Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Hồ sơ Dân oan Tuần 13


LTCGVN (08.07.2013)


Tuần thứ 13 (từ 1/7 đến 5/7/2013), Văn phòng nhận được hồ sơ của Dân Oan các Tỉnh, Thành: Sài Gòn, An Giang, Bình Thuận, Tây Ninh, Đồng Tháp, Đồng Nai.
1. Sài Gòn:
a) Bà Phạm Thị Đức, Quận 10: Bà kiện đòi 20.000 m2 tọa lạc tại Tân Hiệp, Hốc Môn, hiện do Chùa Hoằng Pháp sử dụng làm nghĩa trang. Vụ việc “tranh chấp QSD đất” của bà đã qua hai cấp xét xử. Tòa án Huyện Hốc Môn xử sơ thẩm ngày 10/5/2011 và Tòa án TP xử phúc thẩm ngày 27 và 29/9/2011. Cả hai cấp Tòa đều tuyên “không chấp nhận yêu cầu đòi Chùa Hoằng Pháp trả lại đất…” và “bồi thường 100 triệu giá trị nhà…” cho Bà. Hiện Bà đã làm đơn yêu cầu kháng nghị Bản án Phúc thẩm theo trình tự Giám đốc thẩm. Tòa Dân sự- TAND Tối cao- đã thông báo nhận đơn của Bà. Viện KS ND Tối cao cũng đã hai lần tiếp và nhận đơn của Bà. Trường hợp này, VP hướng dẫn Bà chờ cơ quan chức năng giải quyết. Trường hợp Bà phát hiện chứng cứ hoặc có tình tiết mới nào cần bổ sung, Bà có thể gửi đến Tòa hoặc Viện KSND Tối cao.
b) Bà Nguyễn Thị Tư, Quận 7: Bà nhờ VP tư vấn, trợ giúp pháp lý vụ việc tranh chấp đất giữa Bà và Bà Đặng Thị Thể, Bà Diệp Thị Thu Hồng. Vụ kiện đang được TAND Quận 7 thụ lý, giải quyết. Đề nghị Bà liên hệ Trung tâm trợ giúp pháp lý NN TP.HCM, số 470 Nguyễn Tri Phương, P.9, Quận 10 để được giúp đỡ.

2. Đồng Tháp:
Bà Phan Hồng Nga, Cao Lãnh: Khiếu nại UB lấy 4.743,2 m2 đất làm trường học, nhưng chỉ san ủi, để đó. Bồi thường không thỏa đáng. Hồ sơ có Quyết định giải quyết khiếu nại của Huyện Cao Lãnh (năm 2010), và của Tỉnh (26/1/2011). Theo đó, Huyện không đồng ý đền bù theo giá Bà đưa ra là 1.000.000 đồng/m2. Trường hợp có nhu cầu mua 4 nền, thì trong vòng 15 ngày, kể từ ngày nhận QĐ phải làm đơn gửi UB Xã xem xét. Giá 30 triệu / nền tại Cụm Dân cư TT Xã Bình Thạnh, và được nhận tiền bồi thường là 297.307.500 đồng…. Sau đó, ngày 19/11/2012, Tổ Công tác số 1 của Huyện “động viên gia đình vì sự nghiệp giáo dục, chăm lo tương lai học hành của con em địa phương… nên có suy nghĩ chấp nhận giao đất và nhận tiền bồi thường. Riêng gia đình nếu có gì khó khăn thì cứ nêu ra để cùng nhau bàn bạc tìm giải pháp thực hiện cho tốt…” Ý kiến Bà Nga là “đồng ý giao hai công đất trọng hậu cho Trường, phải bồi thường theo giá đất mới qui định hiện nay. Đất còn lại phải trả lại cho gia đình sử dụng…” Hồ sơ cũng có Thông báo v/v Chủ tịch UBND Tỉnh hẹn tiếp Bà vào 7g30 phút ngày 12/4/2013. Tuy nhiên, theo Bà, Chủ tịch Tỉnh đã không tiếp Bà như Thông báo. VP đề nghị Bà liên hệ VP UBND Tỉnh để đề nghị buổi làm việc khác với Chủ tịch Tỉnh để trình bày nguyện vọng gia đình. Cũng xin lưu ý Bà, hồ sơ có QĐ v/v áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp Xã thời hạn 6 tháng. Mặc dù, QĐ này có nhiều điểm chưa phù hợp pháp luật, tuy vậy, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ 1/7/2013), nếu Bà “vi phạm trật tự, an toàn xã hội 02 lần trở lên trong 06 tháng, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự” thì có thể bị xem xét áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
3. Tây Ninh:
Bà Trần Xuân Thu, H. Hòa Thành: khiếu nại thu hồi đất, mở rộng đường 797 không bồi thường. Hồ sơ Bà Thu chứng minh đất được sang nhượng, liên tục sử dụng từ năm 1955 đến nay. UBND Huyện ban hành Quyết định không bồi thường bất chấp các ý kiến, chỉ đạo và văn bản của Tổ Công tác 2040 Thanh Tra Chính Phủ, Cục giải quyết KNTC và Thanh Tra KV III (Thanh Tra Chính Phủ). VP hướng dẫn Bà gửi đơn đến UBND Tỉnh Tây Ninh yêu cầu giải quyết. Bà cũng có thể liên hệ Trung tâm trợ giúp pháp lý NN Tỉnh Tây Ninh, số 74, Trần Hưng Đạo, P. 2, TX Tây Ninh để được trợ giúp pháp lý (miễn phí).
4. An Giang:
a) Bà Trần Thị Nga, hiện tạm trú Sài Gòn: Bà khiếu nại bị thu hồi đất nhưng đền bù thiếu diện tích. Hồ sơ có QĐ giải quyết cuối cùng của Tỉnh năm 2002 và văn bản năm 2004 và năm 2010. Theo Tỉnh, năm 1976, Cha Bà chỉ kê khai sử dụng 81m2 nhà và 270 m2 đất. Năm 1994, giám định nhà 130,18 m2, đất 429,25 m2, Tỉnh đã đền bù đủ. Tỉnh cũng đã giải quyết bán một nền nhà tái định cư (hiện Ông Phong- em Bà Nga ở). Tỉnh yêu cầu Bà cung cấp chứng cứ chứng minh có sử dụng 1030,18 m2 đất như Bà khiếu nại. Năm 2007, Tỉnh “đề nghị Bà nhận nền nhà theo Kết luận của Đoàn Thanh tra CP… sẽ vận động địa phương cất cho bà một căn nhà Đoàn Kết… địa phương hỗ trợ tiền ở trọ cho bà và tạo điều kiện cho hai đứa con bà được đi học…” Bà “không cần địa phương hỗ trợ chính sách xã hội mà đòi NN trả lại đất…” VP hướng dẫn, nếu Bà vẫn tiếp tục khiếu nại thì cần tìm kiếm chứng cứ chứng minh có sử dụng diện tích đất nhiều hơn được đền bù.
b) Bà Phan Thị Bảy, Châu Thành: Bà đòi phần đất “không trưng dụng hết” của gia đình Bà hiến làm trường học, và/ hoặc bồi thường. Hồ sơ đã có Quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng của UBND Tỉnh năm 2005. Theo hồ sơ: (i) Đối với nội dung khiếu nại: Gia đình Bà chỉ hiến 3.600 m2 đất, mà nay Trường THCS Quản Cơ Thành lại sử dụng 3.960m2 đất. Bà yêu cầu nhận lại hoặc được nhận tiền hỗ trợ. UBND cho rằng Gia đình Bà đã hiến đất từ 1973 cho chính quyền Sài Gòn xây trường Tiểu học. Sau 1975, UBND chỉ tiếp quản cơ sở vật chất của trường… và có mua thêm đất của Bà… (ii) Về đòi lại phần đất mà Ông Nguyễn Văn Thái sử dụng, Bà cho rằng lấn chiếm của bà, UBND đề nghị Bà “liên hệ Toà Án để được giải quyết…” VP hướng dẫn Bà liên hệ LS để tư vấn và giúp Bà thủ tục khởi kiện.
5. Bình Thuận:
Bà Nguyễn Thị Lặt, ở Biên Hòa, Đồng Nai: Bà bức xúc việc TA Phan Thiết và TA Tỉnh Bình Thuận không thụ lý kiện “tranh chấp tài sản chung” đối với nhà- đất của Ông- Bà để lại. Tòa án không thụ lý với lý do “Bà không cung cấp được chứng cứ chứng minh di sản nhà- đất của Cụ Nguyễn Khá, Cụ Nguyễn Thị Duyên, Cụ Nguyễn Thị Nốt (là Ông Bà ngoại Bà Lặt) để lại… là tài sản chung…” Trường hợp này, phù hợp với phát biểu nổi tiếng một thời của Ông Chánh án TANDTC là “Luật Dân sự xử sao cũng được!” Cụ thể ở đây, Bà Bùi Thị Túc (gọi Cụ Nguyễn Khá và Cụ Nguyễn Thị Nốt là Cha- mẹ chồng) đã khai gian nguồn gốc đất là do tự khai hoang, nên được UB Tỉnh cấp Giấy CN. Sau đó, Bà Túc đã thừa nhận nguồn gốc nhà- đất ở Bà sử dụng là của Cha mẹ chồng. UB Tỉnh đã thu hồi Giấy CN QSH-QSD nhà đất này. Do Các Cụ chết đã mấy chục năm, nên nay thời hiệu khởi kiện đã hết, nếu Tòa án vận dụng Nghị Quyết số 02/2004 của HĐTP TANDTC hướng dẫn: “… sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà cácđồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế…”, TA có thể yêu cầu Bà Lặt phải có giấy tờ chứng minh Bà và những người khác là đồng thừa kế, các đồng thừa kế này không tranh chấp và đều thừa nhận di sản… chưa chia. Nếu Bà Lặt không có giấy tờ chứng minh như kể trên thì TA không thụ lý. Nhưng nếu TA áp dụng điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 80 Bộ luật Tố tụng Dân sự, theo đó, đã có Quyết định của UBND Tỉnh- đã có hiệu lực- xác định nhà- đất Bà Túc khai gian là của các Cụ Khá, Nốt để lại. Và chính Bà Túc cũng đã thừa nhận. Như vậy, theo qui định pháp luật kể trên, đây là những chứng cứ mà Bà Lặt không phải chứng minh. TA phải thụ lý giải quyết do đã có chứng cứ. Chưa kể, Bà Lặt còn có Biên bản họp Hội đồng Gia Tộc phân chia di sản thừa kế… được Bà Túc thừa nhận. VP đề nghị Bà liên hệ Trung Tâm trợ giúp pháp lý NN Tỉnh Bình Thuận số 6 Đại lộ Nguyễn Tất Thành, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận hoặc VPLS để được giúp đỡ.
6. Đồng Nai:
Bà Nguyễn Thị Mai, Bà Ninh Thị Kim Anh, Bà Đoàn Thiên Thu, Ông Nguyễn Hữu Vĩnh và Bà Nguyễn Thị Sang, Bà Hoàng Thị Hồng Vân, Bà Liêng Kim Mai, Bà Vũ Thị Hiền, Bà Đoàn Thị nhung, Bà Trần Thị Hồng, Bà Châu Thị Truyền, Bà Đinh Thị Tuyết Vân… và Bà con tiểu thương Chợ Long Khánh: VP sẽ xem xét có ý kiến- theo ủy quyền của bà con- với UBND Tỉnh.

Văn phòng Công lý & Hòa bình
Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét