Thượng Hải (AsiaNews) - Người Công Giáo Trung Quốc đang liên lỉ cầu nguyện cho Đức Cha Tađêô Mã Đạt Khâm (Ma Daqin), ngài hiện đang bị quản thúc tại gia kể từ ngày được tấn phong giám mục cách đây tròn một năm (7.7.2012).
Trong một năm qua, vì bị ép buộc phải lánh mặt và sống trong cảnh thầm lặng đã khiến ngài nhận được sự cảm thông và ủng hộ của Giáo Hội tại Trung Quốc, thậm chí của cả những người không phải Kitô hữu. Sự can đảm và lòng trung thành với Đức Thánh Cha của ngài đã mang lại sức mạnh và niềm hy vọng cho người Công Giáo trong và ngoài đất nước Trung Quốc.
Các quan chức tôn giáo của chính quyền đã đóng cửa các chủng viện tập sự lẫn thần học ở Xà Sơn (Sheshan) như là một động thái trả đũa Đức Cha Mã Đạt Khâm.
Các nguồn tin từ Thượng Hải cho biết, sau một thời gian bị quản thúc tại chủng viện Xà Sơn, Đức Cha Mã Đạt Khâm đã được rời khỏi nơi giam lỏng này và có khả năng là ngài sẽ về lại Thượng Hải. Ngài bị bắt trước khi Đức Cha Kim Lỗ Hiền qua đời và trước thời gian cao điểm hành hương Đền Đức Mẹ Xà Sơn hồi Tháng Năm.
Một số nguồn tin cho biết, ngài bị buộc phải đi học tại một Viện Xã hội Chủ nghĩa ở Thượng Hải, ý kiến khác cho rằng ngài đã bị đưa ra thủ đô Bắc Kinh. Tuy nhiên, dù là phỏng đoán nào đi chăng nữa thì người ta vẫn tiếp tục tưởng nhớ đến ngài.
Một người Công Giáo thuộc giáo phận Thượng Hải nói: "Chúng tôi rất nhớ ngài. Chúng tôi muốn được nhìn thấy ngài nhưng chúng tôi phải kiên nhẫn, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã dạy".
Kể từ hồi Tháng Bảy năm 2012, Đức Cha Mã Đạt Khâm đã được phép thỉnh thoảng sử dụng blog và tài khoản mạng xã hội (social network) Sina Weibo để gửi đi thông điệp. Các thông điệp của ngài thường nhận được rất nhiều lời hồi đáp.
Đến nay, Đức Cha đã đăng bài viết và bài thơ nói về sự qua đời của một linh mục cao niên và của Đức Giám Mục Kim Lỗ Hiền, cũng như về lòng hiếu kính đối với song thân của ngài. Đôi khi, ngài cũng động viên các linh mục trong giáo phận bằng cách chia sẻ với họ suy niệm đức tin lấy cảm hứng từ hoàn cảnh bị cô lập.
Ngài cũng đăng lên một vài phân đoạn trong vở kịch mà ngài viết về Phaolô Từ Quang Khải (Xu Guangqi) - một người bạn của Matteo Ricci - và câu chuyện về cuộc rửa tội đầu tiên ở Thượng Hải, nhân vật đang trong án phong chân phước cùng với các linh mục Dòng Tên truyền giáo tại Trung Quốc.
Hôm 29 Tháng Sáu vừa qua, Lễ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, Đức Cha cũng đang một bài viết lên tài khoản Sina Weibo để gửi lời chúc mừng đến 14 tân linh mục và 4 chủng sinh của giáo phận Thượng Hải. Trong đó, ngài gọi tên từng người trong số họ rồi ký vắn gọn là Mã Đạt Khâm, ngài không sử dụng tước hiệu "Giám mục Thượng Hải" kể từ khi chính phủ loại bỏ ngài khỏi chức vụ đó.
Rồi hôm 11 Tháng Sáu là Tết Đoan Ngọ, ngài đăng một bài thơ để bày tỏ nỗi đau buồn và thương tiếc của mình cho Khuất Nguyên - một nhà thơ được nhiều người Trung Quốc tưởng nhớ vì là tôi trung của hoàng đế, ông bị vu khống và chịu kết án tử. Đức Cha Mã Đạt Khâm có lẽ đã nhìn thấy những điểm tương đồng trong số phận của ngài với nhà thơ.
Kể từ khi blog Sina Weibo có thêm tính tương tác, nhiều độc giả đã có thể chuyển tiếp thông điệp và gửi ý kiến của họ. Nhiều người đã gọi ngài là "giám mục", hỏi thăm, an ủi ngài và gửi cho ngài những tin tức mới nhất.
Một người viết: "Kính thưa Đức Cha, Đức Cha có khỏe không và Đức Cha đang ở đâu? Chúng con nhớ Đức Cha lắm. Đức Cha là vị mục tử tốt lành của chúng con. Dù ở bất cứ nơi nào, Thiên Chúa cũng sẽ ở cùng chúng ta".
Người khác viết: "Chúng con đang cầu nguyện cho Giáo Hội tại Trung Quốc và sự hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ".
Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm Đức Cha Mã Đạt Khâm làm giám mục phó của Thượng Hải - bổ nhiệm này cũng được chính phủ Trung Quốc công nhận. Tại thánh lễ tấn phong, ngài đã thẳng thừng từ chối một giám mục bất hợp thức đặt tay lên đầu ngài, và sau đó tuyên bố không tham gia Hội Công Giáo Yêu nước của chính phủ nữa.
Người Công Giáo ca ngợi quyết định của ngài và ủng hộ ngài, Tuy nhiên, vào ngày 7 Tháng 12 năm 2012, chính quyền đã loại bỏ ngài khỏi chức giám mục phó Thượng Hải, họ cáo buộc ngài vi phạm quy định tôn giáo của Trung Quốc.
Mặc dù trường hợp của Đức Cha Mã Đạt Khâm gây thêm những rạn nứt giữa Bắc Kinh và Tòa Thánh, nhưng nó cũng đã khuyến khích sự hòa giải và hiệp nhất trong Giáo Hội tại Trung Quốc.
Nhiều người Công Giáo rất tự hào về ngài, lòng dũng cảm và trí tuệ của ngài làm họ kính phục. Nhờ vào các tác phẩm của mình, ngài cũng đã được đánh giá cao về kiến thức văn học Trung Quốc với tài năng như là một nhà văn, nhà thơ, cũng như trong lĩnh vực nhiếp ảnh.
Tiền Hô
0 nhận xét:
Đăng nhận xét