LTCGVN (26.02.2013)
Sàigòn
Trong mấy tháng vừa qua, báo chí trong và ngoài nước đã đề cập đến chuyện chống đối căng thẳng giữa đức cha Helder Camara và chính phủ quân phiệt Ba tây. Trong một bài sau, bạn Hồ Đỉnh sẽ cống hiến bạn đọc những tài liệu mới mẻ nhất và đầy đủ chi tiết nhất về vụ tranh chấp ấy.
Trong bài này, dựa vào một tài liệu của luật sư Tournier, chúng tôi muốn tìm hiểu con người của đức cha Camara, vì con người của ngài có thể nói được là một “dấu chỉ thời đại” một dấu chỉ của thời hậu Công đồng Vatican II.
Giáo hội ngày nay không chỉ an ủi và khuyến khích những người xấu số can đảm chịu cảnh nghèo đói, không chỉ tổ chức những công cuộc bác ái, nhưng còn chiếu đấu cho họ nữa, để họ có cuộc đời xứng đáng với phẩm giá con người.
Đức chaCamara, Tổng giám mục địa phận Recife, Ba Tây, là một trong những giám mục đi tiên phong trong công cuộc cam go này.
Nói đến nước Ba Tây, người ta nhờ ngay đến thành phố Riode Janerio thành phố hoa lệ với hàng trăm ngôi nhà “chọc trời”, vươn mình lên ngạo nghễ, với các cửa biển tráng lệ, luôn có những tàu bè của các nước trên thế giới ra vào tấp nập. cái bãi biển tràn giang ấy được gọi là bãi “Kim Hoàn”.
Dĩ nhiên là khi nói đến Ba Tây, không ai nhớ đến vùng Đông Bắc của nước này, một vùng hình tam giác, mà người ta đặt cho cái tên là “Tam giác Đói”. Nơi đây dân chúng chui rúc trong những túp nhà thiếu vệ sinh, thiếu nước, thiếu khí, thiếu ánh sáng; những túp nhà bằng đất thó, hoặc bằng là cây, hoặc bằng những mảnh thiếc cắt ra bởi các hộp đựng đồ. Nguyên mỗi một vùng Rio đã có 200 đám nhà làm san sát nhau như bát úp. Dân cư chen lấn nhau dưới những đám nhà ấy lên đến 800.000 người.
Là người cha của một đoàn con sống trong những nhà “ổ chuột”, Đức Cha Camara không dùng những trang phục của chức giám mục. Ngài chỉ mặc một áo chùng thâm đơn sơ; ngài không xỏ nhẫn nạm ngọc; ngài không đeo thánh giá vàng mà chỉ đeo một thánh giá gỗ.
Thông cảm với người nghèo và hòa mình với người nghèo, ngài còn hành động ráo riết để cho thân phận nghèo được trở thành khá hơn.
Trước Công đồng Vatican II, đức cha Camara làm giám mục phụ tá, và lo Công giáo Tiến hành. Ngài thường tuyên bố: “Đây là thời giờ khẩn trương để phân chia đất, hoa lợi, và thuế cho công bình, và để giúp dân ra khỏi tình trạng thất nghiệp, đói kém”.
Với chủ trương ấy, nhất là với tài tự nhiên thu hút nhân tâm, ngài rất được người ta mến chuộng. Nói ví thử ngài ra ứng cử tổng thống, thì nguyên ở một vùng Rio, ngài cũng đã được ít nhất 3/4 phiếu. Và nước Ba Tây sẽ có một vị thủ lãnh và một chính phủ như lòng dân mong đợi.
Nhưng lòng bác ái của đức cha Camara ở ngoài phạm vi chính trị, và cũng vượt ra ngoài biên giới một nước Ba Tây. Mọi con người đói – bất cứ là ở chân trời nào – đều được ngài tưởng nhớ đến và ấp ủ trong tình thương.
Một tờ báo Pháp tả đức cha Camara trong Công đồng như sau: người nhỏ, đầu tròn như quả táo, da nhăn, tay múa máy huyên thuyên, miệng nói thao thao… Vị Giám mục này, là một trong những khuôn mặt nên thơ và dễ thiện cảm nhất trong Công đồng. Ngài không mấy khi lên tiếng can thiệp giữa những phiên họp khoáng đại; song ngài thuyết trình nhiều, trong nhiều dịp, và về nhiều vấn đề. Trong sổ tay của khách thập phương đến La Mã trong thời kỳ Công đồng, tên Camara được ghi vào danh sách những nhân vật không thể bỏ qua mà không diện kiến. Ngài là một “Tiếng nói” của thời đại không hề thôi kêu gọi các kitô hữu chú ý đến cảnh đói rét và bất công trên thế giới.
Ngày 12 tháng 4, năm 1964 , Đức Cha Camara đến phi trường Re1cife, với tư cách là Tổng giám mục địa phận này. Nơi đây đã có mấy vạn người chực sẵn đón chào vị chủ chiên mới, vì người ta đã nghe nói quá nhiều về “Người bạn của dân nghèo này”.
Hôm sau là lễ nghi nhận Tòa của ngài tại thánh đường Olinda, trước sự hiện diện của 40 giám mục và các quan khách đông đúc, có đủ cả đạo đời, quân, dân, chính. Đây là một dịp tốt để ngài lên tiếng bênh vực những kẻ yếu, và phản đối các bất công xã hội. Không thích dùng những kiểu nói úp mở, ngài chỉ đích danh những con người mà ngài bênh chữa, nghĩa là các cán bộ Công giáo Tiến hành đang bị giam từ ngày cách mạng thành công, vì lý do là họ đã “dám dùng những danh từ nặc mùi cộng sản”. Sau khi đã giải thích minh bạch như phơi trần sự thật về các bị can, ngài lớn tiếng kêu gọi: “Chúng ta hãy sáng suốt và can đảm để cứu vãn những quan niệm chính đáng, song đã bị diễn tả ra không được khéo léo, vì dùng những danh từ bị cấm đoán thời ấy”.
Một bài diễn văn thích thời, trả lời thỏa đáng cho nhu cầu dân chúng Ba Tây. Song cũng có kẻ bực tức. Đó là những người không công nhận Tin Mừng Chúa Kitô bằng việc làm và đời sống thực tế. Họ phao ra cái tin thất thiệt: đức cha Camara là cộng sản. Họ không ngờ rằng họ phản đối và họ vu khống cho vị giám mục thiện chí này, tức là chính họ xây dựng cho cộng sản.
Mặc dầu có những phao đồn bất lương, thanh thế của Đức Cha Camara càng ngày càng thêm vững, nhờ chương trình vô tuyến truyền hình của ngài. Hai tuần một lần, tiếng nói: “Chúng ta hết thảy là anh em” cứ đều đều đến tai tất cả các người nghèo. Và ngài tự hiện diện khắp nơi trong nước Ba Tây.
Ngài dõng dạc lên án những nhà tỷ phú xử đãi bất công với người làm và che đậy sự bất công của họ bằng những việc bố thí cho các công cuộc từ thiện hay công đức vào nhà thờ. Các hành động ấy không che mắt Thiên Chúa được. Chúng không thể bù lại cho các món tiền lương họ phải trả cho thợ và các nhu cầu xã hội mà họ phải bảo đảm cho những người thuộc về họ, song đã khéo léo cắt xén. Ngài nói: còn quá nhiều những ông chủ sống theo nếp sống của thời Trung cổ, bo bo giữ chính sách thực dân.
Lời ngài kêu gọi vượt khỏi ranh giới Ba Tây để đi đến các nước mạnh. Ngài van nài họ đừng mua với một giá “bóc lột” các nguyên liệu của những nước bị trị mà họ bắt phải tôn xưng họ là mẫu quốc, song sự thực là họ cưỡng bách những nước này, và dùng chính sách thực dân khéo che đậy để làm cho các dân tộc đã nghèo lại càng nghèo thêm.
Ngài nhấn mạnh trên trách nhiệm nặng nề của các nước giàu mà cho đến nay họ chỉ viện trợ cho các nước nghèo những cái thừa thãi, vặt vãnh, không đáng giá hơn 1/100 trên lợi tức nguyên trạng của họ.
Ngài quả quyết rằng: tình trạng thất nghiệp và đói ốm sẽ tiêu ma đi, nếu các quốc gia được thiên nhiên hậu đãi hơn có một ý định thành thật; và nếu đại đa số đồng bào biết độ lượng hơn trong sự giúp đỡ người nghèo. Cái cảnh bần cùng sẽ biến khỏi mặt đất này, nếu mỗi người trong chúng ta bỏ các khoản chi tiêu hoang phí đi mà giúp cho đồng bào nghèo; và nếu các quốc gia trên thế giới công nhận rằng: các hoang phí số một là sự đua tranh sản xuất vũ khí hạch tâm, vì nó đòi những chi phí khổng lồ và tạo nên những hiểm họa càng ngày càng nhiều và tăng thêm các hiểm họa đã được các nhà bác học tiên bố.
Ảnh hưởng của vị thủ lãnh anh minh này còn tăng thêm nữa, với sự tiếp tay của các giám mục thuộc giáo tỉnh Re1cife, với sự công tác của nhiều linh mục và nhiều chiến sĩ Phúc Âm hoặc Công giáo hoặc Tin Lành theo tinh thần đại kết của tu viện Taizé.
Mới đây, trước 50 ký giả báo chí quốc tế, đức cha Camara đã lớn tiếng kêu gọi thế giới hãy cùng Giáo hội của Công đồng Vatican II hiệp lực tham gia vào chiến dịch chống nghèo đói và chậm tiến, ngài nói rằng Đức Phaolô VI theo dõi và khuyến khích hoạt động của ngài, vì hoạt động ấy hoàn toàn ở trong đường lối của Giáo hội ngày nay, một Giáo hội ý thức vai trò xã hội của mình trong tình thế hiện tại. Ngài nói: “Tại Mỹ Châu La Tinh, người làm phước bố thí được gọi là vị thánh, còn ai cố kêu gọi lương tri của lục địa Mỹ châu để thức tỉnh họ và thúc dục họ san bằng bất công, thì bị chụp mũ là cộng sản, là phản loạn. Tôi có cách chống cộng sản riêng của tôi: tôi chống sự chậm tiến, sự nghèo đói, sự loạn lạc, tức là sự dữ còn nguy hiêm hơn bất cứ ý thức hệ nào. Chúng tôi không chỉ chiến đấu cho phần rỗi các linh hồn, về đời sống vĩnh cửu, nhưng còn chiến đấu để con người sống, gọi là sống giữa trần gian.”
Đối với ngài, những điều kiện xã hội ở miền Đông Bắc Ba Tây, vùng “tam giác đói”, chỉ là một khía cạnh địa phương của một cuộc khủng hoảng thế giới, ảnh hưởng sâu xa đến những mối liên hệ giữa các cường quốc giàu kỹ nghệ và các nước chậm tiến. Vấn đề chính của Giáo hội ngày nay, trên phương diện xã hội, là làm thế nào để cảnh tỉnh các nước giàu biết giúp các nước chậm tiến được mở mang, chứ không chỉ viện trợ bằng cách bố thí.
Đức cha Camara không phải là một giám mục cộng sản như những người bất mãn vì tư lợi đã chụp mũ cho ngài. Ngài thật là một vị chủ chăn, chăm lo đến quyền lợi của con chiên. Ngài ý thức rằng ngài mang trách nhiệm không phải chỉ các linh hồn, nhưng là những linh hồn ở trong những thể xác cần ăn, cần mặc, cần nhà ở, những con người nghèo đói và ngu dốt đã phải sống đày đọa như con vật.
Nước Ba Tây có một “tam giác đói”. Ở Phi Châu, ở Á Châu còn nhiều “tam giác đói”, nước Việt Nam cũng còn nhiều “tam giác đói”. Thế giới đang nhìn Giáo hội, như một lời người dự tòng nói với chúng tôi trong một lớp giáo lý: “Trên phương diện xã hội, Giáo hội còn phải làm gì nữa, để cải tổ xã hội được tốt đẹp hơn”.
Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
Số 210-11/1966
Nguồn: VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét