Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
LTCGVN (12.07.2013)
1. Ơn toàn xá cho các tín hữu tham dự Ngày Quốc Tế Giới trẻ tại Rio de Janeiro, Brazil tại chỗ hay qua các phương tiện truyền thông
Ngày 9 tháng 7, tại phòng báo chí Tòa Thánh, Tòa Ân Giải Tối Cao đã công bố sắc lệnh sau:
Cùng với các mục đích thiêng liêng của Năm Đức Tin do Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 ấn định, Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn các bạn trẻ có thể kín múc được những thành quả thánh hóa như mong ước từ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2013 sẽ được cử hành từ ngày 22 đến 29-7 tới đây tại Rio de Janeiro với chủ đề “Các con hãy đi và làm cho mọi dân nước trở thành môn đệ” (Xc Mt 28,19). Trong buổi tiếp kiến ngày 3-6 vừa qua dành cho Đức Hồng Y Chánh Tòa Ân giải là người ký tên dưới đây, Đức Thánh Cha đã bày tỏ tâm hồn từ mẫu của Giáo Hội, kín múc từ Kho tàng ân phúc của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, của Đức Trinh Nữ Maria và của tất cả các thánh, và đã chấp thuận cho các bạn trẻ và tất cả các tín hữu được chuẩn bị thích đáng, có thể được hơn ơn toàn xá như sau:
1. Ơn toàn xá có thể ban mỗi ngày một lần cho những tín hữu thành tâm thống hối, sốt sắng tham dự các buổi lễ và các việc đạo đức được cử hành tại Rio de Janeiro; ơn này được ban theo những điều kiện thường lệ - như xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha- và cũng có thể chỉ cho các linh hồn đã qua đời.
Những tín hữu bị ngăn trở vì lý do chính đáng không đến được tận nơi, cũng có thể được hưởng ơn toàn xá, miễn là - tuân theo các điều kiện thiêng liêng thường lệ, chịu bí tích và cầu nguyện, với lòng tuân phục con thảo đối với Đức Thánh Cha, - họ hiệp ý tham dự các buổi lễ phụng vụ trong những ngày đã định, nghĩa là họ theo dõi các buổi lễ ấy và các việc đạo đức được trực tiếp truyền đi qua truyền hình và truyền thanh, hoặc qua các phương tiện truyền thông xã hội mới mẻ, luôn luôn với lòng sùng mộ phải có.
2. Ơn xá bán phần được ban cho các tín hữu, bất kỳ họ ở nơi nào trong thời kỳ Những Ngày Quốc tế giới trẻ nói trên, mỗi khi họ dâng lên Thiên Chúa những lời khẩn nguyện sốt sắng và ít là với tâm hồn thống hối, và kết thúc với kinh nguyện chính thức của Ngày Quốc Tế giới trẻ, và sốt sắng khẩn cầu Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương Brazil, dưới tước hiệu “Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội Aparecida”, và kêu cầu các vị Thánh Bổn Mạng và các vị Chuyển Cầu của Ngày Quốc Tế giới trẻ, để khích lệ các bạn trẻ củng cố đức tin và sống đời thánh thiện.
Tiếp đến để các tín hữu có thể dễ dàng tham gia các hồng ân thiêng liêng ấy, các Linh Mục có năng quyền hợp pháp để giải tội, với lòng mau mắn và quảng đại, hãy sẵn sàng giải tội và đề nghị cho các tín hữu những kinh nguyện công khai, để cầu cho Ngày Quốc Tế giới trẻ được thành tựu tốt đẹp.
Sắc lệnh có giá trị cho dịp này, bất chấp những gì trái ngược.
Ban hành tại Roma tại trụ sở Tòa Ân Giải tối cao ngày 24-6 năm 2013, lễ trọng kính thánh Gioan Tẩy Giả.
Ký tên: Hồng Y Manuel Monteiro de Castro
Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao
Giám chức Krzysztof Nykiel
Phó Chánh Tòa
2. Đức Giáo Hoàng nói với các chủng sinh, và các dự tập: theo Chúa Giêsu không phải là một lựa chọn bán thời gian
Hôm 6 tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp hàng ngàn chủng sinh và các dự tập đang tập trung tại Rôma tham dự Đại Hội Đời Sống Thánh Hiến trong Năm Đức Tin. Trong bài phát biểu của mình, Đức Giáo Hoàng đã nói rất trực tiếp. Ngài nhắc nhở rằng ơn gọi của Thiên Chúa không phải là một lựa chọn tạm thời hoặc bán thời gian bất chấp những cám dỗ của thế giới hiện đại.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói:
"Trở thành một linh mục, tu sĩ hay nữ tu, không phải là một sự lựa chọn chúng ta thực hiện hoàn toàn bằng bản thân mình. Tôi không tin tưởng một chủng sinh, hay một dự tập nói với tôi rằng: "Con đã chọn con đường này." Tôi không thích điều này! Điều đó không đúng. Câu trả lời của chúng ta được kích hoạt bởi một lời mời gọi tình yêu. Đó là một cái gì đó bạn cảm thấy bên trong. Cái gì đó làm chúng ta không yên. Để đáp trả, bạn trả lời: "Vâng."
Hơn 6.000 chủng sinh và dự tập đã tham gia vào buổi gặp gỡ. Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở họ rằng con đường theo Thiên Chúa không nhắm đến vấn đề của cải vật chất, nhưng là ân sủng bên trong.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói:
"Khi bạn nhìn thấy một chủng sinh, một linh mục, một nữ tu, hay một dự tập buồn bã với một khuôn mặt dài thườn thượt, bạn có cảm giác là cuộc sống của họ đã đóng lại bởi một cánh cửa nặng nề. Điều này làm cho bạn ngừng lại. Lòng bạn chùng xuống. Có cái gì đó sai! Xin vui lòng ... hỡi các nữ tu, các linh mục với một khuôn mặt buồn rười rượi. Chớ bao giờ! Vì niềm vui thực sự đến từ Chúa Giêsu! "
Sẽ có những thử thách ở phiá trước, Đức Giáo Hoàng nói, nhưng đó là lúc họ phải nhìn sâu vào nội tâm và truyền đi niềm vui đến từ việc rao giảng Tin Mừng. Ngài cũng nói với họ, họ không nên dự phần vào một nền văn hóa tin đồn.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói:
"Điều phổ biến là sự ghen tuông, ghen tị, nói xấu về nhau. Chỉ trích cấp trên không phải là chuyện cổ điển. Điều này rất là phổ biến. Thậm chí tôi cảm thấy đã mắc vào cái bẫy này. Tôi đã tham gia vào nó, nhiều lần. Tôi xấu hổ khi nói về điều đó. Tôi rất xấu hổ! Điều đó không đúng. "
Vì vậy, câu trả lời nằm trong việc xây dựng tình huynh đệ. Trình bày suy tư trên một đoạn Kinh Thánh, Đức Giáo Hoàng nói rằng mặc dù người ta dù có thể chỉ có một, hoặc hai, người bạn thật sự, họ cũng được mời gọi để xây dựng một tình huynh đệ với tất cả mọi người.
3. Thánh Lễ Đức Giáo Hoàng với các chủng sinh và nữ tu: Hãy loan báo niềm vui cho thế giới
Cuộc hành hương kéo dài bốn ngày của hơn 6.000 chủng sinh và dự tập đã đạt đến cao điểm là một Thánh lễ đặc biệt do Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành tại Đền thờ Thánh Phêrô. Đức Thánh Cha đề cập với những người đang trong một cuộc hành trình ơn gọi bằng cách nhấn mạnh một thực tế là tuổi trẻ của họ là một kho báu tuyệt vời cho sứ vụ của họ trong Giáo Hội.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói:
"Các con đại diện cho giới trẻ của Giáo Hội! Nếu Giáo Hội là Hiền Thê của Chúa Kitô, các con trong một nghĩa nào đó đại diện cho thời điểm hứa hôn, cho mùa xuân của ơn gọi, mùa của sự khám phá, đánh giá, hình thành. Và đó là một mùa rất đẹp, trong đó đặt những nền móng cho tương lai. Cảm ơn các con đã đến! "
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng mục tiêu thực sự của những người thánh hiến phải là loan báo niềm vui và sự thanh thản cho thế giới. Điều này, theo Đức Giáo Hoàng, phải là kết quả tự nhiên khi ta đã cảm nghiệm được niềm an ủi và sự dịu dàng của Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói:
"Đôi khi tôi nhìn thấy những người thánh hiến lại đi sợ sự an ủi của Thiên Chúa. Những người nghèo bị gặm nhắm bởi nỗi buồn, vì họ sợ sự dịu dàng của Thiên Chúa. Nhưng đừng sợ! Đừng sợ, Chúa là Thiên Chúa an ủi, là Chúa của sự dịu dàng. Thiên Chúa là Cha chúng ta, và Ngài phán rằng ngài sẽ cư xử với chúng ta như một người mẹ với đứa con của mình, với sự dịu dàng. Đừng bao giờ sợ sự an ủi của Thiên Chúa! "
Ở cuối bài giảng, Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thanh bần, vì Chúa Giêsu sai các môn đệ của mình đến với thế giới không có "túi tiền, không bao bị, giày dép." Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô trao phó những dự tập và các chủng sinh cho sự chuyển cầu của Đức Mẹ.
4. Buổi công bố Thông Điệp Lumen Fidei
Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố thông điệp đầu tiên của mình mang tên "Lumen fidei", hay "ánh sáng đức tin." Tài liệu này được bắt đầu bởi Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 khi ngài còn tại vị và sau đó được tiếp nối bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Kết quả là một văn bản kết hợp thần học và các vấn đề hiện tại mang dấu ấn của cả hai vị Giáo Hoàng.
Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi tất cả mọi người hãy để cho đức tin chiếu rọi ánh sáng trên cuộc đời họ. Ngài cũng nói rằng "đức tin không phải là một điều ngạo nghễ, nhưng đó là sự tăng cường mối liên kết giữa con người với nhau nhằm phục vụ cụ thể cho công lý và hòa bình. "
Tổng Trưởng của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức Tổng Giám Mục Gerhard Ludwig Müller, là người chịu trách nhiệm chính trong việc trình bày thông điệp.
Ngài nói:
"Thông điệp này muốn tái khẳng định một thực tế, đó là đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô là một giá trị cơ bản cho nhân loại và là điều 'tốt cho tất cả mọi người, vì lợi ích chung': 'nó không chỉ chiếu rọi ánh sáng trên Giáo Hội, cũng không phải chỉ hữu ích trong việc xây dựng một kinh thành vĩnh cửu bên kia thế giới, nhưng đức tin cũng giúp chúng ta xây dựng chính các xã hội đương đại của chúng ta, để chúng ta có thể hướng tới một tương lai đầy hy vọng ".
Văn bản gồm các định nghĩa đa dạng của đức tin. Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng đức tin được sinh ra từ một cuộc gặp gỡ đặc biệt và đức tin có nghĩa là "tin tưởng vào một tình yêu luôn luôn mở rộng vòng tay tha thứ, hỗ trợ và định hướng đời người."
Đức Thánh Cha Phanxicô đã sử dụng các ví dụ lấy từ cuộc sống hàng ngày để giải thích suy tư thần học của ngài. Ví dụ, ngài nói rằng lời hứa của tình yêu đích thực giữa một người nam và một người nữ là chung cuộc trọn đời và trong nhiều khía cạnh nó nhắc nhớ chúng ta những đặc tính của chính đức tin.
Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng Trưởng, Bộ Giám Mục
"Một trụ cột vẫn còn thiếu trong bộ ba các nhân đức đối thần của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Chúa quan phòng muốn rằng trụ cột thiếu sót này sẽ là một hồng ân từ Đức Giáo Hoàng danh dự và vị kế nhiệm ngài và là một biểu tượng của sự hiệp nhất. Khi kế tục và hoàn thành công việc đã được bắt đầu bởi người tiền nhiệm của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra một chứng tá cho sự hiệp nhất của đức tin. Ánh sáng đức tin được truyền từ một vị giáo hoàng đến một vị giáo hoàng khác như một cây gậy trong một cuộc chạy tiếp sức. "
Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Tân Phúc Âm Hóa nói thêm:
"Cũng nên biết rằng để chuẩn bị cho Năm Đức Tin, chúng tôi đã liên tục yêu cầu Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI viết một thông điệp về đức tin cách nào đó sẽ là một phần tiếp theo của bộ ba ngài đã bắt đầu với Deus Caritas Est nói về tình yêu, và Spe Salvi về hy vọng. Đức Giáo Hoàng đã không chắc chắn có thể gánh vác gánh nặng này. Tuy nhiên, sự kiên trì của chúng tôi cuối cùng đã thắng và Giáo hoàng Benedict XVI đã quyết định ngài sẽ viết nó và công bố vào cuối năm của Đức Tin. Nhưng lịch sử đã quyết định khác. "
Thông điệp chứa các chủ đề quen thuộc trong dòng suy nghĩ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, chẳng hạn như đức tin cũng có nghĩa là lý trí và rằng chính đức tin "không phải là một phạm trù riêng tư cũng không phải là ý kiến cá nhân", vì "đức tin không chứa đựng chân lý thì chẳng cứu rỗi được ai." Tài liệu này cũng trích dẫn một số tác giả yêu thích của Giáo hoàng Benedict, chẳng hạn như Nietszche, TS Elliot và Dostoievski.
Thông điệp đầu tiên của một vị Giáo Hoàng thường là chìa khóa để hiểu triều Giáo Hoàng của ngài. Trong trường hợp này, điều quan trọng cần lưu ý là thông điệp đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô là một văn bản đầy đủ của sự lạc quan và hy vọng.
5. Đức Thánh Cha giải thích ý nghĩa đằng sau thông điệp đầu tiên của mình, trong khi đọc kinh Truyền Tin
Trong kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật và sau Thánh lễ đặc biệt với các chủng sinh và dự tập, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trình bày suy tư của ngài về vai trò của các linh mục như là những người kế vị của các môn đệ, và là những người đã được Chúa Giêsu gửi đến thế giới như các nhà truyền giáo và các nhân chứng Tin Mừng.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói:
"Ngài đã lập tức hình thành một cộng đồng các môn đệ, cũng là một cộng đồng truyền giáo. Ngay từ đầu, Ngài huấn luyện họ cho sứ mạng truyền giáo. Tuy nhiên, hãy coi chừng! Mục đích không phải là để xã giao, hay để dành nhiều thời gian với nhau - không, mục đích là để rao giảng Nước Thiên Chúa, và điều này là cấp bách! Không có thời gian để lãng phí trong các cuộc nói chuyện to nhỏ, không cần phải chờ đợi sự đồng ý của tất cả - chỉ có một điều cần thiết là bước ra và công bố Tin Mừng.”
Sau khi cầu nguyện với Đức Mẹ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã trình bày đôi nét về nguồn gốc của thông điệp "Lumen Fidei", Ánh sáng Đức Tin được công bố hôm thứ Sáu 5 tháng 7.
Đức Thánh Cha nói:
"Như anh chị em đã biết, hai ngày trước đây thông điệp về đức tin, “Lumen Fidei," Ánh sáng Đức Tin" đã được công bố. Để chuẩn bị cho Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã bắt đầu viết thông điệp này, tiếp theo sau các thông điệp về bác ái và hy vọng. Tôi tiếp tục dự án này và đã hoàn thành nó. Với niềm hân hoan, tôi gởi thông điệp này đến với dân Chúa. Thực ra, đặc biệt là lúc này đây, chúng ta cần phải đi sâu vào các yếu tố cần thiết của đức tin Kitô giáo, để làm sâu sắc hơn, và để đo lường các vấn đề hiện tại về đức tin. Nhưng tôi nghĩ rằng thông điệp này, ít là một phần, cũng có thể là hữu ích cho những người đang tìm kiếm Thiên Chúa và ý nghĩa của cuộc sống. "
Ở cuối bài phát biểu của mình, Đức Giáo Hoàng cũng dành ra một thời gian để chào đón tất cả các khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô, đặc biệt là những người đang chuẩn bị để đến Brazil tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2013.
6. Đức Thánh Cha đến Lampedusa để bày tỏ sự bất bình của ngài trước cái chết của bảy người nhập cư bất hợp pháp
Hôm thứ Hai 7 tháng 7, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến bán đảo Lampedusa để bày tỏ sự bất bình của ngài trước cái chết của bảy người nhập cư bất hợp pháp đã thiệt mạng vào giữa tháng Sáu tại Địa Trung Hải. Theo báo cáo, trong khi chơi vơi giữa đại dương, họ cố bám vào những lưới đánh cá để sống sót, nhưng những ngư dân chủ sở hữu của những lưới này, đã cắt chúng và để mặc cho những người nhập cư bị sóng cuốn trôi.
Lúc 8h sáng, Đức Thánh Cha đã khởi hành từ sân bay quân sự Ciampino của Roma. Sau 1h15 phút bay trên không phận Italia, máy bay đáp xuống sân bay Lampedusa lúc 09:15. Ra đón Đức Thánh Cha có Đức Tổng Giám Mục Francesco Montenegro Agrigento và ông Giuseppina Nicolini, thị trưởng thành phố Lampedusa.
Đức Thánh Cha đã đi bằng xe hơi đến cảng Cala Pisana, tại đó ngài lên một con tàu để đến Lampedusa bằng đường biển. Các ngư dân trong vùng đã tháp tùng Đức Thánh Cha trên những chiếc thuyền của họ, và cùng đọc kinh cầu cho các linh hồn trong khi Đức Thánh Cha ném hoa xuống biển để tưởng nhớ những người thiệt mạng trong vụ đắm tàu. Sau 15 phút trên biển, Đức Thánh Cha đến cảng Punta Favarolo, nơi có những trại dành cho những người nhập cư bất hợp pháp. Họ chào đón ngài tại ngay bến tàu.
Cùng với những người chào đón ngài, Đức Thánh Cha đi đến Salina là một sân vận động trong khu vực để cử hành thánh lễ lúc 10h sáng. Sau khi kết thúc thánh lễ Đức Thánh Cha đã lên xe hơi đến thăm giáo xứ San Gerlando. Lúc 11h30 ngài đã gặp gỡ anh chị em giáo dân, khích lệ họ đối xử tử tế với những người di dân bất hợp pháp. Ngài rời giáo xứ lúc 12h30 và trở lại sân bay Lampedusa bằng xe hơi. Lúc 12:45 máy bay của Đức Thánh Cha khởi hành trở lại Rôma.
Máy bay đã hạ cánh xuống sân bay Ciampino lúc 1:45. Đức Thánh Cha đã dùng trực thăng trở về Vatican để tiếp tục ngay các công việc trong ngày của ngài.
7. Thánh lễ trên đảo Lampedusa: Đừng chiều theo “làn sóng toàn cầu hóa sự thờ ơ”
Trong thánh lễ trước 10,000 người, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mạnh mẽ tố giác sự dửng dưng đối với số phận những người tị nạn, những thuyền nhân chết trên biển cả và những kẻ lợi dụng sự nghèo đói của người khác để làm giàu.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong thánh lễ tưởng niệm những thuyền nhân bỏ mình trên biển cả trên đường đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn. Đức Thánh Cha nói ngài muốn thức tỉnh lương tâm của nhiều người trên thế giới, tất cả mọi người, đặc biệt là các giới hữu trách, về thảm trạng người di dân và tị nạn, và về nguy cơ “toàn cầu hóa sự thờ ơ”.
Đây cũng là chuyến viếng thăm mục vụ đầu tiên của Đức Thánh Cha ở Italia, ngoài Roma. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một vị Giáo Hoàng đến viếng thăm tại Lampedusa.
Trong bài giảng thánh lễ, dựa vào bài đọc sách Sáng Thế trong đó Chúa hỏi Cain, kẻ đã giết em mình là Abel: Ngươi ở đâu? Máu em ngươi ở đâu!
”Những người di dân chết trên biển, từ những con thuyền lẽ ra là một con đường hy vọng đã trở thành một con đường chết chóc. Đó là tựa đề trong các báo chí! Cách đây vài tuần khi tôi nghe tin này, một tin rất tiếc là đã bao nhiêu lần xảy ra, tôi liên tục nghĩ đến điều ấy như một cái gai trong con tim gây ra bao đau khổ. Và khi ấy tôi cảm thấy mình phải đến đây để cầu nguyện, để thi hành cử chỉ gần gũi, nhưng cũng để thức tỉnh lương tâm chúng ta để điều đã xảy ra khỏi tái diễn nữa. Xin làm ơn, đừng để tái diễn nữa!
Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Chúa hỏi: “Em của ngươi ở đâu?”, tiếng máu của em ngươi đã kêu thấu tới Ta, Chúa nói. Đây không phải là một câu hỏi được gửi tới những người khác, nhưng là câu hỏi được gửi tới tôi, tới bạn, cho mỗi người trong chúng ta. Những người anh chị em chúng ta đang tìm cách ra khỏi những tình cảnh khó khăn để tìm được một chút thanh thản và an bình; họ tìm một chỗ tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình họ, nhưng họ đã tìm thấy cái chết. Bao nhiêu lần những người tìm kiếm điều ấy đã không tìm được sự cảm thông, tiếp đón, không tìm được liên đới! Và tiếng kêu khóc của họ vọng lên tới Thiên Chúa!
Ngài nói tiếp:
"Chúng ta nhìn thấy một người, trên bờ vực của cái chết, nằm trên đường phố và chúng ta nghĩ "tội nghiệp quá". Tuy nhiên, chúng ta tiếp tục với công việc hàng ngày của chúng ta. Chúng ta nghĩ rằng: Đó không phải là trách nhiệm của tôi ... và chúng ta cảm thấy hợp lý. Ai đã khóc cho những người bị mất mạng trên một con thuyền? cho các bà mẹ trẻ đi chung với con cái của họ? cho những người đàn ông, đang tìm kiếm phương tiện để hỗ trợ gia đình của mình? Chúng ta là một xã hội mà đã hết biết rơi nước mắt, trước những trạng huống đau khổ trong bối cảnh toàn cầu hóa sự thờ ơ."
Đức Giáo Hoàng mặc áo tím của mình, mầu của sám hối. Ngài xin Chúa tha thứ sự thờ ơ đang thống trị vấn đề xã hội.
Đức Thánh Cha nói:
"Lạy Chúa, chúng ta cầu xin sự tha thứ cho những người đặt định ra những thứ pháp luật đã tạo ra những tình huống bi đát, đã dẫn đến những bi kịch. Hãy tha thứ cho chúng con. Lạy Chúa, ngày hôm nay chúng con cũng nghe được những câu hỏi của Chúa: 'Adam ngươi ở đâu?”, “Máu em ngươi ở đâu?”.
8. Đức Thánh Cha Phanxicô chào đón người Hồi giáo nhân khởi đầu tháng Ramadan
Trong chuyến thăm đảo Lampedusa, Đức Thánh Cha đã gửi lời chúc tốt đẹp nhất của mình đến những người Hồi giáo đang bắt đầu tháng chay Ramadan. Đức Giáo Hoàng chào đón họ với từ 'o'scià', là một cụm từ địa phương có nghĩa là "người anh em" và được sử dụng bởi người dân địa phương như một lời chào thân thiện.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói:
"Tôi cũng gởi lời chào đến những người nhập cư Hồi giáo mà tối nay sẽ bắt đầu tháng Chay Ramadan, mà tôi tin tưởng sẽ mang lại kết quả tinh thần phong phú. Giáo Hội ở bên cạnh các bạn khi bạn tìm kiếm một cuộc sống xứng đáng hơn cho mình và gia đình của bạn. Với tất cả các bạn xin chào: o'scià "
9. Đức Giáo Hoàng Phanxicô tưởng nhớ Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp đón một phái đoàn viên chức, gia đình và bạn bè của Tôi tớ Thiên Chúa, Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, vị Hồng Y anh dũng người Việt Nam đã trải qua 13 năm tù đày tại quê hương yêu dấu của ngài trước khi đến Roma đứng đầu Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình. Phái đoàn đang thăm viếng Roma trong bối cảnh của việc kết thúc chính thức giai đoạn giáo phận trong vụ án phong thánh Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Đức Thánh Cha tưởng nhớ Đức Hồng Y như là một “chứng nhân của niềm hy vọng” mà sự khiêm hạ và tinh thần linh mục đã đánh động vô vàn cuộc sống.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói:
Anh em đáng kính,
Anh chị em thân mến,
Tôi sung sướng được gặp gỡ anh chị em và gởi lời chào thân ái. Tôi thân tình chào thăm Đức Hồng Y Peter Turkson, và cám ơn về những lời nói của ngài. Tôi chào đón tất cả anh chị em đến từ khắp nơi trên thế giới nhân dịp kết thúc giai đoạn giáo phận của vụ án phong thánh Tôi tớ Chúa Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận.
Các bạn thân mến, niềm vui của các bạn là của tôi! Cảm tạ Thiên Chúa!
Chúng ta cũng cám ơm tất cả những ai đã dấn thân trong việc phục vụ này vì vinh danh Thiên Chúa và Vương quốc của Ngài: Cáo thỉnh viên vụ án, Dr. Waldery Hilgeman và các đồng sự, Toà án giáo phận và Văn phòng có thẩm quyền của giáo phận, Ủy ban lịch sử và Hội đồng Giáo hoàng Công lý và hoà bình nơi ký ức về Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, chứng nhân của niềm hy vọng, vẫn còn sống động, và – còn hơn là một ký ức – là một sự hiện diện tinh thần vẫn tiếp tục ban phúc lành.
Quả thực, có nhiều người có thể làm chứng rằng họ đã được khai trí khi gặp gỡ Tôi tớ Chúa Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, vào những thời điểm khác nhau trong cuộc đời của ngài. Kinh nghiệm chứng tỏ rằng danh tiếng về sự thánh thiện của ngài đã lan rộng chính nhờ chứng tá của biết bao người đã gặp ngài và gìn giữ trong lòng nụ cười dịu hiền của ngài và sự vĩ đại của tâm hồn ngài.
Nhiều người được biết ngài qua các tác phẩm của ngài, đơn sơ và sâu sắc, biểu lộ tinh thần linh mục của ngài, gắn bó mật thiết với Đấng đã kêu gọi ngài trở nên một thừa tác viên về lòng thương xót và tình yêu của Người.
Biết bao nhiêu người đã viết ra để kể lại những ân huệ đã nhận lãnh và những dấu chỉ được gán cho sự cầu bàu của Tôi tớ Chúa Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Chúng ta cám ơn Chúa vì người anh em đáng kính này, người con của phương đông, người đã kết thúc hành trình trần thế trong sự phục vụ Đấng Kế vị thánh Phêrô.
Chúng ta phó thác sự tiếp tục vụ án này cho lời chuyển cầu của Đức Trinh nữ Maria, cùng với tất cả các vụ án khác đang tiến hành. Nguyện xin Đức Bà giúp chúng ta thể hiện trong cuộc sống mỗi ngày một hơn về vẻ đẹp và niềm vui của sự kết hiệp với Đức Kitô.
Tôi thân ái ban phúc lành cho tất cả anh chị em và những người thân yêu của anh chị em.
10. Hai vị Giáo Hoàng cùng hiện diện trong lễ làm phép tượng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae tại vườn Vatican
Sáng thứ Sáu 5 tháng 7, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã tham dự cùng Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ làm phép tượng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae tại vườn Vatican, đồng thời dâng hiến thành Vatican dưới sự bảo vệ của vị Tổng lãnh thiên thần .
Trong buổi lễ Đức Thánh Cha Phanxicô đã lưu ý những vị hiện diện về cách thức Tổng Lãnh Thiên Thần Micae bảo vệ dân Thiên Chúa khỏi kẻ thù tinh quái số một là ma quỷ. Ngài nói cả khi ma quỷ cố gắng làm biến dạng khuôn mặt của Tổng lãnh thiên thần và do đó bộ mặt của nhân loại, Tổng lãnh thiên thần thắng trận, bởi vì Thiên Chúa hành động trong ngài.
Đức Thánh Cha nói:
"Trong Vườn Vatican có một số tác phẩm nghệ thuật. Nhưng tác phẩm mới được thêm vào này, có tầm quan trọng đặc biệt, vì vị trí của nó cũng như ý nghĩa mà nó thể hiện. Trong thực tế, buổi lễ này không chỉ là một tiệc mừng nhưng còn là một lời mời gọi suy tư và cầu nguyện, rất phù hợp với bối cảnh Năm Đức Tin. Micae có nghĩa là "Đấng giống như Thiên Chúa" - là nhà vô địch về tính tối thượng của Thiên Chúa, về sự siêu việt và quyền năng của Ngài. Tổng lãnh thiên thần đấu tranh để khôi phục lại công lý thánh thiêng và bảo vệ dân Thiên Chúa khỏi chước ba thù của mình, trước hết là kẻ thù vô cùng quỷ quyệt, ấy là ma quỷ.
Đức Thánh Cha nói tiếp:
“Khi dâng hiến thành Vatican cho Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, tôi khẩn cầu ngài bảo vệ chúng ta khỏi ma quỷ và đánh bại nó.
Chúng ta cũng dâng hiến thành Vatican cho Thánh Giuse, người giám hộ của Chúa Giêsu, người giám hộ của Thánh Gia. Xin cho sự hiện diện của ngài làm cho chúng ta nên mạnh mẽ và can đảm hơn trong việc tạo ra không gian cho Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta, và luôn đánh bại sự dữ bằng sự thiện. Chúng ta xin Ngài bảo vệ, chăm sóc chúng ta, để một đời sống ân sủng phát triển mạnh mẽ trong mỗi người chúng ta hàng ngày. "
11. Chính thức công bố sắc lệnh phong thánh cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII
Trưa thứ Sáu 5 tháng 7, cha Federico Lombardi, giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức phê chuẩn việc công nhận phép lạ thứ Hai của Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Trong thời gian ngắn sắp tới, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ triệu tập một công nghị Hồng Y để ấn định ngày lễ Phong Thánh cho vị Giáo Hoàng người Ba Lan.
Về trường hợp của Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII, cha Federico Lombardi nói:
“Con đường phong thánh cho Đức Gioan XXIII đã mở ra, nhưng một sắc lệnh công nhận phép lạ chưa được chuẩn y bởi Đức Thánh Cha. Bộ Phong Thánh đã trình bày trường hợp này lên Đức Thánh Cha theo một cách thế theo đó việc phong thánh có thể xảy ra mà không cần đến phép lạ thứ hai”.
Cha Federico Lombardi cũng đã trình bày một vài sắc lệnh phong Chân Phước cho
- Tôi tớ Chúa là Đức Cha Alvaro del Portillo(1914-1994), người Tây Ban Nha, Giám Mục giáo hạt tòng nhân Opus Dei
- Tôi Tớ Chúa Speranze di Gesù(1893-1983), người Tây Ban Nha, đấng sáng lập dòng các Nữ Tỳ Tình yêu thương xót và dòng các Nam Tử Tình Yêu Thương Xót.
Bên cạnh đó có 5 sắc lệnh nhìn nhận các cuộc tử đạo của nhiều vị Tôi Tớ Chúa trong thời nội chiến 1936-1939 ở Tây Ban Nha: gồm co
- Tôi Tớ Chúa Jose Guardiet y Pujol, người Tây Ban Nha, linh mục triều; sinh năm 1879 và bị giết vì đức tin ngày 3/8/ 1936;
- Tôi Tớ Chúa Mauricio Iniguez de Heredia, Người Tây Ban Nha, và 23 bạn tử đạo bị giết vì đức tin từ 1936 đến 1937;
- Tôi Tớ Chúa Fortunato Velasco Tobar, Người Tây Ban Nha, và 13 bạn tử đạo bị giết vì đức tin từ 1934 đến 1936;
- Tôi Tớ Chúa Maria Asuncion (nhủ danh Juliana Gonzalez Trujillano), người Tây Ban Nha và 2 bạn tử đạo bị giết vì đức tin năm 1936.
Ngoài ra còn có 5 sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của 5 vị Tôi tớ Chúa.
- Tôi tớ Chúa Nicola D'Onofrio(1943-1964), người Ý linh mục dòng Camêlô,;
- Tôi tớ Chúa Bernard Philippe (1895-1978), người Pháp (còn gọi là Jean Fromental Cayroche), đấng sáng lập Hermanas Guadalupanas de La Salle,;
- Tôi tớ Chúa Maria Isabel da Santissima Trinidade, Portuguese (1889-1962), (nhủ danh Maria Isabel Picao Caldeira viuda de Carneiro), đấng sáng lập dòng Đức Bà Vô Nhiễm.
- Tôi tớ Chúa Maria del Carmen Rendiles Martinez(1903-1977), người Venezuela, đấng sáng lập dòng Nữ Tì Chúa Giêsu;
- Tôi tớ Chúa Giuseppe Lazzati(1909-1986), người Ý, dòng Ba.
12. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp Thủ tướng Ý Enrico Letta
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Thủ tướng Ý Enrico Letta tại Vatican. Hai nhà lãnh đạo đã nói về lao động trẻ em ở Ý và châu Âu, vai trò các tổ chức Công Giáo tại Ý và chính trị quốc tế.
Bầu không khí tại cuộc họp có vẻ rất thoải mái. Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho thấy khiếu hài hước của ngài trong cuộc gặp gỡ Thủ tướng Chính phủ Italia và phu nhân.
-Chúng con có ba đứa con, 9, 7 và 5 tuổi. Chúng tất cả rất say mê bóng đá.
-À, đó là một điều tốt!
Đức Giáo Hoàng thậm chí còn nói đùa khi ngài tiếp một linh mục đang làm việc tại Đại sứ quán Ý cạnh Tòa Thánh.
- Con tên là cha Marco, cố vấn về Giáo Hội của Đại sứ quán Ý.
-Oh, như thế thì đó là một tòa đại sứ giáo sĩ! Chúng ta nên tăng cường sự hiện diện của giáo dân ở đó!
Thủ tướng Chính phủ đã tặng Đức Giáo Hoàng một cuốn sách về thế kỷ 16. Đức Thánh Cha Phanxicô tặng cho ông Letta một cây bút có khắc hình Tòa Thánh.
-Đây, cái này tặng cho anh ... để anh sử dụng khi ký các nghị định!
- Lạy Chúa tôi! Những nghị định đó phải nghiêm trọng lắm á!
Tháng Tư năm ngoái, Enrico Letta đã được chọn làm Thủ tướng Chính phủ của Tổng thống Ý Giorgio Napolitano. Việc bổ nhiệm diễn ra sau khi không có một đảng chính trị nào có thể để đạt được đa số trong các cuộc bầu cử vừa qua tại Ý.
13. Tân Thị trưởng Rôma đi xe đạp đến Vatican ra mắt Đức Giáo Hoàng
Tân Thị trưởng Rôma, Ignazio Marino được nhiều người ngưỡng mộ vì thói quen dùng xe đạp đi làm. Đức Thánh Cha đã ghi nhận điều đó trong cuộc họp chính thức đầu tiên với ngài.
-Anh đi xe đạp tới đây phải không? Bravo! Tốt lắm.
-Mẹ con nói với con là con không thể đi gặp Đức Giáo Hoàng bằng xe đạp, kỳ lắm.
-Nhưng tất nhiên là được!
-Con nói với bà là đi gặp Đức Giáo Hoàng này, thì con có thể làm như thế.
-Tôi thích lắm!
Trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với tân thị trưởng, Đức Giáo Hoàng yêu cầu ông, làm thế nào để thành phố có thể giúp sinh viên trẻ với kinh phí hạn chế, có thể hoàn thành việc học tập của họ.
Thị trưởng đã đi cùng với con gái và người mẹ già 91 tuổi của mình. Bà mẹ vị tân thị trưởng tỏ ra xúc động mạnh. Bà đã không dám nghĩ là một vị Giáo Hoàng lại ưu ái dìu bà đi ở cuối buổi họp.
Vào cuối cuộc họp, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với thị trưởng, ngài sẽ đến thăm tòa thị chính Rôma, được gọi là Campidoglio.
-Tôi sẽ đi đến Campidoglio.
14. Các phong trào bảo vệ môi sinh bày tỏ bất mãn với chính quyền Brazil vì trả tự do quá sớm cho người đã giết nữ tu Dorothy Stang
Tay súng người Brazil đã bị kết án vì tội giết chết một nữ tu người Mỹ vào năm 2005 đã được ra tù sau khi phục vụ chưa tới một phần ba của bản án.
Nữ tu Dorothy Stang Mae, người Mỹ, sinh năm 1931 tại Dayton, thuộc tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ là thành viên của Dòng các Nữ tu Đức Mẹ Namur. Chị bị sát hại ngày 12 tháng 2 năm 2005 tại Anapu, một thành phố thuộc bang Pará, trong lưu vực sông Amazon của Brazil. Chị Dorothy Stang là tiếng nói bất khuất trong những nỗ lực bênh vực cho người nghèo và môi trường. Trước khi bị giết, chị đã thường xuyên nhận được những lời đe dọa từ những kẻ khai thác gỗ và các chủ đồn điền trong vùng.
Vụ án có lẽ đã bị chìm xuồng nếu Tòa Án Liên Quốc Gia của Hoa Kỳ tại Washington DC không can thiệp. 4 người bị tình nghi dính líu vào vụ sát hại nữ tu Dorothy Stang đã bị dẫn độ sang Hoa Kỳ. Ngày 10 tháng 12 năm 2005, Rayfran das Neves Sales, kẻ bắn chết chị Dorothy Stang đã bị kết án 28 năm tù. Y khiếu nại trước một tòa án Brazil tại Bélem và bị kết án 27 năm.
Tuy nhiên, hôm thứ Năm 4 tháng 7, Rayfran das Neves Sales đã được trả tự do chỉ sau chưa đầy 7 năm ngồi tù.
Điều đáng nói đó là Vitalmiro Moura, một chủ trại giàu có, người đã ra lệnh cho Rayfran das Neves Sales bắn chết sơ Dorothy Stang thì vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật vì những phiên tòa xét xử Vitalmiro Moura luôn bị dời lại vô thời hạn. Công lý vẫn chỉ đứng về phía những kẻ giầu có.
15. Đức Thánh Cha bày tỏ lòng đau buồn trước tai nạn tại Lac-Megantic
Nửa đêm ngày thứ Sáu, rạng sáng ngày thứ Bẩy, một đám cháy nhỏ đã xảy ra trên một toa hành lý của đoàn tàu của công ty đường sắt Montreal, Maine and Atlantic đang đậu tại ga Nantes, một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Quebec, Canada. Đoàn tàu này gồm 5 toa hàng hóa và 72 xe bồn chứa tổng cộng 100,000 lít dầu thô.
Lính cứu hỏa đã nhanh chóng dập tắt được ngọn lửa. Tuy nhiên, hệ thống thắng hơi của đoàn tàu bị hư hỏng hay đã không được cài lên để giữ con tàu đứng yên tại vị trí này.
Lúc 12:56 sáng con tàu không người lái lao xuống con dốc, tăng tốc dần và cuối cùng đâm vào thành phố Lac-Megantic nổ tung làm thiệt mạng 15 người. 40 người đến nay mất tích. Những đám cháy và các vụ nổ đã thiêu hủy 30 tòa nhà, 2000 người đã phải di tản.
Trong điện văn do Đức Hồng Y Tarciso Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh ký ngày 9 tháng 7, Đức Thánh Cha đã chia buồn với các nạn nhân và gia đình của họ.
Điện văn viết như sau:
"Khi biết tin về tai hoạ bi thảm ở Lac-Mégantic do đoàn tàu trật đường ray, với nhiều nạn nhân trong số đó một số đông vẫn còn mất tích, Đức Giáo Hoàng Phanxicô hiệp thông qua lời cầu nguyện trước sự đau khổ của các gia đình đang đau buồn, và ngài trao phó các nạn nhân cho lòng thương xót của Thiên Chúa, xin Chúa chào đón họ vào ánh sáng của Ngài. Ngài bày tỏ sự cảm thông sâu sắc của mình với những người bị thương và gia đình họ, với các nhân viên cấp cứu, và tất cả những người xung quanh, xin Chúa nâng đỡ và an ủi họ trong lúc khó khăn này . Như một dấu chỉ của sự an ủi, Đức Thánh Cha ban phép lành tông tòa cho tất cả mọi người bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này. "
16. Thánh lễ Công Giáo đầu tiên tại nhà thờ kính ở Garden Grove thuộc Quận Cam
Lúc 5h chiều ngày Chúa Nhật 30 tháng Sáu, Mục Sư Robert A. Schuller, người đã từng lãnh đạo hội thánh Tin Lành Crystal Cathedral Ministries cho đến năm 2008, đã chủ sự buổi thờ phượng cuối cùng tại Crystal Cathedral mà người Việt Nam trong vùng thường gọi là nhà thờ kính.
Mục Sư Robert A. Schuller là con của mục sư Robert Harold Schuller, người đã có công xây dựng ngôi nhà thờ này trên đường Lewis, trong khu Garden Grove thuộc Quận Cam. Ngôi nhà thờ nhìn xa như một tấm kính phản chiếu khổng lồ đã được kiến trúc sư Philip Johnson hoàn thành vào năm 1981 với sức chứa 2736 chỗ ngồi.
Trong buổi thờ phượng cuối cùng này, các tín hữu Tin Lành đã rưng rưng nước mắt theo dõi bài giảng của mục sư Bobby Schuller, là con của mục sư Robert A. Schuller, tức là cháu nội của mục sư Robert Harold Schuller.
Công trình ba đời từ đời ông đến đời cháu của các mục sư nhà Schuller đã kết thúc với phán quyết của Tòa Phá Sản Quận Cam hôm 17 tháng 11 năm 2011 bán lại ngôi nhà thờ cho giáo phận Orange, California với giá 57.5 triệu Mỹ Kim.
Sau buổi thờ phượng cuối cùng này thì các tín hữu Tin Lành sẽ dời về một ngôi nhà thờ gần đó cũng trên đường Lewis là nhà thờ St. Callistus, mà người Việt gọi là nhà thờ Tam Biên do linh mục nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên làm chính xứ.
Để tránh cảnh kẻ khóc người cười, trước đó một ngày, hôm thứ Bẩy 29 tháng Sáu, hơn 3000 anh chị em giáo dân thuộc cộng đoàn Tam Biên nay dời về địa điểm mới này đã cử hành thánh lễ Công Giáo đầu tiên tại đây với niềm hân hoan lộ rõ trên khuôn mặt mọi người. Nói với tờ Los Angeles Times, linh mục nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên nói: “Đây thật là một hồng ân của Thiên Chúa”.
Ngôi nhà thờ này từ nay được gọi là The Christ Cathedral tức là Vương Cung Thánh Đường Chúa Kitô. Một số các công trình cải tạo nội thất sẽ được thực hiện để bên trong có cấu trúc của một ngôi nhà thờ Công Giáo. Dự kiến mọi việc sẽ kết thúc vào năm 2015.
17. Tôn vinh các Thánh Tử Đạo, qua các đường phố của thành phố Vatican
Hôm Chúa Nhật 7 tháng 7, tại Vatican đã diễn ra một lễ kỷ niệm đặc biệt cho các vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội là những người đã chết trong các thế kỷ đầu tiên sau Chúa Giáng Sinh vào thời kỳ khi việc thực hành Kitô giáo bị cấm trên toàn đế quốc La Mã.
Một số các vị thánh nổi tiếng nhất trong truyền thống Công Giáo, như Thánh Phêrô, đã tử đạo tại Rôma, thành phố với những di tích của các hang toại đạo.
Ông Reginaldo LUCIOLI, chỉ huy ban nhạc Vatican nói
"Các vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội Công Giáo thường được gọi là Protomartyrs. Ngay bên cạnh chúng tôi đây đã từng một thời là "khu vườn" của Nero, nơi Thánh Phêrô bị đóng đinh ngược theo thỉnh cầu của chính ngài. Bên cạnh đó, tại Rôma này cũng có những cuộc tử đạo khác, chẳng hạn như những vị bị sư tử ăn thịt sống tại Coliseum và những nơi khác. "
Các cử hành kính nhớ các vị tử đạo tiên khởi tại La Mã đã bắt đầu với một Thánh lễ đặc biệt do Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi chủ sự, vào cuối tháng Sáu với sự tham dự của dàn hợp xướng của Giáo Phận Rôma. Hiện diện trong buổi lễ cũng có các vị đại diện của nhiều dòng tu và các tu hội đời.
Tuy nhiên, đỉnh cao của các buổi cử hành là một cuộc diễu hành đi xuyên qua những khu vườn và ngõ hẻm của thành phố Vatican, với ban nhạc diễu hành truyền thống của Vatican.
Ông Reginaldo LUCIOLI nói tiếp:
"Một điều thực sự đáng xúc động là mỗi năm ban nhạc đều rước qua mặt tiền nơi cư trú của Đức Giáo Hoàng. Năm nay đó là tại Casa Santa Marta. Trước mặt tiền của nhà trọ này, ban nhạc sẽ chơi bài truyền thống "ba chiếc nhẫn", mà ban nhạc Giáo Hoàng luôn luôn trình tấu trước sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng. "
Đoàn rước đi dọc theo chu vi của Đền thờ Thánh Phêrô. Sau đó di chuyển đến khu vườn Vatican và dừng lại tại nhà thờ Teutonic ngay phía sau nơi cư trú hiện tại của Đức Giáo Hoàng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét