Xuân đoàn tụ
Khi thương
tiếc Thành Giêrusalem, Chúa Giêsu đã nhắc tới sự đàn tụ: “Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được
sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập
hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu” (Mt 23:37; Lc 13:34). Ngài
cũng muốn mọi người NÊN MỘT (x. Ga 17:21-23), tức là Ngài muốn chúng ta đoàn
tụ.
Trong Vườn
Ghét-si-ma-ni, trước khi chịu khổ nạn để hoàn tất Công cuộc Cứu độ, Chúa Giêsu
đã tha thiết cầu nguyện với Chúa Cha: “Khi
còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong
danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ
phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. Bây giờ, con
đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con”
(Ga 17:12-13). Trong đó, Ngài cũng có ý quy tụ mọi người về một mối.
Mùa Xuân là
mùa đoàn tụ, dịp may tái ngộ, cơ hội tương phùng, thời gian hẹn hò,... Ngày Tết
là ngày hội truyền thống tốt đẹp từ lâu đời.
Với tâm
tình đó, NS Thanh Sơn (1) đã sáng tác ca khúc “Ngày Xuân Tái Ngộ” (2). Được
viết ở âm thể thứ nhưng ca khúc này không buồn bã, chỉ tạo ra “chất lắng” giúp
lòng người cảm thấy tha thiết về tình cảm đối với những con người.
Với ca từ rất giản dị, đậm tính
chất phác của dân Nam bộ, nhưng vẫn đầy chất thơ, NS Thanh Sơn mô tả rất tự nhiên, và ông nói ngay tới sự đoàn tụ trong
ngày Tết: “Thấy hoa mai nở biết
Xuân về đây, mười hai tháng qua mơ một mùa này. Bạn bè bôn ba khắp hướng, thấy Xuân
về trên miền quê hương, ta được phút tương phùng yêu thương”. Chắc chắn đó
là niềm mơ ước không của riêng ai.
Tình yêu đa dạng, nhưng “nổi bật”
là tình yêu đôi lứa, ông nói tới tình cảm của cô gái đang độ xuân thì với trái
tim căng đầy yêu thương, tràn trề hy vọng, chộn rộn mơ ước: “Có cô thôn nữ ước một mùa Xuân, người yêu
sẽ mang thật nhiều quà mừng. Một niềm tin dâng chất ngất, hái hoa lộc chúc mừng
đầu năm, chúc anh vui bước đường công danh”. Con gái như một “biểu tượng”
của mùa Xuân và tình yêu, nhưng đó phải là “cô thôn nữ”, con gái miền quê chân
chất, chứ không thể là cô gái se sua, đua đòi, xa hoa,...
Sua đó là lời chúc Xuân tốt đẹp
nhất dành cho nhau trong dịp Tết: “Anh
hỡi, thấy không anh, mừng Xuân hoa nở khắp trời, chúc anh đạt nhiều thắng lợi,
và mừng bác nông phu, vui Xuân nâng chén rượu, quên những ngày vất vả ngược
xuôi”. Ông dùng đại từ “anh”, nhưng đó chỉ là ngôi thứ hai số ít đối với
mọi lứa tuổi, cả nam lẫn nữ, chứ không chỉ riêng nam giới hoặc trai trẻ. Đại từ
“anh” ở đây là bất cứ người nào nói chuyện với mình.
Cái gì cũng có khởi đầu và kết
thúc, dù vui hay buồn. Và mùa Xuân cũng thế. Xuân đến rồi Xuân đi theo quy luật
tự nhiên bất biến. Do đó mà con người luôn lưu luyến những gì vui vẻ, tốt đẹp: “Ngắm hoa mai nở muốn Xuân đừng qua, tình
thương vắng xa sẽ được đậm đà. Mùa Xuân gặp nhau quyến luyến, phút giây này xin
người đừng quên, rước Xuân về gia đình đoàn viên”.
Sự lưu luyến không chỉ xảy ra khi
kết thúc, lúc chia tay, mà nó đã có ngay khi người ta chưa hội ngộ, như trong
thi phẩm “Vội Vàng”, thi sĩ Xuân Diệu (1916-1985) đã mô tả:
Xuân đang đến, nghĩa
là Xuân đang qua
Xuân còn non, nghĩa là Xuân sẽ già
Một cách nhìn rất tinh tế và đầy
tính triết lý. Âu cũng là quy luật muôn thuở mà thôi! Và cũng chính cảm giác
lưu luyến đó khiến người ta luôn phải cố gắng sống tốt hơn, yêu thương hơn,...
Đối với các Kitô hữu – nói chung,
và với người Công giáo – nói riêng, sự đoàn tụ không chỉ mang tính phàm tục với
Mùa Xuân của đất trời mà còn mang tính tâm linh với Mùa Xuân Vĩnh Hằng trên
Thiên Quốc. Đó mới là Mùa Xuân đích thực: “Ngài
cho dân tiến vào, định cư họ trên núi, núi gia nghiệp của Ngài. Lạy Chúa, chính
nơi đây Ngài chọn làm chỗ ở, đây cũng là đền thánh tự tay Ngài lập nên” (Xh
15:17).
Thật là hạnh phúc, nếu chúng ta có
thể xác định: “Lạy Chúa, Chúa là phần sản
nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con, chính Ngài
nắm giữ” [Tv 16(15):5].
Thật là đại phúc, nếu chúng ta được
là “chiên” và được Đức Giêsu Kitô cho phép đoàn tụ để vĩnh cư với Ngài: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa
hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa” (Mt
25:34). Nhưng vấn đề là chúng ta phải thực hành Luật Yêu một cách vuông
tròn theo đúng Thánh Ý của Thiên Chúa. Không hề đơn giản và cũng chẳng nhàn hạ chút
nào đâu!
Xuân về, Tết đến, trong niềm vui
tưng bừng đó, chúng ta hãy cùng nhau chân thành thân thưa với Chúa Xuân:
Lạy Thiên Chúa, tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến,
nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng [Tv 25(24):7]. Vì lạy Chúa, chính
Ngài là Đấng con trông đợi, chính Ngài là Đấng con tin tưởng ngay từ độ thanh
xuân [Tv 71(70):5]. Lạy Thiên Chúa, từ độ thanh xuân, con đã được Ngài thương
dạy dỗ. Tới giờ này, con vẫn truyền rao vĩ nghiệp của Ngài [Tv 71(70):17].
TRẦM THIÊN THU
Bên thềm Xuân Giáp Ngọ – 2014
_____________________________
(1) NS Thanh Sơn tên
thật là Lê Văn Thiện, sinh ngày 1-5-1938 tại Sóc Trăng, là con thứ mười
trong một gia đình có 12 anh chị em. Ông được biết đến từ thập niên
1960 với những ca khúc trữ tình nói về tuổi học trò, khoảng thời gian sau,
ông nổi tiếng là “nhạc sĩ của miền Tây” với những bài nhạc mang âm hưởng
dân ca Nam bộ và với dòng nhạc Boléro.
Ông lớn lên ở Sóc Trăng, với một lòng ưa thích ca hát. Ông học nhạc từ
hồi tiểu học với thầy NS Võ Đức Phấn (em ruột NS Võ Đức Thu). Năm 1955, thầy
Phấn mất, ông lên Saigon học nhạc với nhạc sư Lê Thương và nuôi ước mơ trở
thành ca sĩ. Tại Saigon, ông đã phải làm nhiều công việc như làm thuê, ở
mướn,...
Năm 1959, ông đăng ký tham dự cuộc tuyển lựa ca sĩ của Đài Phát Thanh
Saigon và đoạt giải nhất. Ban giám khảo cuộc thi đó có những tên tuổi như Dương
Thiệu Tước, Võ Đức Thu, Thẩm Oánh, Nghiêm Phú Phi. Sau khi đoạt giải, ông
được mời đi hát trong ban Tiếng Tơ Đồng của NS Hoàng Trọng.
Sau khi đã là ca sĩ, ông mày mò học sáng tác nhạc với cuốn “Để Sáng Tác
Một Ca Khúc” của NS Hoàng Thi Thơ. Những người giúp đỡ ông trong giai đoạn này
có các NS Hoàng Trọng, Nguyễn Hiền, Văn Phụng,...
Ca khúc đầu tiên của ông là “Tình Học Sinh”, viết năm 1962, tuy nhiên
chẳng được lưu ý. Đến năm sau, “Nỗi Buồn Hoa Phượng” ra đời và trở thành một
trong những ca khúc nổi tiếng nhất viết về mùa hè thời đó. Tiếp theo là những
ca khúc viết về đề tài học sinh: Ba Tháng Tạ Từ, Gởi Cố Nhân Đôi Lời, Gợi
Nhớ Quê Hương, Hình Bóng Quê Nhà, Hương Tóc Mạ Non, Màu Áo Hoa Phượng, Lưu Bút
Ngày Xanh, Hạ Buồn, Phượng buồn, Ve Sầu Mùa Phượng,... Ngoài ra còn có các nhạc
phẩm khác: Bạc Liêu Hoài Cổ, Mười Năm Tái Ngộ, Mùa Hoa Anh Đào, Nhật Ký
Đời Tôi, Thị Trấn Mù Sương, Thương Ca Mùa Hạ, Thương Về Cố Đô, Trả Lại Thời
Gian, Vầng Trán Suy Tư,... Các ca khúc này được nhiều tầng lớp khán giả đón
nhận.
Năm 1963, ông bỏ hẳn nghề ca sĩ để chuyên tâm sáng tác. Từ năm 1973,
nhạc của ông bắt đầu chuyển hướng sang đề tài quê hương. Từ thập niên 1990,
những ca khúc mang âm hưởng dân ca của ông được đón nhận, gợi mở cho ông một
hướng sáng tác mới đó là tiếp tục khai thác chất liệu dân ca Nam bộ. Nhạc của
ông lúc này chú trọng về ca từ, trong bài có nhiều âm sắc, phương ngữ đặc trưng
Nam bộ. Nhiều bài hát trong giai đoạn này trở nên rất nổi tiếng như Hình
Bóng Quê Nhà, Hành Trình Trên Đất Phù Sa, Bạc Liêu Hoài Cổ, Áo Trắng Gò Công,
Gợi Nhớ Quê Hương, Hương Tóc Mạ Non, Non Nước Hữu Tình,...
Từ năm 2000, ông biên tập chương trình cho Trung tâm Băng nhạc Rạng
Đông. Năm 2007, kỷ niệm sinh nhật 69 của NS Thanh Sơn, Nhà hát Saigon
đã tổ chức đêm nhạc mang tên ông. Năm 2009, ông có sang Hoa Kỳ để
thực hiện cuộc phỏng vấn với Thúy Nga Paris By Night. Qua nhiều giai đoạn, ông
đã viết trên 500 bài hát với nhiều bài trở nên quen thuộc trong công
chúng.
Năm 2011 ông bị tai biến mạch máu não khi đang tham gia cùng trung tâm
Thúy Nga thực hiện cuốn Paris By Night với chủ đề “Tình Sử Trong Âm
Nhạc Việt Nam”. Theo ý nguyện của NS Thanh Sơn lúc sinh thời, gia đình cùng
thân bằng quyến thuộc đã đưa tiễn linh cữu ông về an táng tại đường nghệ sĩ của
Hoa Viên Nghĩa Trang Bình Dương, thuộc xã Chánh Phú Hoà, huyện Bến Cát, Bình
Dương, vào sáng ngày 9-4-2012.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét