Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Bao giờ người Việt hưởng dân quyền trở lại?



BAO GIỜ NGƯỜI VIỆT HƯỞNG DÂN QUYỀN ?

Trung tuần tháng Tư 1954, không khí Sài gòn đã mang màu sắc buồn bã trước những tin xấu từ chiến trận Bắc Việt. Sau đó, ngày 07.05.1954, Điện Biên phủ thất trận từ tay Quân đội viễn chinh Pháp vào tay Việt Minh được sự quân viện của Trung cộng. Tại Paris, Pierre Mendès France được Tổng thống René Coty mời giữ chức Thủ tướng ngày 18.06.1954 với chủ trương rời bỏ thuộc địa Đông dương và, đau đớn hơn, Tổ Quốc Việt Nam, với sự đồng ý của Hồ Chí Minh và người cộng sản Việt, có khả năng bị chia đôi tại Hội nghị Genève khai mạc từ ngày 26.04.1954. 

I. THÀNH LẬP VIỆT NAM CỘNG HÒA.

Trước thảm cảnh Quê Hương sắp phải phân đôi, Quốc trưởng Bảo Đại phải chọn một nhân vật có đủ các đức tính và khả năng cho tình trạng đặc biệt của Đất Nước, không để chống ngoại xăm nhưng để ngăn người Việt cộng sản thực thi Cộng sản hóa Việt Nam do Liên xô và Trung cộng lãnh đạo.

A. Quốc Trưởng bổ nhiệm Thủ Tướng.

Trong hồi ký ‘Le Dragon d’Annam’ (Con Rồng Việt Nam’, Quốc trưởng Bảo Đại cho thấy sự quý trọng mà ông dành cho ông Ngô Đình Diệm khi mời ông này lập chính phủ tới 4 lần và ông Diệm chỉ nhận 2 lần :

1.- Lần đầu năm 1933, khi muốn thực hiện chương trình cải cách hầu khôi phục dần chủ quyền Việt Nam, vua Bảo Đại đã bổ nhiệm ông Ngô Đình Diệm vào chức vụ thượng thư bộ Lại đứng đầu nội các kiêm Tổng thư ký Hội đồng hỗn hợp Việt Pháp về ‘Canh Tân’ với lý do : « Tôi cho vời một viên quan tỉnh trẻ tuổi nhất là Ngô Đình Diệm, lúc ấy làm Tuần Vũ tỉnh Phan Thiết, để đảm trách bộ Lại. Diệm năm ấy mới 31 tuổi, nổi tiếng là thông minh liêm khiết. Đây là một người quốc gia bảo thủ… ». Vì người Pháp không đáp ứng những yêu cầu của ông về canh tân nên ông Diệm đã từ chức để phản đối, trước sự thuyết phục của nhà vua ‘Mong rằng sự ra đi của quan Thượng sẽ mở mắt cho người Pháp’… và viết ‘Ngô Đình Diệm đi rồi, tôi hoàn toàn thất vọng’.

2.- Lần thứ hai và là lần chót ngày 18.06.1954 khi hội nghị Genève đang tiếp diễn, với viễn ảnh đen tối, nếu không nói là tuyệt vọng, cho giải pháp Bảo Đại và phe quốc gia, Quốc Trưởng lại một lần nữa tìm đến ‘người mà tôi tin cẩn’. Ông đã thuật lại đầu đuôi câu chuyện như sau:

« …Tôi cho vời Ngô Đình Diệm và bảo ông ta:
– Cứ mỗi khi tôi cần thay đổi chính phủ, tôi lại phải gọi đến ông. Ông thì lúc nào cũng từ chối. Nay tình thế rất bi đát, đất nước có thể bị chia cắt làm đôi. Ông cần phải lãnh đạo chính phủ.
– Thưa Hoàng Thượng, không thể được ạ. Ông ta đáp. Tôi xin trình Ngài là sau nhiều năm suy nghĩ, tôi đã quyết định. Tôi định đi tu…
– Tôi kính trọng ý định của ông. Nhưng hiện nay tôi kêu gọi đến lòng ái quốc của ông. Ông không có quyền từ chối trách nhiệm của mình. Sự tồn vong của Việt Nam buộc ông như vậy.
Sau một hồi yên lặng cuối cùng ông ta đáp:
–Thưa Hoàng Thượng, trong trường hợp đó, tôi xin nhận sứ mạng mà Ngài trao phó.
Cầm lấy tay ông ta, tôi kéo sang một phòng bên cạnh, trong đó có cây thánh giá. Trước thánh giá tôi bảo ông ta:
–Đây Chúa của ông đây, ông hãy thề trước chân dung Chúa là giữ vững đất nước mà người ta đã trao cho ông. Ông sẽ bảo vệ nó để chống lại bọn Cộng sản, và nếu cần, chống luôn cả người Pháp nữa.
Ông ta đứng yên lặng một lúc lâu, rồi nhìn tôi, sau nhìn lên Thánh giá, ông nói với giọng nghẹn ngào:
–Tôi xin thề. »

[Lưu ý. Không chỉ vua Bảo Đại chọn ông Diệm tham chính mà Hồ Chí Minh cũng đã mời. Khi Bảo Đại thoái vị và Việt Minh nắm chính quyền, ông Diệm trở lại Huế để thăm mẹ và đã bị Việt Minh bắt tại Tuy Hòa-Phú Yên. Chúng giải ông ra Hà Nội và bị giam giữ tại tỉnh miền núi Tuyên Quang nhưng được trả tự do theo lệnh ân xá của Hồ Chí Minh vào năm 1946 để mời ông giữ chức Bộ trưởng Nội vụ. Vì ông Diệm muốn được rõ các bí mật việc điều hành quốc sự, nên sự tham chính bất thành. Ông Diệm quá biết ông Hồ và đã khẳng khái hỏi: « Tại sao ông giết anh tôi? » (ông Ngô Đình Khôi). Đó là câu hỏi của một người thật can đảm khi trong tay không một tấc sắt trước ông Hồ đang đầy uy quyền và dưới tay hắn có cả một băng nhóm du côn tàn bạo giết người.]

Hôm 20.06.1954, Quốc trưởng thông báo sự bổ nhiệm và giới thiệu ông Ngô Đình Diệm cho Tướng Paul Ély, Cao ủy Pháp tại Việt Nam. Tiếp đó, ông Diệm có buổi ra mắt và họp báo tại Hotel Palais d’Orsay (Paris) và, trong thời gian lưu lại Pháp, ông Diệm thuê một phòng ngủ rẻ tiền, không nhà tắm ở Hôtel de la Gare, gần khu phố nghèo nàn cạnh ga xe lửa Austerlitz. Đây cũng là bằng chứng về con người và nhân cách của ông Ngô Đình Diệm. 

Ngày 26.06.1954, ông Diệm mới bay về Sài gòn, cùng với hoàng thân Bửu Lộc, Thủ tướng xuất nhiệm, để trao lại quyền hành cho ông Diệm.

B. Thủ Tướng tái lập Chủ Quyền Quốc Gia.

Khi chuyển quyền, ông Bửu Lộc chỉ bàn giao lại dinh Gia long, sở Nội dịch với bảy chiếc xe cũ kỹ và một tiểu đội cảnh sát canh gác. Ngày 07.07.1954, Thủ tướng trình diện Nội các trước quốc dân đồng bào. Trong đó, ông Ngô Đình Diệm kiêm nhiệm Tổng trưởng bộ Quốâc phòng và Nội vụ. Nhưng, ông không có trong tay Quân đội (Tướng Nguyễn văn Hinh, Tham mưu trưởng, nắm giữ) và Công an Cảnh sát do Bình Xuyên chỉ huy.

Thêm vào đó, quá khuya ngày 20.07.1954, Hiệp định đình chiến tại Việt Nam và Lào được ký bởi đại diện hai lực lượng quân sự chính có liên quan, là Thiếu tướng Delteil (Pháp) và Tạ Quang Bửu (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) qui định ‘Ngừng bắn trên toàn chiến trường Đông Dương’ và ‘Sông Bến Hải, vĩ tuyến 17, được dùng làm giới tuyến tạm thời chia Việt Nam làm hai vùng : miền Bắc và miền Nam. Phản đối sự chia cắt Đất Nước, Trưởng đoàn Quốc gia Việt Nam, Trần Văn Đỗ, đã không ký bản hiệp định. Hoa Kỳ cũng vậy.

Trong hoàn cảnh cực kỳ bấp bênh và rối loạn bên bờ vực thẳm về chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội này, giới quan sát cho đây là dấu hiệu không mấy tốt cho vị Thủ tướng và nội các khó thọ quá 6 tháng, nhưng chỉ cần ổn định được tình thế thì đã là một vị cứu tinh rồi.

Để cho đồng bào hành xử quyền Dân Chủ thì, trước hết, Tổ Quốc phải được Độc lập tức Chủ quyền Quốc gia phải được ngoại bang tôn trọng và người dân thật sự có Tự Do. Khi đó, mỗi Công dân mới có thể tham gia bầu người đại diện cho mình lãnh đạo Đất Nước. Bởi thế, Thủ tướng Ngô Đình Diệm phải tiến hành :

a./ Tiếp thu Dinh Norodom, nơi cư ngụ và làm việc của Cao ủy Đông dương (Haut-commissaire de France en Indochine) đại diện chính phủ Pháp để ‘cai trị’ vùng đất thuộc địa, được đổi tên thành Dinh Độc Lập, nơi cư ngụ và làm việc của Thủ tướng. Một biểu tượng khác, cờ Tam sắc được hạ xuống để quốc kỳ Vàng ba sọc đỏ thay thế và, từ đó, Tổng thống Pháp chỉ cử một Đại sứ, được Việt Nam chấp nhận trước (Chủ quyền quốc gia về ngoại giao), bên cạnh Chính phủ Việt Nam như các quốc gia khác. Ngoài ra, ông cũng yêu cầu Pháp rút hết các lực lượng quân sự về nước. Quân nhân Pháp cuối cùng rời lãnh thổ Việt Nam vào ngày 28.04.1956.

b./ Dành quyền chỉ huy Quân đội. Ngày 09.09.1954, Tướng Hinh, Pháp tịch và là đàn em Tướng Ely, dùng đài phát thanh Pháp Á để chỉ trích Thủ tướng và đòi cải tổ Chánh phủ. Ngày 11.09.1954, Thủ tướng ra lệnh ông phải đi Pháp trong vòng 24 tiếng, với nhiệm vụ khảo sát tổ chức quân đội Pháp trong vòng 6 tuần. Tướng Hinh từ chối và phản đối bằng cho một tiểu đội thiết giáp chạy quanh dinh Độc lập cùng gởi thư yêu cầu sự can thiệp của Bảo Đại. Không thành, ông rời nước về Pháp. Thủ tướng cử tướng Lê văn Tỵ đảm nhiệm chức vụ Tổng Tham mưu trưởng Quân đội.

c./ Độc lập về tài chính. Ngày 30.12.1954, chánh phủ Pháp và đại diện 3 nước Việt-Miên-Lào ký Hiệp định nhìn nhận toàn vẹn chủ quyền tài chánh và tiền tệ các nước Việt-Miên-Lào, hiệu lực từ ngày 02.01.1955. Kết quả là từ nay, ngân khoản ngoại viện được chuyển thẳng vào trương mục của Việt Nam, chứ không phải qua Ngân hàng Pháp quốc (Banque de France) như trước đó. Từ đây, chánh phủ Việt Nam cũng toàn quyền quản lý ngân sách quốc gia. 
d./ Dành quyền chỉ huy Cảnh sát. Công tác này vô cùng khó khăn vì lực lượng an ninh này đang nằm trong tay ông Lê văn Viễn, tức Bảy Viễn, thủ lãnh Bình Xuyên, là một nhóm lợi ích mang về cho ông Bảo Đại và là đàn em của Tướng Ely, Cao ủy Pháp. Bảy Viễn đã ra lệnh nỗ súng chống lại Chính phủ và Quân đội phải đánh trả bắt đầu từ đêm 29.03.1955 cho đến khi bị tiêu diệt vào tháng 09.1955 và Bảy Viễn lưu vong sang Pháp. Phản ứng võ trang mạnh mẽ này là do, ngày 01.01.1955, ông Diệm ký nghị định chấm dứt quyền khai thác sòng bạc Đại Thế Giới (Grande Monde) và đóng cửa khu mãi dâm Bình khang do Bình xuyên khai thác vì chủ trương của chánh phủ là bài trừ tứ đổ tường (cờ bạc, rượu chè, trai gái và hút á phiện), khiến họ không còn nguồn thu tài chính. Trong đó, mỗi ngày, họ phải nộp cho ông Bảo Đại một triệu đồng (khoảng 28,500 Mỹ kim). Do đó, Quốc trưởng phải bênh vực Bảy Viễn và, do yêu cầu của các chính đảng và giáo phái và sự công tác của họ, ông Bảo Đại bị truất phế. Với sự tín nhiệm của cử tri trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 23.10.1955 qua lá phiếu ghi ‘Tôi truất phế Bảo Đại và chọn ông Ngô Đình Diệm như tổng thống để thành lập chế độ cộng hòa’, ngày 26.10.1955, Ngô Đình Diệm tuyên bố thành lập chế độ cộng hòa cho Việt Nam và chấp nhận trách nhiệm Tổng thống. 

Nhờ sự quyết tâm của chí sĩ Ngô Đình Diệm, với sự trợ giúp của hai em Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Luyện là những người có tài và yêu nước (tại sao không thể trao trách nhiệm công quyền cho họ mà phải buộc là ‘gia đình trị’ ?), do hậu quả của sự phân chia Đất Nước, hơn một triệu đồng bào di cư tránh nạn cộng sản từ Bắc vào Nam được Chính quyền, với sự trợ giúp của Thế giới Tự do, tiếp đón và an cư lập nghiệp. Ngày 09.08.1954, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam thành lập Phủ Tổng ủy Di cư Tỵ nạn hoạt động khẩn cấp ngay tại ba Miền Quê hương để xúc tiến định cư. Một tổ chức cứu trợ tư nhân, Uũy ban Hỗ trợ Định cư, được thành lập, để cộng tác với Chính quyền. Giới sinh viên đại học được đặc biệt lưu ý, Bộ Tư lệnh Quân đội Pháp, với 12 chuyến bay trong hai ngày 12 và 13.08.1954 đưa khoảng 1.200 sinh viên (khoảng 2/3 tổng số) chọn di cư từ Bắc vào Nam để kịp năm học mới.

Bất chấp những sự ngăn cản và khó khăn do người cộng sản gây ra, cuộc vận chuyển, tiếp đón và định cư những đồng bào tìm tự do đã thành công. Kết quả này cũng như những thành quả khác về kinh tế và xã hội khiến uy tín của Tổng thống Ngô Đình Diệm được gia tăng trong chính giới các quốc gia tự do. Đây là kết quả sự nghiên cứu các lý thuyết và quan sát tại chỗ trong nước lẫn ở các nước Âu Mỹ tiên tiến để xây dựng các nguyên tắc của kinh tế và xã hội Nhân Vị mà chúng ta có thể tóm tắc :

Tiến trình nhằm hai mục tiêu : 1. Kiện toàn nền độc lập nước nhà trong lãnh vực kinh tế ; 2. Canh tân nền kinh tế quốc gia để nâng cao mức sống người dân. Đặt trên căn bản Thái Hòa, Nhân Vị chủ trương cuộc cách mạng kinh tế xã hội phải gồm ba điều kiện tiên quyết :
- Người dân phải được trực tiếp tham gia vào việc điều hành các hoạt động kinh tế.
- Mục tiêu ưu tiên hàng đầu của chính sách kinh tế xã hội là phải bảo đảm mỗi người dân có đươc một mái nhà và sở hữu chủ các phương tiện sản xuất để làm ra của cải nuôi sống bản thân và gia đình mình.
- Cá nhân và cộng đồng đồng tiến.
Những nguyên tắc này được chọn làm căn bản giải quyết xung đột cố hữu về quyền lợi giữa cá nhân và cộng đồng, vấn đề tái phân phối lợi tức quốc gia.

Chủ trương ‘chính sách kinh tế xã hội là phải bảo đảm mỗi người dân có đươc một mái nhà và sở hữu chủ các phương tiện sản xuất để làm ra của cải nuôi sống bản thân và gia đình mình.’, sau khi được tiếp đón tại Miền Nam, đồng bào tỵ nạn được khai thác các vùng đất rừng để xây nhà ở, cơ sở sản xuất… và cấp quyền sở hữu cho họ.

Chúng ta có thể nhắc đến hai điểm này :

1. Ngày 01.01.1954, Tổng Thống đã khấn hứa sống đời tu sĩ dòng ba tại Tu viện Thánh Anrê (Bruges, Bỉ) thuộc dòng Biển Đức, với tên dòng là Odilo. Tổng Thống chọn Odilo có thể vì Thánh Odilo có Lễ Mừng vào ngày 01.01 hằng năm. Thánh Odilo là Bổn Mạng các người tị nạn. Ông Ngô đình Diệm cũng đã hoàn thành trong 9 năm (1954-1962) việc định cư cho gần một triệu đồng bào tị nạn Miền Bắc (xem ‘The Miracle of Hope’ viết bởi Andre N. Van Chau, trang 100).

2. Học thuyết xã hội Công Giáo dạy : Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và trao Con Người làm chủ. Do đó, khi đất đai còn bỏ hoang thì ai có nhu cầu để sinh sống có thể khai thác theo qui định của Chính quyền để hưởng quyền sở hữu. Cũng theo tiến trình đó, ruộng đất được Chính quyền mua lại từ các điền chủ không trực tiếp khai thác để bán trả góp cho nông dân.

(Còn tiếp)

Hà Minh Thảo

0 nhận xét:

Đăng nhận xét