Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Giáo dục con bằng lời nói

LTCGVN (29.07.2013)

Năm Giáo Dục Gia Đình Kitô Giáo, vâng ! Nền tảng chính yếu là Gia Đình, một gia đình đúng nghĩa Kitô giáo.Ta thấy mẫu gương của cha mẹ cũng rất quan trọng trong vấn đề giáo dục con nên người tốt sau này, vì từng lời ăn tiếng nói của cha mẹ ảnh hưởng rất nhiều tới con em mình. Nhìn vào nhiều gia đình ta thấy: Những cha mẹ ăn nói từ tốn, chừng mực, khoan thai nhẹ nhàng thì con cái cũng ăn nói nhỏ nhẹ lễ phép, tỏ ra con nhà có giáo dục. Còn cha mẹ ăn nói xô bồ, ào ào, lỗ mãng, cộc cằn, ăn đàng đông nói đàng tây… thì thường con cái cũng ảnh hưởng bởi tính cách ấy.
 Một lần tôi đến thăm một người bà con, chưa vào đến nhà, đã nghe tiếng chị quát: “Thứ đồ con mất dạy ! Đi đâu đi cho khuất mắt tao !” Tôi nghe giọng đứa con gái vừa dắt xe ra cổng vừa trả lời: “Ai mất dạy ? Hả ? Vậy ai là người dạy tôi để tôi mất dạy ?” Chị chạy theo sỉ vả: “Mày biến khỏi cái nhà này ngay ! Tao mà biết mày khốn nạn thế này, tao bóp mũi mày từ lúc mới sinh mày ra.” Cháu gái cũng không vừa, bốp chát: “Sao không bóp ? Để bây giờ nuôi lớn nó chửi cho, tại ai ? Ai khốn nạn hơn ai ?”

Thấy tôi, nó im lặng lên xe chạy thẳng, còn lại chị đỏ mặt tía tai, có lẽ vì tức và cũng vì thẹn với tôi. Dìu chị vào nhà, tôi hỏi: “Tại sao lại ra nông nỗi này ?” Chị bảo: “Cho tiền đóng học, nó không đóng, trốn học đi chơi, nhà trường gửi giấy về, nói nó còn cãi: không đóng học vào lớp bị giám thị nhắc nhở, quê với bạn nên bỏ học…” Nói rồi chị rấm rứt khóc.
Nghĩ thương chị mà không biết nói sao để an ủi chị. Hình như đã nhiều lần tôi bắt gặp chị có những lời nói và những cách cư xử với con cái thật khó coi. Ngày xưa đã lâu lắm rồi, có lần tôi lên tiếng, chị đã giận tôi cả tháng trời không nhìn mặt, vì ngày đó, cháu cùng bạn bè đi hái trộm ổi của nhà hàng xóm. Chủ nhà bắt được, dẫn độ về phân bua; giá như người ta, chị xin lỗi vài lời tỏ ra biết điều thì cũng vui lòng người mất của. thực ra bà này bị mất rất nhiều lần, mà không bắt được lũ con nít phá phách trong xóm. Nay bắt được con chị, bà lôi xềnh xệch về nhà, mấy đứa nhỏ theo sau ( có lẽ là cùng nhóm ) hàng xóm láng giềng nhìn theo, chắc vì quê, bà kia chưa kịp nói tiếng nào, chị đã làm bà một nước om củ tỏi: “Có mấy quả ổi xanh, hai ngàn bạc cả rổ đáng gì mà bà làm lớn chuyện. Bà giỏi bà cứ thử đụng vào con tôi xem nào. Bà bao nhiêu tuổi mà bà hơn thua chấp nê mấy đứa con nít ?” Thế là nói không lại thấy chị bênh con chằm chặp, xa xả xỉa xói, bà kia ấm ức ra về. Bịch ổi con chị đang cầm trong tay, chị giật lấy ném trả bà lăn lóc trên đường.
Tôi nghĩ con cái hư hỏng là tại mình không biết cách dạy dỗ hoặc mình bênh con một cách sai quấy. Quên đi nguyên tắc giáo dục ông bà vẫn dạy là “yêu con cho roi cho vọt, ghét con cho ngọt cho bùi”, không phải lúc nào cũng đánh đập, nhưng răn đe, uốn nắn con từng lỗi nhỏ thì nó không sai phạm đến lỗi lớn. Khủng khiếp quá ! Tôi chưa gặp trường hợp con nhà ai như thế bao giờ ! Thấy cháu nói và cãi tay đôi với mẹ, tôi cho không phải đây là lần thứ nhất mà chắc là thường như cơm bữa để rồi cháu không còn một chút nào kính trọng mẹ nữa !
“Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”, nhiều gia đình mà bố hay mẹ hay mách tục, chửi thề, cãi nhau một cách thô tục với hàng xóm, những điều đó chính là những câu nói ăn sâu vào đầu óc đứa trẻ, cha mẹ chửi nhau trước mặt con, ông bố văng tục, bà mẹ chẳng nhịn lại bốp chát… Nhiều dịp tập bài như thế, đứa trẻ lớn lên ra đường gặp chuyện là áp dụng ngay, nó sẽ thành “chuyên gia hàng đầu thế giới” là điều đương nhiên. Nếu chúng ta biết thay vào những điều khiếm nhã đó bằng lối sống gia đình thể hiện tư cách đạo đức tốt, đứa bé từ khi bập bẹ tập nói, mẹ đã dạy con bằng những lời cầu nguyện đơn giản chân thành, những câu kinh ngắn gọn tâm tình khi ôm con mỗi ngày trên gối, những lời chào hỏi dạ thưa lễ phép thay vào những lời lẽ thô tục.
Còn một điều nữa không thể chấp nhận được là ở nhiều bà mẹ có thói quen nựng con kỳ cục, tập cho con chửi nhau tay đôi với mình: Anh chồng vừa đi làm về, nồng nặc mùi rượu, vợ đang ngồi ôm con, chồng sà xuống ôm hôn đứa bé. Người mẹ đẩy ra nắm hai tay con chưa đến năm tháng tuổi, lắc lắc chửi kháy ba nó: “Ôm cái gì mà ôm ! Hôn cái gì mà hôn ! Cha tiên sư tổ bố nhà mày ! Chán lắm đây, mày đi làm mày không mang tiền về nuôi tao, lúc nào mày cũng đi nhậu, hết sữa cho con tao bú rồi kia kìa ! Nhậu gì mà nhậu mãi, nhậu tối ngày ai mà chịu được, phải không ?” Nhìn đứa bé cười, cả bố mẹ nó cũng cười.
Có khi con đang bi bô tập nói, bố dạy con chửi mẹ, mẹ dạy con chửi bố: Bố mày, mẹ mày, đồ chó đẻ… chửi thề, chửi tục, rồi cả nhà cười ồ khi đứa bé ngọng nghịu lập lại những lời chửi “dễ thương” như vậy. Thật đau lòng và chua xót làm sao ? Chúng ta phải trả lẽ trước mặt Chúa về những việc làm và những lời nói thiếu suy nghĩ trong cách giáo dục ấy.
Bà chị tôi kể ở trên ngày xưa có thói quen tập cho đứa bé đang lẫm chẫm tập đi hay cầm tay tát vào mặt mẹ hay mặt người khác mà lấy làm vui, vừa cười vừa nói: “Này, đánh bà nội này, đánh bà chừa này, tại bà nội làm cháu đau này. Hay tại con mẹ này, con mẹ hư thân mất nết làm con bị té này…" Hoặc đổ tội tại đất, giơ tay đánh xuống đất đến đỏ tay: "Tại đất này, mày làm con té này !" Sao chúng ta không nghiêm nét mặt mà bảo: “Đứng dậy đi ! Lỗi tại con không cẩn thận nên bị té, bị đau có ai làm con đau đâu, lần sau con phải cẩn thận nhé.”
Hỏi rằng những cái cách giáo dục như trên kiểu đó làm sao đứa trẻ không hư ? Những gương xấu thì đầy rẫy, nhiều cha mẹ coi phim có những chỗ nam nữ hôn hít, ăn mặc hở hang, thậm chí những phim sex cũng mở xem khi có mặt con trẻ. Tôi còn nhớ khi cháu tôi thấy nam nữ hôn nhau, nó hô to: “Hai đứa kia nó đang cắn mỏ nhau kìa !” Thế là mọi người cùng cười ồ và mỗi khi có cảnh đó, lại có người lên tiếng nhắc đứa bé dù lúc nó đang ngồi học bài cũng la lên. Kìa kìa ! Nó lại “cắn mỏ” nhau kìa ! Và bà mẹ thì đi đâu cũng thích kể lại cho người khác nghe chuyện đó một cách khoái chí.
Đừng tưởng 5, 7 tuổi nào chúng đã hiểu gì ? Thực ra hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc mà ta đỡ không kịp các bạn ạ. Vì trí óc non nớt của trẻ rất tò mò. Cho nên bao nhiêu lần báo chí đã cảnh báo về trẻ em đã biết làm những việc… như người lớn khi chưa đầy 10 tuổi đầu, và con số trẻ em gái bị lạm dụng tình dục xảy ra như cơm bữa ở những thiếu niên chưa ráo máu đầu. Vậy nên chúng ta những người lớn phải nêu gương tốt cho con cái.
Đừng chửi tục chửi thề. Có người cha sai thằng con đem cho mình cái búa, chẳng may thằng bé làm rơi trúng chân nó chảy máu. Ông ta bực mình bảo: “Đ… mẹ, cầm có cái búa không nên thân”. Đứa con vừa xoa chân vừa nói: “Đ… má, vì nó nặng quá !” Bà mẹ đứng gần đó buột miệng: “Ông làm cái Đ.. gì cũng sai con, sao không đi mà lấy ?” Ta thử hỏi những chuyện như thế, hở một chút, cả nhà xài tiếng Đan Mạch. Mẫu gương của cha mẹ, người lớn hằng ngày phơi bày trước mắt con cái, chúng không hư hỏng ta mới lấy làm lạ ! Gần mực thì đen, gần những bậc cha mẹ như vậy, tương lai con cái càng đen tối hơn, bởi không gì tác động mạnh mẽ và mau lẹ trên con cái bằng chính gương sống và lời nói của cha mẹ.
 Hỡi những ông bố, hỡi những bà mẹ, hãy cẩn thận trong từng lời nói của mình với con cái, trong thái độ cử chỉ đối với con cái nhất là ở tuổi mới lớn, con nít không ra con nít, người lớn cũng chưa thực sự, chúng dễ bất mãn, hận đời khi bị đối xử tệ bạc, đến nỗi có những thiếu niên dám xâm chằng chịt trên cánh tay dòng chữ “Thù cha chưa trả - Hận mẹ chưa tha”, đọc lên thật là khủng khiếp phải không các bậc cha mẹ ? Xin đừng để các con cái yêu thương của chúng ta phải lâm vào hoàn cảnh như thế, các bạn nhé !
THANH ANH NHÀN
Theo EPHATA số 571
 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét