Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tờ Catholic Register của Canada hôm 15 tháng Hai, Đức Hồng Y Trần Nhật Quân của Hương Cảng đã lên tiếng chỉ trích chính sách của Tòa Thánh đối với Trung Hoa.
Ngài nói rằng Vatican đã theo đuổi "một chính sách nhân nhượng và thỏa hiệp" ở Trung Quốc. Điều đó đã khiến các quan chức cộng sản có thể lợi dụng kiểm soát hoàn toàn Giáo Hội tại đây.
Vị Hồng Y về hưu của Hương Cảng nói với tờ Catholic Register rằng các giám mục của Giáo Hội Công Giáo "chính thức" đều là "tay sai của nhà nước," Theo nhận định của Đức Hồng Y trong nhiều năm qua nhà nước Trung quốc đã tìm cách thiết lập việc kiểm soát Giáo Hội và "đã có tất cả mọi thứ theo ý muốn của họ".
Ngài nêu ra cáo buộc rằng Giáo Hội "chính thức" ở Trung Quốc "thực sự là ly giáo mà chưa bị nêu đích danh." Đức Giáo Hoàng đã tự chế không gọi các giám mục Trung Quốc là ly giáo, nhưng "Đức Thánh Cha không điều khiển được Giáo Hội tại đây." Quyền kiểm soát thực sự Giáo Hội "chính thức" không nằm ở Rôma nhưng “nằm trong tay nhà nước”.
Trong khi Đức Hồng Y Trần Nhật Quân thường xuyên chỉ trích chế độ Bắc Kinh vì những vi phạm đối với tự do tôn giáo, ngài thường tránh né không đưa ra các chỉ trích nhắm đến các viên chức Tòa Thánh.
Ngài nói: “Trong một thời gian dài tôi cố nhịn không động đến Tòa Thánh,". Nhưng bây giờ, ngài đưa ra nhận định rằng các viên chức Vatican "phải có trách nhiệm".
Những chỉ trích nặng nề của Đức Hồng Y Trần Nhật Quân đưa ra trong thời điểm tế nhị sau khi Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 tuyên bố thoái vị được xem như một bản tổng kết bi quan về chính sách của Tòa Thánh tại Trung Hoa dưới triều Đức Bênêđíctô thứ 16. Vì thế, thông tấn xã Công Giáo AsiaNews tại Rôma đã đề nghị Đức Hồng Y nêu rõ thêm một vài điểm dễ gây ngộ nhận.
Trong bài viết trên AsiaNews hôm 22 tháng Hai, Đức Hồng Y viết:
“Cần phải nói thêm rằng vị Giáo Hoàng này đã thực hiện những điều đặc biệt đối với Trung Quốc mà ngài đã không làm cho bất kỳ quốc gia nào khác: không có Giáo Hội cá biệt nào khác được ngài viết một bức thư riêng, không nước nào có một Ủy ban đặc biệt dành riêng cho nó với khoảng 30 thành viên, từ hai bộ quan trọng nhất trong Tòa Thánh. Chúng ta nên biết ơn sâu xa Đức Giáo Hoàng về điều này.
Nhưng tiếc là tôi phải bổ sung rằng quá thường khi Đức Giáo Hoàng chỉ là một tiếng nói cô đơn trong hoang địa. Tôi đã nói nhiều lần và tôi lặp lại rằng công việc của ngài đã bị lãng phí bởi ‘những người khác’ gần gũi với ngài, những người không tuân theo ý của ngài. Tôi không ở đây để phán xét lương tâm ai nhưng có nhiều khả năng là các cố vấn của ngài nghĩ rằng có lẽ ngài không am hiểu tình hình, và không thể theo đuổi một chiến lược đúng đắn. Trong bất kỳ trường hợp nào, những người này đã không thực hiện những gì Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã thiết định như những đường lối cho Giáo Hội tại Trung Quốc.”
Nói 'người khác' tôi muốn đề cập không chỉ những người ở Vatican, nhưng còn bao gồm những người bên ngoài, mà không có sự giúp đỡ của Tòa Thánh, sẽ không thể gây ra thiệt hại đến như thế.”
Câu cuối cùng có lẽ muốn ám chỉ đến linh mục Jeroom Heyndrickx, cố vấn của Bộ Truyền Giáo dưới thời Đức Hồng Y Ivan Dias làm Bộ Trưởng.
Xin xem thêm bài: Con đường đối thoại chông gai: Bài học bi đát của Giáo Hội tại Hoa Lục
Từ 20 giờ ngày 28 tháng Hai, sau khi Giáo Hội rơi vào tình trạng trống ngôi Giáo Hoàng (Sede Vacante), tất cả các vị đang giữ các chức vụ trong giáo triều Rôma đều bị mất chức trừ ra ba vị là Đức Hồng Y Tarcisio Bertone trong cương vị Nhiếp Chính, Đức Hồng Y Fortunato Baldelli, Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao và Đức Hồng Y Agostino Vallini Giám Quản Rôma.
Thông thường, vị Giáo Hoàng mới sẽ mời các vị đã giữ các chức vụ trong giáo triều Rôma tiếp tục công việc của mình. Tuy nhiên, những chỉ trích như trong tuyên bố của Đức Hồng Y Trần Nhật Quân có thể sẽ gây ra những thay đổi nhất định. Đó có thể là lý do khiến Đức Hồng Y Trần Nhật Quân đưa ra những chỉ trích nặng nề trong thời điểm này. Trong quá khứ, ngài thường đưa ra những tuyên bố trong những dịp Trung quốc tấn phong Giám Mục trái phép.
Đặng Tự Do
0 nhận xét:
Đăng nhận xét