Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Nhận định về những lời sấm gán cho Thánh Malachy


Trích từ 1 forum: Thư trả lời của một Nữ Tu cho một nữ độc giả
Mình dùng chữ lời sấm trong những phần sau đây vì nó gần với kiểu sấm Trạng Trình của Việt Nam; còn chữ tiên tri trong Giáo Hội không có ý nghĩa 'báo trước' theo kiểu dự đoán / tiên báo khoa học hay bói toán.
1. Những lời sấm gán cho Thánh Malachy là một phản ánh của một giai đoạn đáng buồn cho Giáo Hội. Những chuyện đáng buồn này rất tiếc có thể sẽ vẫn tiếp tục diễn ra. Trước nhất, vì thánh Malachy là một thánh nhỏ, hầu như chỉ được biết đến ở Ái Nhĩ Lan. Khoảng 400 năm sau khi ngài qua đời, người ta đã lợi dụng sự khiêm tốn của Thánh nhân để gán cho ngài những lời sấm hầu không ai kiểm chứng được.
Các sử gia từ xưa đã nghiên cứu và thấy rằng những lời sấm này xuất hiện vào năm 1590 trong dịp bầu Giáo Hoàng. Một nhóm ủng hộ Đức Hồng Y Simoncelli muốn ngài lên làm Giáo Hoàng đã tung ra những lời sấm này, tương tự như mưu kế của Nguyễn Trãi cho viết câu 'Lê Lợi vi quân. Nguyễn Trãi vi thần' bằng mật / đường lên lá để kiến ăn thủng rồi phát tán khắp nơi, hầu mọi người tin rằng ý trời muốn Lê Lợi đánh thắng quân Thanh để lên làm vua.
Cũng thế, câu chính xác nhất trong toàn bộ 112 lời sấm này là câu nói về Đức Hồng Y Simoncelli. Lời sấm đó như sau: 'Từ một thành phố cổ', tiếng La Tinh là: 'Ex antiquitate urbis'. Ý nói Đức Tân Giáo Hoàng trong mật nghị 1590 sẽ đến từ một thành phố cổ. Tuy nhiên thành phố nào ở Ý lúc đó cũng cổ kính cả thì biết ai sẽ là Giáo Hoàng. Tất nhiên những người tung ra lời sấm này đã chơi chữ vì Đức Hồng Y Simoncelli sinh ra ở thành phố Orvieto có nghĩa là thành phố cổ. Kế hoạch của nhóm không thành vì người được bầu không phải là Đức Hồng Y Simoncelli, mà là Đức Hồng Y Niccolo Sfondrati, lấy hiệu là Giáo Hoàng Gregory XIV.
Nói chung, những câu tính từ đời Đức Giáo Hoàng Celestin II ( 1143 – 1144 ) đến năm 1590 đều có độ chính xác cao tùy theo cách suy diễn. Tuy nhiên từ sau năm 1590 thì cần phải có óc tưởng tượng thật phong phú mới có thể ghép một câu sấm vào một triều đại Giáo Hoàng hoặc ngụy Giáo Hoàng. Nói trắng ra từ năm 1590 trở về sau thì sai bét ! Nói một cách khác đi là những lời sấm được viết vào năm 1590, nên những gì trở về trước đã xảy ra. Nhóm tạo ra lời sấm dựa trên lịch sử, sửa chữa đôi chút cho có vẻ thần bí. Còn từ năm 1590 trở về sau thì họ bó tay, nhưng những người suy diễn giầu óc tưởng tượng ngày nay cố gượng ép gán vào.
Xem thêm thông tin này xin vào website http://en.wikipedia.org/wiki/Prophecy_of_the_Popes
2. Cũng cần nói thêm là những lời sấm là những câu ngắn, nói theo kiểu bói toán: 'Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai' của Việt Nam. Ai muốn suy thế nào thì tùy ý. Phần 1 của bài viết trong email chị gửi nói rằng lời sấm nói chính xác tên và niên đại của Giáo Hoàng là một cách viết dối trá trắng trợn, hoặc thiếu hiểu biết nghiêm trọng. Wikipedia có chụp một phần những lời sấm này đăng trên góc phía bên phải của website cho thấy chỉ là từng câu ngắn, không theo trình tự nào.
Ví dụ có vị Giáo Hoàng nào từ thành phố Ostia lên ngôi thì người ta xem có câu nào có chữ Ostia, và gán cho vị Giáo Hoàng đó, và từ đó đến nay có khá nhiều vị Giáo Hoàng xuất thân từ Ostia, kể cả Đức Giáo Hoàng Benedict cũng là từng là Hồng Y Giám Mục Ostia. Hoặc như câu 'Mục tử và thủy thủ' thì Giáo Hoàng nào chả là mục tử, còn thủy thủ thì người ta suy rằng vị Giáo Hoàng đó xuất thân từ vùng sông nước. Ai biết địa lý nước Ý thì chung quanh là biển, chỗ nào mà chả có nước. Câu này mà suy thì có lẽ đúng với hầu hết các vị Giáo Hoàng từ trước tới nay, kể cả thánh Phêrô !
Tóm lại, những câu nói chung chung ngắn gọn như vậy thì suy tới suy lui thế nào cũng có điểm trùng nhau, tương tự như những lời sấm của Trạng Trình Việt Nam vậy. Đây chẳng qua là một lối suy diễn bình dân tương đối thịnh hành ở thời xưa. Ngày nay ít thấy xuất hiện, nhưng việc bàn tán thì có lẽ sẽ vẫn còn tiếp diễn dài dài.
3. Việc có 112 câu ứng với 112 triều đại Giáo Hoàng cũng chẳng có chút gì là hợp lý. Người ta tính từ thời Đức Giáo Hoàng Celestine II là vị Giáo Hoàng thứ 166 thì nếu cộng vào sẽ đến vị Giáo Hoàng thứ 278. Tuy nhiên, những người muốn cho lời sấm hiệu nghiệm thì họ cho thêm một số ngụy Giáo Hoàng mà họ muốn vào, những vị không muốn thì họ bỏ ra, để tính toán sao cho đến Đức Giáo Hoàng Benedict XVI là đủ 112 vị theo số lời sấm. Cách tính toán tùy tiện này ai làm cũng được chứ đâu cần phải sấm truyền.

4. Bài viết nói: “Tên của vị kế tiếp theo tiên tri của Thánh Malachy sẽ là người có tên hiệu Peter the Roman tức tên thật là Francis Arinze, sẽ lấy hiệu Giáo Hoàng là Pius XIII ( Phêrô thứ 13 ) là một con quỷ chống Chúa Giêsu và phá tan Vatican.”. Những lời này hoàn toàn không có trong lời sấm do thầy Arnold Wyon xuất bản. Mình không hiểu tại sao lại có thể gắn tên hiệu 'Peter the Roman' với tên Đức Hồng Y Francis Arinze, không có chút liên hệ gì cả, rồi Pius XIII mà lại chú thích là Phêrô XIII thì thiếu hiểu biết hết thuốc chữa.
Chú thích thêm: Có thể người ta muốn nói đến 'Black Pope' chăng ? Có một vị Hồng Y da đen người Ghana hiện nay đang sáng giá, được một số người dự đoán có thể làm Giáo Hoàng, tên là Peter Turkson. Nếu những người suy diễn có hiểu biết hơn một chút thì phải nói đến ngài mới có chút liên hệ vì ngài có tên là Peter, chứ còn Đức Hồng Y Arinze thì không có chút dính dáng gì đến lời sấm cả. Tuy nhiên, nếu ai nghĩ rằng chữ 'Black Pope' là Giáo Hoàng người da đen thì có lẽ cần được uống thêm thuốc bổ óc. Chữ này được dùng từ lâu để chỉ Bề Trên Tổng Quyền của Dòng Tên. Muốn hiểu rõ mối quan hệ này thì có lẽ phải cả một thư viện sách mới giải thích hết được.
Ý KIẾN:
1. Vấn đề thầy Dòng Biển Đức Arnold de Wyon ghi lại những lời sấm vô tội vạ và không rõ nguồn gốc này có thể chỉ là một sở thích sưu tầm. Thứ tự, nội dung và số lượng những lời sấm không tương ứng với bất kỳ chi tiết lịch sử nào, và được gán cho một vị Thánh để có tính chất khả tín như thói quen thời bấy giờ. Tội nghiệp cho Thánh Malachy không hiểu tại sao lại bị lôi vào chuyện này. Giữa ngài và các lời sấm này không hề có một chi tiết liên hệ nào, chỉ là những tin đồn gán ghép.
2. Những người suy diễn / dịch những lời sấm này bây giờ cũng là những người thích sưu tầm những sự lạ. Những websites sưu tầm những lời sấm này không thấy hoặc chưa thấy có một cơ quan nào công khai nhìn nhận là của mình. Hầu hết là của những người nặc danh hoặc thỉnh thoảng có xưng danh nhưng theo kiểu mật mã. Ví dụ website mà phần 1 của email chị gửi cho mình có tên là alamongordo. Có lẽ nhân vật hoặc nhóm này muốn lấy tên vùng Alamongordo nơi Hoa Kỳ thử bom nguyên tử trước khi đem thả ở Nhật Bản năm 1945.
3. Những người chuyển những websites, emails, thông tin, v.v... này rất tiếc là những người đạo đức, yêu mến Giáo Hội, lo lắng cho Giáo Hội, nhưng vô tình tiếp tay vào việc phát tán những thông tin làm lung lay Đức Tin của những người còn non yếu. Có một điểm lạ là những điều này đã có từ xa xưa, cứ thỉnh thoảng lặp lại, nhưng vẫn có người tin.
LỜI KHUYÊN:
1. Những lo lắng về mặt thiêng liêng thường gắn liền với những vấn đề thuộc về thể lý ( thân xác và tâm lý ).
Linh hồn và thân xác hợp nhất tạo nên con người chúng ta, nên mọi tác động từ trong ra hay từ ngoài vào đều có mối liên hệ với nhau. Vì thế khi thân xác bị tác động xấu thì thường linh hồn cũng bị ảnh hưởng, và ngược lại. Vậy những người bị vấn đề tâm linh thì thể lý thường cũng có vấn đề. Để điều trị thì cần kết hợp cả hai.
Trong trường hợp cụ thể là những người thường nghĩ đến những đại họa hoặc tận thế một cách không lành mạnh thường đã bị một vấn đề gì đó, có thể về vấn đề tâm linh, nhưng cũng có thể về thể lý. Cần tìm ra nguyên nhân mới biết được tại sao người ta hay bị ám ảnh và lo lắng một cách thái quá.
2. Vấn đề Đức Tin. Biết một cái gì nửa vời cũng dễ bị nguy hiểm. Đức Tin nửa vời cũng vậy. Vì thế việc giáo dục Đức Tin qua các bài học về Thánh Kinh và Giáo Lý rất cần thiết để con người ta có một cuộc sống tâm linh lành mạnh.
Một người có lòng đạo đức trung bình mỗi ngày ít nhất cũng đọc một kinh Lạy Cha. Tuy nhiên, một số người không đủ lòng tin nên tuy miệng đọc 'Nước Cha trị đến' nhưng lòng thì lo sợ vì lỡ Nước Cha trị đến thật thì nguy quá ! Do đó việc cầu nguyện của họ hoặc chỉ ngoài môi miệng. Mắt họ đọc Thánh Kinh thấy Chúa hứa 'cửa hỏa ngục cũng không thắng được' Giáo Hội ( Mt 16, 18 ), nhưng trong lòng thầm nghĩ lỡ Chúa hứa lèo thì sao ? Những trường hợp này không phải bây giờ mới có, mà đã có từ thời xa xưa ( Is 29, 13; 42, 19 ) và Chúa Giêsu đã nhắc lại ( Mt 13, 13; 15, 8 ).
Bài Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Chay Năm C nói về việc Chúa Giêsu bị cám dỗ. Thông thường chúng ta bị cám dỗ nhiều về tình dục, tiền tài, danh vọng, v.v... Tuy nhiên mục tiêu chính của ma quỷ là cám dỗ Chúa Giêsu Chúa Giêsu về Đức Tin. Đây là bài học lớn cho mỗi người chúng ta. Người nào bị cám dỗ về tình, tiền, tài, v.v... mà sa ngã, nhưng nếu vẫn còn Đức Tin thì còn có cơ may trở về với Chúa, nhưng người nào mất Đức Tin thì nguy hiểm hơn nhiều. Nói chung Đức Tin của chúng ta đều yếu đuối,  nên trong năm Đức Tin này cần tận dụng mọi cơ hội để học Thánh Kinh và Giáo Lý nhiều hơn.
Trong trường hợp cụ thể này thì những người bị ám ảnh về các đại họa hay lo lắng thái quá về ngày tận thế có thể đang bị thử thách nghiêm trọng về Đức Tin. Cần tìm những biện pháp để nâng đỡ Đức Tin của họ bằng việc học hỏi, cầu nguyện, linh hướng.
3. Ngoài hai nguyên nhân chính nói trên, còn có thể có nhiều nguyên nhân phụ do như (a) dư thời gian, (b) bị người xấu mê hoặc, (c) thiếu thông tin, v.v... Tuy những nguyên nhân phụ (a, b, c) này nghe có vẻ xa nhau, nhưng lại có liên hệ chặt chẽ với nhau. Muốn trị bệnh cho những người này thì cũng cần tìm hiểu những nguyên nhân này.
Ví dụ một người vất vả kiếm miếng ăn từng bữa thì việc tận thế hay khủng hoảng về ngôi Giáo Hoàng sẽ không có tác dụng nhiều đến họ. Họ biết có xảy ra họ cũng không tránh được nên mối bận tâm của họ là cần kiếm miếng ăn ngày hôm nay trước. Chết đói nguy hiểm hơn có 3 Giáo Hoàng tranh giành ngôi vị.
KẾT LUẬN:
Mình hy vọng những nhận định, phân tích và lời khuyên của mình giúp cho chị nhìn ra vấn đề để giúp cho những người khác. Nếu chị cần làm sáng tỏ hơn về điểm nào thì cho mình biết nhé.
Chúc chị cùng toàn thể mọi người thân yêu Mùa Chay thánh thiện. God bless…
NMH
Theo EPHATA số 550

0 nhận xét:

Đăng nhận xét