Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

KIỆT QUỆ NIỀM TIN, KIỆT QUỆ VỐN XÃ HỘI

LTCGVN (29.01.2014)

Hy vọng những đốm lửa nhỏ, cần mẫn
Cả một thành phố bảy, tám triệu dân, hơn cả một nước người ta, vậy mà nhàm chán một cách không thể tưởng tượng được. Cuộc sống trở nên tầm thường và vụn vặt không thể tả.
Cạn kiệt niềm tin
Cũng khoảng giờ này năm ngoái, khi mới chân ướt chân ráo trở về, sau khi có trải nghiệm thực tế, tôi có viết một bài báo nhỏ có tiêu đề: Câu chuyện của niềm tin.
Đại thể, tôi kể lại những va chạm thực tế để thấy rằng, mất niềm tin đang là cái đáng lo ngại nhất trong xã hội Việt Nam dưới con mắt cua người mới nhập cuộc. Vì thiếu niềm tin nên mọi việc bỗng trở nên khó khăn và tốn kém gấp bội. Cuộc sống bỗng trở nên toàn màu xám. Con người căng thẳng, hiệu năng làm việc thấp vì hợp tác kém, mà lý do chính là không tin nhau, nên dành thời gian kiểm soát nhau vì phối hợp làm việc chung.
Ngay lúc đó, tôi đã nhận ra rằng: một trong những vấn đề lớn nhất mà xã hội này phải đương đầu là sự mất niềm tin trầm trọng. Niềm tin giữa người dân và chính quyền, giữa người dân và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với nhau, tóm lại giữa người và người, và đặc biệt là niềm tin vào bản thân mình.
Sau đó, mỗi khi gặp mặt, ngay cả với giới tinh hoa, giữa những than thở, hay đằng sau ánh mắt xa xăm, là một sự chán nản và khắc khoải. Rất ít hy vọng và lòng tin trong các câu chuyện. Sau những lần như thế, tôi thấy rất mệt mỏi. Sinh lực dường như đã bị rút hết đi, đến mức nhiều khi sợ gặp gỡ, vì sợ phải nghe những lời than như vậy.
Trong số những người tôi quen biết mỗi người chọn một cách phản ứng khác nhau. Nhiều người chọn sự cam chịu. Nhiều người lảng tránh, lảng tránh thực tại, lảng tránh nhìn vào mắt đối diện. Nhiều người giết thời gian trên bàn nhậu. Có tiền thì nhậu sang, ít tiền thì bình dân. Thanh niên ít tiền hơn thì giết thời gian trong các quán trà đá vỉa hè. Người không thích nhậu, hoặc không đủ sức để nhậu hoặc không có tiền để nhậu thì vùi mình vào các trang lá cải, mỗi ngày ngốn hàng chục bài tin tức, na ná như nhau vô thưởng vô phạt. Sau đó bức xúc một hồi, càm ràm hoặc nặng hơn là chửi đổng vài câu rồi lại vùi đầu đọc tiếp. Nhiều người bức xúc quá có phản ứng mạnh. Nhưng như con cá nằm trên lưới, càng giẫy giụa càng đau đớn. Nên sau mỗi hồi mệt mỏi cũng đến lúc nằm im "mackeno".
Kinh tế khó khăn, tinh thần bức bối, đặc biệt phát ngôn của các quan chức, các nhà làm chính sách bỗng trở nên đáng ngờ. Các mạng lưới hoạt động trong xã hội giờ chỉ còn quan hệ huyết thống đáng tin cẩn.Vì thế, vun vén cho gia tộc xây dựng Nhà Thờ họ, đã trở thành một trong lối sống của những người có địa vị trong xã hội.
Xã hội như vận hành bởi bộ tiêu chuẩn kép. Ai cũng biết vậy mà không phải vậy. Không phải vậy mà vẫn là như vậy. Nên ở cơ quan sống theo một chuẩn khác, về nhà lại một chuẩn khác nữa. Mỗi người phải đóng quá nhiều vai diễn, đến mức mệt mỏi kiệt quệ, mà không biết để làm gì.
Chưa bao giờ các hoạt động tâm linh cúng bái lại phát triển như hiện giờ, bất chấp khoa học đã phát triển nhiều hơn so với hàng chục năm về trước, thông tin cũng phong phú hơn nhiều.Vì sao vậy ? Vì người ta không tin ở con người, nên đành tìm đến nơi thánh thần, dù biết rằng cũng nhiều kẻ lợi dụng việc này để trục lợi.
Nhiều lần đi qua các quán nhậu ven đường, tôi đã tần ngần tự hỏi: sao trong giờ làm việc lại đông người lang thang quán xá đến như vậy ?
Những nơi tôi đi qua không ở đâu thấy đông thanh niên trai tráng ngồi lê la vỉa hè, cắn hạt bí, hạt hướng dương, uống nước chè, tập tạnh hút thuốc lào, nói bậy và chửi đổng... nhiều như trên vỉa hè Hà Nội, đặc biệt là các nơi cổng trường đại học.

Không ai nói chuyện khoa học, văn chương. Không ai quan tâm đến bảo tàng triển lãm. Không ai bàn tán về các thành tựu, khoa học, nhân văn mới. Không ai đả động đến ước mơ hay khát vọng. Những buổi nói chuyện dành cho đại chúng về các chủ đề rất mới, do các học giả nổi tiếng thuyết trình, cũng không có nổi đến vài chục người tham dự. Mà nếu có thì vẫn những khuôn mặt ấy. Rất cũ !
Cả một thành phố bảy, tám triệu dân, hơn cả một nước người ta, vậy mà nhàm chán một cách không thể tưởng tượng được. Cuộc sống trở nên tầm thường và vụn vặt không thể tả.
Trên mặt bằng truyền thông thì còn những tệ hại hơn nhiều. Nếu rút tất cả những tin liên quan đến chuyện hở hang, chém giết, sốc, sex, giật gân thì bỗng thấy nhiều tờ báo sụp cái rầm vì trống trơn bài vở.
Một năm trôi qua, câu chuyện lại có phần thêm u ám. Một xã hội thiếu hụt niềm tin mỗi ngày thêm hiển hiện rõ nét qua từng việc cụ thể chứ không chỉ là cảm giác như ngày nào.
Mỗi khi cầm một xấp giấy tờ với chồng chất dấu mộc đỏ choét tôi không khỏi ngần ngại. Chưa ở đâu tôi thấy những văn bản giấy tờ cần nhiều dấu đỏ như vậy, qua nhiều cửa ải xét duyệt như vậy. Nhưng cũng chưa ở đâu sự giả mạo trở nên phổ biến, được rao bán công khai như ở đây.
Cái nguy hiểm của sự mất niềm tin này là sự bào mòn sinh khí. Nếu như sự sợ hãi làm cho con người ta co cụm, đến một lúc nào đó có thể tạo ra một sự phản ứng đủ mạnh để vượt qua, thì mất niềm tin không gây ra một cảm xúc mạnh như vậy. Nó chỉ là đơn giản là làm mất hết sinh khí, vì người dân không còn tin vào công lý, không tin vào chính quyền, không tin ai, và không tin ngay cả chính bản thân mình.
Kiệt quệ vốn xã hội
Còn nhớ mỗi khi bàn về vốn xã hội, tuy có nhiều cách tiếp cận và lý giải khác nhau, nhưng chúng tôi đều thống nhất ở một điểm: Niềm tin nằm ở trái tim của vốn xã hội. Đó là niềm tin giữa người với người, người với thể chế, người với chính bản thân mình.
Vậy là niềm tin, một khái niệm xa lạ với môn kinh tế học phát triển, đã có được chỗ đứng đàng hoàng trong lòng nhiều nhà kinh tế học. Niềm tin đã trở thành một thứ vốn của xã hội. Mà đã là vốn thì có thể dùng để sinh lợi. Trong trường hợp này, niềm tin đã trở thành một thứ tài sản giúp cho xã hội hoạt động trơn tru hiệu quả hơn, chi phí giao dịch vì thế mà ít đi. Khi có niềm tin thì việc gì cũng suôn sẻ dễ dàng. Điều này đúng quy mô cá nhân, đúng cả quy mô quốc gia.
Các chính trị gia lão luyện Đông Tây kim cổ đều đặt vấn đề xây dựng lòng tin với với dân mình lên hàng đầu. Ngay ở Việt Nam cũng có những ví dụ này từ xa xưa trong lịch sử. Tương truyền, để dân tin vào cuộc kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi, trong lúc binh yếu lực mỏng, Nguyễn Trãi đã cho dùng mật mỡ viết lên tám chữ: "Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần" lên lá đa. Kiến thấy vậy bu vào đục thành chữ. Người dân đọc được thì tin rằng đây đúng là mệnh trời. Bài học vỡ lòng dành cho các chính trị gia xem ra vẫn còn điều xa lạ.
Tất nhiên, bên cạnh niềm tin, thì vốn xã hội còn thêm các yếu tố khác nữa. Có thể kể hai trong các số đó: thói quen tập tục, truyền thông văn hóa ứng xử; và sự phong phú lành mạnh của các hội đoàn, tức của mạng lưới xã hội dân sự.
Tiếc rằng, cả hai yếu tố này cũng rất yếu. Đút lót hối lộ dường như đã trở thành văn hóa, gọi là văn hóa phong bì. Sự giả dối đã tràn vào cả trường học, nên bị gọi là "nỗi buồn lớn ngành giáo dục".
Cuộc khủng khoảng kinh tế kéo dài suốt mấy năm nay lại càng làm cho vốn xã hội thêm kiệt quệ. Lẽ ra nếu có một vốn xã hội thắt lưng đủ đầy, người dân sẽ dễ vượt qua những thời khắc khó khăn hơn. Vì tin nhau, tin vào quan chức và chính sách chung. Đằng này quan chức nói gì, dân chúng lại bảo nhau làm ngược lại. Kinh tế rối loạn, lòng người hoang mang. Khó khăn càng thêm chồng chất không biết đến bao giờ mới gỡ được.
"Mất tiền là mất ít, mất bạn là mất nhiều, nhưng mất lòng tin là mất tất cả". Người xưa đã tổng kết như vậy, nên thấy thực trạng này, không ai tránh khỏi sự buồn rầu. Nhiều lúc nhìn xã hội như mớ bòng bong, không biết lần ra đằng nào. Mà lần ra được rồi thì cũng không gỡ ra được vì nó xoắn xuýt chặt chẽ vì lợi ích, vì bè phái, vì u mê.
Nguyên nhân vì đâu ? Tất nhiên là vì cơ chế. Ai chả nói thế. Dễ nhất và trúng nhất. Nhưng cơ chế do ai làm ra ? Tất nhiên là do con người, trong đó có tôi và bạn. Nhưng cụ thể hơn, đó là cái gì của tôi và bạn ? Sức khỏe, văn hóa, tri thức, học vấn, kỹ năng, tinh thần sáng tạo, ước mơ khát vọng, lòng quả cảm, sự dấn thân... hay còn gì khác nữa ?
Câu trả lời là tất cả.
Đến đây lại thêm giật mình. Thì ra mọi thứ chưa tốt như mong đợi cũng có phần ta đóng góp. Vậy nên, thay vì trông chờ vào một sự thay đổi lớn hãy chủ động tạo ra những sự thay đổi nhỏ trước đã.
Nếu không thay đổi được đời, thì thay đổi ta trước vậy. Khi những ngọn đuốc lớn đã không thể cháy thì chỉ còn hy vọng vào những đốm lửa nhỏ, kiên nhẫn và cần mẫn. Nhiều việc nhỏ góp lại sẽ thành việc lớn. Xưa nay vẫn thế, có cách nào khác được.
Tiến sĩ GIÁP VĂN DƯƠNG, theo Thời Báo Kinh Tế Sàigòn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét