LTCGVN (19.01.2014)
Sài Gòn - Ngày 6.1.2014, báo Thanh Niên Online khởi đăng loạt bài “Hải chiến Hoàng Sa – 40 năm nhìn lại“ của tác giả Châu Minh Linh. Phần lớn những sự kiện về cuộc chiến đấu chống xâm lăng hào hùng này đã được nhiều người biết đến, song việc một tờ báo trực thuộc bộ máy nhà nước đương quyền chính thức công nhận sự hy sinh đầy ý nghĩa lịch sử này, với ngôn ngữ khách quan, thân thiện bên cạnh việc phổ biến nguyên văn nội dung Tuyên cáo của Bộ Ngoại giao VNCH ngày 19.1.1974 và Tuyên cáo ngày 14.2.1974 của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, là một điều đáng để chú ý và ghi nhận.
Trước đó, đài truyền hình tỉnh Đồng Nai cũng đã chiếu bộ phim tài liệu mang tựa đề “Hải chiến Hoàng Sa 19-01-1974″ được những người VNCH thực hiện, ghi lại trang sử hải chiến khẳng định chủ quyền đất nước.
Đây là một chiến dịch của đảng Cộng sản Việt Nam nhằm xoa dịu dư luận về những bất mãn nghiêm trọng của người dân đối với thái độ bất xứng của nhà nước đương quyền trước các hành động xâm lấn ngang ngược của Bắc phương; là một tính toán chính trị bắt buộc phải có để tăng cường bằng chứng về chủ quyền Hoàng Sa; hay là một cố gắng nhằm hòa giải, đoàn kết người Việt? Có lẽ rất khó để có một câu trả lời khách quan và chính xác khi chỉ nhận xét qua một vài sự kiện thời sự. Song dù vậy, mặt nổi của hình thái này rõ ràng đáng để được công luận quan tâm, khích lệ.
Trong thực tế, vẫn còn quá sớm để khẳng định rằng đây là một thái độ chính trị khách quan và cũng là một chủ trương công bằng về lịch sử của nhà nước đương quyền — một yếu tố có thể được xem là khởi đầu cho tiến trình cải cách chính trị nào đó trong thời gian tới. Tuy nhiên, có lẽ với sự kiện này chúng ta cũng cần có một thái độ thích hợp tương xứng. Đó là, công nhận rằng việc tuyên dương lòng yêu nước và sự hy sinh của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa trong trận hải chiến Hoàng Sa của một số cơ quan truyền thông nhà nước Việt Nam hiện nay là điều đáng hoan nghênh. Loạt bài nhìn lại cuộc hải chiến Hoàng Sa đang nhớm lên một niềm hy vọng nhỏ là tinh thần khách quan lịch sử và công bằng trong chính trị — nếu là sự thật và được biểu hiện một cách sâu xa, liên tục — có thể sẽ ướm nét hứa hẹn cho một tiến trình hòa giải và đoàn kết dân tộc trong thời gian tới.
Hy vọng rằng những người lãnh đạo nhà nước hiện tại sẽ nhân cơ hội tưởng niệm lịch sử này để chủ động tạo dựng cơ hội hóa giải những mâu thuẫn đã có, hầu ở một ngày không xa, những người ở trong và ngoài đảng cầm quyền sẽ có thể nhìn nhau như là những người cùng có quan tâm chung về chuyện nước. Ở lăng kính đó, sự khác biệt về chính kiến sẽ không còn là lý do để thù hằn, triệt hạ lẫn nhau. Câu hỏi đặt ra cho toàn thể người Việt Nam là: nếu Ông Cha ta đã từng gác lại thù nhà để đoàn kết chống xâm lăng thì tại sao các thế hệ hôm nay không xem sự vẹn toàn lãnh thổ và tương lai một đất nước hùng cường là mục tiêu chung?!! Nhưng thiện chí hòa giải cần thiết được thể hiện rõ ràng từ cả hai phía, và cùng lúc.
Trước nhu cầu giải quyết các bế tắc nghiêm trọng về tình hình chính trị, kinh tế và xã hội, hơn lúc nào hết người Việt Nam cần gác lại mọi dị biệt, bất đồng để tạo điều kiện thuận hợp cho một tiến trình hòa giải và đoàn kết dân tộc. Tình trạng mâu thuẫn có thể không phải là vấn đề của nhiều người Việt song rõ ràng là những thành phần đang chi phối hiện tình chính trị nước nhà đang có những bất đồng cần được dung hòa, và nhiều mâu thuẫn cần được hóa giải. Khi nào người Việt Nam, dù là đảng nào và với chính kiến gì, vẫn đều có thể chia sẻ trách nhiệm cứu nước và giữ nước một cách bình đẳng, thì ngày đó Việt Nam mới có thể được vẹn toàn từ âm mưu xâm lăng, lũng đoạn của các thế lực bên ngoài.
Nước ta gặp nhiều khó khăn bấy lâu nay là vì hậu quả chiến tranh, bao gồm những định kiến chính trị cố chấp lỗi thời. Đã đến lúc để những người Việt yêu nước đến với nhau để cùng chung sức cứu nguy, bảo vệ và phát triển đất nước. Những ai cố tình đi ngược lại nguyện vọng chung của đại đa số nhân dân chắn chắn sẽ bị nhu cầu thăng tiến của quốc gia đào thải.
Điều quan trọng là muốn hòa giải và đoàn kết dân tộc, nhà nước đương quyền phải nhanh chóng chứng tỏ bằng hành động đối thoại đúng nghĩa với những người đối lập ôn hòa ở trong nước, trả tự do ngay cho những người bất đồng chính kiến đang bị giam tù phi lý, và tiến hành một cuộc Tổng Tuyển Cử Tự Do thật sự công bằng để thiết lập một chính thể dân chủ đa đảng pháp quyền. Chỉ có thiện chí cụ thể đó mới chứng minh được tinh thần tri ân thực sự đối với những người đã hy sinh anh dũng để bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam.
Xin cảm ơn tác giả Châu Minh Linh và Ban Biên Tập báo Thanh Niên! Xin cảm ơn những lời phát biểu khí khái chân tình của những người Việt đầy lòng yêu nước từ các xuất xứ khác nhau.
Hy vọng sao tinh thần tưởng niệm các chiến sĩ anh hùng hy sinh trong cuộc hải chiến Hoàng Sa năm 1974, và Trường Sa năm 1988, sẽ là chất keo gắn liền những con người Việt sẵn sàng đặt quyền lợi của dân Việt và nước Việt lên trên hết.Những tử sĩ của hai chế độ khác nhau đã hy sinh vì công cuộc bảo vệ Tổ Quốc cần được trân trọng tri ân như nhau, từ mọi người và mọi phía.
Nhân dịp trân trọng tưởng niệm 74 chiến hữu Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa (1974), xin được đồng thời nghiêng mình tri ân 64 chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ Trường Sa trong trận hải chiến ở đảo Gạc Ma (1988) , và hàng chục ngàn tử sĩ đã hy sinh bảo vệ đất nước trong cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung (1979).
Tất cả là vì Việt Nam, và cho Việt Nam.
Viết nhân ngày tưởng niệm 40 năm hải chiến Hoàng Sa.
Nguyễn Công Bằng (ĐVDVN)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét