Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

Ba bài suy niệm trong 3 ngày Tết của Lm. Phêrô Lê Quang Dũng



TẾT NGUYÊN ĐÁN MỒNG MỘT THÁNH LỄ TÂN NIÊN

SÁNG THẾ 1,14-18; PHI-LÍP-PHÊ 4,4-8; MÁT-THIÊU 6,25-43



Theo luật tự nhiên và tuần hoàn của Đấng Tạo Hóa đã định, thì hạ hết, thu qua, đông tàn và xuân đến. Vâng mủa xuân đang đến ở trên quê hương chúng ta, đến với những người Việt tha hương, xa xứ như chúng ta, và đang đến ở giữa ngôi Thánh Đường này. Nói đến mùa xuân là nói đến sự triển nở, là nói đến niềm hy vọng, cũng nói đến sự sống và sự vươn lên của cây cỏ hoa lá, của muôn vật muôn thú và con người. Ai trong chúng ta không có niềm hy vọng, không có sự khao khát khi tết đến cùng xuân tới hỉ?

Trong ngôi thánh đường này chúng ta cùng nhau vui mừng ngày Tết Nguyên Ðán, cùng nhau làm Lễ đầu xuân, dâng lên Thiên Chúa những tâm tình của lòng mình, và cầu khẩn xin ơn cho mình, cho gia đình thân quyến, cho bạn hũu cùng quê hương dân tộc vv.. Cũng trong thánh đường này chúng ta đang chào đón mùa xuân, đang cảm tạ nắng xuân vừa ló dạng. Và vượt lên trên những ngôn ngữ của thời tiết, những ngôn ngữ của thi ca ca tụng mùa xuân, chúng ta biết ơn và tạ ơn Thiên Chúa trời đất. Vì chính Ngài là Đấng Tạo Hóa, là Chúa Xuân vũ trụ, và ban cho chúng ta mùa xuân tràn trề của sức sống, đầy tràn hy vọng cùng niềm vui chan chứa của ngày tết nguyên đán này. Đẹp thay Thiên Chúa là Chúa Xuân, nói mạnh nghĩa hơn Chúa Trời là sự sống của mùa xuân, sự sống của chúng ta cùng muôn vật, muôn thú. Không có Ngài, thì mùa xuân không có, cũng không có những ngày hội vui xuân mừng tết như thế này. Không có làn hơi thở của Chúa Thánh Thần, thi cây cỏ, hoa lá không thể vươn mình trổ trái sinh bông, cành mai trước mắt chúng ta đây không thể hiện hữu – Vũ trụ chỉ là cỏi âm u, hoa lá chỉ là các cành khô như những củi gỗ mà ta thấy hằng ngày. Song có Chúa Trời thì có tất cả! Có cả một không gian bao la, có cả một mùa xuân chan chứa hy vọng, có ngày tết với bánh chưng xanh, phong pháo nổ, có quần áo mới tuơm tất đi lễ hội mừng xuân, có tiếng reo vui của các cô cậu bé thơ, cùng khuôn mặt rạng rỡ lúc các cô cậu nhận được tiền “lì xì” từ tay ông bà cha mẹ, cô bác cậu dì và anh chị biếu cho. Nói tóm lại, có Chúa Trời thì có mùa xuân bình an nắng ấm, có muôn cây hoa trổ bông, vạn cây cành đậu trái, có tiếng chim lanh lảnh hót, tiếng người reo vui. Do vậy, để chúng ta có được những sự như thế, tiền vàn như lời Chúa dạy: “Hãy tim Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, mọi sự Ngài sẽ ban cho sau”. Có nghĩa là chúng ta phải đi tìm gặp Chúa, sống theo Tin Mừng Ngài dạy, thì muốn gì Ngài sẽ ban cho chúng ta ngay.

Qủa Chúa Xuân đang hiện diện giữa chúng ta. Ngài đang ở trong cỏi lòng, trong con tim của chúng ta. Thực xuân đang trổ nở trên đôi môi của chị, trên nụ cuời của anh, trong ánh mắt rực sáng của em, trong cái bắt tay chia sẻ chúc mừng của bác, của chú, của dì cô, va trong cử chỉ thân ái đậm tình người, tình quê hương dân tộc của chúng ta. Để từ đó, nói lên rằng dẫu chúng ta ơ đâu trên trái đất này, dẫu xa quê hương vạn dặm, thì chúng ta luôn mang Chúa Xuân trong lòng mình. Có nghĩa Ngài luôn ở với chúng ta, theo mãi vói chúng ta tận chân trời, góc biển, để những lúc ta buồn, ta thất vọng, hoặc ta cô đơn và lẻ bóng, lúc lạnh lẽo đêm về, thì Ngài là Chúa Xuân nâng đỡ, an ủi, vỗ về cùng triu mến ta. Qủa chúng ta nên đến với Ngài, để chúng ta có được mùa xuân, có được những ngày vui tết đầm ấm. Hảy mở rộng cánh cửa của lòng ta để kính mời Chúa Xuân ngự trị, để rồi những âm u của cỏi lòng ta đưọc Ngài chiếu sáng, để rồi những bất ổn, bất hòa của gia đinh ta được Ngài chữa trị, là những xung khắc, bất đồng ý kiến, bất hòa của ta với anh chị em, với cộng đoàn, hầu được Ngài hàn gắn liên kết.

Từ đó, Ngài sẽ thổi vào hồn ta làn hơi ấm của nắng xuân. Cũng thế, Ngài sẽ tiếp sinh khí vào tim ta niềm an hòa của mùa xuân, hầu cho đời anh trở nên như cây mai trổ, đời chú như cây đào rộ bông, đời chị như cây hoa hồng tỏa hương ngạt ngào, và đời thím như cây lan xinh tưoi diễm kiều, hầu chúng ta có thể thu hút người khác đến được với Chúa. Và qủa tuyệt đẹp, khi đời mỗi người chúng ta được vun đắp, được uơm trồng trong Tin Mừng, trong tình yêu dạt dào của Chúa Trời. Chớ gì đời mỗi người chúng ta luôn có Chúa Xuân ở cùng, Vả nữa, mỗi người chúng ta đây ví thể như cây mai, như cây hồng, như những con chim én tạo dệt mùa xuân thắm tươi. Để rồi một mùa xuân như ý Thiên Chúa muốn, là mùa xuân của hoan lạc, một mùa xuân của bình an, mùa xuân của no cơm áo ấm, mùa xuân của hạnh phúc cho con người, và sau là mùa xuân của tình người, tình đạo, tình dân tộc, quê hương và Đất Nước.

Kính xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ý chí, sức mạnh và năng động, để hai con tim, vạn con tim, triệu con tim hợp thành một lòng cùng một ý tạo nên mùa xuân, tạo nên những cảnh tết đầm ấm, hạnh phúc cho gia đình, cho cộng đòan, cho dân tộc, cùng tạo nên mùa xuân cho Đất Nước, cho Giáo Hội được trổ nở về mọi lãnh vực và phương diện … đời cũng như đạo.

Trước ngưỡng của của năm mới Qúy Tỵ, một lần nữa thành tâm tôi xin chúc qúy cha, qúy tu sĩ, qúy ông bà và anh chị em, cùng các cháu hằng có mãi Chúa Xuân trong đời mình. Bởi có Chúa thì chúng ta có tất cả : có nắng ấm và nụ cười, có niềm vui cùng hoan lạc, có thái bình hạnh phúc và có phúc lộc thọ cùng tài trí, có an khang thịnh vượng, thành đạt trong công ăn việc làm, có thi đỗ thành danh, thành chức phận. Vâng có Chúa Trời ở cùng chúng ta, ở cùng gia đình ta, ở với cộng đoàn ta, thì chúng ta có được vạn sự như ý chúng ta khẩn cầu. Nhất là, chúng ta sẽ có được một mùa xuân vĩnh cửu với Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngài ban cho ta ngay ở thế gian này và trong Nước Trời. Amen!

LM. Phê-rô Lê Quang Dũng


=============================

MỒNG HAI TẾT KÍNH NHỚ TỔ TIÊN VÀ ÔNG BÀ CHA MẸ

HUẤN CA 44,1.10-15; Ê-PHÊ-SÔ 6,1-4.18-23; MÁT-THIÊU 15,1-6



Cây có cội, nước có nguồn, con người cũng có tổ tông, có ông bà cha mẹ. Vì thế, đã là người thì chúng ta mang cho mình một giòng họ : Lê, Lý, Trần, Phạm, Phan, Nguyễn, Cao và Hoàng vv.. để nói lên chúng ta thuộc giòng tộc nào, thuộc giòng giỏi của ai? Nhất là, để cho con cháu biết những công đức của các ngài lưu lại, cũng như để tưởng niệm các công đức và tưởng nhớ ngày tạ thế của các đấng, hầu lo kỵ giỗ, như đó là sự đáp đền báo hiếu. Thế đó một trong những nét đẹp của người Á Đông chúng ta, đó là sự tôn kính các bậc tổ tiên, ông bà và cha mẹ.

Theo Khổng Giáo và Đạo Ông Bà Việt Nam ta thường khuyên dạy con cái cháu chắc phải hiếu thảo với ông bà cha mẹ không hẳn lúc các ngài còn sống, nhưng cũng phải tỏ chữ hiếu đối với các ngài khi các ngài đã khuất bóng với cỏi trần. Thực truyền thống dân tộc Việt Nam ta, dù có vui trong mấy ngày Tết đầu xuân, vẫn hằng luôn tưởng nhớ đến các công ơn của các đấng sinh thành tiên tổ, thế nên tiền nhân đã trang trọng dành ra ngày Mồng Hai Tết Nguyên Đán là ngày Kính Nhớ Tỏ Tiên, Ông Bà và Cha Mẹ, xem đó như là việc tỏ lòng hiếu thảo tri ân, cảm tạ các đấng bậc sinh ra ta, nuôi dưỡng cùng dạy dỗ ta nên người.

Không hẳn chỉ có trong truyền thống của người Á Đông hay Việt Nam ta mới có cái nghĩa đạo hiếu này. Chúng ta thấy qua ba bài đọc Sách Thánh của ngày Mồng Hai Tết hôm nay, thì Giáo Hội cho ta hiểu được rằng Đạo Công Giáo vẫn có quy tắc đạo hiếu kính trọng các bậc sinh thành. Điển hình, qua bài đọc sách Huấn Ca. Sách tuờng tả lại những đấng bậc danh nhân là cha ông của chúng ta qua mọi thế hệ, để lại cho con cháu các nhân đức đạo hạnh anh hùng, hầu cho người đời bắt chước noi theo. Là người, thì đâu cũng thế, những nét đẹp đức hạnh của người đi trước thường lưu lại cho hậu thế các gương sáng trung thành, tín nghĩa với Chúa, với người, là để ta lấy đó mà dõi theo, rồi tôn kính như một việc tỏ lòng hiếu thảo của mình với các bậc tiền nhân. Việt Nam chúng ta cũng có những câu phương châm thành ca dao thật tuyệt :

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn đạo hiếu mới là làm con.

Để nói lên tình phụ mẫu thật lớn lao, con cháu hãy xem đó hầu báo đền công ơn sinh thành, dưỡng dục ta của các đấng.

Còn đoạn Thánh Thư Ê-phê-sô của thánh Phao-lô, nhắc nhủ lại điều răn hiếu thảo đối với cha mẹ. Ngài khuyên bảo con cái phải tôn kính cha mẹ mình, cũng như thánh nhân nói cho cha mẹ biết bổn phận thay mặt Chúa chăm non, giáo dục và nuôi nấng con cái. Một điều thánh Phao-lô khyên bảo chúng ta, là phải thật tình tỏ lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, hầu cha mẹ có niềm vui hạnh phúc và tăng tuổi thọ cho các ngài. Qủa là chí lý thay lời khuyên dạy của thánh nhân. Việt Nam ta có phương châm sau :

Tu đâu hơn hẳn tu nhà

Thờ cha kính mẹ mới là đi tu.

Hai câu ca dao này muốn nói lên cái bổn phận của người con phải có đối với cha mẹ. Sự hiếu thảo này phận làm con phải làm cho vuông tròn đạo hiếu. Vì quan niệm dân gian của người Việt ta, thì đạo hiếu là hệ trọng hơn cả trong những sinh hoạt tôn giáo cũng như xã hội. Nếu đi tu người ta có lảm chức trước gì cao trọng, mà họ không cung kính hiếu thảo đối với cha mẹ mình, thì người đời vẫn thị phi, và cho là ông ấy, bà đó là người con bất hiếu. Và nữa, người Việt Nam chúng ta rất “dị ứng” đối với những người con làm cho cha mẹ buồn phiền và đau lòng vì những lỗi lầm trầm trọng của họ.

Người đòi xem những người con ấy là bất nghĩa, bất trung, bất đạo và bất hiếu đối với các đấng bậc sinh thành ra mình. Trái lại người đời cũng không tán thành các đấng cha mẹ bỏ rơi con cái, không thừa nhận chúng, không chu toàn trách nhiệm cùng bổn phận của bậc làm cha hay mẹ đối với con cái. Xã hội nào cũng thế, người ta sẽ lên án với những người lỗi đạo bất hiếu, hoặc cha mẹ vô trách nhiệm với con cái mình sinh ra.

Qủa như bài Tin Mừng hôm Chúa cho chúng ta thấy cái tâm tình hiếu thảo của con cái phải có đối với cha mẹ mình. Vì chính đây là gới răn Thiên Chúa phán dạy đòi buộc con người phải thực thi nghiêm túc đối với các đấng phụ mẫu, mà Chúa Giê-su trách cứ các người Pha-ri-siêu và mấy ông Kinh Sư làm sai đi lời dạy của Thiên Chúa. Các ông chỉ vụ hình thức bên ngoài, rồi quên đi các ý nghĩa sâu sắc ở bên trong. Họ chỉ giỏi bắt bẻ dân chúng như quên rửa tay, rửa chân khi dùng bữa như lời tiền nhân dạy, mà quên đi cái cốt lõi là bổn phận lo phụng duỡng nuôi nấng cùng thờ kính cha mẹ như điều răn Chúa Trời truyền dạy : “người hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử”.

Thật giống như nhiều người con Việt Nam khi cha mẹ còn sống thì không lo chăm sóc, cấp dưỡng cho cha mẹ, đến lúc cha mẹ qua đời, thi lại làm tang lễ rình ràng, giỗ kỵ to lớn, hầu cho thiên hạ nghĩ mình là người con có hiếu. Thế nhưng ông bà ta khuyên dạy : người sống cần ăn, cần chăm sóc an ủi, phụng dưỡng, chớ chết rồi có ăn uống gì được đâu.

Chớ gì đạo hiếu là giới răn Chúa Trời đòi buộc chúng ta là con cái phải biết kính thờ cha mẹ cho phải phép, và làm tròn bổn phận đạo làm con của mình với đấng sinh thành. Cũng như theo truyền thống đạo nghĩa của dân tộc, là khi các ngài còn sống ta phải hằng quan tâm chăm sóc, phụng dưỡng cho tử tế, đến lúc các ngài tạ thế, thì lo tang lễ, kỵ giỗ, xin lễ, để tuởng nhớ các ngài cho phải đạo làm con, cho tròn nghĩa hiếu. Thế đó là Luật Chúa và Luật Đời chỉ dạy cho chúng ta và chúng sinh cách sống làm người. Amen! 

LM. Phê-rô Lê Quang Dũng




=============================


MỒNG BA TẾT THÁNH HÓA CÔNG ĂN VIỆC LÀM

SÁNG THẾ 2,4-9.15; CÔNG VỤ TÔNG ĐỒ 2O,32-35; MÁT-THIÊU 25,4-3O

Những Tài Năng Làm Trổ Sinh Hoa Trái



Tin Mừng hôm nay, với bài dụ ngôn chỉ dẫn cho chúng ta những gì mà Thiên Chúa chờ đợi ở chúng ta đến ngày Chúa Ki-tô tái giáng lâm. Những gì Chúa Trời chờ mong nơi ta, đó là chúng ta phải phát sinh những nén bạc hay gọi là những tài năng của mình trở thành hoa trái xum xuê, dồi dào, mà chúng ta đã nhận được chúng từ bàn tay thần kỳ của Ngài phú ban.

Những tài năng và nén bạc đó như thế nào? Theo các nhà chú gỉai Thánh Kinh bàn luận rằng những tài năng mà Tin Mừng nói đó không phải là những tổng số nhỏ, hay số tiền nhỏ, chỉ cần một tài năng giỏi kinh tài thì người ta có thể kiếm được bạc triệu, bạc tỷ , điển hình như Bill Gate. Thế thì qua bài dụ ngôn vói tất cả số tiền đó, ông Chủ gửi gắm số tiền đó cho các tôi tớ mình với một lòng rất quảng đại, và một sự tin tưởng thật nhiều.

Chúng ta thử hỏi tài năng này là thế nào, mà ông Chủ tin tưởng ở chúng ta, và đã giao những nén bạc cho ta? Thường thường nguời ta nghĩ đến các tài năng là các phẩm tính với những tài năng tự nhiên, cùng năng khiếu bẩm sinh như trí thông minh, hay các năng khiếu hội họa và đàn ca, giỏi toán, vật lý và thiên văn, giỏi kỷ thuật, hoặc có tinh thần hiền hòa, có tâm tình thông cảm và thương xót con người, biết tiếp nhận kẻ nghèo khó vv... 

Tuy nhiên những loại tài năng , năng khiếu nói trên không phải là các tài năng hoặc nén bạc mà dụ ngôn này đề cập đến. Đúng hơn những tài năng đó là những ơn thiêng liêng của Chúa Thánh Thần, Ngài đã thông ban cho ta kể tư khi chúng ta chịu phép Rửa. Có nghĩa Thiên Chúa trong Chúa Ki-tô đã không ngừng ban tặng cho chúng ta ơn niềm tin vào sự sống lại của Chúa Ki-tô và sự sống lại của chính ta, ơn hy vọng được Chúa tha thứ hoàn toàn tội ta, ơn tự biết kính yêu Thiên Chúa, ơn hiểu biết Chúa Ki-tô và nhận ra Ngài là Đấng cứu độ, ơn tin nhận Tin Mừng chinh là con đường của sự cứu độ, là niềm bình an và nguồn hạnh phúc chân thật, hoặc ơn được biết đến Chúa Thánh Thần ngự trong ta, chính nhờ Ngài ta được thông hiệp với Chúa Cha, làm sống thực Chúa Ki-tô ở trong người ta và dẫn đưa chúng ta đến toàn hảo chân lý. Tóm lại, những tài năng chúng ta tin tưởng tiên khởi và trên hết, là những gia sản ơn sủng của Thiên Chúa phú ban, nhờ hồng phúc này chúng ta được trở thành tín hữu, là dân Chúa, là các phần tử của Giáo Hội Chúa Giê-su Ki-tô. 

Quả thực những tài năng và những nén bạc chúng ta nhận lãnh đó phải được trổ sinh hoa trái tốt lành. Đây là một lời minh định cùng xác tín thiết yếu, nhưng trong cuộc đời, ta không luôn nghĩ một cách nghiêm túc như thế. Thực vậy, chúng ta thường ngĩ rằng đức tin cùng hy vọng và tình yêu của Chúa Cha, hay ơn nghĩa của chúng ta được Chúa Thánh Thần ban cho, là để cho chúng ta được hạnh phúc cùng sự cứu độ cá nhân của ta. Qủa chúng ta suy nghĩ như vậy không đúng. Thiên Chúa tạo cho chúng ta trở nên dân Ngài, trở nên tín hữu, là để cho chúng ta thành những nhân chứng, và nhiều ơn thiêng liêng chúng ta đã nhận lãnh ở Ngài thông ban, là giúp chúng ta thêm nghị lực cùng sự phấn chấn làm tôi Ngài. Do thế, chúng ta phải là nhân chứng sống động cho tình yêu của Chúa Trời giữa lòng thế gian này., Qủa khi Ngài ban cho ta nhiều, thì đến phiên ta, chúng ta cũng biết trao ban lại dồi dào cho anh chị em mình, và những anh chị em nhận lãnh ít nơi Ngài, đến phiên họ, Thiên Chúa đòi hỏi ít hơn.

Thực thế, Phép Rửa không phải là một Bí Tích làm cho ta hài lòng, là mình giờ đây đã đưọc vào thế giới của Thiên Chúa, bước vào Giáo Hội Ngài, hầu cho chúng ta được bảo đảm an toàn sự sống tâm linh, cho ta có niềm vui và bình an. Lý ra Phép Rửa là một Bí Tích tạo cho chúng ta có những trách nhiệm và sứ mạng. Phép Rửa giúp chúng ta thông hiệp vào sự giàu có của Thiên Chúa, để từ đó chúng ta trở nên những người phân phối sự giàu có của Chúa Trời cho anh chị em mình. Nhờ Phép Rửa chúng ta co được sự giàu có ơn thiêng của Thiên Chúa, hầu để cho ta mang lại nhiều hoa trái, không hẳn cho bản thân nhưng còn cho tha nhân. Qủa thực Phép Rửa tạo cho chúng ta thành các tín hữu đạo Chúa, đẻ rồi qua ta, những người sống chung quanh, bên cạnh ta có thể đạt đến niềm tin với ta vào Chúa. Cũng thế, Phép Rửa tạo cho chúng ta nguồn hy vọng, để từ đó qua cách sống của ta, những tha nhân sống cùng với ta trong căn hộ, khu phố, xóm làng, rồi một ngày nào đó, những người này biết đón nhận nguồn hy vọng vào Chúa như ta. Vả nữa, Phép Rửa tạo cho ta thành những con người hạnh phúc biết kính yêu Thiên Chúa, đẻ rồi tất cả những đièu nói đó, qua đời sống hiện thực của ta, hầu cho những anh chị em chúng ta gặp gỡ trên đường đời, họ cũng cảm nhận được Thiên Chúa và có được cùng hạnh phúc như ta.

Thực chúng ta khi đón nhận đức tin, hy vọng và tình yêu Thiên Chúa, thì chúng ta chỉ biết lưu giữ các đức qúy ấy cho bản thân mình, mà không làm triển nở các đức tìn đó ra, đó là hành động như người đầy tớ trong dụ ngôn, anh ta đi chôn dấu tài năng và các nén bạc của Chủ trao cho xuống lòng đất. Và rất nhiều Kitô hữu cũng đã đi vào cách thức như thế này. Lý thực, Thiên Chúa muốn chúng ta phải xứng đáng trách nhiệm là người Kitô hữu, phải nghiêm túc với việc làm khi chúng ta đã chịu Phép Rửa.

Khi chúng ta chịu Phép Rửa, tất nhiên chúng ta có đức tin vào Chúa Ki-tô. Đức tin đó như một quà tặng qúy giá của Ngài trao cho ta, quà tặng đó mời gọi chúng ta nghiêm túc đi vào giao ước Thiên Chúa muốn thiết lập với chúng ta. Cũng từ đó Chúa ban thêm cho ta vô vàn ơn thiêng và tình yêu cùng sự ân cần săn sóc của Ngài, Ngài hằng quan tâm đến chúng ta. Thế đó, có nhiều người đã niềm nở, vui nhận các ơn thiêng, những tài năng Thiên Chúa ban cho họ, thì họ đã biết làm hữu lợi cho các tha nhân. Cũng như biết bao anh chị em khác đã làm nhân chứng can trường cho Chúa, họ can đảm chịu tù đày, rồi anh hùng chịu tử đạo vì niềm tin vào Chúa Trời hơn hẳn chúng ta. Cũng thế, vô vàn các nhà truyền giáo cháy lữa yêu mến Chúa, phi thường hơn chúng ta, bất chấp khó khăn, ngôn ngữ, văn hóa, thời khí, để đem Tin Mừng cứu độ của Chúa đến cho mọi con người, mọi dân tộc, mọi sắc dân trên địa cầu này. Đẹp thay lời rao giảng chân lý cùng bước chân của các ngài đã lê gót vang dội danh Chúa Ki-tô, danh Chúa Ba Ngôi và tình yêu của Thiên Chúa khắp hang cùng ngỏ hẻm của Bốn Bể, Năm Châu. Tại sao các ngài và chúng ta có được sự chọn lựa này? Đó là mầu nhiệm Thiên Chúa. Đó là cử chỉ ưu ái cho nhưng không, cùng lòng nhân ái vô luờng của Chúa Trời. Kỳ diệu thay, cao cả thay tình yêu Thiên Chúa làm chúng ta ngỡ ngàng! Tinh yêu Chúa Trời ấy mời gọi sự đáp trả tình yêu và sự dấn thân của chúng ta.

Qủa thực chúng ta đang sống trong một thời đại văn minh khoa học kỷ thuật tiến bộ, song con người càng ngày càng hững hờ và vô cảm đối với tôn giáo, cho dù họ có được chịu Phép Rửa, mang danh Kitô hữu, là nguời Công Giáo. Nhưng buồn thay biết bao nhiêu tài năng , bao nhiêu ơn thiêng như những nén bạc Thiên Chúa ban cho họ, song họ lại đem chôn sâu vào lòng đất khô cằn. Tuy vậy, chớ gì chúng ta là khác họ, và Chúa vẫn chờ mong ở ta. Để rồi chúng ta có thể đưa nhiều linh hồn về cho Chúa Trời, để rồi chúng ta làm rạng danh Chúa được nhiều người biết đến, kính trọng và yêu mến hơn. Đó là phương cách chúng ta đã làm sinh lợi ra hoa trái những ơn thiêng Chúa đã ban cho ta, giống như bài dụ ngôn nén bạc của Chúa phán dạy. Amen.

LM. Phê-rô Lê Quang Dũng
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét