Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

Thời sự Giáo hội: Nhân lễ tấn phong các Hồng Y mới (phần 1)

 LTCGVN (02.03.2014)- Hà Nội - Ngày 22/2 vừa qua, lễ kính tòa thánh Phêrô, ĐGH Phanxicô đã tấn phong 19 vị hồng y mới của Giáo hội Công giáo Rôma. Trên cung thánh hôm ấy, bất ngờ xuất hiện một bóng áo trắng quen thuộc nhưng đã ẩn cư từ một năm nay. Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêdictô XVI đã đến dự nghi lễ. Ngài ngồi hàng đầu bên cạch các hồng y mới. Đức Hồng y Lejolo, trước đây là quản lý đô thành Vatican, trong một cuộc phỏng vấn của báo La Stampa-Vatican Insider đã cho biết: “Tất cả các hồng y lập tức đổ về phía ngài để chào kính. Thật vui khi thấy các vị chen chúc nhau như thuở còn là học trò để được đến với Đức Bênêđictô. Ngài trông khỏe mạnh, thư thái, bình an và vẫn thân thiện như thuở nào. Ngài hỏi thăm từng người, cung cách vẫn nhã nhặn và đơn sơ như xưa nay ngài vẫn thế”. 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô tấn phong 19 Hồng Y vào ngày 22.02.2014
Đức Giáo Hoàng Phanxicô tấn phong 19 Hồng Y vào ngày 22.02.2014
Khi ĐTC Phanxicô bước lên cung thánh, việc đầu tiên là Ngài đến chào vị tiền nhiệm một cách nồng nhiệt. Và ngay từ đầu bài diễn văn ngắn nhân danh các tân hồng y, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh Parolin đã bảy tỏ sự vui mừng được Đức Bênêdictô hiện diện trong nghi lễ này, mọi người trong đền thờ đã vỗ tay vang dội. Sự hiện diện của Đức Bênêđictô có ý nghĩa rất lớn: Hội thánh là một thực thể duy nhất vừa liên tục vừa đổi mới theo thời gian. Vật đổi sao dời, sẽ xuất hiện những người mới, những việc mới nhưng vẫn một đức tin, một mầu nhiệm hiệp thông vĩnh hằng. Không có cái vĩnh hằng đó thì cũng không có đổi mới. Cho nên Hội thánh trân quý cái phần tinh hoa bất biến của mình mà ở đây, trong lúc này, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêdictô là biểu tượng và là chứng nhân. Đó là một đặc ân ban cho Hội thánh hôm nay, không phải lúc nào cũng có một cơ hội hiếm hoi như thế.

Từ cõi thâm tâm đó của Hội thánh, nay ta thử tìm hiểu 19 vị hồng y mới đó có cho ta một tiên báo gì về chặng đường sắp tới của Hội thánh chăng? Người ta thường đặc biệt chú ý tới lễ phong hồng y đầu tiên trong một triều đại giáo hoàng. Nhất là đối với một vị đã để lại rất nhiều ấn tượng mạnh như Đức Phanxicô trong năm qua, dư luận càng chờ đợi. Thành phần các vị mới gia nhập hồng y đoàn có thể làm rõ nét một tinh thần, một nội dung tư tưởng và mục vụ, một phong cách nhất định nào đó trong Dân Chúa.
Tìm hiểu danh sách các vị tân hồng y, giới quan sát có mấy nhận xét:
Đức Phanxicô chào đón Đức Nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI tại lễ tấn phong 19 Hồng Y, 22.02.2014
Đức Phanxicô chào đón Đức Nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI tại lễ tấn phong 19 Hồng Y, 22.02.2014
1. Đây là lần đầu tiên, người châu Âu không còn chiếm đa số trong hồng y đoàn. Với 122 vị hồng y đang trong độ tuổi thi hành nhiệm vụ quan trọng là suy cử giáo hoàng, thì 61 vị là người Châu Âu, trong số này 29 vị là người Ý. Vậy người châu Âu hiện nay là 50 phần trăm của hồng y đoàn. Sự thể này phản ảnh phần nào những thay đổi trong phân phối dân số Công giáo giữa các vùng miền thế giới. Theo số thống kê mới đây của tổ chức Pew Research Center ở Hoa Kỳ thì trong 100 năm từ 1910-2010 dân số Công giáo trên thế giới đã tăng gấp 3 lần, làm thay đổi địa bàn cư trú của người Công giáo. Năm 1910, 65% người Công giáo là người Châu Âu và 24% là người châu Mỹ La Tinh. Đến năm 2010, tỷ lệ người châu Âu trong Giáo hội chỉ còn 24%, trong khi châu Mỹ La Tinh là 39%. Như vậy mật độ người Công giáo đã chuyển từ châu Âu sang châu Mỹ La Tinh. Không phải là sự ngẫu nhiên nếu từ kỳ bầu giáo hoàng năm 2005 người ta đã dự đoán sẽ có vị giáo hoàng đầu tiên người châu Mỹ La Tinh.
Đến mật hội bầu Giáo hoàng năm 2013, dự đoán ấy đã thành sự thật với Đức Thánh Cha Phanxico, người Argentina (trong lịch sử Giáo hội Công giáo, có cả thẩy 208 vị giáo Hoàng người Italia, trong đó có 112 quê gốc Roma, điều này dễ hiểu vì Đức Giáo Hoàng chính là giám mục Roma, kế vị Thánh Phêrô. Ngoài các vị người Italia này còn có một vị người Do Thái, 16 vị người Pháp, 15 vị người Hy Lạp, 7 vị người Đức, 6 vị người Syria, 3 vị người Bắc Phi, 1 vị người Hà Lan, 1 vị người Ba Lan, và ngày nay 1 vị người Argentina.
Người ta lại dự đoán, nếu tình hình cứ diễn biến như hiện nay thì đến năm 2050 dân số Công giáo ở Châu phi sẽ tăng vượt bậc là 146%, Châu Á  tăng 65%, Châu Mỹ La Tinh tăng 42%, Bắc Mỹ tăng 38%, trong khi Châu Âu lại giảm 6%. Nếu cộng cả Bắc lẫn Nam Mỹ, thì 50% người Công giáo là người Châu Mỹ, Châu Âu chỉ chiếm tỷ lệ ¼ và còn giảm nữa.
Như vậy, so với trước đây các vị Hồng y người Châu Âu chiếm tuyệt đại đa số, với một tỷ lệ rất cao người Ý, thì tỷ lệ 50% người Châu Âu trong Hồng y đoàn hiện nay phản ảnh phần nào xu hướng thay đổi trong thành phần dân số Công giáo.
Tuy vậy, tỷ lệ các vị người Châu Âu trong Hồng y đoàn vẫn cao so với tỷ lệ dân số Công giáo, lý do là vì Châu Âu là vùng đất lịch sử, trong đó phần lớn Giáo hội Công giáo đã phát triển suốt 20 thế kỷ qua với những thành tựu rực rỡ cả về tâm linh, tôn giáo lẫn văn hóa. Ở đây Hội thánh Công giáo đã bám rễ rất sâu và đã đạt mức chín tới. Tuy ngày nay, dân Châu Âu nói chung không còn giữ được lòng đạo như xưa, xã hội có xu hướng “thế tục hóa”, và cho đến nay tuy có vài tia hy vọng nhưng chưa nhìn thấy rõ những thế hệ kế thừa đông đảo, Châu Âu vẫn chứa đựng nhiều tinh hoa Kitô giáo, hơn nữa lại là nơi có tòa của thánh Phêrô.
Mới đây báo Figaro của Pháp có bài nhận xét: ngay cả 6 vị Hồng y mới người Châu Âu đợt này thì đã có đến 4 vị có kinh nghiệm sâu sắc về Châu Mỹ La Tinh. Đức Hồng y Quốc Vụ Khanh, nhân vật số 2 ở Vatican, thì đã từng phục vụ ở Mexicô và Venezuela; Đức Hồng y Stella, bộ trưởng bộ giáo sĩ phục vụ ở Công hòa Dominicana, Cuba và Columbia, Đức Hồng y Baldisseri Tổng thư ký thượng hội đồng giám mục phục vụ ở Paraguay và Brasil. Còn vị Bộ trưởng bộ giáo lý đức tin, Đức Hồng y Muller, người Đức do Đức thánh cha Bênêdictô XVI bổ nhiệm thì đã cùng viết một tác phẩm chung với người đã mở đường tạo ra thần học giải phóng, vị linh mục người Pêru là cha Gutierrez và nay mai ngài lại cho xuất bản một tác phẩm nữa về cùng một đề tài. Phải chăng đó cũng là một hệ quả của việc Giáo hội Công giáo đang có một giáo hoàng người Châu Mỹ La Tinh?
Báo Figaro nhận xét: “Đúng là gió Nam đang thổi vào Giáo hội Công giáo”, đồng thời nhà báo cũng nhắc lại một câu nói vui của một vị đang được coi là sao sáng trong Giáo hội, Đức Hồng y Tagle người Philippin, có tên trong danh sách các vị papabili, nói rằng ngài lấy làm mừng vì đất nước Philippin đã tăng gấp đôi số hồng y từ 1 thành 2 vị mặc dù người Công giáo Philippin tổng số cũng ngang bằng người Công giáo Mỹ và Italia cộng lại. Thế nhưng Mỹ và Italia đang có những 70 Hồng y, kể cả các vị đã về hưu (Figaro, 21/2/2014)
Như vậy ta thấy, phía Châu Âu với quá khứ tôn giáo hết sức phong phú của mình, đang lộ ra những triệu chứng già cỗi và chưa biết khi nào sẽ tìm lại một mùa xuân mới, thì bù lại Giáo hội Mỹ La Tinh và Á Phi lại đang phát triển dào dạt, tuy nhiên số lượng và lòng sốt sắng còn phải đi thêm vào chiều sâu nội tâm.
Cũng vì sự tăng triển của Giáo hội, con số truyền thống 70 hồng y do Đức giáo hoàng Sixto V (1585-1590) ấn định đã được Đức Chân Phước Giáo hoàng Gioan XXIII vượt qua từ năm 1958. Con số các hồng y còn được bầu giáo hoàng hiện nay được ấn định là 120. Dù vậy, các nhu cầu đa dạng của Giáo hội ngày nay khiến cho Đức Phanxicô đã bỏ qua những tục lệ đáng quý…

(Còn nữa)
Vũ Khởi Phụng
Nguồn: VRNs

0 nhận xét:

Đăng nhận xét