Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

Gỡ bỏ chủ trương đưa chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa vào sách giáo khoa

LTCGVN (02.01.2014)

Sài Gòn – Chủ trương đưa nội dung chủ quyền biển đảo Hoàng Sa – Trường Sa vào sách giáo khoa năm 2015 của Thủ tướng chính phú chưa kịp đến với công chúng, thì đồng loạt các website đã gỡ bỏ các bài viết có nội dung này.
Theo nội dung bài viết còn sót lại của Vietnamnet được đăng tải trên trang nguyentandung.org thì vào chiều 30.12, trong buổi gặp mặt với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, GS Phan Huy Lê kiến nghị đưa việc phổ biến kiến thức về Biển Đông và chủ quyền biển đảo, Hoàng Sa – Trường Sa vào sách giáo khoa phổ thông. Đồng tình với đề nghị này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định: “Đấu tranh bảo vệ chủ quyền là vấn đề khác, bằng các giải pháp hòa bình, còn lịch sử là lịch sử, sự thật là sự thật”.
Ông Thủ tướng ủng hộ việc đưa những nghiên cứu đã rõ, đã được khẳng định về Hoàng Sa – Trường Sa vào sách giáo khoa. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, thống nhất về cấp học, mức độ để đưa rõ vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa khi tiến hành chương trình đổi mới xây dựng sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015.
Thông tin trên đã được nhiều báo đài loan tin, trong đó có tờ Dân Trí, Pháp Luật thành phố, Vietnamnet… Tuy nhiên, nội dung trên đã bị gỡ bỏ khỏi các website này ngay sau đó.
Nếu độc giả dùng cụm từ khóa ‘Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ủng hộ đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào SGK’ để tìm kiếm với Google thì sẽ thấy vô số kết quả, nhưng khi truy cập vào các trang trên thì chỉ thấy còn một trang trắng. Đài Á Châu Tự Do cũng đưa tin về vụ việc này với bài viết: “Chủ quyền về Hoàng Sa, Trường Sa sẽ được đưa vào SGK”. Câu hỏi cần nêu ở đây là: Tại sao các báo đài lại loại bỏ một thông tin quan trọng như thế?
Đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào SGK là một biện pháp đáng lẽ phải có từ lâu, để giáo dục cho các thế hệ tương lai của Việt Nam về chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Tại sao báo chí Việt Nam còn né tránh trong việc khẳng định chủ quyền của chính mình ? Đài Á Châu Tự Do cũng cho biết thêm trong bài viết, Trung Quốc đã xâm chiếm đảo Hoàng Sa vào tháng 01.1974 sau một trận hải chiến với Hải quân VNCH. Còn một số đảo và bãi đá thuộc Trường Sa thì Trung Quốc đã lấn chiếm sau đó vào năm 1988 sau khi đánh bại Hải quân Nhân dân Việt Nam.
140101Biendong.net cho biết: “Theo chính sử Trung Hoa, trong suốt 22 thế kỷ, từ các đời Tần, Hán đến sau Thế chiến thứ II, không thấy tài liệu nào, hay nói rõ hơn, không có câu chữ nào ghi rằng Biển Đông (Trung Quốc gọi là Biển Nam Trung Hoa) với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) thuộc chủ quyền của Trung Quốc”.

Website này khẳng định: “Các tài liệu cổ của Trung Hoa rõ ràng cho thấy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) đã được người Việt Nam phát hiện, sử dụng trong nhiều thế kỷ một cách hoà bình và liên tục không có sự phản đối của bất cứ quốc gia nào kể cả của Trung Quốc. Điều đó được minh chứng từ tư liệu chính sử của nhiều triều đại Trung Quốc trong đó đã mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong suốt hơn 22 thế kỷ từ thời Tần, Hán cho đến đầu thế kỷ XX”.
Khẳng định về cơ sở pháp lý của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, báo Đại đoàn kết cho biết:
“Sau khi đô hộ Đông Dương, Pháp nhân danh Việt Nam tiếp tục quản lý hai quần đảo qua việc cử tàu chiến tuần tiễu để đảm bảo an ninh, ngăn chặn buôn lậu, cho phép người Nhật khai thác phân chim trên đảo, cử tàu De Lanessan ra nghiên cứu hải dương, địa chất, sinh vật… Từ năm 1930 đến 1932, các tàu chiến Inconstant, Alerte, La Malicieuse và De Lanessan của hải quân Pháp liên tiếp ra quần đảo Hoàng Sa. Đầu những năm 30 của thế kỷ 20, Pháp cho quân trú đóng ở các đảo chính thuộc quần đảo Trường Sa. Các hoạt động này đã được công bố trong Công báo của Cộng hòa Pháp ngày 26-7-1933. Năm 1933, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định quy thuộc quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Pháp cũng tách quần đảo Hoàng Sa ra khỏi tỉnh Nam Nghĩa và đặt vào tỉnh Thừa Thiên và cho một đơn vị đóng quân ở đó. Sau khi trở lại Đông Dương, Pháp đã yêu cầu quân Trung Hoa Dân Quốc rút khỏi các đảo mà họ đã chiếm đóng trái phép năm 1946 và Pháp đã cho quân thay thế quân Trung Quốc, xây dựng lại trạm khí tượng, đài vô tuyến.
Năm 1951, tại Hội nghị San Francisco (Hoa Kỳ) có một đề nghị bổ sung bản dự thảo Hòa ước yêu cầu trao trả cho Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng Hội nghị đã bác bỏ đề nghị này với số phiếu áp đảo là 46 phiếu thuận, 3 phiếu chống và 1 phiếu trắng. Tại Hội nghị, Ngoại trưởng Trần Văn Hữu dẫn đầu phái đoàn Chính phủ Quốc gia Việt Nam đã tuyên bố khẳng định chủ quyền lâu đời của người Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp sự phản đối hay bảo lưu của nước nào.
Năm 1956 Pháp chuyển giao lãnh thổ miền Nam Việt Nam cho Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và chính quyền này đã cho quân ra tiếp quản, tổ chức hai quần đảo về mặt hành chính (lập ở mỗi quần đảo một xã thuộc một huyện ở đất liền), xây các bia chủ quyền, duy trì các trạm khí tượng. Từ những năm 50 của thế kỷ 20 tình hình hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trở nên phức tạp hơn. Lợi dụng tình hình rối ren khi Pháp rút khỏi Đông Dương theo Hiệp định Genève năm 1954, Trung Quốc đã bí mật chiếm đóng trái phép nhóm đảo phía đông của quần đảo Hoàng Sa vào năm 1956. Chính quyền VNCH đã kịch liệt phản đối. Năm 1959 quân Trung Quốc giả làm ngư dân đổ bộ lên nhóm đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa. Quân đội VNCH đã phát hiện ngăn chặn và bắt giữ 82 “ngư dân” Trung Quốc.
Đối với nhóm đảo phía tây của quần đảo Hoàng Sa, chính quyền VNCH tiếp tục quản lý cho đến năm 1974. Năm 1974, Trung Quốc dùng không quân, hải quân chiếm luôn phần phía tây của quần đảo Hoàng Sa. Chính quyền VNCH đã kịch liệt phản đối hành động xâm lược này của Trung Quốc. Năm 1975, chính quyền VNCH sụp đổ, Hải quân Việt Nam tiếp quản đầy đủ các đảo do quân đội VNCH cai quản trên Biển Đông. Nhà nước Việt Nam thống nhất sau đó tiếp tục khẳng định chủ quyền của người Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ban hành nhiều văn bản hành chính nhà nước thành lập các huyện đảo Hoàng Sa và huyện đảo Trường Sa cũng như hoàn thiện việc quản lý hành chính trên các quần đảo này. Một sự thật hiển nhiên là cho đến năm 1988 chưa hề có bất kỳ sự hiện diện nào của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. Ngày 14-3-1988, Trung Quân bắt đầu dùng vũ lực chiếm đóng trái phép một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Dưới ánh sáng của pháp luật quốc tế, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền lâu đời và liên tục của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Pv. VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét