Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Đức Benedictô XVI, những chặng đường kế vị Phêrô (2)



Hà Nội - Đường hội thánh đi
Năm 2005, khi Đức Hồng Y Ratzinger lên ngôi thánh  Phêrô với danh hiệu Benedictô XVI, thì tiếng tăm (-hay tai tiếng ?-) về sự “bảo thủ” của tân giáo hoàng đã lan xa, đã đi trước con người. Một số giới nào đó, có cả những nhà thần học, đã hằn học dành cho ngài những mỹ từ làm biệt hiệu- Rottweiler của Chúa, hồng y Panzer ( Rottweiler là một loài chó Đức chuyên giúp việc chăn giữ các đàn chiên cừu, còn Panzer là xe thiết giáp của quân đội Đức hồi thế chiến thứ 2). Đó là vì trong những năm dài sát cánh với Đức Gioan Phao-lô II trong nhiệm vụ bộ trưởng giáo lý đức tin; ngài đã phê bình, kiểm duyệt, thậm chí thanh trừng những tư tưởng mà ngài cảm thấy có hàm lượng vi trùng lệch lạc. Cách Ngài khẳng định tín lý bị nhiều người coi là quá cứng nhắc, quá hẹp nghĩa.

Nếu chỉ nghe những biệt hiệu Rottweiler, Panzer, ta dễ hình dung một nhân vật mặt sắt đen sì, hét ra lửa. Từ ngày nhân vật ấy trở nên Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI, hằng ngày xuất hiện trước trăm nghìn cặp mắt, ta lại được làm quen với một con người khác. Một cụ già nhân dáng mong manh, phong thái rất mực hiền hòa, nói năng nhỏ nhẹ, ôn tồn, mái tóc bồng bềnh bạc phơ. Cụ nói về Thiên Chúa là tình yêu mến, về người ta đuợc cứu thoát nhờ hi vọng cậy trông, về nói sự thật trong lòng mến ( nhan đề của ba thông điệp lớn: Deus caritas est, Spe salvi, Caritas in veritate ). Cụ nói về những giá trị nhân bản, về hòa bình, đối thoại, về vấn đề sinh thái, môi trường, v..vv… Tư tưởng rất khúc chiết. Trong khi tư duy của Đấng tiền nhiệm Gioan Phaolô II có vẻ trùng trùng điệp điệp, vời vợi cao sâu, thì ý và lời và ngữ nghĩa của Đức Benedictô XVI lại cứ trong suốt như nước từ nguồn chảy ra, hồn nhiên róc rách.
Tất nhiên những sự ấy chẳng có gì mâu thuẫn với một lập trường dứt khoát. Nhưng ta chợt chột dạ, thế những cái gọi là Rottweiler, là Panzer đâu rồi? Có lẽ ở vào thời đại các phương tiện truyền thông tranh đua phát triển vũ bão này, người ta thích những công thức “chém gió”, gói gọn những điều uyên áo vào một vài khẩu hiệu bắt mắt, sướng tai, tuy rằng sự thật thì bao giờ cũng đa dạng, và tổng hợp.
Xem ra Đức Benedictô đúng là một người nặng lòng với di sản quá khứ. Nhưng đâu có phải cứ quá khứ là vô giá trị? Bởi vì có những giá trị vĩnh hằng; chẳng lệ thuộc vào thời gian quá khứ, hiện tại hay tương lại. Người ta có thể bảo thủ chỉ vì tâm trí không theo kịp những biến đổi của thời đại, trở nên dị ứng với những cái mới. Nhưng người ta cũng có thể yêu quá khứ, vì đã cảm được cái tâm, cái tinh hoa anh linh, cái vi diệu dưới một bộ áo cổ xưa nào đó. Ngay từ những ngày còn là một thần học gia trẻ, làm cố vấn cho Đức Hồng y Frings ở Công đồng Vatican II, cha Ratzinger đã chủ trương phải về nguồn Thánh Kinh, về nguồn giáo phụ. Ở cái nguồn ấy, có kho báu của đức tin, có dòng chảy của Mạc Khải, có những đỉnh cao của tâm linh nhân loại. Trong trường hợp này thì không còn là sự bảo thủ hẹp hòi. Trong “ôn cố” có “tri tân”. Thì cũng như Đức Chân Phước Gioan XXIII với Công Đồng Vatican II, “về nguồn” để đi vào “hôm nay” (Aggiornamento).
Trong nhiệm vụ là người đứng đầu bộ giáo lý Đức Tin, Đức Ratzinger đã từng mang tiếng là mạnh tay trong phê phán và kiểm duyệt. Đó là nhiệm vụ của Ngài , và cũng là một nhiệm vụ thích hợp với trí tuệ sắc sảo rất ưa chính xác của Ngài. Cho nên đừng thấy tăm tiếng là Rottweiler hay Panzer mà tưởng tượng ra một ông chuyên chính, công an tư tưởng hay một ông thông tin tuyên truyền một chiều. Lấy ví dụ như trong vụ nhà thần học Jacques Dupuis với vấn đề các tôn giáo ngòai Kitô  giáo chẳng hạn. Nhận định của Bộ giáo lý Đức Tin, mang chữ ký của hồng y Ratzinger phân biệt rõ cách hiểu đúng và hiểu không đúng về những điểm tín lý quan trọng “khả dĩ đưa người đọc vào những quan điểm sai lầm hoặc nguy hiểm”. Tuy rằng đó là “ngoài ý của tác giả”. Sau đó là những minh định về tín lý: “Khẳng định rằng trong các tôn giáo có những hạt mầm chân thiện; một cách nào đó đã thuộc về chân thiện hàm chứa nơi Đức Giêsu Kitô, thì đó là hợp với đạo lý Công giáo. Trái lại, nếu coi tất cả hoặc phần nào những yếu tố chân thiện đó mà không phát xuất uyên nguyên từ nguồn suối trung gian Giêsu Kitô thì là một quan điểm sai lầm”.
Dựa vào những nhận xét như thế để cho rằng Đức Ratzinger muốn quay về với những cung cách của Pháp đình tôn giáo truy tà thời Trung cổ xa xưa thì thật là cố tình vu khống. Hóa ra đằng sau cái tinh thần rạch ròi, thích chính xác, thích những phân tích tế vi đó không phải là một pháp quan cau có, mọi sự cau có hình như nằm cả bên những người cau có với Đức Ratzinger. Nếu khi gặp ngài Ratzinger bằng xương bằng thịt, ta ngạc nhiên thấy một người hòa nhã, thanh thoát, một tâm hồn vui với đạo, vui vì ở trong ánh sáng. Từ ngày kế vị Phêrô, Đức Benedictô XVI đã biết bao lần nói về niềm vui của đức tin, nhất là những khi tiếp xúc với người trẻ, thậm chí ngài đã viết cả một cuốn sách về niềm vui ấy. Niềm vui là một nét nổi bật trong linh đạo của ngài. Có phải vì thế mà con người mang tiếng khó tính này lại hay ngồi vào piano để thả hồn theo những giai điệu rực sáng hân hoan, thoăn thoắt tung tăng của Mozart? Hóa ra không phải khó tính, mà là một sự tinh tế cao độ.
Dư luận cho rằng sau khi Đức Gioan Phaolô II qua đời, sở dĩ trong Hồng y đòan đã nhanh chóng thành hình đa số hai phần ba để suy tôn Đức Ratzinger lên ngôi giáo hoàng, phần lớn là vì các hồng y đã có ấn tượng sâu sắc về Đức Ratzinger trong những ngày Tòa Thánh trống ngôi. Lúc đó ngày nào cũng hội họp hồng y. Và Đức Ratzinger do nhiệm vụ đòan trưởng hồng y đoàn, phải điều hành các cuộc họp. Đấy là cơ hội để hồng y đòan thế giới phát hiện một ngài Ratzinger rất mau nắm bắt các ý kiến, biết lắng nghe sâu sắc, có lối ứng xử thông minh mà đằm thắm trong rất nhiều tình huống khác nhau.
Có một vị hồng y Việt Namkhi ấy đã qua đời, nhưng đã để lại một vài kỷ niệm có ý nghĩa. Năm Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã được mời giảng tĩnh tâm ở Vatican, chủ đề “Năm chiếc bánh và hai con cá”. Ít lâu sau, Đức Hồng y Ratzinger cho thư ký riêng đến gặp vị giảng thuyết. Đức Hồng Y Thuận kể lại với đôi chút hóm hỉnh rằng: lúc  đầu ngài chột dạ, hay là vì bộ trưởng giáo lý đức tin có điều gì phê phán mấy bài giảng? Không phải. Hồng y Ratzinger chỉ muốn xin bản văn mấy bài giảng để chia sẻ với anh em giáo sĩ bên Đức. Ngài cho rằng anh em ở Đức cần nghe những kinh nghiệm đó. Văn phong của Đức Hồng Y Thuận thì khác với Đức Ratzinger; ở đây thần học hay linh đạo nhè nhẹ tỏa ra từ một giọng nói rỉ rả kể lể những cảm nghiệm của một người lâu năm ở tù với Chúa, điểm thêm những nụ cười ý nhị. Sau này, trong thông điệp Spe salvi về niềm hi vọng cậy trông, Đức Giáo Hoàng Benendictô XVI sẽ nhắc đến Đức Hồng Y Thuận một cách trìu mến . Nghĩa là Ngài không chỉ ở trong những nguyên lý thần học để phán xét, mà còn thu lượm những kinh nghiệm sống để cảm thông.
Ngày 19/04/2005, sau một mật nghị ngắn ngủi Đức Hồng Y Ratzinger đã được bầu làm Giáo Hoàng kế vị Đức Gioan Phaolô II dưới danh hiệu Benedictô XVI. Tiếng Latinh có một từ thừa hưởng của ngoại đạo, để gọi các giám mục, nhất là vị thủ lãnh các giám mục là Đức Giáo Hoàng. Đó là từ Pontifex. Pontifex có nghĩa là người bắc cầu. Riêng đối với Đức Giáo Hoàng, người ta thêm từ “tối cao” (Summus Pontifex). Người Pháp nói: Souverain pontife: “Vua bắc cầu”, nếu dịch theo từ nguyên.
Đức Giáo Hoàng là người bắc cầu giữa Thiên Chúa với lòai người. Với bí tích giám mục, người là Đấng chủ tế trong phụng tự. Với sứ mạng giảng dạy và hướng dẫn đức tin, người lắng nghe tiếng Chúa, bắt mạch thời đại (“điềm thời đại”, “dấu chỉ thời đại” của Đức Chân Phước Gioan XXIII), để diễn dịch tiếng Chúa, ý Chúa cho người đương thời. Người đi trong mạch đức tin truyền thống của Hội Thánh, người cũng lắng nghe tâm tư lành mạnh hay bệnh hoạn của xã hội bao quanh, đâu là những giá trị thật, đâu là những lệch lạc ngoan cố. Nghe tiếng Chúa làm sao cho rõ, bắt mạch thời đại làm sao cho trúng. Thế cũng là bắc cầu.
Từ ngày đó, Đức Benedictô XVI chăm lo bắc cầu giữa bến bờ của Thiên Chúa với bến bờ của lòai người …
Matthêu Vũ Khởi Phụng, CSsR
Nguồn: VRNs
(Còn nữa)
Kỳ sau: Người bắc cầu, người phá cầu 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét