Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

Linh mục Nguyễn Hữu Giải nhận định về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992



Linh mục Nguyễn Hữu Giải
nhận định về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
(Phỏng vấn và trả lời 28-05-2013)

            1- Nhà nước công bố bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để lấy ý kiến nhân dân, Linh mục nghĩ sao về việc này?
            · Đây là việc làm chính đáng và cần thiết. Vấn đề là Hiến pháp phục vụ ai, xây dựng dân quyền hay đảng quyền? Nghĩa là những dân quyền (và nhân quyền) trong Hiến pháp phải làm sao được hiểu đúng, được tôn trọng, được bảo đảm trên lý thuyết lẫn trong thực hành. Không thể hữu danh vô thực, có tiếng mà không có miếng, toàn là bánh vẽ như lâu nay!

            2- Nhiều nơi nhà nước gởi tới từng nhà dân văn kiện Hiến pháp 1992 và bản Dự thảo sửa đổi để xin góp ý rộng rãi. Tại địa bàn hoạt động của Linh mục (giáo xứ), có như vậy không?
            · Có như vậy! Ngoài 2 văn bản trên (đối chiếu nhau), người dân nhận được một tờ xác nhận đã được trao 2 văn bản, phải ký liền tại chỗ, và một tờ góp ý với nội dung: 1- Ý kiến chung về Dự thảo (không nói rõ là có quyền bất đồng ý); 2- Ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung điều khoản nào đó… Tờ góp ý này cán bộ địa phương sẽ thu hồi một hai ngày sau.
            3- Người dân phản ứng ra sao?
            · Nhà thì nhận lấy, nhà không. Nơi thì cán bộ đi thu hồi, nơi lại bỏ mặc. Chẳng rõ vì sao?
            Riêng các gia đình Công giáo, được các linh mục hướng dẫn thực tế, đã đón nhận và ghi vào tờ góp ý rằng: Chúng tôi không đồng ý với Dự thảo HP mà chỉ đồng ý với những nhận định và góp ý của Hội đồng Giám mục Việt Nam ngày 01-03-2013. Có người còn gửi kèm theo (bản trả lời) Thư của Hội đồng Giám mục Việt Nam nữa.
            4- Linh mục nghĩ thế nào về những nhận định và góp ý của Hội đồng Giám mục Việt Nam?
            · HĐGMVN khẳng định những điểm căn bản về Hiến pháp: các quyền con người, quyền làm chủ của nhân dân, việc thi hành quyền bính chính trị, và xác định rõ nội dung các quyền này. Chúng gắn liền với phẩm giá con người, mang tính phổ quát, bất khả xâm phạm và bất khả nhượng.
            HĐGMVN đã nêu lên những nhận định thực tế, phong phú. Phân tích những mâu thuẫn và tính bất hợp lý ngay trong nội dung Hiến pháp hiện hành, những bất hợp lý trong thực tế cuộc sống, nguồn gốc của vô số bất công hiện nay.
            HĐGMVN đưa ra những đề nghị tuyệt vời, tràn trề hy vọng cho toàn dân Việt Nam.
            5- Linh mục có nhận được tờ xin góp ý của Nhà nước không?
            · Ngày 04-05-2013, cán bộ Ủy ban nhân dân xã Vinh An, Phú Vang, Thừa Thiên Huế có đến trao cho tôi bảng so sánh Hiến pháp năm 1992 với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 gồm 60 trang khổ lớn và tờ góp ý.
            Trước hai cán bộ xã, tôi ghi ngay vào tờ góp ý như sau: Chúng tôi nhất trí với 12 đề nghị của HĐGM VN trong các mục của thư góp ý ký ngày 01-03-2013. Chúng tôi yêu cầu Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 hết sức coi trọng, thực tình lắng nghe các ý kiến ấy, và can đảm quyết định cho hợp lý và nhất là hợp lòng dân. Rồi tôi đính kèm văn thư nhận định và góp ý của HĐGMVN.
            6-  Hiện giờ Nhà nước đang áp dụng Nghị định số 92 đối với các tôn giáo. Linh mục nghĩ gì về Nghị định này?
            · Tháng 3 vừa rồi, ở Huế, một số linh mục và chức sắc các tôn giáo khác được mời học tập Nghị định này để “nghiêm túc chấp hành”!?!
            Theo tôi, có hai điểm phải nêu lên cho quyền tự do tôn giáo: Một là mọi văn bản pháp luật nằm dưới Hiến pháp không được đặt ra những điều khoản hạn chế quyền tự do tôn giáo của người dân, trái lại phải tạo điều kiện thuận lợi cho quyền đó. Pháp lệnh về tín ngưỡng tôn giáo năm 2004 (còn hiệu lực) thực chất là sợi xích sắt 5 vòng, và Nghị định 92 hiện áp dụng nó là một cái rọ nhốt các Giáo hội.
            Hai là thực ra không cần và không được có luật gì dưới Hiến pháp lấy các tôn giáo, các Giáo hội làm đối tượng. Pháp lệnh tôn giáo hiện hành, theo ý nghĩ và mục đích của nhà cầm quyền, là để quản lý tôn giáo cách đặc biệt mà họ luôn nghi ngờ và thù ghét. Nhưng tự bản chất, các tôn giáo (các Giáo hội) chỉ là những xã hội dân sự bên cạnh những xã hội dân sự khác, và mọi thành viên trong các Giáo hội cũng là những công dân trong xã hội. Dù là tín đồ, nhưng trước hết là công dân, họ có các nhân quyền và dân quyền cơ bản vốn đã được xác định trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và hai Công ước quốc tế về các quyền Dân sự, Chính trị, Kinh tế, Văn hóa và xã hội.
            Các luật dưới Hiến pháp có bổn phận làm rõ lẫn bảo vệ những quyền ấy, và mọi người, kể cả tín đồ, chỉ cần chấp hành các luật lệ liên quan đến các quyền đó là đủ. (còn cộng đoàn tôn giáo của họ thì chấp hành các luật chung và chính đáng về xã hội dân sự). Thành thử không có vấn đề cần đặt ra luật riêng cho các tôn giáo dưới tên gọi Pháp lệnh, Nghị định…
            7- Linh mục hy vọng gì ở Hiến pháp tương lai?
            · HĐGMVN đã có những phân tích, nhận định sâu sắc, thực tế về một số mục cũng như về toàn bộ tinh thần và nội dung của Dự thảo. Các tôn giáo, các nhà trí thức, các phong trào và nhiều công dân cũng đã có những đóng góp tâm huyết hầu tìm ra một HP đúng đắn, đích thực cho dân cho nước. Nhưng vì HP ấy chỉ có thể hình thành từ một Quốc hội của dân, do dân, vì dân chứ không phải của đảng, vì đảng như hiện thời, nên vấn đề tiên quyết vẫn là phải có một Quốc hội đúng nghĩa, thay vì một “đảng hội gia nô” đang ngồi ở Hà Nội.
            Hiện giờ, về việc góp ý cho HP, Nhà nước có những cách thức đưa tin sai trái, những thủ đoạn cưỡng bức hù dọa rộng khắp, xin góp ý mà cứ bắt theo “lề phải”. Nếu cứ như thế, chắc chắn người dân Việt Nam sẽ mãi mãi bị giam cầm trong ngục tù cộng sản vô thần, độc tài toàn trị thay vì được hưởng chân lý, tự do, công bình và tình thương trong một xã hội tự do dân chủ.
            Chúng ta vì vậy càng phải sáng suốt, tích cực, hiệp nhất, kiên trì đấu tranh bằng mọi cách phi bạo lực, cho mau có một Quốc hội chân chính, từ đó đẻ ra một Hiến pháp đúng nghĩa, để xây dựng một Xã hội dân chủ và phồn thịnh.
            Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho dự tính tốt đẹp này của tất cả chúng ta./.

Lm. Nguyễn Hữu Giải

1 nhận xét:

  1. Ban nhan dinh sua doi hien phap cua linh muc rat tot ,neu dang thuc tam sua doi thi co loi cho dan toc VietNam .,.

    Trả lờiXóa