Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

Mùa Xuân đầu tiên

LTCGVN (18.01.2014)

Mùa Xuân đầu tiên
Tân niên hạnh phúc, mến thương đáo
Xuân nhật bình an, ân sủng lai
Có lẽ Kinh Thánh chỉ một lần nhắc tới chữ Năm Mới: “Vào dịp đầu năm mới, vua Na-bu-cô-đô-nô-xo sai người đến điệu vua Giơ-hô-gia-khin về Ba-by-lon cùng với các đồ vật quý giá của Nhà Đức Chúa, rồi đặt chú của vua này là Xít-ki-gia-hu lên làm vua Giu-đa và Giêrusalem” (2 Sbn 36:10). Đó là lúc Giơ-hô-gia-khin lên ngôi vua khi được mười tám tuổi, và trị vì ba tháng mười ngày ở Giê-ru-sa-lem. Nhưng vua đã làm điều dữ trái mắt Đức Chúa.
Nói chung mùa Xuân đã có từ ngàn xưa. Xuân cứ đến rồi đi theo trình tự của đất trời, chẳng ai biết Mùa Xuân nào là Mùa Xuân đầu tiên, nhưng cuộc đời mỗi người đều có Mùa Xuân đầu tiên, theo nghĩa bình thường hoặc theo nghĩa đặc biệt. Theo nghĩa riêng biệt, NS Tuấn Khanh đã viết ca khúc “Mùa Xuân Đầu Tiên” (*) [nhịp 4/4, âm thể trưởng, viết trước 1975, còn ca khúc “Mùa Xuân Đầu Tiên” của NS Văn Cao là bài khác, nhịp 6/8, âm thể thứ, viết sau 1975]. Đó là ước mơ về Mùa Xuân Hòa Bình, khi mà mọi người được vui mừng tận hưởng lần đầu tiên sau những tháng năm chiến tranh tàn khốc.

Ca khúc “Mùa Xuân Đầu Tiên” của NS Tuấn Khanh được viết ở âm thể trưởng mà nghe giai điệu lại da diết chứ không vui nhộn. Ca khúc này nói về một chiến sĩ nhớ về người yêu ở quê nhà.
Anh ở tiền tuyền, em ở hậu phương, đôi nơi cách biệt cả không gian và thời gian, trái tim người lính nơi chiến trường luôn đầy ắp nỗi nhớ thương và hình bóng cô nàng: “Bao nhiêu thương nhớ gom nhặt đầy, anh trở về thăm em, bao lần ngồi thâu đêm, nghe mùa Xuân vừa đến. Em ơi, hoa thắm rơi ngập đường, trời nắng xế vương vương, lòng nhớ đến em luôn khi chiều tàn chim gọi đàn”. Nỗi nhớ đó càng đầy và càng dày thêm vào thời điểm cuối ngày, chạnh lòng biết bao mỗi khi nghe tiếng chim gọi đàn và rủ nhau về tổ.
Đêm xuống dần, sương lạnh thấm vai, người lính vừa đứng gác vừa nhìn trăng khuya mà mong trời mau sáng: “Em ơi, đôi lúc nghe lòng buồn trên sườn đồi thông xanh, sương phủ đầy vai anh, canh tàn trăng mờ ánh. Long lanh sao rớt phương đầy trời dòng cát trắng bao la, chờ sáng đến chim ca cho đường dài cũng không xa”.
Hình ảnh đó cũng được Kinh Thánh nhắc tới khi mô tả về lòng khao khát Thiên Chúa: “Hồn con trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông” [Tv 130(129):6].
Lúc đó, Mùa Xuân Đầu Tiên trong hoàn cảnh đất nước thanh bình chưa hiện thực, đó chỉ là Mùa Xuân Hòa Bình trong trí tưởng tượng của người lính tác chiến nơi tiền đồn heo hút, nhưng với anh thì rất thật, dù chỉ là thật trong ý nghĩ. Anh “đặt vấn đề” với cô người yêu: “Người yêu ơi, biết chăng anh về? Người yêu ơi, nhớ chăng lời thề? Anh say sưa nhịp bước trên hè, anh nâng niu nụ hoa vừa hé, đôi môi xinh người em nhỏ bé mộng mơ”. Rồi anh lại vu vơ hỏi đất trời như đang tâm sự với người yêu thật: “Mùa Xuân ơi, biết tôi yêu đời? Mùa Xuân ơi, nói sao nên lời? Em ơi em, dù nhớ vơi đầy, bao lâu nay đợi nhau là mấy, em đâu ngờ bến bờ hạnh phúc là đây”. Hạnh phúc rất đơn giản thế nhưng hạnh phúc lại to lớn quá!
Vừa vui Xuân Đất Trời vừa vui Xuân Tình Yêu, niềm vui như tăng theo cấp số nhân khi lại được chung niềm vui Xuân Hòa Bình đầu tiên: “Em ơi, Xuân đến bên thềm rồi, nhắp rượu hồng vơi đi, hết rồi mùa chia ly, cho tình Xuân vừa ý. Xin yêu thương đến đôi bạn hiền để xóa hết cô đơn, rồi quyến luyến nhau hơn cho người em thôi giận hờn”.
Không thể vui một mình, niềm vui phải được sẻ chia, làm lây lan sang người khác. Mình không thể tận hưởng niềm vui mình ên mà phải chia vui với người khác qua những lời chúc tốt đẹp nhất: “Xuân nay ta chúc cho mẹ già vui vườn cà thêm hoa, vui ruộng đồng bao la, tóc bạc phơ đẹp quá! Xin yêu thương đến vơi hận thù để tiếng hát hôm nay, người chiến sĩ mê say bên đàn trẻ bé thơ ngây”. Cũng như niềm hạnh phúc, niềm vui rất giản dị, nhưng niềm vui vẫn có sức mạnh lan tỏa khắp nơi… từ người già tới trẻ thơ.
Niềm vui hòa bình hiện thực, mọi người vui mừng tột đỉnh khi được trao nhau nụ cười thân thiện và chúc nhau năm mới vạn sự như ý, phát lộc và phát tài: Chúc Mừng Năm Mới – Happy new Year. Xuân Hòa Bình mới thực sự là Xuân mà người ta được hưởng Phúc-Lộc-Thọ-Khang-Ninh.
Chỉ mới là Mùa Xuân trần thế mà vẫn tuyệt vời biết bao!
C:\Documents and Settings\TramThienThu\Desktop\Xuan - ChuaChienLanh.jpgVới các Kitô hữu, cách riêng với người Công giáo, thì có tới ba Mùa Xuân Đầu Tiênvề phương diện tâm linh: Mùa-Xuân-Đầu-Tiên-thứ-nhất là khi được lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy, Mùa-Xuân-Đầu-Tiên-thứ-nhì là mỗi khi lãnh nhận Bí tích Hòa giải, và đặc biệt là Mùa-Xuân-Đầu-Tiên-thứ-ba là khi được chính thức vào vĩnh cư tại Thiên Quốc.
Mùa-Xuân-Đầu-Tiên-thứ-ba cũng chính là Mùa-Xuân-Đầu-Tiên-cuối-cùng của cuộc đời mỗi người chúng ta: Mùa Xuân Cứu Độ, Mùa Xuân Vĩnh Hằng, Mùa Xuân Trường Sinh.
Chúng ta chỉ có MỘT Mùa-Xuân-Đầu-Tiên-thứ-nhất, nhưng chúng ta có NHIỀU Mùa-Xuân-Đầu-Tiên-thứ-nhì. Đó là nhưng lúc chúng ta được Chúa Giêsu bỏ 99 con chiên “béo tốt” mà lặn lội tìm kiếm chỉ một con chiên ghẻ là chúng ta, và được Ngài vác trên vai đưa về đàn chiên của Ngài (x. Mt 18:12 -14; Lc 15:4-7).
Thánh Phaolô đã không ngần ngại chân thành bày tỏ: “Đức Kitô Giêsu đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi” (1 Tm 1:15). Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể gọi dạng Mùa-Xuân-Đầu-Tiên-thứ-nhì này là Mùa-Xuân-Thương-Xót.
Và rồi Thánh Phaolô còn nói thêm: “Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã tiền định cho chúng tôi đây làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch của Người, để chúng tôi là những người đầu tiên đặt hy vọng vào Đức Kitô, chúng tôi ngợi khen vinh quang Người” (Ep 1:11-12).
Lòng không Thiên Chúa: Xuân không Tết
Sống chẳng nghĩa nhân: Tết chẳng Xuân
Lạy Thiên Chúa, Ngài cũng muốn chúng con được vui sống khi nếm thử Mùa-Xuân-Đầu-Tiên-thứ-ba ngay tại thế gian này, xin giúp chúng con sống trọn Luật Thương Xót của Ngài để có thể xứng đáng được tận hưởng Mùa Xuân Cứu Độ mai sau, khi chúng con được trở thành những công dân của Nước Trời. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Vào Xuân – 2014

0 nhận xét:

Đăng nhận xét