củ khoai ăn lót dạ sau khi leo lên tới đỉnh đã thấm mệt. Ăn xong vẫn còn thấy bụng cồn cào, sợ không đủ sức làm, tôi nói với bạn :

- Chúng ta tìm quanh đây xem có gì ăn được không ?

- Ngoài măng còn gì nữa !

- Thôi cũng được, có còn hơn không.

Chúng tôi đứng lên kiếm một bụm măng non.Thật ra chẳng phải tìm kiếm khó khăn,vì đây là đỉnh vầu mọc nhiều hơn giang.Vầu là một loại giống cây tre, nhưng to và dài hơn nhiều,người Sơn cước dùng làm máng dẫn nước từ trên núi xuông bản làng. Măng vầu khi đã trồi khỏi mặt đất ăn rất đắng, nhưng còn chìm dưới đất ăn lại rất ngọt – nhiều người vì quá đói và thèm chất ngọt ăn nhiều bị sốt rét phù thủng – Hì hục đào bới mãi mới moi lên mặt đất một bụm măng bằng cổ tay. Đang ăn ngon lành anh bạn ngừng hỏi :

- Bạn trong ban tổ chức mừng Xuân, tối qua họp bàn có gì lạ không ?

- Truyền thống muôn đời không thay đổi.Văn nghệ đón Xuân, viết báo liếp (làm gì có tường), mỗi người ba cái bánh chưng bằng lòng bàn tay, ba gói thuốc lá Tam đảo, Đồ sơn, thịt trâu già xào với rau lang.

- Thôi cũng được, có còn hơn không!

Tôi mỉm cười vì câu nói chua xót hoà vốn của người bạn được nhắc lại.Sau khi chặt đủ chỉ tiêu mỗi người 10 cây giang, chúng tôi chuẩn bị hạ sơn khi ánh nắng đã lên cao,vì buổi chiều còn phải về sớm chẻ lạt cung cấp cho nhà bếp gói bánh.Vì đường dốc lại trơn trựơt không đủ sức vác cả bó xuông núi, nên mỗi người khắc tên mình vào từng cây. Đứng trên lao xuống và hô thật lớn :

- Xuống cây ! Xuống cây !

Tiếng hô vang vọng núi đồi để bạn tù phia dưới biết mà tránh cho an toàn. Khi lao hết số cây, chúng tôi men theo đường mòn xuống núi, tìm đủ số cây gom lại vác về trại. Khi băng qua dòng suối chúng tôi dừng lại rửa mặt chân tay.Tiếng nước chảy róc rách qua khe đá cùng với tiếng chày rơi đều đều vào lòng cối mà người Thiểu số đã lợi dụng sức nước chuyển động để giã gạo. Bọn cán ngố gọi là ‘Chiếc chày tự giác’ mà người dân tộc nhờ ‘Đỉnh cao trí tuệ’của cán bộ Bác Đảng hướng dẫn, đã biết vận dụng thiên nhiên thay cho sức người, cũng như chiếc xe ba gác kéo tay vang danh một thời của nhân dân tỉnh Kiến an để biến sức người thay sức ngựa.

Tôi đang bực mình vì sự khoe khoang ngu dốt của những đỉnh cao trí tuệ loài người, bỗng nghe tiếng cười vang của các cô gái Thái từ trên đỉnh đồi đi xuống lấy nước. Khi nhìn thấy những người tù ốm yếu, rách rưới, các cô e ngại dừng bước. Chúng tôi hiểu ý gật đầu làm hiệu rồi đi lên. Hai cô gái còn rất trẻ, nước da trắng trẻo, mặc quần đen áo trắng có riềm màu sặc sỡ nổi bật giữa núi đồi hoang dại. Nhưng với thân phận người tù có ‘tức cảnh sinh tình’cũng đành để lắng đọng trong tâm hồn mình. Theo đuổi những ý nghĩ quên cả sức nặng bó giang đè trên vai áo rách, chúng tôi lầm lũi theo con đường mòn về trại mà đâu hay mùa Xuân đang về trên cây cỏ rừng chiều hoang lạnh !

Chiều 30 Tết, khung cảnh trại tù được trang hoang sạch sẽ hơn mọi ngày. Ngay chiếc cổng tre ra vào hàng chữ đỏ nổi trên tấm vải vàng :”Chúc mừng năm mới “.Trước các lán (nhà), khẩu hiệu được treo lên theo chỉ thị như :”Lao động là vinh quang – Vui Xuân không quên học tập lao động tốt- Xuân về Bắc Nam xum họp, nhà nhà yên vui”.Trong hội trường phía trước là cờ đỏ sao vàng với hình Hồ chí Minh. Phía trên là hàng chữ ‘Không có gì quí hơn độc lập tự do’,dưới ảnh ‘Bác Hồ vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp chúng ta’. Chung quanh hội trường treo những tờ báo liếp được cắt dán loạn xạ từ những tờ báo Liên sô, Nhân dân, Quân đội hay Sài gòn giải phóng…với đủ các hình màu hí họa, các bài thơ và các câu châm ngôn của lãnh tụ như :’Hoà bình phát sinh từ nòng súng (Mao chủ tịch)- Thiên tài chỉ có 10%, còn 90% nhờ lao động không ngừng (Lê-nin)- Không có gì qúi hơn độc lập tự do (Hồ chủ tịch)- Xưa yêu phong cảnh thiên nhiên đẹp, Mây gíó trăng hoa tuyết núi sông, Nay ở trong thơ nên có thép, Nhà thơ cũng phải biết xung phong (Bác Hồ với văn thi sĩ miền Bắc)- Bàn tay ta làm nên tất cả, Có sức người sỏi đá cũng thành cơm 

(Tố Hữu) – Mưa lớn coi như mưa nhỏ, mưa nhỏ coi như không mưa. Mỗi người tích cực làm việc bằng hai (Châm ngôn lao động trại).

Sở dĩ chúng tôi cóp nhặt tài liệu trong báo nhiều hơn là tự chế vì đa số anh em không muốn bộc lộ tâm tư mình.

Tối 30 thay vì tổ chức đón giao thừa, cán bộ cho chúng tôi nghỉ lao động sớm để chuẩn bị ngày mai đón Xuân mới.Vì thực ra nếu có tổ chức lấy gì mà đón giao thừa. Pháo thì không có. Đạn thì phải để cho bộ đội biên phòng ngăn giặc không đuợc bắn bậy. Đồ ăn lại không có tiêu chuẩn cho đêm 30. Khi ‘cửa chuồng’(danh từ tù viên đặt để chỉ nhà tù bằng tre nứa hai tầng giường giống chiếc chuồng gà khổng lồ) đóng lại, chúng tôi tụ tập từng nhóm. Người nhắc lại những kỷ niệm vui buồn về Xuân, vài anh ca nhè nhẹ những khúc nhạc Xuân quen thuộc. Nhóm Công Giáo quây quần quanh vị Tuyên trẻ tĩnh tâm ít phút trước khi dự Thánh lễ giao thừa âm thầm khó nghèo thật cảm động. 

Khi tiếng cồng bằng trái bom vỡ vang dội núi rừng, trại tù hoàn toàn im lìm đen tối, nhường lại cho những âm thanh huyền bí núi rừng.Tiếng cựa mình của những bạn tù không ngủ, còn thao thức với những suy tư dằn vặt về thân phận mình và đồng bạn trong đêm Xuân đầu tiên biệt xứ. Giá lạnh sương đêm dâng lên mỗi lúc một nhiều, cùng với cơn đói cồn cáo ruột gan bào mòn thân xác….

Sáng ngày mùng 1 Tết, không phải thức dậy 6 giờ như ngày thường và đuợc miễm vác đá.Vì cứ mỗi sáng vừa nhảy xuống giường, đã nghe tiếng còi réo gọi của những tên quản giáo, bắt mọi người lao xuống suối vác một tảng đá chạy ngược lên đồi, xếp thành đống lớn chuẩn bị xây nhà tù biệt giam.Việc làm này không được miễn ngay cả những ngày mùa đông mưa phùn gíó bấc lạnh buốt da thịt,có lẽ cũng là tác dụng làm cho người tù tỉnh ngủ và quên lạnh. 

Mùng Một Tết được ngủ đến 8 giờ sáng, nhưng mọi người đã thức dậy. Không khí trong phòng xôn xao hơn ngày thường, tiếng chào gọi chúc nhau:’Chúc năm mới khỏe mạnh! Chúc sớm xum họp với gia đình!’ Tôi đi một vòng chúc các bạn tù. Riêng anh TĐB người bạn rất thân cùng Binh chủng LLĐB–mấy hôm nay bị tiêu chảy còn quá yếu vẫn nằm trên giuờng.Tôi tiến đến vỗ nhẹ lên người anh :”Chúc bạn sớm bình phục! Hãy cố gắng lên!’Anh khẽ gạt đầu rơm rớm nước mắt. Anh B và tôi đã cùng sống với nhau qua nhiều trại tù miền Bắc, cùng chia sẻ đắng cay tủi nhục để cố vượt qua mong có ngày trở về. Rồi tôi chuyển trại vào Nam và được phóng thích trước anh mấy tháng. Khi anh trở về chúng tôi vẫn liên lạc thường xuyên.Tôi sang Hoa kỳ định cư trước anh. Những ngày đầu vội vã bận rộn mưu sinh nơi quê nguời, tôi chưa kịp liên lạc cùng bạn bè nơi quê nhà, thì một hôm đọc báo qua lời Phân ưu mới biết anh đã vĩnh viễn ra đi. Ôi những năm tháng nghiệt ngã trong lao tù anh đã gượng sống mong ngày trở về, nhưng anh lại nằm xuống khi những ước vọng làm lại cuộc đời chưa thực hiện được….

Đúng 9 giờ cửa phòng giam mở, sắp hàng lên hội trường. Các đội lần lượt vào hội trường, trên tay mỗi người cầm một chiếc ghế tre để ngồi.Bọn cán bộ và vệ binh cũng có mặt đông đủ, quân phục gắn quân hàm (cấp bậc) và chúng không quên mang theo vũ khí. Một lát sau tên trại trưởng và cán bộ ‘khung’ bước vào sau tiếng hô nghiêm, mọi người đứng dậy.

Buổi lễ bắt đầu bằng nghi thức chào cờ và suy tôn lãnh tụ.Tiếp theo tên chính trị viên đọc thư chúc Tết của Chủ tịch Nước gửi đồng bào. Một trại viên (tù binh) đại diện đọc thư chúc Tết cán bộ và toàn thể trại viên (bài được soạn sẵn theo ý của chính trị viên). Sau cùng tên trại trưởng mang quân hàm thiếu tá vuốt áo ngay ngắn đứng lên, cất cao giọng thuộc lòng như vẹt :

“ Nhân danh thủ trưởng trại, đại diện Nhà nước, Đảng và cán bộ trại, tôi gửi lời chúc các anh trại viên một năm mới: học tập lao động tốt để sớm xum họp với gia đình. Nhà nước và Đảng luôn quan tâm đến các anh, đặc biệt năm nay lần đâu tiên các anh đuợc hưởng một cái Tết tại miền Bắc với 30 năm’ tiến mau, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Xã hội chủ nghĩa’. Miền Nam gọi, miền Bắc thưa. Suốt 20 năm chống Mỹ cứu nước, miền Bắc là hậu phương lớn chi viện cho miền Nam từ hạt gạo bẻ đôi, hạt muối cắn làm hai để mới có như ngày hôm nay. Nam Bắc đã thống nhất, nhưng hậu quả của Mỹ-ngụy để lại còn nặng nề cần phải cải tạo để miền Nam theo chân miền Bắc đi lên. Các anh là những người lầm đường, đã tiếp tay phá hoại Đất nưóc.Tội các anh trước nhân dân rất lớn, nhiều như lá rừng nước biển, nhưng các anh nếu biết thành tâm hối cải, học tập lao động tốt sẽ được nhân dân và nhà nước khoan hồng để sớm trở thành người công dân tốt, hữu ích cho gia đình và Đất nước….”

Gịong điệu này chúng tôi nghe đã quá chán không biết bao nhiêu lần mỗi khi lên lớp học chính trị. Chúng tôi tự hỏi: ”Không biết 30 năm xây dựng XHCN miền Bắc như thế nào, mà xe chở tù chạy suốt dọc đường qua các phố thị, làng mạc, chỉ thấy nhà cửa xiêu vẹo, ruộng vườn xác xơ. Hình ảnh hai phụ nữ gầy ốm xanh xao gồng người kéo cầy, cùng cụ già áo rách đẩy phía sau làm tôi không sao quên đuợc. Những nhà cũ kỹ từ thời Pháp còn sót lại lên mầu nâu xậm. Người đi bộ nhiều hơn xe đạp nơi các thành phố. Những ngôi nhà thờ, chùa chiền vắng tiếng chuông vì đã biến thành hợp tác xã nông nghiệp hay chăn nuôi. Nhưng chẳng thấy lúa gạo, trâu bò, gà vịt đâu cả, có lẽ đã chi viện cho miền Nam hết rồi.’Tiến mau, tiến mạnh, tiến vững chắc’ quá đến nỗi trẻ em không đuợc cắp sách đến trường, mùa đông ngồi trước căn nhà lá xiêu vẹo với chiếc áo rách mong manh, trông nhà cho cha mẹ đi lao động XHCN. Những cô gái dâng cả tuổi xuân cho Bác và Đảng trong Nông trường tập thể. Bao thanh niên vượt Trường sơn vào Nam để chôn xác nơi khe núi rừng sâu.

Mải suy tư tôi chẳng để ý tên thủ trưởng nói tiếp những gì cho tới khi mọi người lục tục ra khỏi hội trường, mặt trời đã gần đứng bóng. Đội nhà bếp thông báo anh em lãnh tiêu chuẩn ba ngày Tết. Mỗi ngừoi ba bánh chưng bằng lòng bàn tay, ba gói thuốc lá hay thuốc lào. Phần ăn trưa: một chén cơm (thực đơn cao cấp) vì ngày thường chỉ ăn khoai hay sắn, một chén thịt trâu hầm (tính luôn cả xương và da), một chén rau lang xào với ba miếng lòng bằng đốt ngón tay và nước chè tươi không giới hạn tiêu chuẩn.- Bữa ăn của một gia đình nghèo nhất tại miền Nam đón Xuân còn thịnh soạn hơn nhiều, nhưng đối với người tù đây là biến cố để đời.

Tối mùng một là chương trình văn nghệ đặc biệt mừng Xuân do các tù viên’ tự biên tự diễn’. Mở đầu là hoạt cảnh Táo cải tạo du Xuân do một tù viên đóng vai Táo quân hia mão chỉnh tề. Ông Táo mặt mày hí hửng, tay dắt xe đạp, vai mang cái đài (radio) và tay đeo chiếc đồng hồ hai cửa sổ ( những đồ này cán bộ vui vẻ cho mượn vui Xuân), lững thững bước ra, vạch ống tay áo xem giờ, vặn đài rú lên, cúi chào tứ phía, rồi cất cao giọng :”Tôi là Táo cải tạo, trước khi về chầu Ngọc Hoàng Thượng Đế trình tâu mọi việc của trại trong suốt năm qua. Xin chúc Quí cán bộ sống lâu trăm tuổi, quí anh em trại viên học tập lao động tốt mau về đoàn tụ với gia đình..”

Đang thao thao, bỗng tiếng đài tít tít báo hiệu giờ điểm.Táo quân vội giơ đồng hồ lên xem hốt hoảng:”Chết rồi, đã đến giờ về chầu Ngọc Hoàng, ta phải’ khẩn trương’ không trễ mất, cũng may có cái xe đạp’tranh thủ’ cũng còn kịp.”Nói rồi dắt chiếc xe đạp chạy vào văng cả hia mão. Hội trường được dịp tha hồ vỗ tay cười la hét cổ vũ. Có vài anh còn hô to ‘Bis ! Bis !’. Bọn cán bộ cũng vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt. Nhưng chúng không ngờ màn hoạt cảnh vừa rồi anh em đã nghiên cứu trước và được cán bộ chính trị thông qua – với mục đích chế diễu phong trào “3 Đê” của cán bộ miền Bắc khi mới vào Nam sau 30/4/75 – đều ao ước có một chiếc xe Đạp mới, vai mang cái Đài và tay đeo Đồng hồ hai cửa sổ.

Những màn trình diễn tiếp theo gồm đơn ca, hợp ca, có cả vũ quạt, múa nón do tù viên giả trai trông khá hấp dẫn. Cuối cùng là kịch vui ‘Xã Xệ, Lý Toét du 

Xuân’gồm hai màn độc đáo. Xen kẽ còn có vọng cổ rất mùi…Buổi trình diễn kéo dài tới khuya mới chấm dứt.

Sáng mùng 2 lại được dậy trễ, tiếp tục các trò chơi như kéo giây, nhạy bị, cướp cờ, chơi cờ tướng…Giải thưởng là báo ảnh, thuốc lào, thuốc lá và bánh chưng.Tiêu chuẩn thực đơn giống ngày mùng 1. Nhân dịp vui Xuân cho phát biểu ý kiến, chúng tôi đề nghị được thay đổi thực đơn và tăng thêm khẩu phần cơm (vì chỉ một chén cơm ăn vẫn còn đói) đã được cán bộ trả lời :”Nơi miền rừng núi gạo rất hiếm, từ miền xuôi (đồng bằng) chuyển lên có định mức nhất định.Thịt heo, gà,vịt cũng thiếu, chỉ có thịt trâu do đồng bào thiểu số thông cảm chia bớt cho trại (thực tế đó là những con trâu già ốm không còn cầy bừa nổi nên thịt giai như cao su).Vì thế không thể thay đổi. Các anh chịu khó khắc phục đợi đến Xuân sau.

Tối mùng 2 xem chiếu phim. Nhờ công lao vất vả của đội trực phải lặn lội trên 10 cây số, gồng gánh khiêng vác máy và phim, vượt đồi lội suối mượn từ huyện về, gồm 3 bộ phim ‘đặc sắc’ là “Chiến thắng Điện biên – Giải phóng miền Nam và bác Hồ với thiếu nhi”.

Trước khi chiếu, cán bộ văn hoá huyện có dịp đề cao tuyên truyền từng phim. Phim thì cũ rích, ráp nối nên hay đứt.Tiếng’ thuyết minh’ rời rạc khó nghe, hoà với tiếng máy rè rè suốt 4 tiếng đồng hồ đưa nhiều tù viên vào giấc mộng du Xuân, chỉ bừng tỉnh khi tiếng vỗ tay trổi lên sau mỗi cuốn phim chấm dứt.

Cuộc vui nào rồi cũng qua mau, nhất là những cuộc vui gượng ép trong chốn ngục tù lại càng qua mau hơn chẳng để lại chút gì vấn vương.

Tập tục dân tộc Việt nam là nghỉ ít nhất là 3 ngày Tết, có nhiều nơi tại miền Nam kéo dài cả tuần với những Lễ Hội tưng bừng. Trong tù bọn cán bộ nói cho nghỉ 3 ngày, nhưng đến ngày mùng 3 chúng bày trò truyền thống ‘trồng cây nhớ ơn Bác’. Chỉ tiêu mỗi người 100 hốc sắn đào trên đồi đá khô cứng. Những tên cán bộ vờ vĩnh tham gia công tác, nhưng ở khu đất mềm trước ban chỉ huy và mỗi tên lãnh bao nhiêu hốc ai mà biết được, chỉ thấy chừng 1 tiếng sau chúng đã phủi tay về trại. Còn bọn chúng tôi hì hục tới 5,6 giờ chiều mới xong.Về trại còn phải lo tổng vệ sinh để sáng mùng 4 tiếp rục đi lao động sản xuất cho đủ chỉ tiêu và kịp thời vụ.

Rửa tay chân xong về trại lãnh khẩu phần mùng 3 Tết gồm hai củ khoai lang và chén rau luộc chấm muối thì trời đã tối. Đêm núi rừng xuống mau mang theo giá lạnh gió núi sương rừng tê buốt cả thân xác và tâm hồn.Từng người tù ngồi yên lặng trong bóng đêm, chậm chạp nhai từng miếng khoai như những con trâu già nhai lại. Chúng tôi đang nghĩ về thân phận mình và đặc biệt các bạn tù bị biệt giam nơi hốc đá phía sau đồi- về cuộc vui giả tạo vừa qua, về một chế độ coi con người thua thú vật.Tiếng từ điếu thuốc lào rít lên của người bạn tù. Những đóm lửa lập loè ma quái của đầu điếu thuốc đang cháy dở, mùi thơm thoang thoảng bay theo gió rừng.

Bụng càng cồn cào khi ăn hết hai củ khoai và chén rau rừng, tôi định bóc chiếc bánh chưng thứ ba còn lại ăn nốt. Nhưng lại thôi vì chợt nghĩ đến ngày mai cần ‘bồi dưỡng’ cho một ngày lao động kiệt lực.Tôi giơ tay lên vuốt mặt, không ngờ nước mắt mình đã trào ra. Các bạn tù chắc cũng đang mang một tâm trạng như mình. Lúc mày tôi mới hiểu thấm thía câu “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”./.

Đinh văn Tiến Hùng

( Trích Nhật ký trong ngục tù Cộng sản )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét