Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Viết trong tâm hồn: ĐOẢN KHÚC 11: ĐI TRONG NỖI BUỒN

LTCGVN (05.06.2012) 

Nếu muốn nên trọn lành, hãy đi bán hết những gì người có mà cho người nghèo, ngươi sẽ được kho tàng trên trời, đoạn hãy đến theo Tôi. Nghe lời ấy, người thanh niên bỏ đi buồn rầu vì anh có nhiều của cải (Mt. 19:23-24).



Người thanh niên đã chọn một đường đi rất lạ: Đường đi buồn rầu.

Cuộc đời là một đường đi. Đường thì bao giờ cũng dẫn đến một nơi nào đó. Đường buồn rầu sẽ dẫn tới buồn rầu. Trong căn nhà ấy chắc đìu hiu lắm. 
”Người thanh niên bỏ đi buồn rầu.” (mt. 19:22) 
Hình ảnh đó sao mà ảm đạm. Nó như một mùa tang sầu trống trải. Một bóng hình đi trong lẻ loi.

Đời là một hoà tấu. Ngay nào tôi dừng lại ở một nốt nhạc mà thôi là tôi làm hỏng bài ca cuộc sống. Khi chỉ có một nốt nhạc thì bài ca không còn là bài ca. Âm nhạc hỏng mất rồi. Nó chỉ là tiếng còi tàu đơn độc. Bản nhạc cuộc đời anh ta bây giờ chỉ có một cung trầm. Phím đàn đã hư. Nó như tiếng ve inh ỏi độc đoán.

Âm thanh giàu có của cuộc đời anh chỉ thanh tao khi hoà nhịp với những cung điệu khác như độ lượng, tự do, bao dung, trong bản hoà tấu đời sống. Nhưng trong giây phút chọn lựa, anh đã chọn thanh âm của con đường đi trong buồn rầu. Người nhạc công khôn ngoan khi biết nốt nhạc nào hỏng trên phím đàn thì phải đề phòng vì nó có thể làm sai một công trình nghệ thuật. Cuộc đời cũng thế, phải tránh né những nốt nhạc hư trên phím đàn đời sống.

Người thanh niên muốn bay cao nhưng anh ta đã không bay được bởi âm thanh của ràng buộc vang lên. Phân vân chọn lựa rồi quyết định hướng cánh đậu. Anh chọn một con đường:Đường đi buồn rầu . Được tự do lựa chọn thì phải hân hoan với lựa chọn của mình chứ? Nếu tin rằng chọn lựa đem cho mình hạnh phúc tại sao lại đi trong buồn rầu? Phải chăng, anh ta biết mình chọn sai nhưng vẫn lựa chọn? Nếu thế, sự giàu sang phải là một cũng điệu mê hoặc. Tại sao?

Đường đi buồn rầu là nỗi thương đau tự nguyện. Ràng buộc êm ái, nó ngọt ngào bởi là nô lệ chọn lựa. Tiền có khả năng làm cho người ta đẹp, người ta sang, được quý mến. Đẹp chẳng bao giờ cùng. Sang khó mà có giới hạn. Người có tiền thường giao tiếp với những người có tiền. Kẻ sang thì quen với những người sang. Bởi đó, trong thế giới ấy, giữa những tương quan so sánh với nhau, ai cũng thấy mình vẫn túng thiếu. Sang đến đâu cũng vẫn thấy kẻ khác sang hơn mình. Trong thế giới của người giàu với người giàu, ai cũng cảm thấy mình nghèo. Do đó, tiền là tiếng gọi biết rằng có thể đưa đến nhiều buồn rầu, người ta vẫn yêu cái buồn rầu đó.

Tiền có khả năng thỏa mãn nhiều mơ ước. Mơ ước này sinh ra mơ ước khác. Đứng trước mơ ước, tiền có hai tiếng nói. Một âm thanh rung lên những cảm xúc ngất ngây của ước mơ được thỏa mãn. Nó vẽ ra một thế giới thật đẹp. Một âm thanh khác lại gằn xuống những đau khổ vì không thoả mãn được mơ ước chỉ vì không có tiền. Hai tiếng nói ấu hỗ tương cho nhau, lúc đẩy linh hồn ta đi tìm tiền và tìm mãi. Có khi chỉ ở trong trí tưởng tượng mà thôi, cái ngọt ngào của thỏa mãn nhi cầu này khơi lên cái bất hạnh vì không đạt được ước ao nọ, rồi cứ thế, chúng reo gọi làm ta không nghỉ ngơi được nữa.

Có tiền lại càng yêu tiên. Càng yêu lại càng muốn giữ. Mới đầu họ nghĩ rằng cần tiền là vì tiếc tiền nên có mơ ước mà không dám đem tiền ra thực hiện. Rồi thì, mơ ước của họ nằm chết im lặng theo những con số trên đồng tiền. Cứ im lặng như thế cho đến ngày họ cũng chết. Đấy là thứ âm thanh mê hoặc của tiền.

Trong cái mê hoặc, tiền còn khả năng gặm nhấm làm dang dở niềm vui những ước mơ mà với tiền  ta đã thực hiện. Để thực hiện ước mơ thì cần tiền. Mất tiền thì tiếc. Chính vì thế, niềm vui của thực hiện được mơ ước mất trọn bẹn, vì có vui đó, nhưng cũng lại tiếc nuối đó/

Khi những con số trong trương mục ám ảnh ta thì tiền không còn là phương tiện để thực hiện ước mơ nữa, nó đánh lừa ta và đương nhiên trở thành mục đích. Khi phương tiện trở thành mục đích thì ta sẵn sàng bỏ ước mơ ban đầu là mục đích đã nhắm tới để rồi chỉ đạt phương tiện.

Khi tôi bị ám ảnh bởi một ràng buộc là luc tôi nhìn đời trong một khía cánh mà thôi. Lúc đó, tôi mất dần khả năng thưởng thức những niềm vui khác. Hoặc ngược lại, khi tôi mất dần khả năng để thưởng thức những niềm vui khác thì tôi sẽ lệ thuộc vào một ràng buộc. Đời là cánh hạc bay. Ngọn tre hay bờ trúc thì cũng chỉ là một khoảnh dừng chân rồi lại bay. Càng muốn bay xa thì càng cần nhẹ nhàng thanh thoát. Đã là xích thì xích nào  cũng  gian nan dù là những mắt xích vàng. Để được như cánh hạc bay tôi phải có khả năng đề kháng với tiếng gọi của tiền. Đề kháng đó là xây dựng khả nưng cảm nghiệm những niềm vui khác.

Khả năng đề kháng là luôn luôn lắng nghe tiếng gọi mê hoặc của tiền đê biết tôi thực hiện mơ ước bằng tiền hay tiền là ước mơ của tôi. Khả năng xây dựng hạnh phúc cuộc đời là thưởng thức những nốt nhạc khác nhau, để cảm thấy khi tôi chỉ nghe có một âm thanh nó làm tôi mất đi bao nhiêu hương thơm của những âm điệu khác như thế nào. Niềm vui của nhà truyền giáo là sống với những lớp học nghèo nàn mà hạnh phúc, vì thấy những trẻ thơ thiếu may mắn kia đang được giáo dục. Đối với kẻ không có khả năng tiếp nhận những niềm vui khác ngoài sự giàu có thì đấy là lối sống bất hạnh vì thiếu tiện nghi. Khi ta bị ám ảnh bởi một thú vui duy nhất, ta tự cô lập tất cả những nguồn vui khác. Vì thế, thập giá là vinh quang cho Phaolô nhưng lại là điên rồ cho thế gian. “Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa” (1 Cor. 1:18).





Chuyện nhân gian kể rằng trên đường đi tìm hạnh phúc, bất chợt ba người bộ hành nghe tiếng la thất thanh của vị đạo sĩ từ trong hang núi chạy ra: “Thần Chết! Tôi đã gặp thần chết!” Ba người bộ hành yêu cầu đạo sĩ dẫn mình vào hang để xem thần chết. Vào huyệt đá sâu,  vị đão sĩ chỉ cho ba khách bộ hành đang đi tìm  hạnh phúc thấy một khi vàng chôn dấu. Vị đạo sĩ lại kêu to: “Thần Chết! Thần Chết!” Rồi bỏ chạy.

Ba người bộ hành quá đỗi bàng hoàng vì kho vàng, họ cùng nhau hối hả đào. Nhưng phải có lương thực để ăn hầu còn lấy sức mà tiếp tục đào chứ. Thế là một người tình nguyện đi mua thức ăn. Hai người ở lại đào. Nhưng bất hạnh cho người đi mua lương thực. Khi ông đi mua thức ăn thì hai kẻ kia ở nhà bàn cách giết ông. Lúc mang thức ăn về, ông đã bị hai người giết như họ dự định để số vàng còn chia đôi mà thôi. Vàng bạc đã cho vào bao. Bây giờ, ăn, mà còn khởi hành chứ. Bất hạnh! họ đâu ngờ trong thức ăn đã có thuốc độc của gã đàn ông tham lam kia cũng toan tính muốn giết chết cả hai người, để số vàng thuộc về riêng mình!

Vị đạo sĩ nhìn thấy thần chết vì ông  có khả năng đề kháng tiếng mê hoặc của lòng mình. Ba người lữ hành không có khả nưang cảm nghiệm những niềm vui khác như tình bạn, lòng trung thành, sự độ lượng nữa, mà chỉ có một hạnh phúc duy nhất là tiền. Sự ràng buộc, bây giờ trở thành độc đoán, kéo ta xuống sâu trong đường một chiều. Để rồi ta chỉ còn một chiều đường để đi. Nó như tấm da người thổ mộ che mắt con ngựa để con ngựa chỉ nhìn thấy một lối ngõ trước mặt. Con ngựa miệt mài bước. Nó không biết rằng còn bao nhiêu con đường thi vị khác ở chung quanh. Lúc mà ta để một cung đàn trong tâm hồn tiêu diệt những cung điệu khác, thì cuộc đời, như tấm hạnh phúc, vỡ mất rồi.

Khi ta tìm hạnh phúc bằng cách vô hiệu hoá khả năng đón nhận những hạnh phúc khác thì phải đặt lại về bản chất của hạnh phúc mà mình đang kiếm tìm.



Của cải, tự nó không là con đường buồn rầu. Người thanh niên bước đi buồn rầukhông phải vì buồn rầu đã rải sẵn trên lối đi, nhưng vì anh ta tự chọn cho mình trái yim không tiếp nhận những vẻ đẹp khác nữa.



Thật ra, anh không có tự do chọn con đường anh đi. Vì tự chọn thì anh phải vui. Anh đã để đường đi buồn rầu thu hút trong cái nhìn nuối tiếc về phía Đức Kitô. Từ giây phút này, đi đâu anh cũng buồn rầu, anh đem buồn rầu rải xuống lối đi.



 Cái đơn độc u hoài là không biết người thanh noên ấy sẽ bướ đi buồn rầu như thế bao lâu. Chẳng lẽ suốt cuộc đời như vậy sao?


  



Tác giả Nguyễn Tầm Thường, sj.
Nguồn: Mạng Lưới Dũng Lạc

0 nhận xét:

Đăng nhận xét