Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

Ô nhiễm vô hình: Dấu chỉ thời đại




"Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi,
và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt" (Ed 36,26).
Nhìn lại một năm qua một cách nghiêm cẩn, chắc chắn ai trong chúng ta cũng ít nhiều có những cảm giác gì đó không ổn cho thế giới ngày nay, một thế giới đang rất tự hào về sự phát triển khoa học kỹ thuật để phục vụ hạnh phúc con người nhưng mặt khác, đồng thời cũng kéo theo nhiều hệ quả của chúng. Hình như thành quả của khoa học đang thải ra một số lượng rất lớn bầu khí "ôm nhiễm vô hình," đang tác động vào từng cá nhân, từng nhóm, từng quốc gia cho đến cả hành tinh này.
Từ khi con người bàng hoàng trước chiến tranh thế chiến lần thứ I, rồi sau đó lại xuất hiện đại chiến tranh thứ II mà đã cướp đi hơn 62 triệu người (con số đang gia tăng hơn thế nữa và thống kê thế giới vẫn đang tiếp tục nghiên cứu). người ta cho rằng Đại Thế Chiến thứ II là chiến tranh toàn diện, nhưng thực sự, ngày hôm nay mới đúng nghĩa là chiến tranh toàn diện, vì cả thế giới đang chết dần mòn với vũ khí vô hình, thầm lặng, do từ lòng cao ngạo của con người khi họ đang càng ngày cho rằng không cần Thượng Đế nữa.

Vâng! Có vẻ như con người làm được tất cả, từ việc kéo dài tuổi thọ cho đến sự quyết định tạo mầm sống hay tiêu diệt! Các nhà khoa học thuộc trường đại học Oxford và Liverpool đang nghiên cứu trên chuột chũi không lông và có máu lạnh, để kéo dài tuổi thọ con người đến 200 tuổi. Họ rất hy vọng vì hiện giờ đã thành công trong việc giải mã di truyền của loài chuột đó, vì chúng chia sẻ đến 93% mã di truyền nơi con người!
Mục tiêu của các ngành trong xã hội, trong đó có khoa học kỹ thuật, là cho hạnh phúc con người. Thế nhưng, lịch sử nhân loại đã chứng minh cho chúng ta thấy cuộc đời vẫn có hai mặt của nó. Có cái tốt thì cũng có cái xấu đi kèm. Mặt trăng có hai mặt: mặt sáng mà con người ai ai cũng nhìn thấy và ca tụng, nhưng vẫn có mặt tối bên kia mà có thể không ai bao giờ thấy được, hoặc không muốn nhìn thấy! Nhà bác học Marie Curie lừng danh, đã khám phá ra chất phóng xạ Radium, góp phần rất lớn trong ngành vật lý nguyên tử, đã đóng góp giúp ngành Y khoa rất nhiều trong việc trị liệu ung thư, nhưng đồng thời, chất phóng xạ ấy cũng đã tiêu diệt rất nhiều người dân vô tội ở Hiroshima và Nagasaki. Lịch sử về chất nổ cũng vậy, mà sau này người ta từ đó phát minh ra súng ống, bom mìn. Vào thế kỷ VI, Trung Hoa nỗ lực muốn khám phá phương thuốc “trường sinh bất tử” để dâng lên hoàng đế vào thế kỷ VI, vô tình tạo ra thuốc nổ từ diêm tiêu và lưu huỳnh. Đến thế kỷ IX, họ dùng hỗn hợp Natri Nitrat, than chì và lưu huỳnh để chữa trị bệnh nhiễm trùng da lan tràn thời bấy giờ, và dần dần đến thế kỷ XIII, loại chất này xuất hiện bên Âu Châu và được phát triển mạnh, từ đó các loại súng ống và bom mìn ngày một phổ biến cho đến ngày nay.
Đến đây, chúng ta có thể nêu lên câu hỏi rất đơn giản, đó là qua những thành quả của khoa học, liêu con người thời đại chúng ta có hạnh phúc hơn? Rồi những thế hệ sau chúng ta có hạnh phúc hơn chúng ta?
Một câu hỏi xem ra thật đơn giản, nhưng khó có thể trả lời. Thiết tưởng, đã đến lúc cần lắng đọng và chân tình tự hỏi, sâu thẳm lòng mỗi người chúng ta liệu có hạnh phúc đích thật? Trong mỗi gia đình, có còn thật sự thương yêu và hòa hợp? Chồng và vợ có còn "tát biển đông cũng cạn," hay chỉ là "đồng sàng dị mộng"? Thực tế hơn nữa, các linh mục, các nam nữ tu sĩ trên khắp hoàn cầu này thật sự là những chứng nhân khiêm cung cho Tình Yêu Thiên Chúa trong thời tân tiến hôm nay? Trong cùng một Hội Dòng, các chị em có đón nhận nhau và trọn tình thật sự không? Các anh em tu sĩ trong cùng một mái nhà có chia sẻ và đồng cảm với nhau được không? Các Dòng tu có ngồi lại được với nhau một cách thành tâm thành kính không?
Bầu khí "ô nhiễm vô hình" vẫn bao trùm cả trái đất. Bầu khí này chẳng phải do chất phóng xạ, chất nổ, nhưng do một "chất" gì đó kinh khủng hơn nhiều. Chiến tranh với những bom nguyên tử và chất nổ đã tiêu diệt hàng trăm triệu con người trong lịch sử nhân loại, thực ra vẫn không là gì so với chất "lặng lẽ" ngày nay đang gặm nhấm và hủy hoại tất cả mọi sinh linh hiện hữu trên quả địa cầu này. Con người đang không ngừng khước từ nhau, không còn dễ dàng biết tha thứ và đón nhận nhau. Thời đại ngày nay là thời đại con người không thấy có nhu cầu tiếp cận với đồng loại nữa, vì con người đã có những người bạn thay thế hấp dẫn hơn nhiều, đó là những màn hình vi tính lớn nhỏ vô cùng phong phú.
Tôn giáo đã giúp ít nhiều cho nhân loại, nếu không muốn nói là nền tảng để con người tiến về hạnh phúc đích thật. Nhân loại ngày nay cần trở về với Cội Nguồn, trước hết và gần nhất, đó là trở về với lòng mình. Trở về với lòng mình để biết mình. Trở về có nghĩa là lấy khoảng cách giữa mình và với người, giữa mình với Đất Trời, và giữa mình với tôi, với ta. Không ai có thể tự mình nhìn thấy môi miệng của mình nếu không có gương soi. Chính vì thế, biết bao hậu quả thảm thương đang diễn ra chỉ vì lời nói vô tư vô tâm. Vì thế, đây cũng là điều mà chắc chắn triết gia lỗi lạc của Hy Lạp cổ đại, Socrates, một người nổi tiếng về đức hạnh, đã thâu gọn tất cả tư tưởng triết học của ông vào một quan điểm “Hãy tự biết lấy chính mình”, “tôi chỉ biết mỗi một điều duy nhất là tôi không biết gì cả”. Trong khi đó, những con người ngày nay thì nghĩ hoàn toàn ngược lại, và vì thế mỗi lúc họ không còn trân trọng, nâng niu và yêu thương nhau một cách vô điều kiện nữa. Từ đó, Thượng Đế không còn ý niệm gì nữa trong tâm trí họ! Điều này sẽ rõ hơn khi chúng ta nhìn vào Âu Châu và Mỹ Châu. Càng những quốc gia phát triển, tòa đời lẫn tòa đạo càng xuất hiện. Các trường luật mỗi lúc một đông sinh viên. Ngày nay, nhiều người cho rằng không ngành nào gian dối và nhẫn tâm như các luật sư! Cung-cầu đều luôn đi chung với nhau.
Lược qua các tin tức truyền hình, các tờ báo ngày nay, hầu hết đều dành phần lớn cho những tin tiêu cực nhiều hơn: giết người, tai nạn, trộm cướp, hà hiếp, phản bội, ly tán... Con người đang ngao ngán và mệt mỏi sự đời, nên chỉ còn một con đường giải thoát là đạo. Thế nhưng, thời gian và kinh nghiệm cho thấy, bây giờ nhà đạo cũng đang bị mất dần uy tín, vì rằng đời lẫn đạo đều dùng sức mạnh con người. Ở đời, để duy trì một tổ chức vững bền, yếu tố vật chất và sự khôn ngoan thế gian là cần thiết. Thế mà trong đạo, suy cho cùng, sự khôn ngoan thế gian và tiền bạc dường như cũng không tránh khỏi, chỉ có điều được trá hình dưới lớp áo "cà sa" thánh thiện và khắc khổ. Lại nữa, ẩn sâu dưới lớp áo tôn giáo ấy, là chất "ô nhiễm vô hình" đang tăng trưởng - lòng tự phụ.
Hôm nay, đàn chiên đang tản mác hơn lúc nào hết. Hôm nay, đàn chiên đang bơ vơ vất vưởng chưa từng thấy! Vì người chăn dắt dù có đó, nhưng hầu hết giờ đây không còn sống chết cho những con chiên của mình nữa! Hình như người chăn dắt lẫn đàn chiên đều nhìn nhau như những kẻ xa lạ!
Xưa kia, các vị thánh hoặc các nhà đạo sĩ vĩ đại là người chỉ thích mai danh ẩn tích, lặng thầm sống trọn kiếp người "phục vụ" chứ không để "được phục vụ." Thì ngày nay, biết bao vị "nhà đạo" khao khát và tìm mọi phương thế để mong được ghi dấu ấn trong đời, được mọi người vỗ tay ca tụng, tung hô.
Khi đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI xin rút về cô tịch, có thể là sứ điệp gửi đến hết thảy mọi người trong thế giới ngày nay, đặc biệt là với các hồng y, giám mục và linh mục trong nội bộ tòa thánh Vatican. Phải chăng bầu khí "ô nhiễm vô hình" làm ngài nghẹt thở và đuối sức? Không đuối sức sao được khi cả lớp lớp đám đông ngoài thành cũng như trong thành như la hét: "Đóng đinh nó đi. Đóng đinh nó đi..." trước những tội lỗi kiếp nhân sinh và những vấn nạn thời đại! Đức Giáo hoàng hiểu rõ hơn ai hết, ai là "địch trong ta, hay ta trong địch." Nếu có địch, thì vị tướng lãnh lên chiến lược và lèo lái quân địch chính là lòng TỰ PHỤ. Càng ở trong lớp áo "thụng" thì lòng tự phụ càng vững chắc và tăng trưởng trong sự hợp lý và tinh vi.
Từ nhiệm là đi tìm khoảng cách cho mình và cho người. Từ nhiệm cũng là lời mời gọi cho hết thảy chúng ta theo một nghĩa nào đó. Chỉ khi ta tạm dừng trước tất cả những ganh đua và bon chen, hơn thua bại thành, chúng ta mới thực sự trở về như tiếng gọi của cát bụi trong thứ Tư Tro - tiếng gọi đưa chúng ta gần với Chúa Giêsu, Đấng đã "từ" vật chất, danh vọng, quyền lực khi bị ma quỷ cám dỗ trong hoang địa bốn mươi đêm ngày, để đến sự vinh thắng đích thật và vĩnh cửu.
Vũ khí chống lại lòng tự phụ không phải vật chất, danh vọng và quyền lực thế gian, nhưng chính là sự nhỏ bé lại và cúi xuống. Chỉ có "nhu" mới thắng được "cương cường." Các nhà đạo sĩ thấy được Hài Nhi cũng là do các vị ấy dám cúi mình xuống để bước vào hang đá. Chúa Giêsu quỳ xuống rửa và hôn chân "lấm bụi trần" của từng môn đệ là biểu tượng của sự khước từ mọi quyền lực và danh vọng trần gian. Một khi còn thu góp và nắm giữ những gì thuộc về hạ giới, là mỗi lúc chúng ta càng tích trữ những tảng đá nặng trĩu trong lòng, cho nên không bao giờ thư thái bình an. Khi chúng ta cho phép mình trở về để có được khoảng cách, chúng ta sẽ nhận rõ nét mặt của chính mình, của người và Thiên Chúa. Có một điều rất thú vị khi chúng ta im lặng chiêm ngắm những nét mặt của con người "hiện đại." Chúng ta sẽ chứng kiến rất ít người có nét mặt bình an và thư thái. Vì vậy, có lẽ con người, vốn đang rất mệt mỏi thời nay, không tìm thấy được những chứng nhân bé nhỏ, hiền hậu và chân tình nữa, nên đã đi tìm chân lý nào đó cho riêng họ, trong các tôn giáo khác, trong những công việc, những hoạt động hấp dẫn cho dù tạm thời.
Vâng. Trở về là sống khoảng cách, để nghiệm, để ngắm, và để biết... Biết trong mình đang có sự đấu đá ngầm, nên chẳng trách chi ở đời cũng đấu đá và nhà đạo cũng đấu đá. Còn đấu đá là vẫn chưa ra khỏi bầu khí "ô nhiễm vô hình" là lòng tự cao tự phụ. Còn đấu đá là còn đam mê bụi trần. Khi ngưng đấu đá, là ngưng giằng co. Không nắm giữ và giằng dây co nữa thì đối phương còn gì để kéo! Và ta còn gì phải nặng nhọc!
Một nhóm đệ tử nóng lòng đi hành hương, Minh Sư bảo họ: "Hãy mang quả mướp đắng này theo các con. Hãy nhớ nhúng nó vào những giòng sông thánh và mang nó vào mọi nơi linh thiêng mà chúng con đến.
Khi đệ tử trở về, trái mướp đắng được đem nấu chín và trở thành một món ăn nhiệm tích. Sau khi nếm món ăn đó, Minh Sư nói bằng một giọng tinh nghịch: "Lạ thật! Nước thánh và những đền đài linh thiêng mà lại không làm cho quả mướp đắng trở nên ngọt hơn!" (Hoán Cải - Anthony de Mello).
Amen! 

Khất Tuệ (Mùa Chay 2013)
Nguồn:  http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=10932

0 nhận xét:

Đăng nhận xét