Thứ Hai, 3 tháng 6, 2013

Những con người vượt qua số phận



Cách đây không lâu, trên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, với loạt bài nhiều kỳ được nhà báo Thái Nguyễn Bạch Liên trích dịch, hẳn chúng ta đã không khỏi xúc cảm và khâm phục trước một bạn trẻ Nhật Bản tên là Ototake Hirotada, sinh ra chỉ với “4 mẩu khoai tây” ngắn ngủn thay cho đôi cánh tay và đôi cẳng chân bình thường của mọi người. Vậy mà Ototake đã vượt qua số phận một cách can đảm và hạnh phúc để ngay từ Tiểu Học đã là một vận động viên bóng rổ nhanh nhẹn, một tay bơi vô địch, một học sinh xuất sắc ở mọi môn học chính khóa và ngoại khóa.
Sinh ngày 6.4.1976, hiện nay ( bài viết vào năm 2000 ), Ototake Hirotada đã là giám đốc một công ty tư nhân hết sức thành công. Hiện nay, Ototake đã trở thành sứ giả tự nguyện của Giới Trẻ rong ruổi trên chiếc xe lăn khắp nơi trên đất nước Nhật Bản và toàn thế giới để gặp gỡ mọi người, để hồn nhiên “làm chứng” rằng: Với ý chí và lý tưởng kiên định quả cảm, ai cũng có thể vượt qua số phận nghiệt ngã của đời mình...
Báo Tiền Phong Chủ Nhật số ra ngày 19.11.2000 lại cho chúng ta thêm một chứng từ sống động và đáng yêu qua bài viết “Cuộc Sống Kỳ Diệu” của Thu Thủy. Chuyện kể rằng: Có một cô bé người Trung Hoa sinh năm 1974 tại Đài Loan, bị cha mẹ bỏ rơi ngay khi vừa chào đời ngay trên mặt quầy bán thịt của một ngôi chợ thị trấn Cương Sơn. Khi cô bé cất tiếng gào khóc, mọi người tò mò bu lại đã sững sờ phát hiện là em chẳng hề có đôi tay, còn chân phải thì ngay đơ không co lại được !
Ba ngày sau, bà Lâm Phụng Anh, giám đốc một trại mồ côi đã đến đồn cảnh sát xin nhận em về nuôi. Chồng bà Lâm là Mục Sư Dương Húc đã đặt tên cho em bé là Dương Ân Điển. Có người thắc mắc là số phận khốn khổ như thế sao lại gọi tên là Ân Điển ? Mục Sư Dương trả lời: “Nó không có tay, tức là Thiên Chúa đã miễn cho nó khỏi công việc lao động vất vả, thế không phải là một ân điển hay sao ?”

Trong một lần Tổng Thống Đài Loan là ông Tưởng Kinh Quốc đến thăm trại mồ côi, cô bé đã than thở: “Ông ơi, cháu không có tay !” Ông đã ôm cô bé vào lòng mà dỗ: “Cháu không có tay, nhưng vẫn còn chân, cháu có thể làm được khối việc cơ đấy !” Và quả thật, đến năm lên 4 tuổi, cô bé bắt đầu dùng chân để tập viết chữ. 10 tuổi, cô bé đã viết được những bức thư pháp thật đẹp để gửi biếu chính vị tổng thống ân nhân đã khuyến khích cô năm nào...
N°2690 du 14 décembre 2000Ngày nay, Ân Điển đã là một cô gái 26 tuổi, hội viên lừng danh của Hội Nghệ Sĩ Quốc Tế chuyên sáng tác tranh bằng răng và bằng chân. Cô chia sẻ: “Cuộc đời là một sự tiếp nối những điều kỳ diệu. Tôi là đứa trẻ bị vứt bỏ, nhưng lại là đứa con yêu của Thiên Chúa, chính Người đã cho tôi ân điển là có được vận mệnh may mắn. Lúc cha nuôi và mẹ nuôi tôi ôm lấy tôi cũng chính là lúc tôi được ôm lấy sinh mệnh của đời mình !”
Mới đây, báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật số ra ngày 17.12.2000 có đăng một bài dịch từ tạp chí Paris Match số 2690, viết về danh thủ bóng đá người Pháp Jean Pierre Papin. Bức ảnh trang bìa chụp Papin đang vòng tay ôm cô con gái Emily năm nay vừa tròn 10 tuổi với dáng vẻ gầy gò. Chuyện kể rằng: Năm 1990, vợ chồng Papin được các bác sĩ báo tin đứa con tương lai bị tổn thương não bẩm sinh, chắc chắn sẽ phải chịu một cuộc sống không bình thường. Thay vì nhận lời đề nghị hãy phá thai khi còn kịp, vợ chồng Papin đã rời bệnh viện trong nước mắt. Papin tâm sự: “Chúng tôi đã ôm nhau khóc ngay trên hè phố. Emily là khúc ruột của chúng tôi, vậy mà vị bác sĩ ấy đã không để lại cho chúng tôi một chút hy vọng nào đã cứu cháu...”
Năm 1995, cô bé được 5 tuổi, vẫn hoàn toàn sống một cuộc đời thiểu năng và vô tri. Papin tình cờ gặp được một nhà trị liệu người Mỹ đang áp dụng phương pháp phục hồi chức năng cho trẻ bị tổn thương não dựa trên việc kích thích cao độ thể chất và tinh thần. Thế là cả gia đình Papin chuyển sang Mỹ sống tại thành phố Philadelphia với một niềm hy vọng mới. Papin từ chối mọi hợp đồng bóng đá để dành tất cả thời gian để cùng con gái tập luyện...
Thấm thoát mà đã 5 năm. Từ một đứa trẻ ngờ nghệch vô tri vô giác, bé Emily 10 tuổi nay đã biết cầm nắm các đồ vật, biết nói một vài tiếng, biết đọc chữ, biết xem tivi và hằng ngày chạy xen kẽ với đi bộ 5 cây số cùng với cha. Khuôn mặt của Papin giờ đây đã rạng rỡ hẳn lên, anh mơ ước một ngày nào đó Emily sẽ thỏ thẻ được với cha những cảm xúc của riêng em về thế giới chung quanh...
Tập sách Lời Hằng Sống số 1.2000 có trưng dẫn một câu chuyện khác: Tại một cuộc thi Paralympic đặc biệt dành cho những người bị khuyết tật trên thế giới, có chín vận động viên đăng ký tham dự cuộc thi chạy bộ 100m. Tất cả đều là các thiếu niên bị tàn tật về thể lý hoặc tâm thần. Các em đứng xếp hàng ở vạch xuất phát, khi nghe hiệu lệnh là một phát súng nổ, các em bắt đầu chạy. Thật ra đây không phải là một cuộc đua, nhưng là một cuộc chạy sao cho tới đích mà thôi.
Bất ngờ, trên đường chạy, một cậu bé vấp ngã. Em trỗi dậy, được một quãng thì lại ngã, em òa lên khóc vì lần này em không thể đứng lên để tiếp tục cuộc đua. Tám em bé kia nghe tiếng khóc của cậu bé, chúng chạy chậm lại rồi dừng bước, không hẹn mà các em cùng quay trở lại. Một cô bé bị chậm phát triển tâm thần ( hội chứng Down ) ân cần cúi xuống đỡ cậu bé dậy và an ủi... Thế rồi, cả chín đứa trẻ cùng khoác tay nhau đi bộ tới đích. Mọi người trong sân vận động đồng loạt đứng dậy vỗ tay hoan hô đến 10 phút...
Chúng tôi lại xin lược đọc cùng các bạn thêm một bài báo của bà Nguyễn Thị Oanh đăng trên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật số ra ngày 10.12.2000 với tựa đề “Quyền, sao lại phải xin ?” nhân Ngày Quốc Tế Người Khuyết Tật. Tác giả là một nhà xã hội học nổi tiếng, đã ghi lại những lời phát biểu của một số bạn trẻ bị xếp loại “khuyết tật” trong một cuộc hội thảo về việc làm cho người khuyết tật tổ chức tại Sàigòn vào ngày 1.12.2000 vừa qua như sau:
 Người khuyết tật thành đạt là người không lệ thuộc, không phải là gánh nặng cho người khác, nhưng là sống độc lập và đóng góp cho xã hội theo khả năng của mình.
 Đúng là có những người khuyết tật ỷ lại, nhưng cũng có không ít những người phấn đấu tự vươn lên. Chính là do cách xã hội đã nhìn nhận họ làm cho họ ỷ lại.
 Người khuyết tật kêu gọi xã hội “xin đừng thương hại mà chỉ tạo công bằng”, nghĩa là hãy trả lại cho chúng tôi những quyền mà quý vị đã tước mất của chúng tôi như: quyền được sống và lớn lên như mọi người, được phát huy các năng lực cho dù là hạn chế của chúng tôi. Người mới sinh ra chỉ “tàn” một chút thì quý vị đã làm cho chúng tôi “phế” luôn. Là cha mẹ chúng tôi, quý vị đã chối bỏ chúng tôi hoặc xem chúng tôi như hạng người vứt đi. Là nhà trường, quý vị không cho chúng tôi được học. Là xí nghiệp, quý vị không cho chúng tôi được đóng góp bằng việc làm của mình... Quý vị gạt chúng tôi ra ngoài lề, dãn nhãn “con điên”, “thằng què”, rồi kêu chúng tôi xóa mặc cảm ! Vì quá thương hại hay thiếu hiểu biết, quý vị đã bảo bọc chúng tôi một cách quá đáng, rồi giờ đây bảo chúng tôi đừng ỷ lại !
Bà Nguyễn Thị Oanh nhận định:
“Khuyết tật và cách giải quyết phản ánh trình độ nhận thức và phát triển của một xã hội. Trước tiên, sự thay đổi trong nhận thức biểu hiện qua từ ngữ. Ban đầu là “tàn tật” ( infirm – đã tàn là phế ), sau là “khuyết tật” ( handicapped – có khiếm khuyết một phần nào đó ) và cuối cùng là mất năng lực ( disabled )... Và người ta còn nói thêm: “Không có con người bị mất năng lực, chỉ có những xã hội làm cho sự mất năng lực nặng nề hơn”... Xã hội đã hạn chế sự phát triển của người khuyết tật đến độ khi được hỏi những công việc nào là phù hợp với người khuyết tật, bản thân họ rất khó trả lời vì suy nghĩ của họ cũng đã bị bó hẹp trong cái nhìn mà xã hội có về họ...”
Các bạn thân mến, qua những chứng từ sống động cũng như những nhận định vừa nêu, hẳn là chúng ta cũng nhận ra vấn đề xoay quanh nhận thức mang tính xã hội ở cả hai phía: tự thân người khuyết tật và mọi người được xem là bình thường. Nhận thức thể hiện qua từ ngữ định danh phân loại, nhận thức cũng diễn đạt qua mối tương quan cư xử đối đãi với nhau còn khập khiễng giữa xin và cho...
Thế nhưng, trong khuôn khổ bài này, chúng tôi muốn chú tâm nhiều hơn đến một khía cạnh xâu xa khác. Đó là Tình Yêu. Và ắt hẳn đây mới là mấu chốt của vấn đề: Tình Yêu làm nền cho nhận thức. Nếu ở phía mọi người không phải là Tình Yêu Tha Nhân đích thực mà chỉ là lòng thương hại tội nghiệp, thì nhận thức sẽ là bố thí, là làm công quả, để đức cho con cháu theo cách nói thông dụng. Nếu ở phía người khuyết tật không phải là Tình Yêu Cuộc Sống mà chỉ là tâm trạng mặc cảm an phận hay yếm thế tủi thân, thì nhận thức sẽ là tự cô lập, đi dần đến thui chột hẩm hiu, và cứ thế mà may nhờ rủi chịu !
Nếu như Ototake, chàng trai Nhật Bản, không được cha mẹ, thầy cô giáo, và cả các bạn học tôn trọng như một nhân cách, một phẩm giá có một không hai như mọi người, anh đã không thể tự mình vươn lên vượt qua số phận, nhiều lắm ngày nay anh cũng sẽ chỉ là một thanh niên gia đình khá giả, được trợ cấp của nhà nước để ngồi xe lăn xem tivi đỡ buồn cho qua ngày tháng.
Nếu như Dương Ân Điển, cô gái Đài Loan, chỉ được ông Tổng Thống xoa đầu an ủi: “Thôi, cháu hãy chịu khó vác Thánh Giá nhé !”, cô đã không thể trở thành một họa sĩ từ một cái chân lành lặn mà vẽ nên những bức tranh làm nao lòng người trên toàn thế giới.
Nếu như Emily, em bé người Pháp, không được mẹ nâng niu gìn giữ từ lúc còn nằm trong bào thai và không được cha hy sinh cả sự nghiệp một cầu thủ nổi tiếng để nỗ lực yêu thương, chăm sóc và cùng tập luyện gian khổ, em sẽ vẫn mãi mãi sống cuộc đời thực vật vô tri vô giác vì thiểu năng tâm thần.
Nếu như em bé vận động viên bị Down, ở cuộc thi Paralympic dành cho những người khuyết tật, đã không được các đồng đội cũng khuyết tật như em, dừng chân quay lại để đỡ em dậy, dìu em cùng nhau về đích, em bé ấy sẽ chẳng bao giờ cơ thể vượt qua những đoạn đường ngắn ngủi trên trường đua nghiệt ngã của cuộc đời mình.
Vâng, Tình Yêu là như thế đó !
 Lm. LÊ QUANG UY CSsR
Theo EPHATA số 563

0 nhận xét:

Đăng nhận xét