Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

Liệu ông Dương Chí Dũng có thoát được án tử hình ?



Tháng 2/2012, khi Cảnh sát điều tra quyết định khởi tố các bị can có liên quan đến hành vi tham ô tài sản tại Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Sửa chữa tàu biển, Cục Cảnh sát phòng chống tham nhũng phát hiện nhiều dấu hiệu sai phạm tại Tổng công ty Hàng hải (Vinalines), như Dương Chí Dũng phê duyệt dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển với mức đầu tư 3.854 tỉ đồng; mua sắm ụ nổi 83M trái quy định. Do đó, ngày 25.04.2012, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng ban, chỉ thị các cơ quan chức năng đẩy mạnh tiến độ xử lý các vụ án, đặc biệt dứt điểm các vụ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp còn để tồn đọng, kéo dài.

I. KHỞI TỐ, BẮT GIAM DƯƠNG CHÍ DŨNG.

Ngày 17.05.2012, Cảnh sát điều tra (CSĐT Bộ Công an) báo cáo kết quả điều tra vụ án tại Vinalines để kiến nghị khởi tố và bắt tạm giam 3 viên chức Vinalines : Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị (H ĐQT), Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam; Mai Văn Phúc, nguyên Tổng Giám đốc, Vụ phó Vụ Vận tải Bộ Giao thông Vận tải; Trần Hữu Chiều, Phó Tổng Giám đốc kiêm Trưởng Ban quản lý dự án nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam. Sau đó, Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp gồm lãnh đạo Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, và chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương khởi tố, bắt tạm giam những đối tượng theo đúng quy định pháp luật. Nhưng Dương Chí Dũng không có mặt tại nhà và nơi làm việc, có dấu hiệu bỏ trốn. Ngày 18.05.2012, CSĐT phát lệnh truy nã đặc biệt toàn quốc và bắt giữ bị can.

Được tin chính xác, ông Dũng điện báo cho em ruột ông, Đại tá Công an Dương Tự Trọng, Phó giám đốc Công an Hải phòng. Ông này khuyên anh mình vào ẩn tại nhà tình nhân của ông. Sau đó, Đại tá nhờ ‘đàn em’ giúp ông Dũng trốn sang Cambodge và đi tiếp đến New York, nhưng không nhập cảnh được vì cơ quan quản lý visa hay do Interpol báo động. Ngày 14.09.2012, ông Dũng bị bắt tại Cambodge.

II.- PHIÊN XỬ SƠ THẨM.

Ngày 12.12.2013, Tòa án Nhân dân Hà nội mở phiên xử sơ thẩm ông Dương Chí Dũng và 9 đồng phạm bị cáo buộc tham ô hàng chục tỷ đồng khi còn đương chức, cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines và gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng (tương đương trên 17 triệu mỹ kim) ngân sách nhà nước. Hội đồng xét xử (HĐXX) 5 người với 2 thẩm phán do bà Ngô Thị Ánh chủ tọa, với một thẩm phán dự khuyết và 2 hội thẩm nhân dân. Ông Dũng được biện hộ bởi ba luật sư Ngô Ngọc Thủy, Trần Đại Thắng và Trần Đình Triển. Khoảng 20 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng được triệu tập đến. Đại diện Tổng công ty Vinalines, các Bộ Giao thông Vận tải, Tài chính và Ngân hàng Citybank cùng 8 nhân chứng đều có mặt. Các luật sư đề nghị Tòa triệu tập 3 cơ quan tham gia giám định thiệt hại trong vụ án, trong có một cơ quan Bộ Công an và một công ty độc lập ngoại quốc, nhưng HĐXX cho rằng trong hồ sơ đã thể hiện đầy đủ và rất cụ thể. Khi thẩm vấn, nếu thấy cần thiết tòa sẽ yêu cầu họ đến.

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ủy quyền công tố cho VKSND Hà Nội quyền đọc bản cáo trạng 42 trang do Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng gây ra khi mua ụ nổi 83M. Dự án nhà máy với tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng, trong khi các dự án trên 1.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Sau đó, ông Dũng ký quyết định nâng thêm mức đầu tư lên 19,5 triệu mỹ kim. Ngày 15.03.2008, Mai Văn Phúc, Tổng giám đốc Vinalines ký hợp đồng mua bán ụ nổi 83M với Công ty Addpower Ventures Singapore (AP). Ba tháng sau, ụ nổi được đưa từ Nga về Việt Nam. Lúc đó, nó đã đã 43 ‘xuân xanh’, trong khi theo quy định thì không được nhập cảng khi nó quá ‘15 tuổi’ tính từ năm sản xuất. Chiếc ụ nổi này chỉ đang giá 2 triệu mỹ kim, nhưng các can phạm đã đồng ý với giá gần gấp 10 lần (tiền người dân đóng thuế). Ngày 17.05.2012, lúc công an kiểm tra, tổng phí Vinalines chi cho ụ nổi 83M này đã hơn 525 tỷ đồng, tương đương 24 triệu mỹ kim, nhưng chưa thể chưa đưa vào sử dụng. Do đó, hiện nay, nó là đống sắt thép rỉ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, như kết luận điều tra xác định. Bộ Giao thông vận tải chủ trương bán thanh lý nhưng hiện không có người hỏi mua. Cơ quan giám định kết luận, sai phạm trong việc dự án này đã gây thiệt hại cho nhà nước hơn 335 tỷ đồng. Ngày nay, Vinalines còn tiếp tục phải trả lãi ngân hàng, tính tiền vay mua ụ, phí thuê neo đậu, chi phí bảo quản, trực sự cố... nên số tiền thiệt hại sẽ còn tiếp tục tăng. Nhờ việc mua bán này, các ông, Phúc, Sơn và Chiều chia nhau 1,666 triệu mỹ kim (hơn 28 tỷ đồng) – là tiền ‘hoa hồng’ rút từ khoản 9 triệu mỹ kim được Công ty AP chuyển lại theo thỏa thuận riêng với 4 người này. Theo cơ quan điều tra, ông Dũng được chia 10 tỷ đồng. 

Sau 2 giờ đọc bản án, lúc 17 giờ 30 ngày 16.12.2013, chủ tọa tuyên án ông Dũng phạm tội Tham ô tài sản với mức cao nhất là tử hình và ở tội Cố ý làm trái, ông bị phạt 18 năm tù. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình. Bị cáo Mai Văn Phúc bị phạt cùng mức án với ông Dũng về cả hai tội danh. Tất cả các bị cáo khác đều bị án tù từ 4 đến 22 năm.

Tại phiên xử, hành động vững vàng và thoải mái trước tòa cho thấy ông Dũng rất tin tưởng khi đối diện với HĐXX, có thể do ông đã nhận được một lời hứa nào đó rất nặng ký cho số phận của mình. Hầu hết các bị can đều là đảng viên cộng sản và việc ‘Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài’ đều được thông tin, giúp ý và tích cực tổ chức của các tướng tá công an đã được ông ‘chu cấp’ đầy đủ. Bây giờ, đối diện với bản án tử hình, ông Dũng mới tỉnh thức, nhưng ông còn cơ hội khi phải trở ra Tòa án Nhân dân Hà nội, với tư cách nhân chứng, trong vụ án ‘Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài’ xử em của ông là Dương Tự Trọng trong vụ án tổ chức cho anh vượt biên. 

III.- TỔ CHỨC ĐƯA NGƯỜI ĐI NƯỚC NGOÀI TRÁI PHÉP.

1. Nội vụ.

Chiều 17.05.2012, nhận tin Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố và ra lệnh bắt tạm giam, ông Dương Chí Dũng báo ngay cho em trai là Dương Tự Trọng (Phó giám đốc Công an Hải Phòng) để được hướng dẫn đến trốn tại nhà tình nhân của ông Trọng tại quận Cầu Giấy. [Bà này có hai con gái với ông. Để làm giấy khai sinh cho các con, tháng 04/2012, Trọng đã ‘nhờ’ cấp dưới làm hai Chứng minh nhân dân với những thông tin giả mạo, để làm khai sinh cho hai trẻ]. Ông dùng hai ‘đàn em’ thân tín là Vũ Tiến Sơn (Phó phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an Hải Phòng) và Hoàng Văn Thắng (cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm môi trường, Công an Hải Phòng) đến phòng Trọng làm việc để bàn kế hoạch tổ chức cho ông Dũng trốn đi nước ngoài, với sự tiếp tay của Phạm Minh Tuấn (Giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng, bạn thân Trọng) tới Hà nội để lo liệu. Ngày 18.05.2012, chúng liên lạc với ‘xã hội đen’ Đồng Xuân Phong (cán bộ hải quan Hải Phòng đang bị truy nã) và Trần Văn Dũng (tự Dũng ‘Bắc Kạn’, giang hồ đất Cảng) để đưa ông Dũng vào TP Hồ Chí Minh, qua cửa khẩu biên giới Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) trốn sang Campuchia. Ngày 24.05.2012, Phong mua vé máy bay và cùng ông Dũng sang Singapore để làm thủ tục xuất ngoại sang Hoa kỳ. Không nhập cảnh được vào Mỹ, ngày 27.05.2012, ông Dũng quay về Campuchia. Ngày 29.05.2012, Phong sang Campuchia để động viên ông Dũng và tiếp tế 4.000 mỹ kim. Sau đó, Trọng giao Sơn 30.000 mỹ kim để yêu cầu Dũng "Bắc Kạn" sang Campuchia đưa tiền cho ông Dũng và thu xếp nơi ăn ở. Ngày 04.09.2012, Dũng bị cơ quan chức năng của Campuchia và Việt Nam bắt giữ rồi di lý về nước.

Ngày 22.02.2013, ông Trọng bị bắt, khi đã lên chức Cục phó Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an. VKSND Tối cao cho biết trong khi điều tra, các bị can khác Tuấn thành khẩn khai nhận. Nhưng Trọng không thừa nhận hành vi phạm tội.

2. Phiên Tòa xử sơ thẩm.

Ngày 07.01.2014, Tòa án Nhân dân Hà nội, do thẩm phán Trương Việt Toàn, phó chánh tòa hình sự Hà Nội điều khiển, mở phiên xử ông Dương Tự Trọng và các tòng phạm ‘Tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép. Hai luật sư bảo vệ ông là ông Nguyễn Đình Hưng và bà Vũ Thị Kim Ngọc, thuộc Đoàn luật sư Hà Nội. Dương Chí Dũng cũng có mặt tại phiên tòa với tư cách người liên quan và nhân chứng. Căn cứ lời khai của 6 bị can tòng phạm, người liên quan và nhiều chứng cứ khác, Viện Kiểm sát xác định ông Trọng là người khởi xướng, chỉ đạo việc tổ chức bỏ trốn cho anh trai. Ông Sơn, theo chỉ đạo của Trọng, đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi che giấu tội phạm. Hành vi các bị can đã tạo dư luận không tốt, gây mất lòng tin cho nhân dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Tuy nhiên, khi Dương Chí Dũng lên tiếng thì phiên tòa ‘nóng lên’ : ngày 17.05.2012, ông điện thoại cho ông Phạm Quý Ngọ (ông là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an, ủy viên ban chấp hành trung ương đảng, trưởng ban chuyên án điều tra Vinalines) hỏi xem ông Ngọ đi công tác về chưa. Ông Ngọ nói đi công tác TP.HCM, đang trên đường Nội Bài về Hà Nội và thông báo luôn là chiều hôm đó, Thủ tướng sẽ nghe báo cáo về vụ việc ông Dũng. Buổi chiều, ông loanh quanh ở trung tâm thành phố ở khu vực gần nhà ông Ngọ, khu vực đường Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng để chờ ông này vì ông có nói rằng tối em ghé anh. Khoảng 17-18 giờ, đang trên trên xe thì ông Ngọ gọi điện thông báo Thủ tướng đã chấp thuận lệnh khởi tố và bắt tạm giam chú, chú tránh đi một thời gian và bảo nên tắt điện thoại đi. Sau đó, ông Dũng trốn, tối ngày 17-5. 

Ông Dũng còn cho biết là chiều 29.04.2013, ông có xuống thăm gia đình Ngọ đang nghỉ tại Tuần Châu, Quảng Ninh, vì trước đó ông có giấy triệu tập đến cơ quan công an để điều tra về ụ nổi 83M và mong ông xem xét khách quan cùng quan tâm giúp đỡ giúp tôi. Ông Ngọ nói mọi việc để ông lo, ông Dũng biếu phong bì 10.000 mỹ kim. Ông Ngọ còn bảo kiếm một sim rác để liên lạc, chứ không dùng số cũ. Tối 02.05.2012, ông Dũng đến nhà anh Ngọ do chú lái xe bằng xe cơ quan mang theo túi 500.000 mỹ kim để biếu ông Ngọ. Theo đại diện VKS, việc ông Dũng khai được ông Ngọ báo tin để ông trốn, thứ hai là ông đã đưa tiền hối lộ cho ông Ngọ và một số người khác, thứ ba là ông khai ông Ngọ đã nhận 1,5 triệu mỹ kim. Ba việc này đại diện VKS sẽ có kiến nghị để HĐXX xem xét giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 08.01.2014, lúc 15 giờ, Hội đồng Xét xử tuyên phạt, chiếu khoản 3, điều 275 Bộ luật hình sự, những bản án tù cho Dương Tự Trọng 18 năm; Vũ Tiến Sơn 13 năm và các bị can khác từ 5 đến 8 năm.

Đến thời điểm này, những bản án sơ thẩm đã được tuyên cho từng. Nặng hay nhẹ, đúng hay không, tùy cảm nhận của từng bị can, đảng viên cộng sản, họ có quyền kháng cáo hay không, nhưng chắc chắn họ không là những nạn nhân của sự tàn bạo của nhà nước cộng sản như bao nhiêu bạn trẻ yêu nước khác hay những người chỉ nói hay viết lên ý nghĩ của mình.

Hà Minh Thảo

0 nhận xét:

Đăng nhận xét