LTCGVN (13.03.2014)
Torronto, Canada – Trong cuộc họp báo sau khi đắc cử Giáo Hoàng, Đức Phanxicô giải thích lý do ngài chọn tước hiệu Phanxicô là vì đối với ngài thánh Phanxicô Assisi là con người nghèo khó, con người của hoà bình, là người đem lại cho chúng ta tinh thần hoà bình và khó nghèo. Cũng trong cuộc họp báo này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh thêm rằng ngài mong muốn Giáo hội phải là Giáo hội của người nghèo và vì người nghèo.
Một hình ảnh tương tự về Giáo hội nghèo khó mà Đức Phanxicô thường nhắc đến gần một năm qua, đó là hình ảnh một Giáo hội lấm lem, bầm dập trên đường vì đi với người nghèo. Đặc biệt, trong Tông huấn Niềm vui Phúc Âm, Đức Giáo Hoàng nhấn đến một Giáo hội “ưu tiên chọn” người nghèo vì “Trái tim Thiên Chúa có một chỗ đặc biệt dành cho người nghèo.” Nhấn đến hình ảnh về một Giáo hội của người nghèo như thế, Đức Giáo Hoàng nhắn nhủ rằng: “Không ai trong chúng ta có thể nghĩ rằng mình được miễn chước việc quan tâm tới người nghèo và tới công bằng xã hội”.
Thực ra, Đức Giáo Hoàng Phanxicô không phải là người đầu tiên sử dụng hình ảnh “Giáo hội của người nghèo và vì người nghèo” để diễn tả viễn tượng của mình về Giáo hội trong thế giới hôm nay. Người đầu tiên nhắc đến ý niệm “Giáo hội của người nghèo” là Đức cố chân phước Giáo hoàng Gioan XXIII. Ngày 11 tháng 9 năm 1962, tức là một tháng trước khi khai mạc Công đồng Vaticanô II, Đức Gioan XXIII đã phát biểu trên đài phát thanh rằng: “Trước những thách đố mà các nước kém phát triển đặt ra, Giáo hội tự giới thiệu mình như là một Giáo hội của mọi người, đặc biệt là Giáo hội của người nghèo.”
Ba tháng sau (ngày 6 tháng 12 năm 1962), khi lược đồ đầu tiên Về Giáo hội được đệ trình mà không nhắc gì đến “Giáo hội của người nghèo,” Đức Hồng Y Giacomo Lercaro đã dùng quyền can thiệp của mình (intervention) để nhắc lại viễn tượng của Đức Gioan XXIII về một Giáo hội của người nghèo. Ngài phát biểu rằng “Giáo hội luôn mang nơi mình Mầu nhiệm Chúa Kitô, mà mầu nhiệm Chúa Kitô cụ thể trong thế giới hôm nay là Chúa Kitô ở nơi người nghèo; vì thế như Đức thánh cha Gioan XIII đã nói, Giáo hội hôm nay phải thực sự là Giáo hội của người nghèo.”[i]
Công Đồng Vaticanô II dùng nhiều hình ảnh đa dạng khác nhau để trình bày mầu nhiệm Giáo hội, trong đó Công đồng cũng không quên hình ảnh về một Giáo hội của người nghèo theo viễn tượng của Đức Gioan XXIII. Cụ thể, hàng loạt các văn kiện của Công đồng nhấn mạnh đến khuôn mặt người nghèo trong mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo hội: Hiến chế Tín lý về Giáo hội số 8 và số 23; Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Hiện Đại số 1, 15, 63, 69, 71, 81, 86, 88, 90; Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân số 8; Sắc Lệnh về Mục Vụ trong Giáo Hội số 13 và 30; Sắc Lệnh về Thánh Chức và Đời Sống Linh Mục số 6; Sắc Lệnh về Hoạt Động Tông Đồ của Giáo Hội số 12; Sắc lệnh về Cải Tổ Thích Nghi Đời Sống Tu Trì số 13; và Tuyên Ngôn của Giáo Hội đối với những Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo số 9. Đặc biệt, trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội, khi mô tả hình ảnh Giáo hội của người nghèo, Công đồng xác tín: “Như Chúa Kitô đã hoàn tất công trình cứu chuộc trong khó nghèo và bách hại, Giáo Hội cũng được mời gọi đi cùng đường lối ấy hầu thông ban ơn cứu rỗi cho loài người.…Chúa Kitô được Chúa Cha phái đến rao truyền Phúc Âm cho kẻ bần cùng… cứu chữa các tâm hồn đau khổ (Lc 4,18), tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư mất (Lc 19,10). Cũng thế, Giáo Hội trìu mến và ấp ủ tất cả những ai đau khổ vì sự yếu hèn của con người, nhất là nhận biết nơi những kẻ nghèo khó và đau khổ hình ảnh Ðấng Sáng Lập khó nghèo và khổ đau, ra sức giảm bớt nỗi cơ cực của họ và nhằm phụng sự Chúa Kitô trong họ”(LG 8).
Sau Công đồngVaticanô II, chủ đề Giáo hội của người nghèo được Hội đồng Giám mục Châu Mỹ La tinh nhấn mạnh hơn nữa khi xác tín rằng Giáo hội không chỉ là Giáo hội của người nghèo và vì người nghèo, mà hơn thế nữa Giáo hội là Giáo hội nghèo khó (Iglesia Pobre) (Đức Phanxicô cũng đã nhắc đến Giáo hội nghèo khó trong buổi họp báo sau khi ngài đắc cử giáo hoàng). Trong bối cảnh Châu Mỹ La tinh đói nghèo, Hội đồng Giám mục Châu Mỹ La tinh xác tín rằng Giáo hội liên đới với người nghèo và trở nên như người tôi tớ phục vụ mọi người.
Liên Hội đồng Giám mục Á châu nhóm họp tại Philippine ngày 29 tháng 11 năm 1970 cũng bàn đến Giáo hội của người nghèo theo tinh thần của Công đồng Vaticanô II. Liên Hội đồng nhắc đến tình trạng của số đông người nghèo ở Á châu và xác định rằng Giáo hội của người nghèo phải tách mình khỏi những kẻ quyền lực, giàu có và phải có sứ mạng thúc đẩy, bảo vệ quyền sống của những người nghèo khổ, thấp cổ bé miệng.
Bẳng đi một thời gian dài sau đó, dường như hình ảnh “Giáo hội của người nghèo” không được mấy ai ưa thích nhắc đến nữa.Nhưng bây giờ Đức Giáo Hoàng Phanxicô khơi gợi lại.
Thực ra, Đức Giáo Hoàng không nói điều gì mới mẻ hoặc không nói điều gì đi ngược lại dòng suy tư chính thống hay truyền thống của Giáo hội. Viễn tượng về một Giáo hội của người nghèo và vì người nghèo, như nói trên, đã được xác định bởi giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II. Tuy nhiên, sự mới mẻ mà Đức đương kim Giáo Hoàng mang lại ấy là cách đặt vấn đề và cách nhấn mạnh của ngài về một Giáo hội như thế.
Nói đúng hơn, trong bối cảnh của thế giới hôm nay, ở đó có những ý thức hệ, những cơ cấu kinh tế – chính trị vùi dập người nghèo, làm cho biết bao người bị vong thân, tha hoá, thì ao ước của Đức Giáo hoàng Phanxicô về một Giáo hội ưu tiên chọn người nghèo, một Giáo hội luôn đi trên đường với người nghèo và chịu lấm lem, bầm dập vì người nghèo, cũng là ao ước, khát vọng của bao tâm hồn bơ vơ, tất bạt.
Nói cách khác, Đức Giáo Hoàng nói thay cho bao tâm hồn đang khát khao một luồng sinh khí mới trong Giáo hội giữa thế giới hôm nay: Giáo hội của người nghèo, ưu tiên chọn lựa người nghèo vì “trái tim Thiên Chúa có một chỗ đặc biệt dành cho người nghèo”.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng, CSsR.
[i]Paul Gauthier, Christ, the Church, and the Poor, trans. Edward Fitzgerald (Westminster, MD: The Newman Press. 1965). 153.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét