LTCGVN (10.07.2013)
Lâm Đồng – Chiều hôm qua, ngày 08.07.2013, nhằm ngày 01.06.Quý Tỵ, Chức sắc các tôn giáo Việt Nam đã phổ biến Bản Lên Tiếng phản đối việc nhà cầm quyền dùng bạo lực, can thiệp vào nội bộ tôn giáo đối với Cao Đài giáo.Nhà cầm quyền, sau 1975 đã tịch thu nhiều thánh thất, bắt bớ những vị tu hành, sau đó lập ra những Ban cai quản họ đạo thuộc quyền điều khiển của nhà nước (đạo quốc doanh), không theo đúng giáo lý chân truyền của Đấng Tôn Sư Hộ Pháp.
Những tín hữu Cao Đài chân truyền gần 40 năm qua, vẫn trung tín với đức tin của mình, bất chấp tù đầy và bạo lực để giữ đạo và truyền đạo. Gần đây, nhà cầm quyền đã dùng vũ lực ểm trợ cho những người đạo quốc doanh tiếm chiếm thánh thất cao Đài giáo Bình Long, ở Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang, và liên tục ở Lâm Đồng cũng như Vĩnh Long, các Hiền huynh hiền tỷ chánh trị sự Hứa Phi, Nguyễn Kim Lân, Nguyễn Bạch Phụng đã bị mời và ép buộc lên làm việc, chịu sự sĩ nhục và lên án của công an cách vô đạo và vi phạm pháp luật.
VRNs xin trân trọng giới thiệu nguyên văn Bản Lên Tiếng này.
————
BẢN LÊN TIẾNG
Của Chức sắc các tôn giáo Việt Nam
Các chức sắc tôn giáo phản đối việc nhà cầm quyền dùng bạo lực, can thiệp vào nội bộ tôn giáo
Kính gởi: Hội đồng nhân quyền LHQ
Ủy hội tự do tôn giáo thuộc Quốc hội Hoa Kỳ
Tổ chức Human Rights Watch
Các tổ chức nhân quyền
Các hãng thông tấn, truyền thông quốc tế và quốc nội
Quý tín hữu các tôn giáo
Quý nhân sĩ và toàn thể đồng bào
Sáng thứ tư, ngày 03.07.2013 (26.05.Quý Tỵ), công an và Ban cai quản họ đạo Cao Đài tỉnh Tiền Giang, do nhà nước thành lập (Cao Đài quốc doanh), đã dùng dùi cui, đá, xe cơ giới tấn công hiền huynh chánh trị sự Lê Văn Ngọc Diệp và đồng đạo để tiếm chiếm thánh thất Long Bình, Châu đạo Gò Công. Ngày thứ bảy, ngày 06.07.2013 (29.05. Quý Tỵ), công an tỉnh Vĩnh Long lại dùng biện pháp hành chánh uy hiếp hiền huynh chánh trị sự Nguyễn Kim Lân và hiền tỷ chánh trị sự Nguyễn Bạch Phụng.
Việc làm của nhà cầm quyền tại thánh thất Long Bình đã gây rối loạn trị an, kích động chia rẽ nội bộ tôn giáo, gây ra hiềm khích giữa các tín hữu Cao Đài và những người dân nhẹ dạ.
Việc nhà cầm quyền thuê mướn và kích động thanh niên quấy phá cơ sở thờ tự tôn giáo, đánh đập người tu hành đang trực tiếp làm cho đạo lý xã hội ra suy đồi.
Việc nhà cầm quyền thành lập ra các Ban cai quản họ đạo Cao Đài (đạo quốc doanh), không công nhận những người tu hành chân truyền, và tổ chức ểm trợ cho đạo quốc doanh tiếm chiếm các thánh thất của Cao Đài giáo vừa là hành động can thiệp thô bạo vào nội bộ tôn giáo, vừa trực tiếp và công khai phá đạo Cao Đài, là một tôn giáo bản địa Việt Nam.
Việc ép buộc các vị chánh trị sự Cao Đài giáo tại Lâm Đồng và Vĩnh Long phải làm việc với công an, nhằm đe dọa đời sống đức tin của người tu hành là bằng chứng cho thấy không có tự do tôn giáo.
Chức sắc các tôn giáo thuộc Phật giáo, Công giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Tin Lành và Cao Đài giáo lên tiếng:
- Phản đối việc làm mờ ám và vô đạo đức của nhà cầm quyền đối với Cao Đài giáo trong suốt thời gian qua, nhất là với thánh thất Long Bình, châu đạo Gò Công, Tiền Giang.
- Yêu cầu nhà cầm quyền chấm dứt việc tạo ra các Ban cai quản đạo Cao Đài quốc doanh, trả lại việc tu hành và hành đạo cho đạo chúng thực hành đúng đạo lý do Đức Tôn Sư Hộ Pháp truyền dạy.
- Kêu gọi các Tổ chức thuộc Liên hiệp quốc, quốc tế, Hoa Kỳ, Liên Âu, Úc Châu, Cộng đồng các nước Đông Nam Á, tín hữu các tôn giáo và tất cả những người thành tâm thiện chí lên tiếng bảo vệ Cao Đài giáo chân truyền, lên án việc phá đạo của nhà cầm quyền vô thần, và góp sức bảo vệ các nhà tu hành theo đúng đường lối chánh đạo, không do nhà nước xui khiến.
Làm tại Việt Nam, ngày 08.07.2013 (01.06.Quý Tỵ)
Chức sắc các tôn giáo đồng ký tên
Hòa thượng Thích Không Tánh (Phật giáo)
Cụ hội trưởng Lê Quang Liêm (Phật giáo Hòa Hảo)
Linh mục Phan Văn Lợi (Công giáo)
Linh mục Đinh Hữu Thoại (Công giáo)
Linh mục Lê Ngọc Thanh (Công giáo)
Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa (Tin Lành)
Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng (Tin Lành)
Chánh trị sự Hứa Phi (Cao Đài)
Chánh trị sự Nguyễn Kim Lân (Cao Đài)
Chánh trị sự Nguyễn Bạch Phụng (Cao Đài)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét