LTCGVN (15.07.2013)
ĐẠI NGHĨA TRÊN ĐƯỜNG ĐỜI
Đường đời mấy ngả Emmau
Có Lời nồng thắm có câu ân tình
Nhưng không phải là những hoài niệm trong cô đơn u uẩn tủi hờn… vì người đã chết lại vẫn còn xuất hiện, vẫn cùng sinh hoạt và vẫn cùng đồng hành trên mọi nẻo đường đời, thi sĩ cảm thấy một niềm hạnh phúc vô biên…
Có Ai sánh bước bên mình
Hoàng hôn nhạt nắng bóng hình nghiêng soi
Quán đường dừng bước nghỉ ngơi
Bàn kia BÁNH nóng dáng NGƯỜI mến thương
Gần kề chan chứa yêu đương
Cách xa nỗi nhớ vấn vương tâm hồn
Đúng vậy, niềm hạnh phúc vô biên vì là chìm đắm trong tình yêu, hiện tượng huyền nhiệm của những con người chân thành yêu nhau, yêu thiết tha say mê, yêu gắn bó keo sơn, dù vui dù khổ ước mong không bao giờ xa cách… Nơi quán vắng u hoài, bỗng gặp “người mình tin yêu” sống lại sau khi bị đóng đinh chết trên thập giá, niềm vui đồng hành bỗng ngập tràn trong quán vắng trên đường dài Emmau…
Mong sao sớm tối chiều hôm
Sống vui chết khổ luôn còn cạnh Ai
Một niềm tha thiết van nài
Thương tình quán vắng lưu hoài mãi cho…
(QUÁN VẮNG – Cung Chi cảm hứng theo Lc 24,13-32)
Trang sử xa xưa của nhân loại, khoảng hai nghìn năm trở về trước, về cuộc tử đạo của Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu xuống thế làm người, rao truyền Tin Mừng Nước Trời, chết khổ nhục với án thập hình... Trang sử gần đây về các vị tử đạo Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm các ngài được phong thánh cách nay 25 năm, lần giở những trang sử bi thương đầy gió tanh mưa máu ấy nơi xứ Việt… những trang sử cực kỳ nhạy cảm này lúc nào cũng có thể bộc phát thành trọng đề hiện sinh gây tranh luận sôi nổi trong cuộc sống làm người.
"Nếu nơi tay Ngài, tôi không thấy các đấu đinh, và tra tay tôi vào lỗ đinh, cùng tra bàn tay tôi vào cạnh sườn Ngài, tôi sẽ không tin!" (Gn 20,25)
Trên hình hài của Con Thiên Chúa còn dấu tích của roi đòn, xiềng xích, mão gai, đinh nhọn, thập giá, lưỡi đòng… trên thân xác các vị tử đạo Việt Nam còn nhan nhản dấu vết của đủ loại hình pháp kinh quái hãi hùng cực kỳ man rợ… kìm nung đỏ, gông nặng hình thang, xiềng xích chữ Y, voi dầy, tùng xẻo bá đao, chém bêu đầu, phân thây…
Niềm đau khổ tột cùng, số phận khốn cùng thê thảm tuyệt vọng của con người trong cơn bách hại tôn giáo. Hiền nhân của mọi thế hệ đều trăn trở trong khắc khoải tra hỏi: tại sao như thế? tại sao cấm đoán, tại sao bách hại, tại sao tru diệt đạo, tại sao khai trừ tín hữu Kitô giáo…
Trước khi có Đạo, con người sống cá nhân và sống xã hội với nhau thế nào? Đạo có cần thiết cho loài người hay không? Có nhiều Đạo hay chỉ có một Đạo? Các vị tử đạo có thể đều đáng được nhìn nhận tất cả là các thánh tử đạo chăng?
Về phía các vị tử đạo, từ vị tử đạo đầu tiên… tại sao tử đạo? Tử đạo để làm gì? để được gì? để nói lên điều gì…?
Máu đổ… Có thể là vì những tham vọng đế vương, thần quyền… có thể là vì lý tưởng độc lập dân tộc… hay chỉ là cuộc phân tranh triền miên đúng sai sai đúng giữa những con người trần thế…
Tự cổ chí kim, lòng ác độc bộc lộ qua đủ mọi cách thức tra tấn và hành hình, nhưng những hung khí giết người đều đã để lại những dấu vết bất khả phi tang trên thân xác nạn nhân và trong lịch sử cộng đồng xã hội… “cọp chết để da, người ta chết để tiếng”.
Nhìn lại những sự việc khi xưa, thật quả quá ngỡ ngàng về công cuộc truyền giáo của các vị thừa sai ngoại quốc trên quê hương Việt Nam trong giai đoạn lịch sử từ giữa thế kỷ 19 trở về trước… đã không được xuông xẻ, không được đón nhận dễ dàng… tại sao vậy? Có phải cứ đổ máu tử đạo mới bành trướng được Giáo Hội và mở rộng nước Chúa? hay đây chỉ giản dị là oan nghiệp của một vấn đề thời cuộc chính trị?
Làm sao lý giải cuộc đổ máu của những người dân Việt tin Đạo Thiên Chúa ?
Từ sổ tay đường đời ghi rõ những câu hỏi, những nghi vấn trong ký ức, những giăng mắc trong tâm tư… tôi nhọc nhằn lê gót chân buồn đường dài (thánh ca Trên đường Emmau – Thành Tâm), tìm gặp mọi người… hỏi han, phỏng vấn, trò truyện, mạn đàm, chia xẻ, trao đổi… Sao lại có những người chẳng hay biết gì, sao lại có những người thờ ơ lãnh đạm, không một mảy may quan tâm, sao lại có những người chẳng có ý kiến gì? Còn những người khác thì tuyệt đại đa số là cuồng nhiệt đối kháng nhau qua những nhận thức và lập trường khác biệt. SỰ THẬT ở nơi đâu???
Nước Việt, một đất nước xinh tươi hùng vỹ. Dân tộc Việt, một dân tộc oai hùng bất khuất mang danh “con rồng cháu tiên” rạng rỡ những nét tinh hoa văn hóa của cả một chiều dài “bốn nghìn năm văn hiến”. Do đâu, những gì, đạo nào đã làm nên những nét chấm phá vinh quang đó của dân tộc…
Gió động đình mẹ ru con ngủ,
trăng tiền đường ấp ủ năm canh
tiết trời thu lạnh lành lanh,
cỏ cây khóc hạ, hoa cành thương đông
bổng bồng bông, bổng bồng bông,
võng đào mẹ bế con Rồng cháu Tiên (Ca dao)
Nhiều thế kỷ trước khi Kitô giáo đặt chân lên đất Việt, mọi người dân Việt đều biết đến Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín như những chuẩn mực đạo đức trong cuộc sống. Công, Dung, Ngôn, Hạnh mà mọi người nữ đều trau giồi được coi như những khuôn vàng thước ngọc. Đúng là một đất nước nề nếp với luân thường đạo lý, một dân tộc gia giáo nhạy bén với những gì là điều hay lẽ phải. Có phải như thế đã là thành đạt một đất nước thái hòa, thạnh trị và một dân tộc an vui, hạnh phúc? Có phải vì thế mà đất Việt không cần đến hạt giống Kitô giáo, và vì thế mà các lớp vua quan ròng rã trên hai thế kỷ rưỡi (1625-1886) đã ra sức bách hại và tiêu diệt Đạo Thiên Chúa?
Mở kho văn khố, các bản án hành quyết của vua quan các thời đại còn lưu trữ chưa bị bụi mù thời gian phủ lấp hay xóa mờ, án nào án nấy đều phô bày rõ nét những giòng cáo buộc độc đoán, trước sau chỉ là nhằm kết tội để diệt trừ những người theo Đạo Thiên Chúa, bị phê phán là tà đạo. Không dẫm đạp trên thánh giá (quá khóa) là tội đáng chết, không chịu xuất giáo là tội đáng chết, những án chết oan nghiệt này lẽ dĩ nhiên cần phải được phúc thẩm:
“… khi bị bắt có lệnh truyền quá khóa nhiều lần mà vẫn không chịu làm theo. Bởi đó, đúng là người u mê tối tăm mọi đàng, nên phải xử trảm quyết ngay tức khắc…”
“… mù quáng cố chấp, không theo đường ngay, không chịu xuất giáo, tội đáng chết…”
“… giảng giải cho dân chúng tà đạo để dụ dỗ những người khờ khạo tin theo…”
“… tin dối trá… gieo rắc tà đạo… quyến rũ người khác theo đạo ấy… ”
“… đã tin đạo Giatô cùng in đạo ấy vào lòng đến nỗi không còn hiểu được sự phải trái… một mực chấp mê cứng cổ…bất khẳng quá khóa, bất tuân quốc pháp…”
“… đức vua không thể sai lầm, ngài đã cấm theo đạo Giatô, vậy mọi người phải bỏ đạo đó!… ”
“… đạo ấy là đạo tà, từ xưa đến nay đức vua đã ban nhiều sắc chỉ cấm ngặt. Mới đây đức vua ra đạo dụ cho các quan và dân phải bỏ đạo tà mà về với chính đạo…”
“… giả bộ làm điều lành để lừa dối những người bị mê hoặc bởi thứ tà đạo đó…”
“… những người có đạo quả quyết rằng chết như vậy sẽ được lên thiên đàng, chúng ta hãy xem coi có thật chăng. Điều đó không ai biết, chỉ biết rằng Hồ Đình Hy bị khốn khổ mà nào Giêsu ở đâu không đến cứu nó. Trẫm truyền rao như vậy khắp mọi nơi hầu mọi người biết theo tà đạo là điều vô ích…” (Vua Tự Đức phê chuẩn án xử trảm quan triều đình Micae Hồ Đình Hy - Thánh tử đạo quan triều đình Micae Hồ Đình Hy bị trảm quyết ngày 22-5-1857)
Về phía những tội nhân thụ hình tử đạo nơi pháp đình vua quan, những nạn nhân của cuộc bách hại, trong lúc chịu những hình khổ tàn bạo và ác nghiệt nhất, nếu có được bộc bạch biện hộ cho mình thế nào trước sau cũng chỉ biết giản dị tuyên xưng mình tin theo một đạo chân thật và đạo này đem lại lợi ích tốt lành cho dân Việt:
“…chính vì để làm ích cho người đồng hương của quí quan chứ không phải để làm hại họ mà tôi bỏ Âu Châu đến đây…” (Thánh tử đạo linh mục thừa sai người Pháp Jean Louis Bonnard bị xử trảm ngày 1-5-1852)
“… Đạo Đức Chúa Trời là đạo chân thật, tôi đến nước này là để rao giảng đạo chân thật, đường ngay nẻo chính, tôi không lừa dối ai!… ” (Thánh tử đạo giám mục phó Đaminh Henares thừa sai người Tây Ban Nha bị xử trảm ngày 26-6-1838)
“…Không được phép giữ đạo này, hoàng đế đã cấm và lệnh của hoàng đế là lệnh của Trời, vậy nếu ông còn theo nữa thì sẽ phải chết! ” - “Tôi không phải là kẻ mù quáng, đạo này dạy sự chân thật và bởi đó tôi yêu mến và thực hành! ” (trích đoạn thẩm vấn của quan triều với thánh tử đạo linh mục Francis Jaccard thừa sai người Pháp bị xử giảo ngày 21-9-1838)
“…chúng tôi vô tội, chúng tôi không làm gì chống lại vua hay luật lệ quốc gia. Lỗi duy nhất họ lên án chúng tôi là người theo Đạo Chúa Kitô. Chúng tôi chịu án chết vì không chịu từ bỏ Đạo Chúa Kitô là đạo chân thật… Chúng tôi cầu chúc đức vua được giầu sang phú quí cai trị muôn năm và chớ gì ngài ngưng cuộc bách hại đạo Trời là đạo duy nhất mang lại hạnh phúc…” (Thánh tử đạo linh mục Phaolô Phạm Khắc Khoan bị trảm quyết ngày 28-4-1840)
“… luật của người ta không thể ngược lại luật của Thiên Chúa, luật nước như vậy không tốt… tôi kính vua và rất mực yêu tổ quốc, nhưng trên hết tôi yêu Đức Chúa Trời và lề luật của Ngài!… ” (Thánh tử đạo thầy giảng Giuse Nguyễn Duy Khang bị trảm quyết ngày 6-12-1861)
“… hạ thần là người có Đạo Công Giáo nên không đi viếng chùa…” (Thánh tử đạo Phaolô Tống Viết Bường, quan thị vệ trong triều đình, là vị quan vừa trung thành với vua mà cũng hết lòng thờ phượng Chúa, đã thẳng thắn trả lời hạch sách của vua về việc không đi viếng chùa theo thông lệ sau khi trở về từ chiến trận, ngài bị trảm quyết bêu đầu ngày 23-10-1833).
“… họ cứ bảo tôi là bất trung bất hiếu và thiên đàng ở đâu nào có thấy. Tôi chỉ nói lại với họ là việc ai người nấy biết, tôi biết rất rõ thế nào là trung hiếu…” (Thánh tử đạo binh sĩ Anrê Trần Văn Trông bị trảm quyết ngày 28-11-1835. Trước khi bị đem đi chém đầu ngài nhắn về với mẹ hiền: “con được phúc trọng chết vì Chúa, xin mẹ an tâm làm việc nuôi xác và giữ đạo thánh Chúa! ”)
“… quan lớn đã biết chúng tôi không có tội gì, tôi bị án chết vì tôi giữ Đạo Thiên Chúa là đạo thật, chứ chẳng phải vì trộm cướp hay có tội gì khác!… ” (Thánh tử đạo linh mục Phaolô Lê Bảo Tịnh bị trảm quyết ngày 6-4-1857)
Xét kỹ mọi vụ án diệt đạo nơi xứ Việt với những nét lược kể trên đây, bên vua quan cường quyền và bên tội nhân oan khiên, cả hai bên đều tự cho mình là chính đạo. Cuộc tranh tụng giữa hai bên cơ hồ giống như cuộc tranh tụng giữa hai người đàn bà trong vụ kiện giành con trước vua Salômôn nước Israel vào thời điểm thế kỷ thứ mười trước Công nguyên.
[Chị này bảo: “Ðứa sống này là con tôi, con chị mới là đứa chết”. Chị kia đáp lại: “Không phải thế, con chị mới là đứa chết, nhưng con tôi chính là đứa còn sống.”]
Người ta có thể đôi lúc bị lạc trong bát quái trận đồ của những gì là THẬT và những gì là GIẢ. và đôi khi tâm tư khắc khoải, truy tìm SỰ THẬT ở nơi đâu?
Cuộc sống muôn hình vạn trạng phô diễn những bối cảnh vàng thau lẫn lộn, những hư hư thực thực hỏa mù tăm tối…Tin Mừng Phúc âm Đạo Đức Chúa Trời mời gọi mọi người phân biệt phải trái, nhận chân đâu là ĐƯỜNG, đâu là SỰ THẬT và đâu là SỰ SỐNG.
Từ bao đời trong xứ Việt vua uy nghi trên ngai trị dân như là đấng “thế thiên hành đạo” (Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung. - Khổng Tử). Tại sao nói “lệnh vua là lệnh trời” mà người ta lại không rắp tâm tuân phục? Vua ban ra 10 ĐIỀU HUẤN DỤ cho dân chúng thực hành tu tập… Điều huấn dụ thứ nhất “Đôn nhân luân” khẳng định luật vua tôi có cùng mang một nội dung như điều răn thứ nhất (Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự - Mc 12,29) của Đức Chúa Trời không?. Các điều huấn dụ khác nói chung cũng là chỉ dạy cho người dân biết sống cho ra một con người tốt lành, ngay thẳng, giữ tiết hạnh, không gian tham, không gian tà, không theo tà thuyết, tuân hành luật pháp quốc gia, làm điều thiện… tại sao người ta không một lòng tin theo 10 điều huấn dụ ấy như tin giữ 10 điều răn Đức Chúa Trời?
Người ta càng ngày càng ý thức và tranh đấu cho những nhân quyền của con người. Đã từ lâu chính quan niệm về vua, về vương quyền cũng phải bị biến đổi khi mà bản chất và sự hành xử không diễn đạt đúng ý nghĩa chính đáng của nó. Chống lại những thứ quyền hành sinh sát mù quáng của vua, xưa kia Mạnh Tử cũng đã đề ra hệ cấp giá trị “Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Thánh tử đạo thầy giảng Giuse Nguyễn Duy Khang khẳng khái xác định: “…luật của người ta không thể ngược lại luật của Thiên Chúa, luật nước như vậy không tốt… tôi kính vua và rất mực yêu tổ quốc, nhưng trên hết tôi yêu Đức Chúa Trời và lề luật của Ngài!…”, nhận thức xác đáng này cổ võ cho những đóng góp xây dựng một chế độ quyền bính có lòng NHÂN, hướng thăng tiến của lịch sử các dân tộc vốn càng ngày càng được hầu hết các nước trên thế giới thừa nhận. Về quyền tự do tôn giáo, nhưng nếu không phải là đạo THẬT, nếu là tà đạo thì sao? Bao nhiêu là vấn nạn trong cuộc sống con người khả dĩ xác định lằn ranh giữa Tin và không Tin, giữa đạo thật và đạo giả, tiên tri thật và tiên tri giả, tình yêu thật và tình yêu giả, lòng ái quốc thật và lòng ái quốc giả, hạnh phúc thật và hạnh phúc giả… danh sách liệt kê còn rất dài, nhưng tựu trung là phân biệt minh bạch giữa CHÂN THẬT và DỐI TRÁ, giữa TỐT LÀNH và XẤU XA, giữa SỰ SỐNG và SỰ CHẾT…
Một vị tử đạo nằm xuống là một khẳng định hùng hồn nhận chân những lằn ranh phân chia giữa THẬT và GIẢ, một lập trường không thể lay chuyển chung quyết dứt khoát đứng về phía sự thật, một hành động thiết thực yêu thương bạt ngàn gợi cảm cả một trời đại nghĩa…
Thật đáng ngưỡng phục tâm can một lòng hy sinh vì chính đạo của những tội nhân thụ hình tử đạo, tâm tư họ huyền nhiệm như cổ tích thần tiên đem lại sáng tỏ cho những ai còn một chút gì hồ nghi ngờ vực:
“… chúng ta hãy can đảm chịu khổ vì Chúa Kitô, chúng ta hãy chịu khổ với lòng cương quyết cho tới chết…” (Thánh tử đạo ông trùm xứ Đaminh Toái bị thiêu sống ngày 5-6-1862).
“… đừng than trách những người đã bắt tôi, vì qua bàn tay họ mà tôi được ơn cao cả này…” (Thánh tử đạo thầy giảng Phanxicô Xaviê Cần bị xử giảo ngày 20-11-1837).
“… đừng thù oán hay kiện cáo những kẻ đã tố giác cha… đừng trả thù những khốn khó cha phải chịu…” (Thánh tử đạo ông trùm Emmanuel Lê văn Phụng bị xử giảo ngày 31-7-1859).
“… dù anh em bị hành hạ thế nào, anh em hãy cầu nguyện cho chính quyền…” (Thánh tử đạo linh mục Laurensô Nguyễn văn Hưởng bị trảm quyết ngày 27-4-1856) “”
“… thân xác tôi ở trong tay quan, mặc sức quan muốn làm khổ thế nào tùy ý. Nhưng linh hồn tôi là của Chúa, không có gì khiến tôi hy sinh nó được”. Vị quan tra vấn linh mục Lê Bảo Tịnh không cầm được cơn giận khi nghe một câu trả lời của linh mục hàm ẩn ý chê trách hạng người sống như thú vật, đã dùng thước đánh ngài một đòn hung ác bất ngờ vào miệng ngài khiến ngài bị gẫy răng, miệng đầy máu me nhưng ngài ôn tồn vạch rõ cho quan biết họa khốn của quan: “… may phúc cho quan lớn vì tôi có đạo, hiền lành lương thiện. Nếu như tôi là thằng tướng giặc, lấy gông đeo cổ húc vào quan thì quan lớn đã vỡ đầu ra rồi !!!… ” (Thánh tử đạo linh mục Phaolô Lê Bảo Tịnh bị xử trảm ngày 6-4-1857)
Trước sự bất công, bất chính trên đời… cũng chỉ một ý chí nhất quyết công khai tuyên xưng đạo chân chính trước mặt mọi người, thánh tử đạo Phaolô Đổng bị khắc chữ “tả đạo” vào mặt, ngài đã không những cương quyết bôi xóa dấu vết oan nghiệt ấy trên mặt mình, mà còn hiên ngang khắc rõ chữ “ hữu đạo” thay vào chữ “tả đạo”. (Thánh tử đạo ông trùm xứ Phaolô Đổng bị trảm quyết ngày 3-6-1862).
Nào ai không động lòng xao xuyến băn khoăn sau mỗi cuộc hành hình những người đi đạo. Trong số các đao phủ đã vung gươm hành quyết theo lệnh quan quyền, có người lên tiếng phân bua: “Tội phạm đến các ngài không phải là tại tôi, xin đừng thù oán! ”. Trong số các quan án, cũng có người thổ lộ ra tiếng nói của một lương tâm công thẳng:
“Máu các ông xin đừng đổ trên đầu chúng tôi, chúng tôi không phải là người giết các ông! ”
“… mặc dù tôi không theo đạo nhưng tôi biết rõ các linh mục vô tội… bây giờ phép triều đình đem cha đi hành quyết thì xin cha khi về thiên đàng nhớ đến chúng tôi với! ”
Còn trong đám đông dân chúng có những tiếng bất bình nghẹn họng trong nước mắt:
“Tại sao người tốt lành, không can tội gì lại bị vua quan kết án tử hình như vậy? ”
Các vị tử đạo người Việt, họ là ai? Các vị tử đạo người Việt, là những con dân đất Việt bình thường chất phác như mọi người dân Việt, đều được nuôi dưỡng và lớn lên trong một tổ quốc mà những lời vàng ngọc đã khắc sâu vào hồn thiêng sông núi, ai ai cũng thuộc nằm lòng những lời ru ca dao của mẹ Việt Nam triền miên nhắc nhở trong cuộc sống:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
người trong một nước phải thương nhau cùng”
“Thương người như thể thương thân”
“Máu chảy, ruột mềm”
“Dù xây chín bậc phù đồ,
không bằng làm phước cứu cho một người”
Bốn nghìn năm văn hiến của tình thương dân tộc… đất Việt đã không ngừng trổ muôn hoa xinh tươi, thương mình và thương người, họ cùng dân tộc vươn tiến lên những đỉnh cao chân thiện mỹ của “đạo làm người”. Những sử hạnh bình dị của họ còn rõ nét trong tâm khảm những người đã được gặp gỡ họ, giao tiếp với họ, sinh hoạt với họ: hiền hòa, nhân từ, tính tình vui vẻ dễ thương, nếp sống đơn sơ thanh đạm, thanh liêm, tận tụy hy sinh quên mình, dũng cảm, cương nghị, hăng say phục vụ, có lòng đạo đức thương người… tựu trung lại, những con người đức hạnh là những mảnh đất mầu mỡ phì nhiêu cho hạt giống Tin Mừng…
Vì thế, từ ngày hạt giống Tin Mừng Thiên Chúa giáo được gieo vào lòng đất Việt, họ trở thành những người một lòng tin thờ Thiên Chúa, thuộc trọn về Chúa, đi theo Chúa, chuyên chú trong kinh nguyện, nhiệt tâm truyền giảng Tin mừng, thương giúp người khốn khổ… và từ đó họ và cộng đoàn giáo hữu được cuốn hút vào lý tưởng cao xa ngút ngàn rao truyền Tin Mừng Phúc Âm cho dân tộc, xây dựng tiền đồ cao cả của dân tộc.
Trong hàng ngũ quan quyền bắt đạo không có mấy người dễ dàng nhận diện ra cái viễn ảnh hoan lạc trong hướng nhìn của các vị tử đạo về cứu cánh cuộc đời. Chết tử vì đạo. Chết vì cớ gì? Chết cho ai? Sống không được thổ lộ hết tâm can, thì họa may chết sẽ được ra LỜI, lời chân thật và là tuyên xưng về lời chân lý của Chúa Kitô. Vì thế sau phút hành hình đầu rơi máu đổ, cảm thức LỜI tóm gọn của cả đời theo Chúa của các ngài, người ta đổ xô nhau lăn xả vào thấm hết những giọt máu đào tử đạo, người ta cẩn trọng lưu giữ mọi thánh tích còn sót sau khi vị tử đạo trút linh hồn, và vì thế ngày nay có những người đi tìm Chúa, nhận biết Chúa qua những chứng từ, thánh tích và sử liệu của các ngài.
“… tôi sắp bỏ thế gian này không luyến tiếc một sự gì, nghĩ đến việc sẽ được nhìn thấy Chúa làm tôi vui sướng hơn là sợ cái chết đau thương… được kết hiệp với Chúa Giêsu trong nơi hạnh phúc bất diệt…” (Thánh tử đạo linh mục Phanxicô Gagelin thừa sai Pháp đầu tiên tử đạo trên đất Việt, bị xử giảo ngày 17-10-1833).
Một đàng, cuộc sống mọi thời chứa đầy những cạm bẫy dối trá phỉnh lừa cám dỗ… nhất là ngày nay, trước các trào lưu lan tràn như những chủ nghĩa phóng túng thực dụng, chủ nghĩa tương đối, luân lý vụ lợi, chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, chủ nghĩa thế tục hóa duy vật, chủ nghĩa vô thần thực tế… người ta hoang mang tìm sự thật, âu lo những trào lưu chủ thuyết lầm lạc dẫn tới thảm họa vô lường, một nền văn hóa của sự chết. Đàng khác, đã đành những ý niệm về Trời hiện hữu một cách hiển nhiên trong mọi tầng lớp xã hội, từ vua quan xuống tới dân đen, ai cũng biết hay cũng thường xuyên nghe nói đến rất nhiều những chữ những câu chỉ về thế giới tâm linh thiêng liêng, chỉ về đấng Thượng Đế toàn năng hằng hữu, đấng Thần linh quyền lực tối thượng, những câu như: “lạy Trời mưa xuống lấy nước tôi uống…”, “Trời sinh voi, Trời sinh cỏ”, “lưới Trời lồng lộng", “Thiên bất dung gian”… “Hoàng Thiên bất phụ hảo nhân tâm” “ Nam quốc sơn hà Nam đế cư, tuyệt nhiên định phận tại Thiên thu”…; nhưng khi người ta tiếp xúc trực tiếp với những chứng từ sống động, như chứng từ tiêu biểu sáng ngời của thánh tử đạo thừa sai người Pháp Phanxicô Gagelin về giá trị vô song của nước Thiên Chúa, như chứng từ tiêu biểu đanh thép của thánh tử đạo linh mục Francis Jaccard thừa sai người Pháp - “Tôi không phải là kẻ mù quáng, đạo này dạy sự chân thật và bởi đó tôi yêu mến và thực hành! ” … lẽ tất nhiên người ta muốn giao tiếp với Chúa Giêsu Phục Sinh để biết Ngài là AI và muốn nếm biết cái “hạnh phúc bất diệt” là thứ hạnh phúc nào mà vị tử đạo dám chấp nhận hy sinh mạng sống mình để đạt tới.
Ngày giờ đó, họ chỗi dậy trở về Giêrusalem, và họ gặp thấy đang tề tựu cùng nhau, có nhóm Mười Một cùng các bạn. Các người này nói rằng: “Thực thế, Chúa đã sống lại và đã hiện ra cho Simôn!”
Chúa Giêsu Phục Sinh. Đấng ấy là ai? Chúa Trời có THẬT hay KHÔNG THẬT? Đây là một diễn đàn muôn thuở, một cuộc đối thoại trường kỳ trong nhân gian, một thách đố tìm kiếm trải nghiệm trong từng giây phút cho từng người.
Các vị tử đạo khi sống cho Chúa và chết vì Chúa chính là một hành động chọn lựa đi theo một đấng thủ lãnh, đấng chỉ đạo. Để chọn lựa chín chắn, chắc là đã phải kỹ lưỡng so sánh, tìm hiểu thấu suốt, biệt phân thật giả:
“Người mục tử nhân lành, chính là Ta…” (Mt 10,14). “Này Ta làm mới mọi sự…” (Kh 21,5) “Ta chuộng nhân nghĩa chứ không phải lễ tế…” (Mt 9,13). “Ta là đường, là sự thật, và là sự sống” (Gn 14,6) “Ta đã đến là để các ngươi có sự sống, và có một cách dồi dào…” (Gn 10,10) “Các ngươi hãy nên trọn lành như Cha các ngươi trên trời là Đấng trọn lành…” (Mt 5,48)
Đạo Công Giáo tin một Thiên Chúa có THẬT, dạy người ta sống tốt lành. Một xã hội sống tốt lành sẽ nhào nắn nên một văn hóa tốt lành, theo niềm tin Kitô giáo, đó là một nền văn hóa nhân bản và tâm linh, một văn hóa của tình thương và của sự sống phong phú tròn đầy.
Nếu văn hóa đúng theo ý nghĩa tốt đẹp đích thực mà nhân loại có thể đồng thuận một cách tuyệt đối, nếu văn hóa không chứa đựng hay dung thứ dối gian, nô lệ, đồi trụy, bất nhân, vô cảm trước mọi thương đau bất hạnh của đồng loại… Nếu đỉnh cao của văn hóa là khả năng diễn tả toàn diện những gì sâu kín nhất, những gì chân thiện mỹ nhất, những gì THẬT nhất trong tâm hồn con người, trong đời sống cá nhân và tập thể… người người chân chất yêu thương, cuộc sống hướng về Thiên Chúa… như thế phải chăng là thiên đàng nơi hạ giới, hạnh phúc THẬT của giống nòi mà các vị thánh tử đạo Việt Nam gieo rắc ươm trồng trong cuộc đời các ngài, dấn thân vun đắp bằng chính cái chết khổ nhục của các ngài, chết đau thương mới xác định minh bạch và trọn vẹn lập trường chọn lựa SỰ THẬT, làm chứng cho SỰ THẬT, chết hy sinh mới thực nói lên LỜI, lời vàng ngọc của điều răn trọng đại là mến Chúa yêu người.
Ươm trồng vun đắp xây dựng một nếp sống văn hóa tốt lành cao cả, từ những lời khuyên phúc âm… làm thế nào để trong Lễ có Nhân, trong Nghĩa có Nhân, trong Trí có Nhân, và trong Tín có Nhân, nói một cách vắn gọn là có tình người, có lòng yêu mến nhau thực sự. Trong đạo cũng như ngoài đời, còn biết bao nhiêu hủ tục cần được gạn đục khơi trong, tỷ như “khi sống thì chẳng cho ăn, thác về âm phủ làm văn tế ruồi”. Thăng hoa văn hóa, biến đổi đất nước và con người ngày càng thêm đẹp thêm tốt thêm trong lành thánh thiện đích thực. Đạo Công Giáo vốn bị chê trách là không thuận theo phong tục thờ cúng tổ tiên của dân tộc, nhưng vấn đề là làm thế nào diễn tả được đích thực lòng hiếu nghĩa đối với tổ tiên phụ mẫu sinh thành. Tâm thức con người ngày nay thuận hợp hơn cho những cố gắng tẩy xóa những nét mê tín, hình thức nông cạn bề ngoài hay những dị nghĩa trong truyền thống phong hóa cũ (Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu. - Khổng Tử). Thánh tử đạo binh sĩ Anrê Trần Văn Trông tự biết rất rõ thế nào là TRUNG và thế nào là HIẾU. Thánh tử đạo linh mục Phêrô Đoàn Công Quí bị xử trảm ngày 31-7-1859 cũng hiên ngang khẳng định lòng TRUNG và HIẾU ngất trời của ngài qua mấy vần thơ rút ruột gửi cho mẹ hiền:
“Dù trăng trói gông cùm tù rạc
chén ngục hình xiềng tỏa chi nề
miễn vui lòng cam chịu một bề
cho trọn đạo trung thần hiếu tử ”
Trong TRUNG và HIẾU của thánh tử đạo linh mục Phêrô Đoàn Công Quí sáng ngời tình Chúa và tình người. Rõ ràng là có những quan niệm khác nhau về TRUNG và HIẾU, nhưng bất hạnh thay trước những bất đồng quan điểm, con người khép kín hẹp hòi, thiếu cởi mở đối thoại và không hiểu nhau đến độ không thể đội trời chung.
Trên núi cao hay bên bờ hồ, giữa dân ngoại hay giữa đoàn người vất vưởng đói nghèo tha phương cầu thực, dọc dài trên những chặng đường loan báo Nước Trời, lời rao giảng của Chúa Giêsu, người Mục Tử nhân lành, hằng dõng dạc vang lên trong tận cùng mọi tâm can với sức lay động huyền nhiệm:
“Nếu sự công chính của các ngươi không dư dật hơn ký lục và Biệt phái, các ngươi sẽ không vào được Nước Trời…” (Mt 5,20).
Nếu muối (Mt 5,13) không phải là muối thật, nếu men (Mt 13,33) không phải là men thật, nếu đèn (Mt 5,16) không tỏa sáng… như vậy theo Chúa và làm môn đồ của ngài, từ muôn thuở, không phải là chuyện dễ dàng. “Và họ sẽ phải chịu bắt bớ hết thảy, những ai muốn sống đạo đức trong Ðức Kitô Giêsu!” (2 Tim 3,12)
Chính Đức Giáo Hoàng đương nhiệm Biển Đức XVI cũng đã nhận thực: “Chân thành tin nhận Phúc âm có thể đòi hỏi hy sinh mạng sống và đã có nhiều tín hữu ở nhiều nơi trên thế giới phải đối mặt với sự bách hại và đôi khi với sự tử vì đạo”. (L’adhésion sincère à l’Evangile peut demander le sacrifice de la vie et de nombreux chrétiens sont exposés, dans différentes régions du monde, à la persécution, et parfois au martyre – Benoît XVI) Thật là một nhận xét hoàn toàn chính xác.
Đó là chưa nói tới tử đạo của ngày hôm nay còn có thể là tử đạo không đổ máu với những bách hại vô cùng tinh vi, với những quỉ kế diệt đạo cực kỳ thâm hiểm khiến cuộc lữ hành của đoàn người theo Chúa luôn luôn phải nhập tâm lời cảnh giác của người Mục Tử nhân lành: “Nếu ai muốn đi sau Ta thì hãy chối bỏ chính mình, hãy vác lấy khổ giá của mình mỗi ngày và hãy theo Ta!. Vì kẻ nào muốn cứu lấy sự sống mình, thì sẽ mất; còn kẻ nào mất sự sống mình vì Ta, thì kẻ ấy sẽ cứu nó” (Lc 9,23-24).
Chắc chắn rằng các vị tử đạo Việt Nam đã mường tượng được đại cuộc xây dựng trời mới đất mới qua lập trường chọn lựa đấng thủ lãnh của các ngài, qua niềm tin yêu bất diệt của các ngài vào Chúa Kitô, vào Đạo Đức Chúa Trời.
Sự chấp nhận “mất sự sống mình” của các vị tử đạo Việt Nam, giải nghĩa thêm một lần nữa lời nhận xét của sử gia Tertullien vào cuối thế kỷ thứ hai “Máu các vị tử đạo là hạt giống sinh nhiều Giáo hữu” (Sanguis martyrum, semen christianorum).
Hạt giống Kitô giáo là hạt giống trổ sinh Nước Thiên Chúa, trời mới đất mới với nền văn hóa sự sống được thăng hoa trở nên tốt đẹp đích thật, với những con người mới sống an bình trong hạnh phúc thật… Các vị tử đạo tất nhiên không thể không biết đến kế đồ của Đức Chúa Trời, Chúa tể trời đất muôn vật: “…vì sự an bài của Người cho muôn thời được viên mãn, là thâu họp vạn vật dưới một đầu một mối trong Đức Kitô, vật ở trời cao, vật nơi dương thế…” (Ep 1,10)
Đi theo Đức Kitô, chắc hẳn các vị tử đạo đã được cuốn hút vào một lòng đại nghĩa, được thông hiệp hợp nhất vào thân mình mầu nhiệm Chúa Kitô, đấng mà các ngài tin yêu tuân phục: “… những gì các ngươi làm cho một người trong các anh em hèn mọn nhất này của Ta, là các ngươi làm cho chính mình Ta…” (Mt 25,40)
Nhịp bước tung tăng, tôi hân hoan cất lời ca thức tỉnh hy vọng: “… Biết mấy lúc chúng ta đi trong cuộc sống mọi ngày, đã gặp Ngài, nhưng chẳng biết Ngài. Ấy những lúc mắt ta không trông không thấy được Ngài trong những kẻ nghèo đói…” (Trên đường Emmau – Thành Tâm)
Tôi thả hồn ngất ngây chiêm ngưỡng chương trình Tạo Dựng của Thiên Chúa, một đại cuộc đường dài tiến đến viên thành trời mới đất mới con người mới trên quê hương Việt Nam và nhân loại mới trên toàn thế giới hầu tất cả được thông hiệp với Thiên Chúa Tình Yêu trong hạnh phúc yêu thương. Cuộc lữ hành trên các nẻo đường đất Việt, ngang qua những nấm mồ tử đạo, “mỗi bước chân đi mỗi lạ lùng, quê hương ta đó đẹp vô cùng” (thơ Bàng Bá Lân), vì có những vị anh hùng bất khuất trong lý tưởng gầy dựng cho dân tộc một nền văn hóa tuyệt đẹp của sự sống đích thật.
Tôi thầm nhủ ngày ngày ngâm lên bay tỏa như lời kinh trầm hương mấy vần thơ phục sinh của thi sỹ Lương Nhi Tử trong suốt những ngày kính nhớ 117 thánh tử đạo Việt Nam và tất cả những vị tử đạo vô danh trên đất Việt:
Cho con từ đây lấy thương yêu
Làm cầu VƯỢT QUA ngàn vạn chiều
Làm men SỐNG LẠI vùi khắp chốn
Làm sức PHỤC SINH mọi cô liêu.
Phạm Hòa Hiệp
VietCatholic
0 nhận xét:
Đăng nhận xét