Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Sự thật đã rõ ở Việt Nam



LTCGVN (26.01.2014)

SỰ THẬT ĐÃ RÕ Ở VIỆT NAM

Năm mới 2014 vừa bắt đầu tại Việt Nam xã hội chủ nghĩa với hai sự kiện đáng chú ý : đảng viên cộng sản tố cáo nhau bán tin ‘mật’ và biển đảo để lấy tiền đế quốc, rồi đàn áp đồng bào yêu nước. Chúng ta nghĩ thế nào ?

I.- NGƯỜI Công Giáo TỐT LÀ CÔNG DÂN TỐT.

A.- Công dân tốt là người thực hiện, trong cuộc sống hàng ngày, những điều gì mình, nhờ lý trí, nhận thức đó là điều tốt cho Đất Nước và Đồng Bào. Nhờ tự do Chúa ban, trong mọi tình cảnh cuộc sống, tình bác ái, sự chân thật và tình tinh phục vụ cho thiện ích chung của xã hội bằng cách tích cực học tập, hoạt động cho một xã hội văn minh, một xã hội biết tôn trọng phẩm giá và can đảm bênh vực sự sống con người từ lúc thụ thai đến cái chết tự nhiên.

Trong những ngày đầu Năm Mới 2014, đảng viên cộng sản Dương Chí Dũng vừa bị tuyên án tử hình, tố cáo một đồng chí khác, tướng công an Phạm Quý Ngọ, bán mật tin là ông bị truy tố và đang sắp bị bắt giam để ông kịp thời trốn đi Mỹ với sự trợ giúp của những đồng chí công an khác. Giá phải trả 1,5 triệu mỹ kim trong một nước mà cả triệu người dân không có một mỹ kim để sống qua ngày. 

Kế đến, ngày 19.01.2014, nhân kỷ niệm 40 năm ngày Hoàng Sa bị Trung cộng cưởng đoạt, với sự im lặng của Hà nội. Đêm thắp nến tri ân tử sĩ Hoàng Sa vào tối 18.01.2014 ở Công viên Biển Đông Đà nẵng bị hủy bỏ bởi Ban Tuyên giáo Trung ương. Thế mà, thông báo của Ủy ban nhân dân huyện Hoàng Sa do chủ tịch Đặng Công Ngữ ký nại lý do là do công tác chuẩn bị chưa được chu đáo. Nếu là người công dân tốt, suy nghĩ một tí, chúng ta thấy chế độ này vâng lệnh ai và phục vụ giới nào. Do lời kêu gọi của nhóm No-U (‘No’ tiếng Anh là ‘không’, U có hình lưỡi bò, biểu hiệu tham vọng Trung cộng muốn chiếm Biển Đông), ngày 19.01.2014, lúc 8 giờ 30, đông đảo người dân, tay cầm những bông hồng trắng, những bông cúc vàng, tập trung trước tượng đài Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà nội, để dâng hương tưởng niệm những tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa và các liệt sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam hy sinh trong các cuộc chiến chống Trung cộng xâm lược, với quyết tâm ‘Xóa đường lưỡi bò – Bảo vệ Tổ quốc’. Trước giờ tưởng niệm, được vô số an ninh mặc thường phục bảo vệ, ban quản lý khu vực tượng đài đã cho một số thợ xẻ đá ra cắt đá khiến bụi đá mù mịt một góc tượng đài. Vài người tham dự đã nói chuyện ôn hòa, chỉ cần khoảng 30 phút để dâng hương tưởng niệm cho các tử sĩ, nhưng chúng không đồng tình và chĩa loa vào đoàn yêu cầu rời khu vực tượng đài vì đang tu sửa. Rất căm phẫn trước hành động đó một cựu chiến binh quân đội nhân dân đã đã khóc và nói: “Những người này xứng đáng được tôn vinh dù dưới chế độ nào, họ đều xứng đáng được nhắc nhớ, bởi họ là những người hi sinh vì chủ quyền đất nước”. Một thành viên nhóm No-U cho biết: chị cảm thấy nhục nhã thay cho chính quyền, chỉ là một buổi tưởng niệm đơn giản mà họ không dám để tổ chức, quá hèn hạ cho cả một hệ thống.

Cũng dịp này, các cơ quan truyền thông đề cao 74 chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa tử trận trong nỗ lực bảo vệ đất nước chống quân xâm lược. Nhờ đó, nhiều đồng bào sống ở Miền Bắc, điển hình là nghệ sĩ ưu tú Kim Chi, cho biết đã từng dùng từ ‘ngụy’ mà không rõ ý nghĩa, nay mới hiểu nên cảm thấy xấu hổ về sự kém hiểu biết của mình và từ đó, bà không bao giờ dám dùng nữa. Có người khác còn cho rằng, qua cuộc hải chiến Hoàng Sa, mới biết ai là ‘ngụy’ (bán nước cho Trung cộng) và ai là ‘thật’. 

Bộ ngoại giao Trung cộng năm 1980 cho biết vào ngày 15.06.1956, ‘tên’ Ung Văn Khiêm, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tuyên bố với họ: « theo tư liệu Việt Nam, hai quần đảo Tây sa và Nam sa về mặt lịch sử thuộc về lãnh thổ Trung quốc ». Thông tin này bị đảng cộng sản Việt Nam ém nhẹm để che dấu tội ác bán nước. Nhưng, trong quyển ‘Cuộc tranh chấp Việt–Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa’ do Nhà Xuất bản Công An Nhân Dân Hà Nội ấn hành năm 1995, Lưu Văn Lợi, một nhà ngoại giao đảng cộng sản, tại trang 51 có ghi: « ...Việc nói Tây sa là của Trung quốc trong bản tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1965 về việc Mỹ quy định khu vực chiến đấu của quân Mỹ hay câu nói của thứ trưởng ngoại giao Ung Văn Khiêm về Tây sa là có thật, nhưng đó không phải là lời tuyên bố từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, càng không phải là từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo Trường sa... ».

Người cộng sản lợi dụng châm ngôn này để giải thích sai là công dân tốt phải tuân theo những áp đặt của nhà nước độc tài và còn lưu manh hơn khi tuyên truyền với đồng bào không Công Giáo là ‘người Công Giáo không tuân lời Đức Thánh Cha’. Chúng ta cần biết cách trả lời theo Giáo lý xã hội Công Giáo dạy.

a. Nền tảng của quyền hành chính trị. Thiên Chúa tạo dựng con người có tính xã hội và một xã hội chỉ có thể đứng vững khi có ai ở trên hướng dẫn mọi người xây dựng công ích, tức một quyền hành lãnh đạo, không thua kém gì chính xã hội, và do Chúa là tác giả. Quyền hành chính trị rất cần thiết bởi những trọng trách được giao và là một nhân tố tích cực không thể thay thế vì làm nên đời sống dân sự (số 393). Nó phải bảo đảm để có một đời sống cộng đồng trật tự và ngay thẳng, không tước bỏ sự hoạt động tự do của các cá nhân và tập thể, nhưng điều tiết và định hướng sự tự do ấy bằng tôn trọng và bảo vệ sự độc lập của các cá nhân và chủ thể xã hội hầu đạt được công ích. Đó là một công cụ để điều phối và điều khiển, nhờ đó nhiều cá nhân và đoàn thể trung gian sẽ tiến tới một trật tự, trong đó mọi mối quan hệ, mọi định chế và mọi tiến trình làm việc đều nhằm giúp con người phát triển toàn diện. Thật vậy, quyền hành chính trị, ‘bất kể trong cộng đồng hay trong các cơ quan đại diện Nhà Nước, đều phải được thi hành trong khuôn khổ luân lý và nhân danh công ích, theo đúng trật tự pháp lý được luật pháp công nhận. Khi thực hiện được như thế, các công dân bị buộc tự trong lương tâm phải tuân hành’ (số 394). Chủ thể quyền hành chính trị là nhân dân, những người nắm chủ quyền. Nhân dân trao việc thi hành chủ quyền này cho những người được họ tự do bầu chọn làm đại biểu, nhưng vẫn giữ đặc quyền bày tỏ chủ quyền mỗi khi đánh giá trách nhiệm cai trị của họ và, nếu cần, thay thế khi họ không thi hành thoả đáng vai trò. Đây là quyền đang được thi hành trong mọi quốc gia dưới mọi chế độ chính trị, nhưng quyền ấy sẽ được thi hành một cách bảo đảm và đầy đủ nhất bởi một chính phủ theo một hình thức dân chủù, nhờ vào các thủ tục kiểm tra của thể chế dân chủ này. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa trên sự ưng thuận nhân dân mà thôi thì chưa đủ để đánh giá các phương cách thực thi quyền hành chính trị là ‘công bằng’ (số 395).

b. Quyền hành xét như một sức mạnh luân lý. Quyền hành phải được hướng dẫn bởi luật luân lý, chỉ có giá trị khi được thi hành trong khuôn khổ trật tự luân lý, ‘trật tự này chọn Thiên Chúa làm nguồn gốc đầu tiên và làm mục tiêu cuối cùng’. Trật tự luân lý ‘không thể có ngoài Thiên Chúa; cắt đứt khỏi Thiên Chúa, trật tự này chắc chắn sẽ tan rã. Khi dựa vào trật tự này, nhà cầm quyền mới có uy lực để ấn định các bổn phận có tính hợp luân lý, chứ không nhờ vào một ý muốn tùy tiện của ai hay từ lòng khao khát quyền lực, và bổn phận nhà cầm quyền là diễn dịch trật tự luân lý ấy thành những hành vi cụ thể để đem lại công ích. Mục tiêu của quyền hành là vì nhân dân mà nó hướng tới, nên không thể hiểu là một sức mạnh được đánh giá theo những tiêu chuẩn mang tính xã hội hay lịch sử (số 396). Chính quyền phải nhìn nhận, tôn trọng và phát huy các giá trị nhân bản và luân lý thiết yếu. Những giá trị bẩm sinh, phát xuất từ chính sự thật con người, phản ánh và bảo vệ phẩm giá con người, là những giá trị mà không cá nhân, tập thể hay Nhà Nước nào có thể tạo ra, sửa đổi hay hủy bỏ. Các giá trị này làm nên luật tự nhiên được khắc ghi trong tâm hồn con người (x. Rm 2,15) và được coi là điểm tham chiếu chuẩn mực cho các luật lệ dân sự (số 397). 

Chính quyền phải ban hành các luật công bằng, tức phù hợp với phẩm giá con người và với những gì lý trí đúng đắn đòi hỏi. Do đó, luật ấy được tạo ra từ luật vĩnh cửu. Nhưng đi ngược lại lý trí, luật được xem là bất công; nó không còn là luật mà thay vào đó, nó trở thành một hành vi bạo lực. Nhà cầm quyền cai trị theo lý trí sẽ đặt công dân vào một mối quan hệ giữa mọi người tùng phục trật tự luân lý, tức tùng phục Thiên Chúa. Ai không vâng phục những nhà cầm quyền biết cư xử phù hợp với trật tự luân lý là ‘chống lại những gì Thiên Chúa đã đặt định’ (Rm 13,2). Tương tự, khi chính quyền, có nền tảng nơi bản tính con người và thuộc về một trật tự do Thiên Chúa quy định trước, không theo đuổi công ích, đã bỏ qua mục tiêu riêng mình, và vô tình biến mình thành bất hợp pháp (số 398). 

c. Quyền phản đối theo lương tâm. Công dân không bị buộc phải tuân theo những chỉ thị chính quyền dân sự nếu chúng trái với những đòi hỏi của trật tự luân lý, ngược với những quyền căn bản con người hay với giáo huấn Tin Mừng. Các luật bất công đặt ra những vấn đề lương tâm rất bi đát cho những người ngay thẳng về luân lý: khi được kêu gọi cộng tác vào những hành vi xấu về mặt luân lý, họ buộc phải từ chối. Sự từ chối này là một nghĩa vụ luân lý, vừa là một quyền căn bản, và vì thế, luật dân sự có bổn phận phải nhìn nhận và bảo vệ quyền ấy. Không được cộng tác, dù chỉ là hình thức, vào những việc ngược với luật Chúa, dù đã được luật pháp dân sự cho phép, đó là một nghĩa vụ quan trọng của lương tâm. Chúng ta không thể biện minh về những sự cộng tác này, dù điều ấy đã được luật dân sự dự kiến và yêu cầu. Thiên Chúa sẽ xét xử mọi người dựa trên trách nhiệm luân lý ấy (x. Rm 2,6; 14,12) (số 399).

d. Quyền phản kháng. Luật tự nhiên là nền tảng và giới hạn cho luật thiết định, có nghĩa là chấp nhận: thật là chính đáng khi phản kháng những nhà cầm quyền vi phạm các nguyên tắc thiết yếu luật tự nhiên một cách nghiêm trọng hay liên tục. Thánh Tôma Aquinô viết ‘người ta có bổn phận phải tùng phục quyền hành… bao lâu trật tự công lý đòi hỏi điều ấy’. Do đó, luật tự nhiên là nền tảng cho phép con người có quyền phản kháng. Quyền này có thể được thi hành bằng nhiều cách cụ thể khác nhau; theo nhiều mục tiêu khác nhau. Phản kháng nhà cầm quyền tức là chứng nhận mình được phép có một cách nhìn khác về sự việc, bất kể nhằm chủ đích thay đổi phần nào, sửa chữa một vài luật hay tranh đấu để có sự thay đổi triệt để trong một tình huống nào đó (số 400).

Những tiêu chuẩn được đưa ra để thi hành quyền phản kháng: Phản kháng bằng vũ khí trước sự đàn áp của chính quyền là điều không chính đáng, trừ khi hội đủ các điều kiện sau : 

1. có sự xâm phạm các quyền căn bản con người cách chắc chắn, nghiêm trọng và kéo dài; 
2. đã sử dụng hết mọi phương thế khác để sửa đổi mà không kết quả; 
3. phản kháng như thế sẽ không gây ra những bất ổn tệ hại hơn; 
4. có hy vọng thành công với những lý do vững chắc; 
5. theo lý trí, không thể dự kiến một giải pháp nào hay hơn. 

Sử dụng vũ khí là biện pháp sau cùng để chấm dứt ‘một chế độ độc tài công khai và kéo dài, gây thiệt hại lớn cho các quyền căn bản con người và làm tổn thất nghiêm trọng cho ích chung đất nước’. Ngày nay người ta thích áp dụng biện pháp kháng cự thụ động hơn, vì đây là ‘phương cách phù hợp hơn với các nguyên tắc luân lý và cũng có nhiều cơ may thành công’ (số 401).

e. Chế tài. Để bảo vệ công ích, chính quyền hợp pháp thi hành quyền và nghĩa vụ chế tài theo mức nghiêm trọng của tội ác gây ra. Nhà Nước có hai trách nhiệm, một là làm thoái chí những người có hành vi gây hại cho quyền con người và các chuẩn mực căn bản của đời sống dân sự, hai là trừng trị thiệt hại do hành vi tội phạm gây ra, bằng hình phạt. Tại quốc gia pháp trị, quyền tuyên các biện pháp chế tài được trao cho toà án trong chế độ tam quyền phân lập: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hiến pháp các quốc gia dân chủ bảo đảm cho quyền tư pháp được độc lập trong lĩnh vực xét xử (số 402).

Chế tài không chỉ để bảo vệ trật tự chung và bảo đảm an toàn cho con người mà còn là một công cụ dùng để sửa trị người phạm lỗi mang giá trị luân lý là đền tội nếu tự nguyện chấp nhận hình phạt ấy. Do đó, việc chế tài nhằm hai mục đích : khuyến khích việc đưa người bị kết án tái hội nhập xã hội và cổ vũ một nền công lý mang tính hoà giải, có khả năng khôi phục sự hoà hợp trong các quan hệ xã hội đã bị hành vi tội ác phá vỡ. Về điểm này, hoạt động của các vị tuyên uý trại giam thật là quan trọng, trong khía cạnh tôn giáo mà còn để bảo vệ phẩm giá người bị giam. Đáng tiếc hiện nay điều kiện sống của các tù nhân thụ án không phải lúc nào cũng giúp tôn trọng phẩm giá; và nhiều khi, nhà tù trở thành nơi các tội ác mới diễn ra. Tuy nhiên, môi trường các định chế trừng phạt phạm nhân tạo nên một diễn đàn đặc biệt cho người Kitô hữu một lần nữa minh chứng sự quan tâm của mình tới các vấn đề xã hội: ‘Ta… bị bắt ngồi tù, các ngươi đã đến thăm Ta’ (Mt 25,35-36) (số 403).

Các cơ quan có nhiệm vụ xác định trách nhiệm tội phạm, mang tính riêng tư, cần cố gắng tìm kiếm sự thật một cách kỹ lưỡng và tiến hành công việc với sự tôn trọng tối đa phẩm giá và quyền lợi người bị điều tra, phải bảo đảm các quyền lợi họ như người vô tội. Phải luôn nhớ nguyên tắc pháp lý: không bắt chịu hình phạt khi tội ác chưa được chứng minh. Khi điều tra, phải tuân thủ thật nghiêm ngặt quy luật: cấm sử dụng việc tra tấn dưới mọi hình thức, kể cả trong trường hợp phạm tội trọng, không thể biện minh được và, qua đó, cho thấy nhân phẩm người tra tấn lẫn kẻ bị tra tấn đều bị hạ thấp. Các cơ quan tư pháp quốc tế bảo vệ nhân quyền đã đúng đắn khi đưa ra lệnh cấm tra tấn, coi đó như một nguyên tắc không được vi phạm trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cũng không được ‘giam giữ chỉ vì mục đích muốn tìm ra thông tin có giá trị cho việc xét xử’. Cần bảo đảm ‘tiến hành xét xử nhanh chóng; kéo dài thời gian xét xử thái quá sẽ làm cho người dân không thể chịu đựng nổi và kết cục trở thành một bất công thực sự’. Nhân viên toà án phải giữ bí mật của bị cáo khi điều tra, để không làm phương hại tới nguyên tắc phải luôn giả định là vô tội cho đến khi bị kết án. Vì thẩm phán cũng có thể lầm lẫn, nên luật trù liệu những sự bồi thường phù hợp cho các nạn nhân do những sai lầm của toà án gây ra (số 404).

{Các số ghi trên đây theo sách ‘Tóm lược Học thuyết xã hội Giáo Hội Công Giáo, Hội đồng Giáo Hoàng Công lý và Hòa bình}

Khi giảng trong Thánh Lễ ngày 16.09.2013, tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Giáo Hoàng Phanxicô bác bỏ ý kiến cho rằng : « Một người Công Giáo tốt không can thiệp vào các vấn đề chính trị. Đó không phải là con đường tốt. Một người Công Giáo tốt cần tham dự vào các vấn đề chính trị, cống hiến tất cả những gì tốt nhất có thể, nhờ đó những ai đang cai trị biết cách cai trị. Không ai trong chúng ta có thể nói ‘Tôi không có gì để làm với chuyện này, để họ cai trị’. Thay vào đó, các công dân có trách nhiệm tham gia vào chính trị theo khả năng mình. Chính trị, theo Học thuyết xã hội Giáo Hội, là một trong những hình thức đức ái cao nhất, bởi nó phục vụ lợi ích chung. Tôi không thể phủi tay, tất cả chúng ta cần phải cho đi một điều gì đó! Thay vì chỉ than phiền ‘những điều không đúng’, chúng ta cần phải cống hiến ý tưởng, đề nghị và nhất là lời cầu nguyện của mình. Cầu nguyện là ‘phương thế tốt nhất chúng ta có thể làm cho các nhà lãnh đạo’ như lời thánh Phaolô gởi Timôthê mời gọi cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo biết thay đổi và lãnh đạo vững vàng ».

B.- Người Công Giáo tốt là người được nhận Bí tích Thánh tẩy, biết vác Thánh giá theo chân Chúa, biết kính Chúa và yêu Tha nhân.

(Còn tiếp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét