Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

Chay tịnh theo nền tảng Kinh Thánh

Chay tịnh theo nền tảng Kinh Thánh
Đến hẹn lại lên, như mặt trời lặn rồi lại mọc. Mùa Chay lại về. Càng sống lâu càng trải qua nhiều Mùa Chay. Cứ sám hối lại tái phạm. Con người thật khốn nạn quá! Vì thế mà chúng ta phải không ngừng cầu xin: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18:13).
Mùa Chay về, lòng người chợt tím sắc màu sám hối. Không chỉ ăn chay phần xác mà còn phải ăn chay tinh thần, thế mới thực sự là chay tịnh. Chúng ta cùng tìm hiểu về chay tịnh theo nền tảng Kinh thánh.
1. Gương Chúa Giêsu
Không có cách nào tốt hơn là noi gương Con-Chúa-làm-người – Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa. Theo truyền thống, chúng ta ghi nhớ phép lạ đầu tiên khởi đầu sứ vụ của Chúa Giêsu tại tiệc cưới Cana. Nhưng trước đó, Chúa Giêsu đã lãnh nhận Phép Rửa từ ngôn sứ Gioan để “giữ trọn đức công chính”, trời mở ra và Chúa Ba Ngôi tỏ hiện!

Từ Galilê, Chúa Giêsu đến sông Giođan để ngôn sứ Gioan làm Phép Rửa cho Ngài. Ông Gioan không chịu, nhưng Chúa Giêsu bảo: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (Mt 3:15). Sau khi chịu Phép Rửa, Chúa Giêsu lên khỏi nước, các tầng trời mở ra, Chúa Thánh Thần có hình chim bồ câu ngự xuống trên Ngài. Có tiếng phát ra từ trời: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3:17). Rồi Chúa Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa và chịu ma quỷ cám dỗ.
Tại đó, Chúa Giêsu ăn chay 40 ngày đêm, sau đó Ngài thấy đói. Mt 4:3-10 tường thuật chi tiết:
Ma quỷ đến gần Ngài và đặt vấn đề: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!”. Nhưng Người đáp: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”. Sau đó, ma quỷ đem Ngài đến thành thánh và đặt Ngài trên nóc đền thờ, rồi thách thức: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”. Đức Giêsu vặn lại ngay: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. Ma quỷ cũng chẳng vừa, nó lại đem Ngài lên một ngọn núi rất cao, chỉ cho thấy tất cả các nước thế gian và vinh hoa lợi lộc của các nước, rồi nó dụ: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi”. Đúng là ma quỷ ranh mãnh! Nhưng Đức Giêsu liền phang thẳng: “Satan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”. Ma quỷ cùng đường, câm họng và “bó tay”, nó đành cụp đuôi chạy mất dạng. Và rồi các thiên thần đến hầu hạ Ngài.
Để chuẩn bị sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã chịu Phép Rửa, dù Ngài không cần làm vậy. Nhưng sau khi chịu Phép Rửa, Ngài bị ma quỷ cám dỗ đủ kiểu. Chúng ta bắt đầu cuộc sống trong Đức Kitô qua Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được Thiên Chúa ban ơn thánh hóa và trở nên công chính. Khác với Đức Kitô, chúng ta cần lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy làm chúng ta thanh sạch mọi tội lỗi, cả tội nguyên tổ lẫn tội riêng. Chúng ta thấy Chúa Thánh Thần dẫn Chúa Giêsu vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ. Khi chiến thắng mọi cơn cám dỗ, Chúa Giêsu đã cứu dân Ít-ra-en và hoàn tất điều mà họ không hoàn tất. Ân sủng của Đức Kitô làm cho các Kitô hữu có thể hành động tương tự.
2. Từ khước cơ thể để làm mạnh linh hồn
Trước khi bị cám dỗ, Chúa Giêsu đã ăn chay 40 ngày, và cơ thể Ngài suy yếu. Kinh thánh cho biết rằng sau 40 ngày chay, Ngài cảm thấy đói – đó là lúc Ngài bị cám dỗ. Điều Ngài cho chúng ta biết là sự đói mà chúng ta trải nghiệm sau khi từ khước cơ thể, các nhu cầu không còn đủ mạnh để chiến thắng chúng ta như trước. Mặc dù Chúa Giêsu không phạm tội như chúng ta, nhưng chúng ta noi gương Ngài để được ơn chống cơn cám dỗ. Như vậy chúng ta cũng ăn chay để chuẩn bị sứ vụ công khai của chúng ta với tư cách là Kitô hữu.
3. Cần thiết từ bỏ chính mình
Ăn chay và kiêng thịt không chỉ là biểu hiện sám hối mà còn tốt cho cơ thể: Giảm béo phì, giảm bệnh tật. Ăn chay để xứng đáng lãnh nhận ơn cứu độ. Chúa Giêsu muốn các Kitô hữu nên công chính và hợp tác với ân sủng để nên thánh. Cách hợp tác đó là từ bỏ chính mình.
Có lần Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình? Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm” (Mt 16:24-27).
Tội kiêu ngạo là “cửa ngõ” dẫn tới các tội khác. Người công chính phải khiêm nghường và kiểm soát nhu cầu và ước muốn của mình để càng ngày càng trưởng thành trong Đức Kitô. Chúng ta phải nhỏ bé để Ngài lớn lên trong chúng ta. Ăn chay là một dạng “thu nhỏ” mình. Chúa Giêsu đã dùng nhiều dụ ngôn để giáo huấn chúng ta. Đây là một ví dụ điển hình:
“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được. Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc. Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được. Muối quả là một cái gì tốt. Nhưng chính muối mà nhạt đi, thì lấy gì ướp nó cho mặn lại? Dùng nó để bón ruộng hay trộn phân đều không thích hợp, nên người ta quăng nó ra ngoài. Ai có tai nghe thì nghe” (Lc 14:27-35).
Chúa Giêsu không bảo chúng ta nên vác thập giá, nhưng Ngài bảo đừng né tránh nếu chúng ta muốn thành công trên đường lữ hành về Nước Trời.
4. Ăn chay và cầu nguyện
Lời cầu nguyện của chúng ta phải khiêm nhường, và lòng khiêm nhường của chúng ta phải là lời cầu nguyện. Những gì chúng ta làm đều phải là lời cầu nguyện và để đền tội. Ăn chay và các động thái từ bỏ khác đều phải kết hợp với lời cầu nguyện. Mc 9:14-29 kể câu chuyện này:
Một lần nọ, Chúa Giêsu thấy một đám người rất đông đang vây quanh các ông, và các kinh sư tranh luận với các ông. Thấy Đức Giêsu, lập tức tất cả đám đông kinh ngạc. Họ chạy lại chào Ngài. Ngài hỏi các môn đệ: “Anh em tranh luận gì với họ thế?”. Một người trong đám đông trả lời: “Thưa Thầy, tôi đã đem con trai tôi lại cùng Thầy; cháu bị quỷ câm ám. Bất cứ ở đâu, hễ quỷ nhập vào là vật cháu xuống. Cháu sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ người ra. Tôi đã nói với các môn đệ Thầy để họ trừ tên quỷ đó, nhưng các ông không làm nổi”. Ngài nói: “Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem nó lại đây cho tôi”. Người ta đem nó lại cho Ngài. Vừa thấy Ngài, quỷ liền lay nó thật mạnh, nó ngã xuống đất, lăn lộn, sùi cả bọt mép. Ngài hỏi cha nó: “Cháu bị như thế từ bao lâu rồi?”. Ông ấy đáp: “Thưa từ thuở bé. Nhiều khi quỷ xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho nó chết. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi”. Đức Giêsu nói với ông ta: “Sao lại nói: nếu Thầy có thể? Mọi sự đều có thể đối với người tin”. Lập tức, cha đứa bé kêu lên: “Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!”. Khi thấy đám đông tuôn đến, Đức Giêsu quát mắng tên quỷ: “Thần câm điếc kia, Ta truyền cho ngươi: ra khỏi đứa bé và không được nhập vào nó nữa!”. Quỷ thét lên, lay nó thật mạnh, rồi ra khỏi. Đứa bé ra như chết, khiến cho nhiều người nói: “Nó chết rồi!”. Nhưng Đức Giêsu cầm lấy tay nó, đỡ nó dậy, và nó đứng lên. Khi Ngài vào nhà, các môn đệ mới hỏi nhỏ: “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy?”. Ngài đáp: “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi”.
Cầu nguyện được củng cố nhờ ăn chay. Thánh Phaolô nói đến việc cầu nguyện cho người khác và cầu nguyện cho mình: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1:24).
Thánh Phaolô giải thích với cách ví dụ cụ thể: “Anh em chẳng biết sao: trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. Phàm là tay đua thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát. Vậy tôi đây cũng chạy như thế, chứ không chạy mà không xác tín; tôi đấm như thế, chứ không phải đấm vào không khí. Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại” (1 Cr 9:24-27).
Được kết hợp với lời cầu nguyện, đau khổ của Thánh Phaolô đem lại ơn cứu độ cho ngài và cho Giáo hội. Đau khổ là điều cần thiết – đau khổ mang tính cứu độ khi được nối kết với tình yêu vì Đức Kitô, kết hợp với đau khổ của Đức Kitô vì đời sống tâm linh của chúng ta và của người khác. Đây là bằng chứng hùng hồn:
Vậy thưa anh em, chúng ta mang nợ, không phải mang nợ đối với tính xác thịt, để phải sống theo tính xác thịt. Vì nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống. Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Áp-ba! Cha ơi!”. Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, tức là đồng thừa kế với Đức Kitô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người (Rm 8:12-17).
5. Khi nào cần ăn chay?
Cuối cùng, hãy lắng nghe Chúa Giêsu trả lời khi người ta hỏi Ngài về việc các môn đệ không ăn chay:
Khi các môn đệ ông Gioan và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay, có người đến hỏi Đức Giêsu: “Tại sao các môn đệ ông Gioan và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?”. Đức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó” (Mc 2:18-20).
Giáo hội thời Tân ước có ăn chay? Đây là nền tảng Kinh thánh:
Các ông các ông Ba-na-ba, Si-mê-ôn biệt hiệu là Đen, Lu-ki-ô người Ky-rê-nê, Ma-na-en, bạn thời thơ ấu của tiểu vương Hê-rô-đê, và Sao-lô. Một hôm, đang khi họ làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo: “Hãy dành riêng Ba-na-ba và Sao-lô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm”. Bấy giờ họ ăn chay cầu nguyện, rồi đặt tay trên hai ông và tiễn đi (Cv 13:1-3).
Bạn có muốn tăng nạp đời sống đức tin? Hãy noi gương Chúa Giêsu, Giáo hội thời Tân ước và các thánh. Hãy tuân thủ giáo lý của Tân ước và giáo huấn của Giáo hội. Hãy vui chịu đau khổ vì Đức Kitô – từ bỏ chính mình để chúng ta có thể được tràn đầy Đức Kitô.
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ IntegratedCatholiclife.org)

Đầu Mùa Chay – 2014

0 nhận xét:

Đăng nhận xét