Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

[Video VietCatholic] Thế Giới Nhìn Từ Vatican 27/06 - 04/07/2013 Phong Thánh cho Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II

1. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII có thể cùng được phong thánh trong năm nay


Các vị Hồng Y trong Bộ Phong Thánh đã có cuộc họp hôm thứ Ba 2 tháng Bẩy và đã công nhận phép lạ thứ hai nhờ lời cầu bầu của Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.


Theo báo cáo của hội đồng y khoa của Toà Thánh được công bố vào tháng 4 vừa qua, một phụ nữ ở Mỹ Châu Latin đã được chữa lành một cách tự nhiên vào ngày 1 tháng 5 năm 2011, nhờ sự cầu bầu của đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị. Sự kiện này xảy ra chỉ vài giờ sau khi đức cố Giáo Hoàng được phong chân phước.


Hai ủy ban đã được thành lập để nghiên cứu về phép lạ này. Một ủy ban gồm các bác sĩ và một ủy ban nữa bao gồm các thần học gia. Cả hai ủy ban đã đưa ra kết luận rằng đây là một phép lạ và việc khỏi bệnh không thể giải thích được về mặt y khoa.


Cũng trong cuộc họp ngày 2 tháng Bẩy, các vị Hồng Y cũng công nhận phép lạ thứ hai của Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII.


Đức Hồng Y Angelo Amato sẽ trình kết quả này lên Đức Thánh Cha Phanxicô. Nếu ngài chuẩn y thì hai vị Chân Phước Giáo Hoàng có lẽ sẽ cùng được phong thánh trong cùng một ngày. Các nguồn tin dự đoán đó là ngày 8 tháng 12 năm nay nhân lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.


2. Đại Hội Đời Sống Thánh Hiến tại Vatican


Theo chương trình của Năm Đức Tin, 6.000 chủng sinh, dự tập, và những thanh niên và thiếu nữ đang trên con đường tới chức linh mục và đời sống thánh hiến sẽ tập hợp tại Rôma từ ngày 4 đến 7 tháng Bẩy. Sự kiện này sẽ được bắt đầu với một cuộc hành hương viếng mộ Thánh Phêrô, sau đó là 3 bài thuyết trình của ba vị Hồng Y, và đỉnh cao là Thánh Lễ Chúa Nhật do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành.


Các tham dự viên sẽ đến từ 66 quốc gia.


Tại cuộc họp báo hôm thứ Hai 01 Tháng 7, Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về cổ vũ Tân Phúc Âm Hóa, đã trình bày chi tiết về cuộc gặp gỡ. 


Ngày 5 tháng Bảy, các tham dự viên sẽ tham gia lớp giáo lý và hành hương đến các nhà thờ tại Rôma để kính viếng thánh tích của các thánh, những vị "đại diện cho một cột mốc quan trọng trên con đường ơn gọi": Đó là Thánh Monica và Thánh Augustinô, Thánh Phanxicô thành Assisi, và các thánh Catherine, Philip Neri, Ignatiô Loyola, Aloysius Gonzaga, John Berchmans, Gaspar del Bufalo, và Thánh Têrêsa thành Lisieux. Cuối ngày, các chủng sinh sẽ có buổi trình bày các chứng từ về ơn gọi.


Vào ngày 06 tháng 7, các tham dự viên sẽ có buổi chầu Thánh Thể và có cơ hội để đi xưng tội, trước khi gặp gỡ các vị giám đốc các chủng viện và các thuyết trình viên trong cuộc nói chuyện về ơn gọi tại Đại học Lateranô. Các tham dự viên sẽ nghe chia sẻ của Cha Robert Barron, Giám Đốc Đại Chủng viện Mundelein; Chị Maria Piccione, một nữ tu người Ý dòng Augustinô là người đã viết những bài chia sẻ cho chặng Đàng Thánh Giá tại Hý Trường Côlôsêô Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2011, và Juan Manuel Cotelo, một nhà báo Tây Ban Nha, đạo diễn bộ phim “Ở Nơi Thiên Chúa Bị Cấm”. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ gặp gỡ các tham dự viên và kể lại hành trình ơn gọi của ngài. Chương trình sẽ được tiếp nối với những bài Thánh Ca của nhóm The Priests của Ái Nhĩ Lan và của Hermana Glenda, một nữ tu Chile. Cuối cùng là cuộc rước kiệu Đức Mẹ qua Vườn Vatican.


Các biến cố liên quan đến Năm Đức Tin đã diễn ra trước đây gồm có Hội Thảo về Bí Tích Thêm Sức, Thánh Lễ dành cho các cộng đoàn và phong trào cổ vũ lòng đạo đức bình dân, và ngày Tin Mừng Sự Sống.


3. Các vị đứng đầu Ngân hàng Vatican từ chức để tạo điều kiện cải cách


Chỉ vài ngày sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm một ủy ban đặc biệt phụ trách việc cải cách cơ cấu của Ngân hàng Vatican, còn gọi là Viện Giáo Vụ hay IOR, hai vị lãnh đạo của Ngân hàng Vatican đã từ chức.


Theo tuyên bố chính thức của Tòa Thánh, giám đốc của IOR Paolo Cipriani và Phó Giám đốc Massimo Tulli, cả hai đều là giáo dân, đã xin từ chức “vì lợi ích tốt nhất của Viện Giáo Vụ và Tòa Thánh."


Doanh nhân người Đức Ernst von Freyberg, chủ tịch IOR sẽ là giám đốc tạm thời của ngân hàng. Ông cũng sẽ được hỗ trợ bởi hai cộng tác viên.


4. Đức Thánh Cha trao giây Pallium cho 34 vị Tổng Giám Mục chính tòa


Sáng 29 tháng 6, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ mừng kính Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ và trao dây Pallium cho 34 vị Tổng Giám Mục chính tòa.


Dây Pallium là dây làm bằng lông chiên màu trắng, có 6 hình thánh giá màu đen, biểu tượng quyền của vị Tổng Giám Mục đứng đầu giáo tỉnh và sự hiệp thông với người kế vị Thánh Phêrô.


34 vị Tổng Giám Mục thuộc 21 quốc tịch, trong đó đông nhất là 4 vị người Mỹ và 3 vị người Italia; tiếp đến Brazil, Ấn độ và Ba Lan mỗi nước có 2 vị. Trong số các Tổng Giám Mục, có 7 vị thuộc các dòng tu: gồm 2 vị dòng Don Bosco, 2 vị dòng Thừa Sai Chúa Thánh Thần, các vị còn lại thuộc dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu, dòng Camêlô nhặt phép, và một vị nguyên là Bề trên Tổng Quyền dòng Chúa Cứu Thế, là Đức Cha Joseph Tobin, từng làm Tổng thư ký Bộ các dòng tu, và nay là Tổng Giám Mục giáo phận Indianapolis, Hoa Kỳ.


Hiện diện trong thánh lễ có 50 Hồng Y và hơn 60 Giám Mục, cùng với trên 8 ngàn tín hữu. Đặc biệt trên khán đài danh dự có phái đoàn của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinople do Đức Tổng Giám Mục Ioannis Zizioulas hướng dẫn. 


Trong bài giảng Đức Thánh Cha nói:


"Đây không chỉ là ơn gọi của Đức Giám Mục Roma, nhưng là của tất cả các anh em. Là Tổng Giám Mục và giám mục, anh em có trách nhiệm phải tận hiến cho Tin Mừng, phải gần gũi với tất cả mọi người, và sử dụng mọi năng lực của anh em để phụng sự tha nhân"


Theo truyền thống lễ trao giây Pallium được tổ chức vào Lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô. Đó là một biểu tượng về tình hiệp thông với Tòa Thánh. Đức Thánh Cha đã mô tả sự đa dạng của Giáo Hội như một bức tranh được thiết kế bởi Thiên Chúa. Đó là điều mà theo Đức Thánh Cha chúng ta phải nhớ rõ khi có sự khác biệt hoặc căng thẳng.


Đức Thánh Cha nói:


"Điều này sẽ linh hứng cho chúng ta hoạt động để vượt qua mỗi một xung đột gây ra những vết thương trên Thân thể Giáo Hội, để thống nhất trong sự khác biệt của chúng ta. Đây là con đường Công Giáo hướng tới sự hiệp nhất. Đây là tinh thần Công Giáo, tinh thần Kitô giáo. "


Trong số 34 Tổng Giám Mục nhận dây Pallium, có cả vị tân Tổng Giám Mục của Buenos Aires là Đức Cha Mario Aurelio Poli, người đã kế vị chủ chăn tổng giáo phận thủ đô Á Căn Đình sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu vào ngôi Giáo Hoàng.


Thông thường, các vị Tổng Giám Mục sẽ quỳ trước Đức Thánh Cha khi nhận dây Pallium để bày tỏ sự vâng phục của mình. Tuy nhiên, khi Đức Tổng Giám Mục Juarez Párraga của tổng giáo phận Sucre, Bolivia, chuẩn bị quỳ trước Đức Thánh Cha, ngài đã được Đức Thánh Cha nâng dậy. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đứng để trao dây Pallium cho Đức Tổng Giám Mục.


Đức Thánh Cha nhắn nhủ với các Đức Tổng Giám Mục rằng:


"Khi chúng ta để cho những suy nghĩ của chúng ta, cảm xúc hay luận lý phàm nhân của mình thắng thế, thay vì để cho chúng ta được giảng dạy và hướng dẫn bởi đức tin và Thiên Chúa, chúng ta trở nên những trở ngại. Đức tin nơi Chúa Kitô phải là ánh sáng của đời sống chúng ta như là Kitô hữu và là các thừa tác viên trong Giáo Hội! "


Trong lễ kỷ niệm, một ca đoàn nổi tiếng thế giới đã được mời để hát chung với ca đoàn Sistina của Tòa Thánh. Đó là dàn hợp xướng của giáo xứ Thomaskirche tại Leipzig, đó là nơi mà nhà soạn nhạc người Đức, Sebastian Bach đã làm ca trưởng trong những năm 1700. 


5. Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 30 tháng Sáu


Dưới trời nắng chói chang 30 độ của mùa hè Rôma, 60,000 tín hữu và khách hành hương đã tụ tập vào trưa Chúa Nhật 30 tháng Sáu để cùng đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha Phanxicô. 


Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi các tín hữu noi gương Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 lắng nghe và tuân theo tiếng lương tâm.


Đức Thánh Cha nói:


“Chúng ta phải học cách lắng nghe lương tâm chúng ta nhiều hơn nữa. Nhưng xin chú ý! Điều này không có nghĩa là đi theo cái tôi của mình, làm điều mình thích, làm những gì hợp với mình, làm cho mình hài lòng. Không phải vậy! Lương tâm là không gian nội tâm của sự lắng nghe sự thật, sự thiện, lắng nghe Thiên Chúa; là nơi nội tâm ta quan hệ với Chúa, Đấng nói với tâm hồn ta và giúp ta phân định, hiểu con đường ta phải đi, và một khi đã quyết định, thì tiến bước, trung thành với quyết định đó”.


Như một thí dụ về sự tuân phục Thiên Chúa và lương tâm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô trưng dẫn một chứng nhân đặc biệt là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16:


“Chúng ta đã có một tấm gương tuyệt vời về quan hệ như thế với Thiên Chúa trong lương tâm của mình, một tấm gương tuyệt vời gần đây. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã nêu gương sáng theo nghĩa này, khi Chúa làm cho Người hiểu trong kinh nguyện, đâu là bước đường phải thực hiện. Người đã tuân theo lương tâm, với một ý thức mạnh mẽ về sự phân định và can đảm, nghĩa là ý Thiên Chúa nói với con tim của Người. Và tấm gương này của người Cha chúng ta mưu ích cho tất cả chúng ta, như một tấm gương đáng phải noi theo”.


6. Bất chấp bạo động tại Brazil, các cận vệ của Đức Thánh Cha lạc quan về ngày Quốc Tế Giới Trẻ


Người chỉ huy của lực lượng an ninh của Tòa thánh Vatican đã tán đồng những ý kiến lạc quan đến từ Hội Đồng Giám Mục Brazil bất chấp làn sóng bạo động vẫn đang tiếp diễn tại đây.


Ngày Giới Trẻ thế giới sẽ diễn ra tại Rio de Janeiro, thành phố lớn thứ hai của Brazil, từ ngày 23 đến 28 tháng Bẩy. Hàng trăm cuộc biểu tình đã diễn ra trên toàn quốc trong những tuần gần đây.


Ông Domenico Giani, chỉ huy của đội hiến binh Vatican nói: "Tôi nghĩ rằng sẽ không có bất kỳ vấn đề an ninh nào đối với Đức Giáo Hoàng và những người tham dự, vì chúng tôi đã nghiên cứu tất cả mọi khả năng kể cả các chi tiết nhỏ nhất." 


"Chính những người biểu tình đã nhấn mạnh rằng họ không có ý bạo động," Giám Mục phụ tá Leonardo Steiner của giáo phận Brasilia, tổng thư ký của Hội Đồng Giám Mục Brazil đã cho biết như trên sau một cuộc họp với Tổng thống Dilma Rousseff.


7. Quốc Hội Nga thông qua đạo luật chống báng bổ tôn giáo


Một đạo luật chống báng bổ đã được Quốc Hội Nga thông qua và có hiệu lực ngay vào ngày 1 tháng Bẩy theo đó những ai báng bổ tôn giáo có thể bị phạt lên đến 300.000 rúp (tức khoảng 9,000 Mỹ Kim) và phạt tù lên đến 2 năm đối với hành vi công khai "xúc phạm niềm tin tôn giáo của các tín hữu. Hình phạt cho hành vi phạm tội được tăng lên nếu các hành vi này diễn ra trong nhà thờ.


Linh mục Vsevolod Chaplin, phát ngôn viên của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Nga, hoan nghênh luật này và cho rằng các hình phạt có thể là "quá nhẹ."


Luật này đã được thông qua tiếp theo những vụ xúc xiểm như bẻ thánh giá, vẽ bậy và viết các khẩu hiệu chống tôn giáo trên tường các nhà thờ. Đặc biệt nghiêm trọng là vụ các phụ nữ theo trào lưu feminist Nihilism gây náo loạn tại Vương Cung Thánh Đường Chúa Cứu Thế 


tại Mạc Tư Khoa hồi năm ngoái. Một trong những nhà đưa ra dự luật này là Dân Biểu Mikhail Markelov nói rằng theo thăm dò của việm Vtsiom của nhà nước Nga, 82% dân Nga ủng hộ luật này.


Chủ nghĩa hư vô Nga (Russian Nihilism) khởi đầu từ những năm 1860 đặc biệt bài xích Sa Hoàng và Giáo Hội Chính Thống Giáo.


8. Thông tấn xã Bộ Truyền Giáo cảnh giác: Hàng ngàn thanh thiếu niên Kitô thờ lạy Satan ở Nagaland, Đông Bắc Ấn Độ


Các thanh thiếu niên tại bang Nagaland ở Đông Bắc Ấn Độ đang bị quyến rũ bởi một nhóm tôn thờ Satan. Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho Các Dân Tộc cho biết trong vài tháng qua, hơn 3.000 người trẻ "tôn thờ Satan" đã được xác định tại Kohima, thủ phủ của Nagaland, và làn sóng sùng bái Satan đang “lan như cháy rừng”. 


Điều đau lòng là Nagaland được xem là trọng điểm của Kitô giáo. 95% dân số trong vùng là các Kitô hữu.


Mục sư Zotuo Kiewhuo của Giáo Hội Báp-tít ở Kohima, nói việc thờ phượng Satan đang được thực hành rộng rãi trong các trường trung học và đại học, và trong vòng năm năm trở lại đây, hiện tượng này đang gia tăng đáng kể. Trẻ em tiếp thu và truyền bá văn hóa của Satan chủ yếu thông qua các trang web và mạng xã hội như "Facebook" và "Twitter". 


Mục sư Shan Kikon, của cộng đồng Tin Lành tại Nagaland, nói với thông tấn xã Fides rằng ông đã đích thân gặp các thiếu niên thường xuyên đi thờ phượng Satan. Có những em mới 12 tuổi. 


Thông tấn xã Fides cảnh cáo rằng "Sa-tan đã xâm nhập vào các hiệp hội và cộng đồng Kitô hữu bằng cách tạo ra những ngộ nhận, mất lòng tin, và chia rẽ".


Cha Charles Irudayam, tổng thư ký Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ nói với Fides rằng "Chúng tôi thực sự bị sốc khi biết về tin tức này vì trước đây việc thờ lạy Satan không phải là một hiện tượng phổ biến ở Ấn Độ. Những hoạt động của các nhóm Satan ở vùng Đông Bắc Ấn là tiếng chuông báo động.”


Hàng ngàn phụ nữ trong hội các bà mẹ Công Giáo đã xuống đường tuần hành tại Nagaland như một tiếng chuông cảnh tỉnh về hiện trạng nguy hiểm này. Nhiều phụ nữ khóc lóc thảm thiết khi biết con cái mình tham gia vào các nghi thức tôn thờ Satan.


9. Đức Thánh Cha tiếp tổ chức Lương thực Thế giới


Hôm 27 tháng Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Ertharin Cousin, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới.


Chương trình Lương thực Thế giới là một cơ quan của Liên Hợp Quốc có trách nhiệm đấu tranh chống đói toàn cầu bằng cách cung cấp thực phẩm cho những người cần. Được thành lập vào năm 1961, tổ chức này hiện đang hoạt động tại hơn 70 quốc gia và cung cấp hỗ trợ cho hơn 90 triệu người.


Đức Thánh Cha đã đề cập đến vấn đề nạn đói thế giới khi ngài có cuộc gặp gỡ với các thành viên của Tổ Chức Lương Nông Thế Giới gần đây tại Vatican. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Cousin và các cộng tác viên của mình có dịp gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng. 


Bà Ertharin Cousin, Giám đốc điều hành, cũng là người đứng đầu một phái đoàn của Chương trình Lương thực Thế giới trong lễ khai mạc Sứ Vụ Mục Tử Toàn Thể Hội Thánh của Đức Thánh Cha hôm 19 tháng Ba vừa qua.


10. Phẫn nộ trước cái chết của thuyền nhân, Đức Giáo Hoàng quyết định đến thăm đảo Lampedusa.


Đức Thánh Cha Phanxicô đã xúc động trước cái chết của bảy người nhập cư bất hợp pháp đã chết vào giữa tháng Sáu tại Địa Trung Hải. Theo báo cáo, trong khi chơi vơi giữa đại dương, họ cố bám vào những lưới đánh cá để sống sót, nhưng những ngư dân chủ sở hữu của những lưới này, đã cắt chúng và để mặc cho những người nhập cư bị sóng cuốn trôi. 


Vào ngày 08 tháng 7 tới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm đảo Lampedusa, nằm giữa đảo Sicily và Bắc Phi. Khu vực này là một điểm dừng chủ yếu của những con tàu vận chuyển người tị nạn đang cố chạy trốn đất nước họ. Đức Giáo Hoàng có kế hoạch ném một bó hoa để tưởng nhớ những người đã chết trong khi cố gắng để tìm con đường sống của mình.


Theo Vatican, Đức Giáo Hoàng dự định đi một mình, không có giám mục hoặc chính quyền dân sự tháp tùng. Ngài dự kiến sẽ có một bài phát biểu với các tín hữu, nhằm kêu gọi sự tôn trọng những người nhập cư và người tị nạn.


Người ta ước tính rằng trong năm nay, khoảng 4,500 người tị nạn và di dân đã đến được đảo Lampedusa. Còn có bao nhiêu người chìm sâu trong lòng biển thì người ta không rõ.


11. Đức Thánh Cha Phanxicô công bố thông điệp đầu tiên vào ngày 05 tháng 7


Trong cuộc họp báo hôm thứ Hai 1 tháng 7, cha Federico Lombardi, trưởng phòng báo chí Tòa Thánh cho biết lúc 11 giờ sáng thứ Sáu 5 tháng 7, thông điệp đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ được công bố tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh.


Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng Trưởng Bộ Giám Mục, và Đức Tổng Giám Mục Gerhard Ludwig Müller, Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin và Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Tân Phúc Âm Hóa sẽ hiện diện trong cuộc họp báo trình bày về thông điệp này. 


Tòa Thánh cũng thông báo rằng thông điệp đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ được mang tên "Lumen Fidei" nghĩa là 'Ánh Sáng Đức Tin’. Thông điệp đã được bắt đầu bởi Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 khi ngài còn tại vị. Đức Thánh Cha Phanxicô đã hoàn thành thông điệp này, là thông điệp được ngài mô tả là một "văn bản mạnh mẽ."


Các thông điệp của các vị Giáo Hoàng là những lá thư ngỏ, viết về các đề tài tôn giáo và xã hội, và được gởi đến tất cả mọi người thiện chí.


Đức Gioan Phaolô II công bố 14 thông điệp. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI công bố ba thông điệp.


Thông thường, thông điệp đầu tiên của một vị Giáo Hoàng thường đưa ra những phác thảo về những ưu tiên trong triều đại giáo hoàng của ngài. Nhưng điều đó không luôn nhất thiết là như vậy. Đặc biệt trong trường hợp này, vì một phần của tài liệu đã được viết bởi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI.


12. Thánh giá đeo ở ngực theo kiểu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô được ưa chuộng tại Rôma


Tiệm sách ở Rôma này nổi tiếng không chỉ vì nó nằm trên đường phố Via della Conciliazione, nhưng vì tiệm sách này có bán kiểu thánh giá đeo ở ngực giống hệt như của Đức Thánh Cha Phanxicô. Thực ra cửa hàng này đã bày bán kiểu thánh giá này từ năm 2004, nhưng gần đây nhiều người đổ xô đến mua vì nó đã trở thành một biểu tượng cho phong cách đơn giản của Đức Giáo Hoàng Thánh Phanxicô.


Cha Luciano Orsi giám đốc nhà sách Ancora nói:


"Thánh giá này là cùng một mô hình như thánh giá Đức Giáo Hoàng thường đeo. Chúng tôi đã bán trong nhiều năm nay, khoảng năm 2004. Nhưng trước đó chúng tôi chỉ có thể bán một hoặc hai cây mỗi năm, bởi vì kiểu mẫu này không được ưa chuộng lắm. Nhưng trong ba tháng qua, chúng tôi đã bán được rất nhiều. "


Cây thánh giá được thiết kế đơn giản, được làm bằng bạc có hình ảnh vị Mục Tử Nhân Lành và một chim bồ câu tượng trưng cho Chúa Thánh Thần.


Cha Luciano Orsi nói:


"Chúa là vị Mục Tử Nhân Lành là một hình ảnh nổi tiếng trong truyền thống Công Giáo. Đó là hình ảnh của chính Chúa đang chăn dắt dân Ngài. Ngài chăm sóc đàn chiên của Ngài, và mang về những con chiên lạc "


Các thánh giá bằng bạc được bán với giá khoảng $500 Mỹ Kim. Nhưng, cũng có những mô hình khác với giá cả phải chăng hơn được làm từ các loại vật liệu khác nhau.

VietCatholic

0 nhận xét:

Đăng nhận xét