Trước đây lâu rồi, tôi có viết một bài về Tha La Xóm Đạo theo hồi ức, đăng ở báo Giáo Xứ Việt Nam Paris năm 1986.
Bây giờ 25 năm sau, tôi lại viết về Tha La Xóm Đạo, nhân dịp sắp kỷ niệm 25 năm phong thánh 117 vị tử đạo ở Việt Nam (1998-2013).
Thành thật cám ơn Cha Petrus Nguyễn Văn Thắm, hiện là chánh sở giáo xứ Tha La, và cha Trần Anh Dũng, Giáo Xứ Việt Nam Paris đã giúp thêm tài liệu, hình ảnh.
Bối cảnh thời khai sinh xóm đạo
Thường nghe kể, gần cuối trào vua Minh Mạng, khoảng năm 1837, ông Côsimô Nguyễn Hữu Trí cùng một số, độ mươi gia đình, lánh nạn bắt đạo (Thiên Chúa Giáo) từ Huế lần vào miền Nam, ban đầu dừng chân ở Bà Trà (Thủ Dầu Một) rồi di dời đến Suối Đá (Tây Ninh) và cuối cùng định cư tại Tha La, nay thuộc ấp An Hội, xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.
Họ tự lực khai khẩn đất hoang, ẩn náu mưu sinh, giữ gìn niềm tin đạo Chúa. Thuở đó họ chỉ tổ chức đọc kinh chung giữa các gia đình, địa điểm phải thay đổi luôn để tránh bị theo dõi, dò xét, khi xóm Lò Mo, khi ở Trường Đà.
Tại Tha La ông Côsimô Nguyễn Hữu Trí qui tụ thêm được ông Ngươn (ở Bầu Nâu), ông Hiệp (Rạch Thiên), ông Tròn, ông Trĩa, ông Rẫy, ông Ruộng, ông Phó Dần, ông Hương Quả (Lộc Giang), ông Tổng Phương, ông Tổng Long (Bãi Sau)… Ông Phó Dần, ông Hương Quả là người bên lương có liên hệ họ hàng với ông huyện Paulus Nguyễn Văn Viên, tín đồ Thiên Chúa giáo, một trong những người sau nầy góp công xây dựng nhà thờ Tha La.
Thời bấy giờ, Tha La chưa thành một họ đạo, chưa có linh mục coi sóc nên giáo dân muốn hành đạo, nhận các bí tích (xưng tội, rước lễ…) phải di chuyển 40-50 cây số, xuyên qua rừng, tới Lái Thiêu hay Chợ Quán.
Nhà thờ Tha La |
Hình thành và Phát triển - Những niên biểu căn bản
• 1840 Ông Côsimô Trí thỉnh thoảng mời được các linh mục ghé qua giúp giáo dân sống đạo như cha Hiểu, cha Tam, cha Lợi, cha Jean Claude Pernot (Định), 1832-1904.
• 1860 Lần đầu tiên có linh mục, cha Jean Baptiste BESOMBES (tên Việt là Hạnh), 1833-1867, người gốc vùng Aveyron (Pháp) thuộc Hội Thừa Sai Truyền Giáo Paris (M.E.P.). Nhà thờ sơ sài, mái tranh, vách lá được cất ở Lò Mo - Trường Đà (ấp An Lợi, xã An Hòa).
1862 Nhà thờ và nhà một số giáo dân bị đốt cháy bởi tương tranh lương giáo về quyền lợi, chính kiến… Dường như có xích mích giữa cha Besombes Hạnh và người bên lương ở Lộc Giang.
• 1863 Cha Jules ERRARD (Y), 1838-1891, thay thế cha Hạnh, cất nhà thờ tạm.
• 1868 Cha Edouard François Marie VINCENT (Sơn), 1835-1877, cất lại nhà thờ bằng vật liệu nhẹ, có mái tranh dài, một đầu là nhà thờ, đầu kia làm nơi cha cư trú. Sau cha qua đời tại chủng viện Sàigòn 1877, an táng tại Lăng Cha Cả, gần phi trường Tân Sơn Nhứt**
• 1870 Cha Jean FOUGEROUSE (Phụng), 1840-1898, lập 2 trường tiểu học (nam, nữ), nhờ các dì phước dạy học.
• 1880 Cha Pierre Marie LALLEMENT (Liễu), 1850-1908, đến Việt Nam 1875, học tiếng Việt ở Bà Rịa và Cái Mơn, dạy chủng viện Thánh Giuse. 1880 : nhiệm sở Tha La. Sau đó cha nhiệm chức Bề Trên Giáo phận Vĩnh Long, đồng thời là trợ bút cho tờ báo Công giáo đầu tiên ở Việt Nam : Nam Kỳ Địa Phận.
• 1881 Cha Louis LAURENT (Bính), 1865-1934, muốn dựng lại nhà thờ bắt đầu hư cũ, nhưng đa số giáo dân đều nghèo. Cha trình với Đức Giám Mục Giáo Phận Sàigòn Isodore Colombert Mỹ, được khuyến khích và giúp cho 400 đồng. Cha tiếp tục vận động các nơi. Ông huyện Paulus Nguyễn Văn Viên hỗ trợ 2200 đồng, giáo dân đóng góp thêm, tổng cộng 3950 đồng. (Đức Cha Colombert Mỹ, 1838-1894, người gốc vùng Mayenne Pháp, thuộc Hội Thừa Sai Paris, đến Việt Nam truyền giáo 1863, xây dựng nhà thờ chánh tòa Sàigòn, viết nhiều sách tiếng Việt về đạo ; qua đời và an táng trong Vương Cung Thánh Đường Sàigòn.)
1885 Sau bốn năm cố gắng, nhà thờ khánh thành.
1887 Cha sở Bính hoàn tất việc cất nhà cha sở, với sự trợ giúp của ông huyện Viên (300 đồng) và một số giáo dân.
1888 Cũng cha Bính tiếp tục khởi xướng việc xây tháp chuông, ba chuông nhứt nhì ba được ba người dâng tặng : ông huyện Viên, bà Thọ, thầy Giêng. Tiếng chuông ngân giống như chuông nhà thờ Đức Bà Sàigòn, vì cùng do hãng Pháp Bolee thực hiện. Bởi sự đóng góp đặc biệt của ông bà huyện Viên trong các công trình xây dựng nêu trên nên lúc qua đời được Giám mục Colombert Mỹ cho phép chôn cất trong nhà thờ. Sau nầy, khi xây lại nhà thờ mới, phần mộ của ông bà Huyện Viên được cải táng, hiện ở trước núi Đức Mẹ, xế mặt tiền nhà thờ Tha La.
• 1889-1890 Cha Jean Baptiste Marie CLAIR (Quang), 1851-1910, sang Việt Nam 1877, dạy trường Latinh 8 năm. Về coi Tha La. Mở hai địa điểm mục vụ mới : Rạch Gốc, Vàm Tây Ninh. Cha cộng tác với tờ Nam Kỳ Địa Phận, khi qua đời chôn ở Lăng Cha Cả**.
• 1909 Cha Victor Charles QUINTON (Tôn), 1866-1924.
• 1919 Cha Gioan Baotixita NGUYỄN THÁI TÔNG, 1870-1951, nới rộng nhà thờ thêm hai gian.
• 1944 Có thêm cha Phêrô Nguyễn Bá Kính về phụ giúp cha Tông.
1946 Cha Kính theo cách mạng kháng chiến, bị tử nạn ở huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.
Không biết có phải hành động nầy khơi gợi phần nào cảm hứng cho thi sĩ Vũ Anh Khanh khi ông viết bài thơ Tha La đăng trong tập truyện Nửa Bồ Xương Khô, nhà xuất bản Tân Việt Nam Sàigòn 1949. Nghe rằng thi sĩ V.A. Khanh là bạn của nhà văn Thẫm Thệ Hà, tức giáo sư Tạ Thành Kỉnh, nên thi sĩ họ Vũ mới có dịp lưu trú tại quê hương Trảng Bàng của ông Thẫm, tác giả quyển tiểu thuyết Đời Tươi Thắm 1956, cũng lấy Xóm Đạo làm bối cảnh.
• 1950 Cha Phêrô ĐẶNG NGỌC THÁI về làm cha sở Tha La.
1956 Cha đồng ý cho cha Trực đem đồng bào Bắc Việt di cư vào ở xóm Trường Đà.
• 1957 Cha Gioan Baotixita HỒ VĂN VUI (1917-2002 )
- Xây thêm 4 căn, mở thêm lớp nhì và lớp nhất để học sinh có thể học hết bậc Tiểu học tại chỗ khỏi phải đi xa (ra Trảng Bàng), xin thêm 4 dì phước dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán về dạy. Lần đầu tiên có bảy thí sinh trường Xóm Đạo đi thi bằng Tiểu học, được sáu em đậu (1958).
- Xây vách thành rào chung quanh nhà thờ.
- Nới rộng hai bên cung thánh.
Hang đá Đức Mẹ |
- Xây hang đá Đức Mẹ, nhân kỷ niệm một trăm năm Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức (Lourdes - Pháp). Ngày khánh thành 9-12-1957 đoàn người rước kiệu dài sáu cây số, mời hàng ngàn khách lương giáo tham dự. Tước hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm (Immaculée Conception) từ đó là bổn mạng của họ đạo Tha La, hàng năm vẫn hành lễ vào 8 tháng 12.
- Cất Hội quán cho Ban quới chức có nơi hội họp.
- Xây thêm nhà thờ ở các họ nhánh : Trảng Bàng, Bình Nguyên, Phước Chỉ.
(Cha Hồ Văn Vui trước đó là chánh sở nhà thờ Đức Bà Sàigòn, bị nghi ngờ không thích chính quyền thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, cha về nương náu tại Tha La với sự chấp thuận của Đức Cha Simon Hòa Hiền - hồi đó Tha La còn thuộc Tòa Giám Mục Sàigòn. Đến năm 1960 cha rời Xóm Đạo, qua ngã Campuchia sang Pháp học và tốt nghiệp ngành Xã hội học. Sau trở về Việt Nam, có lúc nhiệm chức Giám đốc Cơ Quan Bái Ái Công Giáo Caritas Việt Nam.)
Sau 1960, cha phó Luca Nguyễn Phước Quan tiếp tục điều hành giáo sự Tha La.
• 1965 Cha Giacôbê HUỲNH VĂN CỦA
- Đề xướng việc xây Đài Đức Mẹ ở 6 giáo khu, mỗi khu tự chọn tước hiệu Đức Mẹ, buổi tối giáo dân họp nhau đọc kinh, lần chuỗi.
- Xây thêm ở Gò Dầu và ở biên giới, Gò Dầu Thượng : nhà thờ, nhà cha sở, trường học, quán cơm xã hội…
• 1966 Địa phận Phú Cường thành lập, từ đó Tha La trực thuộc giáo phận Phú Cường.
Xóm Đạo Tha La thành họ đạo, chính thức được nâng lên hàng giáo xứ cùng với ngôi thánh đường, ranh giới và giáo dân hiện hữu (Nghị định 22-9-1966 do GM Phạm Văn Thiên ấn ký, Prot. N 311/66).
Cha Gioakim NGUYỄN VĂN NGHỊ, cũng năm nầy, về làm chánh sở. Ngôi nhà thờ cũ cần xây lại, tân trang, họ đạo không đủ tài chánh, cha Nghị đề ra sáng kiến : mỗi ngày giáo dân để vào heo đất tiết kiệm 2 đồng.
1970 Sau 3 năm khổ công lo toan, nhà thờ khánh thành, có thêm biệt danh “Nhà thờ hai đồng”. Cha Nghị còn tu sửa lại nhà xứ. Các công trình nầy, ngoài cha sở Nghị vất vả, còn nhờ ông Antoine Nguyễn Văn Gia tận tình hỗ trợ, chẳng những giúp công, giúp của, ông còn giúp làm ruộng của nhà chung suốt mấy mươi năm không nhận thù lao.
Cha Nghị cũng di dời hai ngôi mộ của Ông Côsimô Trí và Ông bà huyện Viên ra trước hang núi Đức Mẹ, xế mặt tiền nhà thờ.
Cha còn khởi xướng việc cử hành trọng thể lễ kính ông bà, tổ tiên tại nghĩa trang Tha La vào ngày 2 tháng 11 hàng năm.
• 1995 Cha Giuse NGUYỄN TẤN TƯỚC
- Cất nhà quàng trong nghĩa trang Tha La,
- xây vòng rào bao quanh nghĩa trang
- và xây rào quanh nhà thờ.
• 2000 Cha Philipphê TRẦN TẤN BINH
- Tu sửa cung thánh, tráng xi măng sân nhà thờ.
- Lập nhà máy nước cung cấp nước sạch cho dân xã An Hòa.
• 2005 Cha Petrus NGUYỄN VĂN THẮM
2006 Xây lại hội quán nhà thờ,
2007 Lấy lại được ngôi trường Tiểu học mà nhà nước đã “mượn” từ năm 1975.
2009 Nhà nước trưng dụng 56 mẫu ruộng của nhà chung mà giáo dân đang canh tác để làm khu Công Nghiệp Bourbon An Hòa. Cha thương lượng để các người trực canh và giáo xứ được bồi thường.
Xóm Đạo Tha La trở thành họ đạo tiên khởi ở Tây Ninh. Từ năm 1837 manh nha với hai mươi gia đình, đến nay, năm 2012 tức 175 năm sau, Tha La có hơn hai ngàn nóc gia với khoảng năm ngàn giáo dân, trải qua 50 đời cha sở góp công vun bồi.
Địa danh và con người
Theo ông Hồ Đình Vũ trong bài Địa Danh Miền Nam thì do bởi sự kiện người Khmer sống chung lẫn với người Việt nên có nhiều địa danh bắt nguồn từ ngôn ngữ Khmer được Việt-hóa như Tha La : tiếng Khmer là Schla đọc trại ra.
Schla : nhà nghỉ ngơi, tu dưỡng (của tu sĩ Phật giáo). Cũng có giải thích khác : trạm, trại, nhà lồng, nhà mát… hay “Tha La là một loài cây linh thiêng của đạo Phật” (Thương 358. Commentaire, Site You Tube Tha La Xóm Đạo 17-10-2007)
Trong Việt Nam Tự Điển II (quyển hạ) của Lê Văn Đức cùng một nhóm văn hữu soạn, Lê Ngọc Trụ hiệu đính, ghi : Tha La=chòi, trại của thầy sãi Cao Mên : xóm Tha La, cát Tha La…
Nghe nói trong các vùng trước đây có người Miên sinh sống nhiều như Trà Vinh, Châu Đốc, Sóc Trăng… cũng có nơi gọi là Thala. Nhưng chỉ Tha La Xóm Đạo ở An Hòa, Trảng Bàng là vang danh. (Google Maps : Từ quận lỵ Trảng Bàng, trên quốc lộ 22, rẽ bên trái theo đường Nguyễn Du, độ 4 cây số, thấy Tha La, Tây Ninh, Viet Nam, có ghi rõ nhà thờ Tha La).
Ông Vũ Anh Khanh, tác giả bài thơ Tha La Xóm Đạo đã thăng hoa vùng quê nghèo đầy tre nứa, bụi mù đất đỏ vắng lặng thành một xóm đạo nên thơ ; với trái ngọt cây lành, hoa gạo, trời xanh mây trắng, thoang thoảng gió nhạc buồn trăn trở vận nước lầm than, ly loạn. Từ đó Tha La nổi tiếng, gợi khơi thêm niềm xúc cảm cho các người khác viết về thôn xã nhỏ bé nầy, nhỏ đến độ hiện nay vẫn còn nhiều người chưa biết. Tuy thế Tha La Xóm Đạo vẫn hiển hiện trong văn thơ, tân nhạc, cổ nhạc… Những tác phẩm của Vũ Anh Khanh, Dzũng Chinh, Loan Thảo… không chỉ vang bóng một thời mà có lẽ sẽ còn lưu mãi đến ngàn sau, như người dân xóm đạo đời đời sinh động niềm tin, lặng lẽ trong an bình lẫn gian nan thử thách.
Tinh thần mộ đạo của giáo dân Tha La |
Tinh thần mộ đạo là môi trường sản sinh cho xã hội nhiều thế hệ cần cù lao động, sống đời lương thiện ; cung ứng cho Giáo hội Công giáo những ông câu, ông biện nhiệt thành, những bà mẹ sốt sắng làm tông đồ, những tu sĩ nam nữ năng động… Được nghe biết các cha sau đây sinh quán tại Tha La :
- Gioan Baotixita Nguyễn Phụng Dõng, sinh năm 1902, linh mục 1929,
- Phanxicô Xaviê Lê Vĩnh Khương, sinh năm 1903, linh mục 1929, cố chánh sở Thị Nghè, tác giả quyển Từ Việt Nam Sang Roma, nhà in Kim Sơn Saigon 1952,
- Felix Lê Vĩnh Trình, sinh năm 1904, linh mục 1933,
- Phêrô Nguyễn Minh Cảnh, sinh năm 1920, linh mục 1945,
- Giacôbê Nguyễn Văn Vi, sinh năm 1932, linh mục 1960, cố Giám đốc Trung Tâm Công Giáo Tiến Hành,
- Phanxicô Xaviê Nguyễn Hữu Tấn, sinh năm 1925, linh mục 1951, sáng lập cộng đoàn Bác Ái Cao Thái.
Và các nữ tu như dì Viện, dì Tình, dì Nhiễu, dì Nguyễn, sơ Pascale Lê Thị Tríu (quen thuộc với thuyền nhân đã qua một thời ở Palawan, Phi Luật Tân).
Tha La cũng có ba cha sở được nâng lên hàng giám mục :
1. GM Victor Charles Quinton (Tôn) (1866-1924), M.E.P., sinh quán thuộc giáo phận Laval, vùng Mayenne (Pháp),
- 1890 Đến Việt Nam, học tiếng Việt ở Bà Rịa,
- 1909 Làm cha sở Tha La. Sau đó thụ phong giám mục, làm giám mục phó Tông Tòa Sàigòn.
- 1920 Giám mục giáo phận Sàigòn.
- 1924 Bị bệnh, trở về Pháp điều trị, qua đời tại chủng viện Bièvres.
Đức cha Quinton xuất bản nhiều sách bằng tiếng Việt. 17 Thơ chung của 3 giám mục địa phận Sàigòn, Imprimerie de la Mission, Tân Định Saigon 1950 : Phép Hôn phối theo Luật đạo (1914), Việc Bổn phận buộc người đôi bạn phải giữ cùng nhau (1915), Việc Bổn phận cha mẹ phải làm cho con cái (1916), Về sự đọc kinh hôm mai chung trong nhà cùng sự Tôn Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giê Su trong gia thất người giáo hữu (1918), Người Lớn phải đi nghe dạy Sách phần ngày Chúa nhựt (1919), Về việc Bổn phận kẻ làm cha mẹ : Dạy dỗ con cái Chúa cho biết đạo thánh Chúa, lo liệu cho nó giữ đạo trọn đời (1920) ; Về Sự ăn năn tội (1921)…
2. GM Giacôbê Huỳnh Văn Của (1915-1995).
- 1943-1958 Chánh sở họ Gia Định, kiêm nhiệm chương trình “Tiếng Nói Công Giáo” trên Đài Phát Thanh Sàigòn. Sau đó gặp khó khăn với chính quyền Sàigòn, cha sang Pháp, sống tại Trung Tâm Bác Ái (Foyer de Charité) ở Châteauneuf, một cộng đoàn chuyên lo tổ chức điều hành các cuộc tĩnh tâm.
- 1964-1965 Trở về Việt Nam làm cha sở Tha La.
- 1966 Giáo phận Phú Cường thành lập với Giám Mục Phạm Văn Thiên, cha HV Của làm Tổng Đại diện giáo phận, kiêm chánh sở họ Búng, rồi Lái Thiêu.
- 1968-1978 Thành lập và điều hành Trung Tâm Bác Ái Lái Thiêu.
- 1976 Được bổ nhiệm làm giám mục phó với quyền kế vị giáo phận Phú Cường.
- 1978 Sang Pháp chữa bệnh suy tim.
- 1982 Đệ đơn từ chức.
- 1995 Qua đời, an táng tại nghĩa trang giáo sĩ, giáo phận Nice, Pháp.
3. GM Giuse Nguyễn Tấn Tước, sinh năm 1958.
- 1991 Thụ phong linh mục, phụ tá giáo xứ Tha La.
- 1995 Chánh sở họ đạo Tha La.
- 1999 Tu học ở Pháp, Institut Catholique de Paris.
- 2006 Về Việt Nam đặc trách ơn gọi linh mục giáo phận Phú Cường.
- 2011 Thụ phong giám mục, Giám mục phó giáo phận Phú Cường.
- 2012 Giám mục giáo phận Phú Cường.
Đó là trên bình diện tôn giáo.
Còn đối với đất nước, đương nhiên cũng không thiếu những người con Xóm Đạo đi làm bổn phận công dân thời chinh chiến. Mới gần đây, do biến động thời sự, báo giới có dịp nhắc kể tỉ mỉ trận chiến chống Trung Cộng lấn chiếm lãnh hải Việt Nam, tưởng nhớ các anh hùng tử sĩ, nhiều nhất là ông Ngụy Văn Thà, sinh quán An Hòa Tha La, Trung Tá Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, hạm trưởng chiến hạm Nhật Tảo, đã tử thương ngày 19-1-1974 trong nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa.
Người trăm năm cũ
Nói về Tha La Xóm Đạo, thấy các bài viết ghi vắn tắt ông Côsimô Trí lánh nạn bắt đạo… kẻ hậu sinh băn khoăn muốn biết hoàn cảnh nào khiến những con người bó buộc phải rời sinh quán lưu lạc tới miền đất lạ hoang dã, vào thời mà phương tiện di chuyển hãy còn khó khăn ?
Xem lại tài liệu lịch sử : Đầu thế kỷ 16, thời Nam-Bắc phân tranh, các vua chúa Lê - Mạc, rồi Trịnh - Nguyễn đều cho phép mở cửa biển, đón các tàu buôn ngoại quốc vào giao thương. Bởi thế, có các giáo sĩ Tây phương vào Việt Nam giảng truyền đạo Thiên Chúa.
Từ đó về sau, các giáo sĩ cứ dần dần vào nước dạy đạo, mà người mình càng ngày càng theo đạo cũng nhiều. Nhưng vì nước ta từ xưa đến nay vẫn theo Nho giáo, lấy sự thờ cúng ông cha làm trọng, lấy sự tế tự thần thánh làm phải… Đột nhiên thấy nhiều người mình theo đạo Thiên Chúa, bỏ cả các thói cũ, chỉ chuyên về một mặt theo đạo mới, bởi vậy cho nên trong Nam ngoài Bắc, vua chúa đều cho ấy là một tả đạo, làm hủy hoại cả cái phong hóa của nước nhà xưa nay, bèn xuống chỉ cấm không cho người trong nước theo đạo nữa và đặt ra phép nghiêm để bắt tội những kẻ không tuân theo chỉ dụ ấy (Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Liệu II, trang 99).
Liên tiếp, khởi từ Trịnh Nguyễn Phân tranh, rồi nhà Tây Sơn, và các vua nhà Nguyễn sau đó (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức) vẫn duy trì việc cấm đạo.
Trừ vua Gia Long, vì liên hệ ơn nghĩa với Giám Mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc), có thiện cảm với đạo Thiên Chúa, nên vua để yên cho đạo phát triển. Ban giấy phép cho giảng đạo nhưng không ban hành sắc dụ nào bãi bỏ việc cấm đạo.
Thời vua Minh Mạng 1820-1840, tình hình đất nước không yên ổn : biên giới giặc Xiêm quấy nhiễu, ngoài Bắc Lê Duy Lương khởi loạn ở Ninh Bình, Nông Văn Vân ở Tuyên Quang, Phan Bá Vành ở Nam Định ; trong Nam ở Gia Định Lê Văn Khôi (con nuôi Tả Quân Thượng Công Lê Văn Duyệt) dấy binh chống lại triều đình. Bị vây, Khôi cố thủ trong thành rồi bịnh chết, nhưng bè đảng vẫn tiếp tục chống cự, mãi hơn hai năm sau, 1835, binh triều mới dẹp tan, giết hết 1940 ngụy quân, chỉ đóng củi giải giao về Huế sáu người trong đó có giáo sĩ Pháp Marchand (Du) và đứa con bảy tuổi của Khôi. Cả sáu người nầy đều bị xử lăng trì.
Trường hợp cha Marchand Du là một nghi án. Theo ông Trần Trọng Kim, có người bảo cha muốn làm như GM Bá Đa Lộc, có người bảo cha bị bắt vào thành. Việc bàn đi bàn lại vẫn phân vân không rõ hẳn ra thế nào (Việt Nam Sử Lược II, trang 208). Còn theo LM Vũ Thành, cha Marchand Du đang ở Mặc Bắc, Vĩnh Long bị giặc Khôi cho người tìm xuống, áp lực mời về. Khôi muốn nhờ cha viết thư cầu cứu với người Anh, binh Xiêm, và kêu gọi giáo dân Đồng Nai đến giúp. Nhưng cha đều từ chối, chỉ muốn được về lo việc giảng đạo. (Thư cha Marchand Du gởi GM Jean Louis Taberd, lúc ấy đang ở bên Xiêm, ngày 24-9-1834 kể về tình cảnh bị bắt buộc ở chung với 4000 lính Bình Thuận làm phản triều đình. Dòng Máu Anh Hùng II, trang 76-77).
Vì thế ngày 27-1-1836, vua Minh Mạng ra sắc lệnh cấm đạo toàn diện và bế môn tỏa cảng, từ chối giao thương với các tàu buôn Pháp, Anh, Mỹ…
Lúc bấy giờ, không phải một mình vua ghét đạo mà thôi, phần nhiều những quan lại đều một ý cả, cho nên việc cấm đạo càng nghiệt thêm… Từ đó trở đi, trong Nam ngoài Bắc chỗ nào cũng có giặc giã nổi lên, vua ngờ dân bên đạo theo giúp quân giặc lại càng nghiệt hơn (Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược II, trang 227).
Việc cấm đạo và các hình phạt dành cho người theo đạo cũng tùy triều đại, vua chúa và tùy tình hình chính trị trong nước mà hòa hoãn, giảm nhẹ hay thẳng tay sát hại : từ hiểu dụ, ngăn cấm, phạt tiền, đóng gông, đánh khảo, giam tù, thích chữ vào mặt, phân sáp lưu đày… đến giết thả trôi sông, xử giảo, xử trảm, xử bá đao… Song hành ban thưởng tiền bạc, bổng lộc, phẩm chức cho những ai tố cáo, chỉ điểm bắt được người theo đạo, chứa chấp cũng bị vạ lây, quan chức biết mà không cáo thì bị giáng cấp, đổi nhiệm sở…
Người tín hữu Côsimô Nguyễn Hữu Trí sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đó, nên mạo hiểm tìm đường lánh nạn, lần dò vào tận miền Nam trong lo âu, dè dặt. Tha La Xóm Đạo khai sinh trong gian truân bất trắc và người đầu đàn dầy công chịu đựng thử thách đã không yên hàng nhìn thấy Xóm Đạo vươn mình.
Bởi vì, năm 1859 khi hải quân Pháp và Tây Ban Nha vào cửa Cần Giờ, bắn phá và chiếm thành Gia Định thì triều đình lại ra sắc lệnh tháng 10/1859 bắt đạo nghiêm nhặt hơn nữa. Lần nầy nới rộng các thành phần bị bắt : “Những người ở trong hội đồng giáo xứ”. Do đó, ông Côsimô Trí bị bắt (cùng với Ô. Long, Ô. Thể…) và ông đã chết trong ngục. Hài cốt chôn ở nghĩa trang Xóm Đạo. Sau, phần mộ được cha sở Gioankim Nghị cải táng, di dời về trước núi Đức Mẹ nhà thờ Tha La. Tấm bia cũ ghi khắc :
CÔXIMÔ TRÍ
Hãn nằm đây
Công đức cao dày, bia tạc nay :
Sáng tạo Tha La đã rõ mặt
Quí quyền câu họ lãnh đầu tay
Ghe phen tù rạc vì danh Chúa
Nhiều nỗi khổ hình bởi đạo ngay
Tạ thế Canh Thân 1860,
Nơi khám thất
Anh em giáo hữu chớ quên người.
Anh em giáo hữu chớ quên người lời nhắn nhủ được người Xóm Đạo tuân hành. Hàng năm, giáo xứ Tha La làm lễ giổ cho ông Côsimô Trí vào đầu tháng 8, có con cháu ở các nơi về tham dự.
Ngày 4-8-2012, cha sở Petrus Thắm cùng các linh mục đã đồng tế trọng thể lễ giỗ tưởng nhớ ông Côsimô Trí và các người có công kiến thiết giáo xứ.
Gần đây trên mạng internet, thấy nói về Đêm Canh Thức nơi nghĩa trang Tha La, từ ban tối ngày 1-11 lễ Các Thánh Nam Nữ cho đến rạng sáng 2-11, người sống thắp nến cầu cho kẻ chết, kết thúc bằng một thánh lễ đồng tế vào lúc 4 giờ 30 sáng tại nhà thờ, để cầu nguyện cho ông bà tổ tiên, họ hàng tộc hệ và các đằng linh hồn.
Không kể các tổ chức khuyến mại thông thường có tính cách thế tục bao quanh lễ hội, nghi thức cầu nguyện sinh động nầy biểu hiện tinh thần thông công giữa thế giới hữu hình và vô hình, một sắc thái truyền thống Ki-tô giáo đồng hành với văn hóa tín ngưỡng tôn kính tổ tiên, có lẽ trong chiều hướng để cho cõi lòng người công giáo Việt Nam mở rộng, hiệp thông với Thiên Chúa, với tổ tiên và đồng bào mọi giới (lời TGM Nguyễn Như Thể khai mạc Tuần lễ tọa đàm về vấn đề Tôn Kính Tổ Tiên tại Huế 29-10-1999).
Đời sau nhìn lại
Sử gia Trần Trọng Kim viết Bao giờ cũng vậy, hễ người ta đã sùng tín một tôn giáo nào thì tất cho cái tôn giáo của mình là hay hơn, và cho người theo tôn giáo khác là thù nghịch với mình, rồi hễ có quyền thế là làm thế nào cũng dùng cách mà hà hiếp người khác đạo với mình.
… Một ông vua nghiêm khắc như Thánh Tổ (vua Minh Mạng, TTMK) mà cấm không được, tất phải giết. Trong khi cấm và giết như vậy, vẫn cứ tưởng mình làm bổn phận làm vua, chớ có biết đâu mình làm sự thiệt hại cho dân cho nước. (Việt Nam Sử Lược II trang 186)
Tại sao người tín hữu Ki-tô bị đàn áp, bị cáo buộc không thờ kính tổ tiên khi mà giới răn thứ 4 ghi rõ nghĩa vụ hiếu đạo; và sách Tân Ước, Huấn Ca… đều nhắc nhở con cái cách hành xử với cha mẹ lúc còn sống cũng như đã qua đời ?
Được biết thuở ấy, giáo quyền Roma cũng rất phân vân trước 2 ý kiến :
- Một bên là các cha Dòng Tên (Jésuites) và Dòng Phanxicô với quan niệm tôn trọng truyền thống dân tộc khi đến truyền giáo tại Á Châu, nên cho rằng người Ki-tô giáo được dâng hương quả, tôn kính những người quá cố… (Vì các tu sĩ Dòng Tên trước khi đến Việt Nam đã truyền giáo tại Trung Hoa, nhận thức được ảnh hưởng sâu đậm của Nho giáo, việc thờ cúng tổ tiên thành nếp văn hóa đặc thù của dân bản xứ.)
- Một bên là các cha Đa Minh và các cha Thừa Sai Paris nói rằng điều nầy trái với giáo lý là chỉ tôn thờ một Thiên Chúa. Người Ki-tô giáo chỉ đọc kinh cầu nguyện cho người quá cố theo nghi thức phụng vụ được chỉ dẫn, không cúng cơm, đốt vàng mã… Có lẽ thời ấy việc hội nhập văn hóa vào đời sống đức tin chưa được chú trọng, mặc dù đã có huấn vụ nhắn nhủ của Bộ Truyền Giáo năm 1659 : “Tôn trọng tập tục cổ truyền của dân bản xứ”. (Xem trang 23, Thoáng Nhìn Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Trần Anh Dũng, 2009)
Cuộc tranh cãi đã khiến ĐGH Clément XIII đặc cử Khâm sứ Achards de la Baume đến Việt Nam xem xét. Nhưng Đức Cha Maignot, đại diện Tông Tòa tại Phúc Kiến (Trung Hoa) lại quả quyết rằng vị đặc sứ được phái đến không thể nào hiểu rõ bằng ngài là người đang sống tại chỗ. Ngài yêu cầu giáo quyền Roma ngăn cấm tục thờ người chết, lễ nghi tôn kính gia tiên. Đức Giáo Hoàng chuẩn y lời xin và cấm không cho các cha Dòng Tên truyền giáo tại Á Châu nữa. Bấy giờ là năm 1715. Đó là một thử thách cho người Công giáo Việt Nam, cho Dòng Tên và có lẽ cũng cho Giáo triều La Mã thời ấy.
Nhưng, như thời gian tuần tự tiến tới, sự việc không ngừng lại ở đó. Hơn 200 năm sau, ĐGH Piô XII mới công bố Tông Thư 8-2-1939 ghi rõ người tín hữu Ki-tô có thể thực hành nghi thức lễ giỗ, bái kính tổ tiên, các anh hùng dân tộc… (Trước Cộng Đồng Vatican II 1962-1965)
Năm 1883, vua Tự Đức băng hà.
Năm 1885, quyền thần Tôn Thất Thuyết đề xướng phong trào Văn Thân. Ông chủ trương trước khi chống Pháp thì phải ra tay giết đạo, vì đoan quyết người bên đạo là nội công của Pháp. Với khẩu hiệu “Bình Tây Sát Tả” ông cho lệnh lập ra một đoàn lính mới gọi là lính đoạn kết, chỉ chuyên mỗi một việc tróc nã và giết hại người bên đạo (Đào Trinh Nhất, Phan Đình Phùng, trang 44). 60 000 người đã bị bách hại vì chiến dịch nầy.
Bên giết, bên tự vệ lần hồi trở thành cuộc chiến lương-giáo tương tàn, mà theo ông Trương Vĩnh Ký, có lúc đôi bên đều hành xử quá khích (Phúc trình gởi Thống đốc Duperré 28-4-1876).
Ông Phan Đình Phùng (1847-1895), sau một thời bất đắc dĩ qui ẩn ở Châu Giang - Mặc Lĩnh, ông vâng lệnh triều đình phất cờ “Bình Tây Sát Tả”. Nhưng rồi ông suy nghĩ lại. Bởi các ông Văn Thân lầm tưởng phàm những người theo đạo Thiên Chúa đều là nội công của người Pháp và đạo Thiên Chúa là Tả đạo (Đ.T. Nhất, Phan Đình Phùng, trang 19), nên khi đóng quân ở núi Vụ Quang, ông ra hiểu dụ Lương dân hay giáo dân đều là xích tử của triều đình, chớ nên vì lẽ gì mà hại lẫn nhau. Ông đề ra khẩu hiệu “Lương-Giáo Thông Hành”.
Khi nghe cáo buộc giáo dân là nội công của Pháp, ông nhận xét Ấy là tại nước mình yếu hèn, không có nhân tài, không có tàu bền, súng lớn, quân mạnh, tướng giỏi, chớ lỗi chi ở giáo dân. Chồn mượn oai hùm, dê đeo da cọp, ấy là thường tình của con người ta, có chi làm lạ. Xứ nào mà không có hạng người hèn ấy. Ông không “vơ đủa cả nắm”.
Thời đó, đạo Thiên Chúa bị xem là tả đạo. Ông P. Đ. Phùng nói Đạo Thiên Chúa lấy Gia-Tô làm Trời, cũng như Thích Ca Mâu Ni là Trời của đạo Phật hay Khổng Phu Tử là Trời của nhà Nho. Hễ ai đã tín ngưỡng điều gì thì điều ấy là Trời của mình. Mình muốn người ta đừng xâm phạm đến sự tín ngưỡng của mình thì mình cũng đừng xâm phạm đến sự tín ngưỡng của người ta. Thiên Chúa cũng là một thứ tôn giáo, mặc ai tin thì theo. (Đ.T. Nhất, Phan Đình Phùng, trang 20).
Ông đã ý thức điều mà ngày nay gọi là tự do tín ngưỡng. Con người thẳng thắn nầy được dân gian và tác giả Đào Trinh Nhất tôn gọi “Ông nghè yêu nước”.
Trăm năm sau nhìn lại, những sai sót bởi thân phận làm người như là một hệ lụy của hoàn cảnh lịch sử chính trị lúc ấy.
- Tiếc di ngôn của người khai sinh nhà Nguyễn chẳng được quan tâm Đạo Thiên Chúa, đạo Nho, đạo Phật… đều tốt cả. Không được bách hại đạo nào vì sẽ gây ra các vụ rối loạn trong nước, có khi làm mất nước nữa. (Di chúc Vua Gia Long, điều khoản 36, Dòng Máu Anh Hùng II, Vũ Thành, trang 13.)
- Thương cho quê hương một thời dậy sóng.
- Nhớ người tín hữu tiền bối Côsimô Trí tử vì đạo ở Tha La như 130 000 người đã chết thảm thương trên khắp ba miền đất nước.
Tạ Thanh Minh-Khánh. (2012)
Trích từ sách “Ngàn Năm Hiển Hiện”
** Lăng Cha Cả : Mộ phần của GM Pigneau de Béhaine và của một số giáo sĩ ở Ngã Tư Bảy Hiền, gần phi trường Tân Sơn Nhất. Sau năm 1975, tất cả hài cốt phải di dời, hiện để dưới hầm nhà nguyện của Hội Thừa Sai Paris (M.E.P.).
Tài liệu tham khảo :
- Việt Nam Sử lược, Trần Trọng Kim, Institut de l’Asie du Sud-Est I.D.A.S.E. tái bản tại Paris..
- Việt Nam Chí Sĩ : Phan Đình Phùng, 10 Năm kháng chiến ở Nghệ Tĩnh, Đào Trinh Nhất, Institut de l’Asie du Sud-Est, 1990.
- Dòng Máu Anh Hùng, Vũ Thành, Phong Trào Thanh Sinh Công tại Hoa Kỳ xuất bản, 1987.
- Đặc San Hậu Nghĩa Hoa Kỳ, xuân 2008, tác giả Sầm Tấn Phước.
- Thoáng Nhìn Giáo Hội Công Giáo Việt Nam 1533-2010, Trần Anh Dũng, Roma 2009.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét