LTCGVN (23.02.2013)
Có lẽ công việc BVSS trước hết mọi mặt chính là đi nhặt xác thai nhi đem về lo tẩm liệm, chôn cất hoặc hỏa táng. Và nếu chọn mốc khởi sự là năm 1992, thì anh Tống Phước Hiếu cùng với người thân trong gia đình và các bạn sinh viên Huế sẽ được công nhận là thành viên “Nhóm Tobia” đầu tiên, đã tận tụy ân cần từng ngày vun đắp những nấm mộ thai nhi trên các quả đồi bỏ hoang của Giáo Xứ Ngọc Hồ, cố đô Huế. Từ đó đến nay đã 21 năm, 3 quả đồi trắng xóa những cây thập giá, có lẽ phải đến hàng mấy vạn anh hài.
Chúng tôi đóng ngoặc kép tên gọi “Nhóm Tobia” là vì không có hẳn một Nhóm nào mang tên Tobia, nhưng cứ hễ ở đâu khởi sự có chương trình BVSS, thì người ta có thể làm ngay khâu lo “hậu sự”, và như thế họ trở thành các hậu duệ của Thánh Tobia trong Cựu Ước.
Ngày xưa còn bé, trước 75, cuối tuần tôi thường được bố giao việc đi bộ từ Nhà Thờ Phanxicô Đakao ra Nhà Thờ Tân Định để nhận báo đem về phát cho từng nhà bổn đạo, khi băng ngang đường Hai Bà Trưng, nhìn sang phía bên phải thấy Trại Hòm Tobia, tôi cứ sờ sợ, ghê ghê thế nào ấy. Của đáng tội, những gì có hơi hướm sự chết, ai mà không hãi !?! Vậy mà không ngờ hơn bốn mươi năm sau, bản thân mình cũng liên quan đến “Nhóm Tobia”.
Có điều, ngày xưa Trại Hòm Tobia có câu slogan lừng danh “Sống một cái nhà, thác một cái hòm”, các thai nhi của chúng tôi bây giờ làm gì mà dám mơ có được hẳn một cái hòm ?!? Khi được các cộng tác viên “Nhóm Tobia” kín đáo mang ra khỏi bệnh viện hoặc phòng khám có dịch vụ phá thai, các bé nằm chung với nhau trong những túi nylon màu đen lõng bõng nước, từ đó đem về các Nhà Dòng hay Nhà Xứ, có khi là về một ngôi Chùa nữa.
Đến khi đem chôn thì các bé được đặt chung trong một cái bát hương, hay hũ sành, trám ximăng lại rồi táng vào hầm mộ, hoặc đào sâu xuống đất, nơi sẽ xây lên một nấm mộ bé xíu, quét vôi trắng, hoặc ốp đá đen, thường là mộ chung của 20 đến 30 em bé. Ở DCCT và một vài nơi khác giữa lòng các thành phố lớn, khi chọn giải pháp là thiêu, tro cốt các bé như nắm bột màu ngà ngà trắng, được gói lại, hàn kín trong những bao nylon trong, đặt gọn giữa lòng một viên gạch kích thước 15x15x25cm, mỗi viên gạch như thế là khoảng 100 cháu. Ở Sàigòn trước đây mỗi ngày chỉ 1 viên, bây giờ có khi phải là 2, 3 viên. Cứ thế, sau 10 năm, riêng Nhà Dòng chúng tôi đã nhặt về tính ra đã hơn 35 vạn cháu bé, vượt qua số lượng thai nhi được chôn cất sau hơn 20 năm ở Huế !
Để có được những Nghĩa Trang như thế, các Linh Mục nam nữ Tu Sĩ chúng tôi làm sao cho xuể từ A đến Z ? Rõ ràng phải có rất đông anh chị em Giáo Dân cộng tác gắn bó tin cậy suốt nhiều năm mà chúng tôi xin được gọi chung là “Nhóm Tobia”.
Trước hết phải kể đến các y bác sĩ, điều dưỡng, y công còn có lương tâm, tại các nơi có phá thai, họ dứt khoát không nhúng tay phạm tội ác phá thai nhưng cũng không đành lòng làm ngơ để xác các bé bị đem đi như rác thải y tế hoặc tệ hơn, bỏ tọt vào nhà cầu, giật nước ùm một cái là xong như người ta vẫn thản nhiên làm.
Tiếp theo, chỉ tính riêng với DCCT, là một đội ngũ khoảng 40 anh chị em, do tính cách công việc quá nhạy cảm, họ gần như hoạt động đơn lẻ độc lập, không quen không biết nhau, nhiều lắm là đi chung 2 người với nhau hoặc chia nhau luân phiên hai tư sáu – ba năm bảy. Họ hoàn toàn tự nguyện, lắm khi chúng tôi hỏi thăm, họ cũng khéo léo từ chối không cho biết tên, biết địa chỉ và nghề nghiệp. Có lẽ họ vừa muốn khiêm tốn âm thầm làm việc, lại vừa muốn tránh mọi sự dòm ngó đồn thổi. Suốt buổi sáng cho đến tối khuya, dù mưa gió, áp thấp nhiệt đới, rớt bão tràn về thành phố, bất cứ lúc nào có em bé bị giết, họ lại có mặt để nhận xác và đem về nơi Góc Thương Xót, cuối hành lang dãy Nhà Hiệp Nhất ở DCCT chúng tôi. Họ hiểu, chỉ một sơ sảy trễ hẹn hay bỏ phiên, các em bé có thể bị vứt đi không thương tiếc, làm mồi cho chuột, chó, mèo, ruồi nhặng…
Kế đó, vào lúc 21g30 hằng đêm, khi cái vại lớn ở chỗ chúng tôi đã đầy ngập những túi nylon đen, ít gì cũng cả trăm xác, mà lắm hôm gặp đợt cao điểm phá thai, tổng cộng phải đến 10Kg xác em bé, đến phiên các bạn Nhóm Fiat ( gần đây có thêm Nhóm Amen là c1svien gốc Tân Hà, Bảo Lộc ), từng hai bạn trẻ làm thành một ca, gói ghém kỹ lưỡng tất cả trong 2, 3 lớp bao nylon to và dầy, túm lại, buộc chặt, thắp một nén nhang, đứng im cầu nguyện trong mấy phút trước tượng Đức Mẹ và ảnh Lòng Chúa Thương Xót, rồi rời Góc Thương Xót mang tất cả đi một đoạn đường khoảng 10 cây số đến một ngôi Nhà Nguyện nhỏ bé xa xôi ở ngoại thành.
Cuối cùng, tại điểm lo hậu sự, một thầy trợ sĩ DCCT sẽ cùng các bạn trẻ trong “Nhóm Tobia” riêng của thầy, đón lấy, đưa các bé ra khỏi các túi nylon, trộn với vôi bột, lại cầu nguyện, rồi bắt đầu đặt vào lò thiêu bằng gaz thật an toàn, gọn nhẹ, không gây ô nhiễm. Mấy tiếng đồng hồ sau, nhiệt độ giảm dần, tro cốt các cháu từ nay sẽ yên nghỉ trong từng viên gạch lớn ghi rõ trên nắp bên ngoài: RIP ( Requiescat in Pacem ) xây thành 3 bức tường lớn hình chữ U của Nghĩa Trang Anh Hài.
Như vậy đó, với 4 khâu lần lượt nối tiếp nhau của “Nhóm Tobia”, những linh hồn bé bỏng bị con người từ khước được về bên Chúa, còn thân xác tý hon thì được chăm sóc chu đáo. Công việc lầm lũi âm thầm, không lương bổng, không bồi dưỡng nhưng lại đòi hỏi một tinh thần trách nhiệm rất cao, giàu tình thương và lòng trung tín, không được để thất hẹn, cho dẫu phải phóng xe gắn máy đêm hôm về tận Bình Dương, Biên Hòa, Tây Ninh, Mỹ Tho rồi trở lại Sàigòn…
Hôm 28 Tết vừa qua, lúc 8g30 sáng, một cú phone bất ngờ từ Hóc Môn, cách Nhà Dòng chúng tôi khoảng 12 cây số: “Cha ơi, đến 10g30, cha gửi một bạn về nhận một thai nhi nhé, mẹ bé bây giờ đang nằm chờ trong phòng chuẩn bị rồi…” Các bạn gốc Sàigòn thì đang còn phải đi làm những ngày cuối năm, các bạn khác trong “Nhóm Tobia” thì đã về quê ăn Tết, tôi đang lo có khi chính mình phải lên đường, thì một bạn trẻ đang ngồi cộng sổ sách Quỹ Người Nghèo nghe tin đã nhận lời ngay: “Bố để con đi cho… Nhưng… khu vực ấy con không rành đường…” Cuối cùng bạn trẻ ấy cũng đã lên đường và mang về một bào thai đã 4 tháng tuổi còn ấm nóng đúng giữa trưa.
Tôi gọi phone hỏi cộng tác viên các nơi: “Tết nhất có phá thai không nhỉ ?” Họ trả lời: “Có chứ cha, cứ trả tiền cao là người ta làm tất ! Cha chuẩn bị tinh thần nhé…” Vâng, chúng tôi đã luôn chuẩn bị tinh thần, nhưng vẫn có một nỗi xót xa, buồn đến rũ người…
Còn nhớ, trước khi có các bạn Fiat tình nguyện, suốt trong 6, 7 năm liền, khâu thu gom xác thai nhi đưa đi thiêu này do gia đình bác MH. đảm nhận. Vợ chồng, các con trai con gái chia phiên nhau trong tuần, đến cả cô con dâu trong những ngày đang mang thai sắp sinh cũng luôn sẵn sàng. Vậy mà có lần cô con gái Út đang cặm cụi chở xe Honda một bọc to xác các thai nhi, dọc đường gặp một ông thầy tu trẻ, ông cười cợt mỉa mai: “Sao em ngu thế ? Người ta ăn ốc, em lại phải đi đổ vỏ à ?”
Vâng, tại sao lại có những con người, hầu hết là các bạn trẻ, lại tình nguyện làm cái chuyện ngược đời và có vẻ tào lao vớ vẩn như thế ? Nhiều Linh Mục cũng thường chất vấn chúng tôi theo cái kiểu châm biếm giễu cợt: “Sao các ông không chịu lo ngăn ngừa ngay từ cái gốc, mà cứ toàn lo giải quyết chuyện cái ngọn như thế, chẳng ra đâu vào đâu, vô ích !” Chúng tôi bực bội lắm nhưng rồi cũng đành nhịn, có cãi, có phân bua cũng bằng thừa, người ta không hề chú ý xem chương trình BVSS còn nhiều mặt hoạt động khác chứ đâu chỉ có khâu hậu sự chôn cất ! Những dư luận như thế thường chỉ có vậy, rồi thôi, chẳng thấy ai cùng lên tiếng, chẳng thấy ai bắt tay vào việc để cùng chúng tôi lo cái gốc rễ của vấn nạn nạo phá thai…
Ngẫm nghĩ thấy cái thân phận làm Tobia là như thế…
Đọc lại chuyện ông Tôbia trong Cựu Ước thì thấy được an ủi khích lệ rất nhiều. Cha con Tôbít – Tôbia quả thật là người hiền lành dễ thương chứ không đành hanh bần tiện, giàu lòng nhân ái chứ không vô cảm, luôn sẵn sàng giúp người nghèo đói khốn quẫn. Lại thấy xác những người bị vua giết hại quăng ra ngoài thành, không nỡ để cho thú dữ xé thịt, cha con ông lại đi đào huyệt chôn cất đàng hoàng tử tế. Vua biết được thì tức giận cho lùng bắt trị tội, ông Tôbit đã phải bỏ trốn biệt tích, gia sản bị sung công tất cả, trừ bà vợ là Anna và con trai là Tôbia.
Rồi mãi đến khi vua ấy bị giết chết, vua khác lên ngôi, ông Tôbít mới được tha về, vậy mà hai cha con vẫn cứ liều mình đi chôn cất những xác chết oan khiên đầu đường xó chợ. Láng giềng chế nhạo và mắng rằng: "Hắn vẫn còn chưa sợ ! Người ta truy nã để giết hắn về tội ấy và hắn đã phải trốn đi, thế mà hắn lại vẫn cứ đi chôn cất người chết !" ( Tb 2, 7 ).
Sau này, khi Tôbia cưới được vợ phương xa là Sara và mang thuốc quý trở về chữa bệnh mù cho cha, thiên thần Raphaen mới bảo với cha con Tôbia: “Chính tôi đã tiến dâng những lời cầu nguyện lên trước nhan vinh hiển của Đức Chúa, để xin Chúa nhớ đến hai người; tôi cũng làm như vậy khi ông chôn cất người chết. Và khi ông không ngại trỗi dậy, bỏ dỡ bữa ăn để đi chôn cất người chết, bấy giờ tôi được sai đến bên ông để thử thách ông và chữa lành cho ông…” ( Tb 12, 12 ).
Cựu Ước ghi lại câu chuyện thật có hậu. Trải qua bao thăng trầm, vui buồn, hạnh phúc và khốn khổ, ông Tôbít sống thọ đến 112 tuổi trong bình an. Còn Tôbia còn thọ hơn cha, đến 117 tuổi mới ra đi trong hạnh phúc. Có cái gì đó là lẽ nhân – quả trong cuộc đời cha con ông Tôbia hay đó là phần gia nghiệp Thiên Chúa ban tặng cho những ai sống công chính và có tấm lòng xót thương người ?
Trước mắt, chúng tôi viết bài này không nhắm đến chuyện phô trương, kể lể công khó thay cho các anh chị em “Nhóm Tobia” gần xa khắp nơi trên quê Việt, nhưng thật sự chỉ muốn “mừng tuổi” họ đúng vào ngày đầu năm mới.
Vâng, hôm nay họ đang cặm cụi đi “đổ vỏ” trong khi người đời tiếp tục ngang nhiên “ăn ốc”, họ vẫn nhẫn nại chôn cất các thai nhi đáng thương hằng ngày. Trong thinh lặng âm thầm của Sự Chết vẫn có vạn điều lên tiếng nói cho Sự Sống, cho Lương Tri, “Nhóm Tôbia” vẫn đang ở đầu sóng ngọn gió của phong trào BVSS. Họ vẫn đang chỉ ra cho mọi người thấy một đất nước ngỡ là đã hòa bình nhưng hằng năm vẫn có đến 3 triệu em bé phải chết, một quê hương có quá nhiều nghĩa địa và những rừng cây thập giá…
Mừng tuổi “Nhóm Tôbia” thế nào đây ? Chúng tôi tin, chẳng phải đợi đến cuối đời, ngay từ bây giờ anh chị em cũng đã được hưởng ân phúc trong Bình An thật sự của Thiên Chúa không thua gì cha con ông Tôbia ngày xưa…
“Phúc thay ai biết xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” ( Mt 5, 7 ).
Lm. QUANG UY, DCCT,
Theo EPHATA số 548
0 nhận xét:
Đăng nhận xét