LTCGVN (25.02.2013)
Theo thống kê của Ủy Ban Dân Số và Kế Hoạch Hóa Gia Đình Trung Quốc, mỗi năm nước này có 13 triệu ca nạo phá thai. Con số này khiến Trung Quốc trở thành nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, theo giới chức trách nước này, con số chính thức có thể còn cao hơn gấp nhiều lần bởi khoảng 10 triệu ca nạo phá thai được thực hiện tại các cơ sở chui, không đăng ký dịch vụ và không được kiểm soát.
Bởi chính sách một con của Chính Phủ, việc nạo phá thai ở Trung Quốc không chỉ hợp pháp mà còn rất dễ dàng để thực hiện. Ngoài ra, chịu ảnh hưởng của truyền thống văn hóa, các thiếu nữ chưa lập gia đình ở Trung Quốc nếu lỡ có con, sẽ bị cả xã hội kỳ thị, khinh miệt. Cùng với việc nhận con nuôi chưa phổ biến nên phá thai gần như là lối thoát duy nhất của các thiếu nữ đã lỡ dại.
Bức ảnh chụp ngày 1.8.2012, bên ngoài phòng điều hành phá thai tại một bệnh viện ở tỉnh Chiết Giang. Một thiếu nữ có đôi mắt đẹp hút hồn như đôi mắt của cô gái được in trên chiếc áo T-shirt sắp trải qua một ca phá thai. Ngày nay, độ tuổi đi nạo phá thai ở Trung Quốc đã trẻ hơn rất nhiều. Theo kết quả một cuộc khảo sát, 50% phụ nữ đi nạo phá thai dưới 25 tuổi; 65% chưa lập gia đình, 54,3% các ca là do có thai ngoài ý muốn; 50% phụ nữ Trung Quốc phải đi nạo phá thai nhiều lần.
Ảnh chụp ngày 16.7.2012. Các thiếu nữ đang đứng xếp hàng trước phòng phá thai và chờ đến lượt. Họ đều ăn mặc rất thời trang nhưng có vẻ khó chịu khi phải chờ đợi quá lâu. Trong số này, nhiều cô không được trang bị các kiến thức cơ bản về các biện pháp tránh thai và hoàn toàn mù tịt về các rủi ro của việc nạo phá thai. Ngoài ra, không ít cô còn đi phá thai nhiều lần và quan niệm sai lầm rằng, việc này chẳng khác gì một biện pháp kiểm soát sinh đẻ.
Ngày 10.7.2012, một người đàn ông đeo hộ túi xách của bạn gái và đứng đợi bên ngoài phòng tiểu phẫu tại một bệnh viện ở tỉnh Chiết Giang. Thông thường, các cô gái đến bệnh viện nạo phá thai thường có người đi kèm. Những người này có thể là bạn trai, bạn bè thân thiết hoặc người thân trong gia đình của họ. Đa số các cô gái thường nhờ bạn gái thân hộ tống đi phá thai. Lý do là, đàn ông Trung Quốc thường ngại xuất hiện tại bệnh viện với bạn gái trong trường hợp này. Ngoài ra, phần lớn các trường hợp phá thai đều được giữ kín với gia đình, đặc biệt là cha mẹ.
Ảnh chụp ngày 28.7.2012, một cô gái ngồi chờ đợi trên bàn phẫu thuật trong khi bác sĩ đang chuẩn bị các dụng cụ để phá thai. Chỉ còn một vài phút nữa, mầm sống trong bụng cô bé sẽ bị dập tắt. Theo các nhân viên bệnh viện, phần lớn các cô gái đến đây phá thai đều là thiếu nữ từ nông thôn lên thành phố và hiểu biết rất hạn chế về sức khỏe sinh sản cũng như kiến thức về giáo dục giới tính. Ở Trung Quốc, các thiếu nữ từ nông thôn lên sống, làm việc và học tập tại thành phố là đối tượng dễ mang thai ngoài ý muốn do họ sống xa nhà và ít chịu sự kiểm soát của cha mẹ. Trung bình, một ca phá thai sẽ tiêu tốn của họ khoảng 1.000 nhân dân tệ ( không được bảo hiểm y tế ). Do đó, về mặt tâm lý cũng như kinh tế, một lần nạo phá thai được xem là một cái giá đắt đối với các cô gái.
Ngày 19.8.2012, tại một bệnh viện ở Chiết Giang, một cô gái bỏ dép ở ngoài và một mình bước vào phòng tiểu phẫu để bỏ thai ( phẫu thuật phá thai đòi hỏi phải được thực hiện trong môi trường vô trùng ). Thông thường, với các cô gái phá thai lần đầu, họ sẽ có tâm lý hoang mang, sợ hãi và tự hỏi, điều gì sẽ xảy ra với mình sau khi bước vào phòng tiểu phẫu và nằm lên bàn mổ hay liệu phá thai có đau đớn hay không. Còn với các cô gái đã phá thai nhiều lần, họ thường lo lắng cho khả năng sinh sản sau này của mình.
Bức ảnh được chụp ngày 7.7.2012. Một nữ sinh trung học mang thai 12 tuần đang trải qua một ca “phẫu thuật phá thai không đau”. Thuốc gây mê đã được tiêm cho thiếu nữ này, khiến cô rơi vào trạng thái không ý thức. Tuy nhiên, cơ thể của cô vẫn không ngừng run rẩy. Do đó, một y tá phải nắm chặt bệnh nhân để tránh ảnh hưởng đến ca phẫu thuật. Trên cổ tay của thiếu nữ, có thể thấy rõ một vết sẹo dài – hậu quả của một lần cắt mạch máu tự tử không thành.
Ảnh được chụp ngày 17.7.2012. Một cô bé 14 tuổi tới bệnh viện để phá thai. Trên tay cô bé có săm chữ “hận” bằng tiếng Trung Quốc. Trước đó, cô bé đã quan hệ với một cậu bạn cùng lớp trong một phòng hát karaoke dẫn đến việc mang thai ngoài ý muốn. Tuy nhiên, sau khi biết bạn gái mang thai, cậu bé bắt đầu tìm mọi cách tránh xa cô bé. Cô cho biết, em “rất đau khổ và tuyệt vọng” khi không biết tâm tình với ai cũng như không biết nhờ cậy ai giúp đỡ. Cô bé cũng chia sẻ, em rất hận cậu bạn trai, kẻ đã phản bội và bỏ rơi mình đồng thời không muốn quay trở lại trường lớp vì thấy quá xấu hổ.
Ngày 26.7.2012, một ca nạo phá thai đang được thực hiện. Toàn bộ cuộc phẫu thuật được tiến hành trong vòng chưa đến 20 phút.
Ngày 19.8.2012, một cô gái được siêu âm thai trước khi bỏ. Theo kết quả siêu âm, cái thai của cô đã được 8 tuần. Chẳng còn bao lâu nữa, mầm sống này sẽ không còn được nằm trong tử cung của người mẹ trẻ nữa.
Ngày 7.7.2012, một bác sĩ đang thực hiện một ca phẫu thuật phá thai không đau. Hai chân của một cô gái bị trói chặt để đảm bảo cuộc phẫu thuật diễn ra suôn sẻ. Những hậu quả về lâu dài đối với các thiếu nữ từng phá thai có thể bao gồm, sẩy thai trong những lần mang thai sau này, nhau thai bất thường, lưu thai và xuất huyết trước và sau khi sinh.
Một dụng cụ được sử dụng trong quá trình phá thai. Ngày nay, nhiều cơ sở phá thai bất hợp pháp muốn tối đa hóa lợi nhuận thường tung ra các kiểu quảng cáo gây hiểu lầm hoặc hiểu sai vấn đề. Tháng 4 năm 2012, bảy bà mẹ ở thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc đã thu thập trên 10.000 tờ rơi quảng cáo phá thai không đau của các cơ sở phá thai bất hợp pháp và cáo buộc chiêu quảng cáo này của họ đã khuyến khích cho việc quan hệ tình dục không an toàn.
Bức ảnh chụp ngày 26.7.2012, một dụng cụ nong cổ tử cung được sử dụng trong suốt quá trình phá thai.
Ngày 20.8.2012, cô gái 16 tuổi là người cuối cùng phá thai trong ngày hôm ấy. Do cô gái này bị nhiễm HIV nên các bác sĩ và y tá phải sử dụng quần áo và dụng cụ bảo hộ từ đầu đến chân trong suốt cuộc phẫu thuật cho cô. Vị bác sĩ hỏi, tại sao cô gái lại bị nhiễm HIV khi tuổi đời còn quá trẻ như vậy. Cô trả lời rằng, mình bắt đầu hẹn hò với người bạn trai hiện tại từ năm 14 tuổi và đó là người đàn ông duy nhất trong đời cô. Cô bé không chắc, liệu có phải bạn trai đã lây HIV cho mình hay không. Sau đó, bạn trai cô bé có đi xét nghiệm và khẳng định, anh ta vẫn khỏe mạnh, không nhiễm HIV.
Bức ảnh chụp ngày 27.8.2012 mô tả người đàn ông trẻ bế người yêu trên tay vì cô quá yếu sau cuộc phẫu thuật phá thai. “Phá thai không đau” không có nghĩa là hoàn toàn không đau đớn và không gây tổn hại. Theo một cuộc khảo sát của Hiệp Hội Dân Số Trung Quốc, trong các nhóm tuổi tìm kiếm các liệu pháp điều trị vô sinh, nhóm phụ nữ ở độ tuổi từ 20 đến 24 là đông nhất. Trong số các nguyên nhân dẫn đến chứng vô sinh, chứng “tắc nghẽn ống dẫn trứng” do viêm nhiễm sau nạo phá thai chiếm tỷ lệ khá cao.
Ảnh chụp ngày 27.8.2012 tại một trung tâm chăm sóc hậu phẫu ở Chiết Giang, Trung Quốc. Một cô gái trẻ đến đây tìm kiếm sự giúp đỡ. Đây là lần thứ hai cô gái đến đây phá thai. Chiếc túi xách chưa kéo khóa của cô để lộ ra một bao cao su. Cô gái đang nhờ y tá tư vấn về cách phòng tránh thai vì bạn trai không thích dùng bao cao su. Theo số liệu thống kê của Trung Tâm Thông Tin Dân Số của Trung Quốc, 74% các bậc cha mẹ nước này không bao giờ nói chuyện, tâm sự với con cái về quan hệ tình dục và sức khỏe giới tính. 49% vị thành niên Trung Quốc tự “mò” thông tin về tình dục thông qua Internet.
PHƯƠNG ĐĂNG, theo Infonet
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét