Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

Đừng Lo, năm Giáp Ngọ



ĐỪNG LO, NĂM GIÁP NGỌ

Những ngày trước Tết, qua trang Tin nhanh (VnExpress), người ta đọc được nỗi lắng lo của đủ mọi thành phần xã hội. Nào là của công nhân phải xếp hàng rồng rắn lâu giờ đợi chờ mua vé tàu về quê ăn tết; nào là của địa phương như Phú Yên dẫu trúng mùa vẫn lo xa xin trung ương hỗ trợ lúa gạo. Xí nghiệp này phải lo tiền thưởng Tết; nhà vườn kia thấy trời rét lo hoa không nở làm sao kịp bán vụ mùa. Và cũng có nỗi lo của các vị lãnh đạo xã hội, mong sao cho mọi nhà có cái Tết bình yên, cả trong lãnh vực vệ sinh thực phẩm, an toàn giao thông lẫn lãnh vực an ninh xã hội. Tất cả đều là những nỗi lo chính đáng. 


Nhưng hôm nay, mồng một Tết, Chúa Giêsu lại bảo “đừng lo”, như thể cứ thoải mái ăn Tết đi, rồi tự nhiên sẽ có tất cả. Chắc chắn không phải thế. Vậy phải hiểu lời “đừng lo” của Chúa Giêsu ở đây thế nào? Có nhiều cấp độ:

1. Ở cấp độ thực tiễn 

“Đừng lo” không phải là không lo gì, mà là đừng lo vu vơ, nhưng biết lo những gì đáng phải lo và biết lo liệu sao cho những điều đó có thể được thực hiện. Thật vậy, khác xa thái độ “vô ăn vô lo” của trẻ thơ và càng khác nữa thái độ của những kẻ chỉ biết một việc làm là “làm biếng”, lời “đừng lo” của Chúa Giêsu gợi lên thái độ sống tích cực ngay từ việc nhận thức về trách nhiệm đến việc lượng giá tình hình điều kiện cũng như việc sắp xếp thực thi. Muốn có vụ thanh long bội thu không phải chỉ làm cọc, xuống gốc, tưới tắm là xong, rồi phó mặc cho thời tiết bất kể nắng mưa đêm ngày, mà nhà vườn còn phải nhọc công vun chăm, lên lịch thắp sáng đúng hạn cho cây trổ hoa và khi kết trái, còn phải diệt trừ sâu bệnh cũng như chăm chút cho trái tròn, tai vểnh, hai da, đẹp mầu. Đừng lo những gì vượt khỏi tầm tay, nhưng vẫn tiên liệu lo toan thực hiện những gì ở trong khả năng của mình. “Đừng lo” rốt cuộc lại là biết rõ phải lo điều gì, lo đến đâu, lo cách nào, để đạt được thành quả và để mình không bị quá tải hoặc bị nghiền nát bởi điều mình lo. Không nên lo âu phiền muộn hoặc lo lắng vu vơ, nhưng biết lo liệu tính toán và lo toan thực hiện, đó chẳng phải là một khía cạnh của khôn ngoan thực tiễn đó sao?

Như vậy trong lời dạy “đừng lo”, dù được phát biểu dưới hình thức phủ định, Chúa Giêsu kín đáo đề nghị cách giải quyết nỗi lo mang lại hiệu quả. Nếu có điều gì đáng phủ nhận, thì đó chính là kiểu khôn ngoan thực dụng, chỉ nhắm lợi lộc cá nhân mà chẳng quan tâm đến ai cũng như chẳng đếm xỉa gì đến lẽ phải. Đừng lo quá mức, quá đáng; đừng lo linh tinh, lung tung, nhưng biết điều hướng nỗi lo về nẻo thăng hoa tinh thần. 

2. Ở cấp độ tâm linh 

“Đừng lo” cũng là lời gọi mở sang lòng trông cậy. Ngày xưa cha ông Việt Nam chỉ sống nhờ nông nghiệp, mỗi nhà tùy điều kiện đều có thể sở hữu một số đất cấy cày trồng tỉa lúa thóc hoa màu. Nguồn sống là đó và cuộc sống cũng tùy thuộc vào đó. Năm nào trúng mùa có “của để của ăn” thì xóm làng mọi người hạnh phúc, còn năm nào thời tiết thất thường khiến mùa màng thất bát phải lấy “của ruộng đắp bờ” thì đói ăn là điều khó tránh khỏi. Vì thế nỗi lo đeo đẳng len lỏi vào trong bữa ăn hằng ngày và giấc ngủ hằng đêm. Chả thế mà người xưa dù nỗ lực làm việc vẫn có đó một khoảng tâm linh dành cho lời kinh trông cậy: “Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp” (ca dao). Khó có thể bảo đây là một thái độ tôn giáo theo nghĩa hiện đại, nghĩa là có giáo lý, có tín đồ và có lễ nghi; nhưng từ sâu thẳm của vô thức đã là một thái độ tâm linh, nhận biết đời sống gắn liền với nỗi lo chính đáng, biết giới hạn của những phương tiện giải quyết và thường khi không thể tự giải quyết được, mà phải cậy nhờ vào sự hỗ trợ trên cao, dẫu sự hỗ trợ trên cao này chỉ là của Trời vốn được hình dung như cao xanh không xác định ngôi vị. Một thái độ tâm linh như thế, dù chưa phải là tôn giáo, nhưng đã là tình trạng chuẩn bị để khi Tin Mừng được rao giảng thì sẵn sàng đón nhận. 

Trước đây, tủ sách “học làm người” của nhà xuất bản Phạm văn Tươi, dù chủ đích là học làm người nhưng đã lấy châm ngôn “Nỗ lực và cậy trông” như định hướng vươn lên. Có lẽ ở cấp độ tâm linh, đây cũng là hướng đi của lời “đừng lo” trong bài Phúc Âm.

3. Ở cấp độ niềm tin Công Giáo, 

“Đừng lo” còn là lời cổ võ lòng tin tưởng phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng luôn muốn sự tốt sự lành cho mọi người. Loài vô tri vô giác như chim trời, hoa đồng nội còn được chăm sóc huống chi “con người là loài chỉ thua kém thiên thần một chút” (x. TV 8), phải không? Cách đặt vấn đề của Chúa Giêsu rất sát sườn và hình ảnh Người đưa ra rất cụ thể khiến lời dạy “đừng lo” trở thành một bài học quý giá trong thái độ sống, nhất là vào những lúc phải đối mặt với nỗi lo nhiều mặt như vào dịp Tết chẳng hạn. Lo chuyện này chuyện kia là điều không thể tránh trong kiếp phận con người, nhưng lo đúng hướng lại là điều phải học biết, học tập và học hành suốt đời sống đức tin. Như vậy “đừng lo” là đừng lo lắng thái quá kẻo phải hao phí sức lực hoặc hao tốn sức của, nhưng biết phải lo sao cho phù hợp lẽ công bình và tình bác ái với mình và với tha nhân, nhất là với tình yêu của Thiên Chúa.

Nhưng vượt trên những điều đặt con người trước nỗi lo, có một điều tín hữu phải chủ động ưu tiên lo liệu xây dựng và tính toán thực thi, như Chúa Giêsu nói rõ trong bài Phúc Âm, đó là “lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người”, nghĩa là chăm lo chu toàn phận vụ kẻ làm con Chúa, nghĩa vụ thành viên trong Giáo Hội phù hợp với bậc sống, chức vụ làm người giữa gia đình và xã hội. Nếu Nước Thiên Chúa không ở đâu xa, mà ở trong lòng của mỗi người, thì bằng tình mến cũng như niềm thao thức sống tốt, sống đẹp, sống lành, sống thánh hằng ngày, mỗi tín hữu đã biết đảm lĩnh nỗi lo chính yếu trong đời một cách đúng hướng, và điều còn lại là xin phó thác nơi bàn tay quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa, như lời Người đã hứa “còn mọi sự khác sẽ được ban cho sau”.

Tóm lại, lời “đừng lo” có thể hiểu ở ba cấp độ. Ở cấp độ thực tiễn, xin cho tín hữu với nỗi lo “cơm áo gạo tiền” gặp được nâng đỡ cần thiết để diễn tả đức tin cách lạc quan hơn; ở cấp độ tâm linh, xin cho mỗi người khi nỗ lực khẳng định bản thân vượt lên những nỗi lo lớn nhỏ, luôn hiểu rằng đi đôi với “miệt mài” còn có “may mắn” của ơn thánh để thêm trông cậy; và ở cấp độ niềm tin, xin cho mọi kitô hữu đừng lo gì khác ngoài việc tìm kiếm Thiên Chúa là Đấng cho mình sự sống và ý nghĩa sống, còn kỳ dư là trọn niềm phó thác tin yêu. 

Tết là dịp gia đình quây quần hạnh phúc, mừng chúc, hun đúc nghĩa sống Tin Mừng, nhất là trong năm “phúc âm hóa đời sống gia đình”. Đừng biến thời gian này thành dịp dị đoan mê lạc, cờ bạc rượu chè, xì ke ma túy, lãng phí xa hoa. Thánh Vịnh 37,5 bảo: Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay. Riêng tôi năm nay, cùng với những lời chúc đẹp lành cho ơn thánh, sức khỏe, phúc lộc và bình an, xin gửi đến mọi nhà một vần điệu vui:

Năm Giáp Ngọ, chúc vận đỏ: Tiền nặng giỏ, bạc đầy kho.

Trời ban cho, thêm tuổi thọ: Ngày ăn no, tối ngủ khò.

+GM Giuse Vũ Duy Thống

0 nhận xét:

Đăng nhận xét