LTCGVN (25.02.2013)
Sàigòn
Ngày mồng 4 tháng 10 này là kỷ niệm đệ nhất chu niên ngày Đức Phaolô VI đọc bài diễn văn từ lịch sử tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, lớn tiếng kêu gọi lương tri và tình thương của nhân loại, trong công cuộc loại trừ chiến tranh và xây dựng hòa bình. Để đánh dấu kỷ niệm biến cố quan trọng này chúng tôi muốn cùng độc giả ôn lại một vài tư tưởng then chốt về hòa bình của Đức Phaolô VI, mà thế giới đã tặng cho cái tước hiệu “sứ giả hòa bình”.
Từ khi cuộc chiến ở Việt Nam trở thành khốc liệt, nhất là vào tháng 2 năm 1965, lúc không quân Mỹ bắt đầu oanh tạc miền Bắc để chận đứng cuộc binh vận vào Nam, Đức Phaolô VI đã nhiều lần tỏ nỗi lo âu trước viễn tượng một thế chiến thứ ba. Trong thông điệp Tháng Năm, ngài đau lòng nhận thấy rằng những kinh nghiệm bi đát của hai thế chiến trước không đem lại bài học nào cho thế giới. Người ta vẫn dùng khí giới để giải quyết những mối bất hòa: “Chúng ta đang chứng kiến một cuộc xung đột ngày càng trầm trọng hủng khiếp giữa các dân tộc trong một vài nơi trên thế giới. Chúng ta thấy tái diễn cái hiện tượng nguy hiểm dùng khí giới thay vì điều đình để giải quyết những mối bất hòa giữa đôi bên”.
Trước những sự đe dọa đang đè nặng trên đời sống quốc tế, ngài thấy cần phải nói lên nỗi lo âu và sợ hãi đang dày vò tâm can ngài: “Ta khẩn khoản nài xin tất cả những ai có trách nhiệm trong chính quyền đừng giả điếc trước ý nguyện hòa bình của toàn thể nhân loại. Chớ gì họ tiếp tục những nổ lực để tiến tới những cuộc bàn luận và thương thuyết ở mọi cấp bậc và mọi lúc, để chặn đứng nguy cơ của sự sử dụng bạo động với tất cả hậu quả tàn khốc vật chất, tinh thần và luân lý”. Ngài nhắc nhở cho thế giới biết rằng người ta đã quên lãng tính cách cao cả và bất khả xâm phạm của sự sống nhân loại và người ta đã cố tình dùng những phương thế mà luân lý cũng như văn minh đều lên án. Ngài phản đối những cuộc tàn sát dã man, những trận du kích những cuộc phá hoại, bắt cóc trả đũa làm thiệt hại đến sinh mạng và tài sản của người dân vô tội. Ngài kêu gọi tinh thần trách nhiệm của các chính phủ: “Ta hy vọng rằng các chính phủ sẽ đặt nặng vấn đề trách nhiệm trước Thiên Chúa và lịch sử, để tiếp tục những cố gắng quảng đại hầu bảo vệ hòa bình và gạt ra những cản trở vật chất hoặc tâm lý phương hại đến sự thông cảm chắc chắn và chân thành”.
Vài tháng sau, ngài lại nói thêm: “Dường như thiện ý về hòa bình ở trong thế giới hiện đang suy giảm. Sau thế chiến thứ hai, người ta lại thấy rõ là thế giới lấy việc duy trì hòa bình làm mục tiêu. Ngày nay tinh thần phục vụ hòa bình sút kém là một tai họa có thể dẫn dắt tới những thử thách và đau thương vô bờ bến. Dường như người ta đang lười bước thay vì tiến lên con đường hòa bình. Vì thế chúng tôi thiết tưởng phải nói và nói mãi về hòa bình để con người chôn sâu vào đầu óc nhất là những người hướng dẫn vận mệnh nhân loại”.
Đau lòng, nhưng không nản chí. Nếu cần phải đi tận cùng trái đất để tạo hòa bình cho thế giới ngài sẵn sàng. Chính trong ý chì đó mà ngài đã đến tận trụ sở LHQ để kêu gọi chấm dứt chiến tranh, cổ võ tình huynh đệ và xây dựng hòa bình. Về vấn đề chiến tranh, ngài đã nhắc lại một lời của cố tổng thống Kennedy: “Nhân loại phải chấm dứt chiến tranh hay chiến tranh sẽ chấm dứt nhân loại”. Và ngài lớn tiếng tuyên bố: “Không bao giờ chiến tranh, không bao giờ còn chiến tranh nữa”. Chấm dứt chiến tranh chưa phải là hòa bình. Và hòa bình cần phải được xây dựng bằng những giá trị tinh thần: “Hòa bình không chỉ được xây dựng bằng chính trị và mối quân bình giữa các lực lượng và quyền lợi. Phải xây dựng hòa bình bằng tâm linh, bằng tư tưởng, bằng công việc hòa bình… phải cương quyết lên đường để tiến đến một trang lịch sử mới, lịch sử hòa bình, lịch sử hoàn toàn nhân loại, chính cái lịch sử mà Thiên Chúa đã hứa cho những người thiện tâm”. Trong công việc xây dựng hòa bình, điều phải thực hiện đầu tiên là vấn đề tài binh: “Nếu quí vị thực sự muốn là anh em, quý vị hãy bỏ khí giới ra khỏi tay quý vị. Người ta không thể yêu thương, trong khi tay còn cầm khí giới xâm lăng. Khí giới ghê sợ mà khoa học ngày nay đã cho các ngài, trước khi tàn sát nhân mạng và phá hủy tài sản, đã sinh ra những ước muốn bất chính, nuôi những ác cảm, tạo nên những cơn ác mộng, nghi kỵ và ý tưởng đen tối, đòi hỏi những chi phí khổng lồ, chận đứng những dự án có tính cách lợi ích cho mọi quốc gia, làm sai lạc tâm lý của các dân tộc”. Và ngài nhắc lại lời kêu gọi thiết tha của ngài tại Bombay: “Chúng tôi biết rằng phần nhiều trong quý vị đã chấp thuận lời mời mà chúng tôi đã từ Bombay hồi tháng chạp năm ngoái gửi đến các nước, kêu gọi xây dựng hòa bình: dành một phần tiền của do việc tài binh để giúp các nước chậm tiến. Tại đây chúng tôi cũng nói lại lời kêu mời ấy, với lòng tin tưởng do những cảm tình nhân đạo và hào hiệp của các ngài gợi lên”.
Vào ngày 25/06/1966 Đức Phaolô VI còn định nghĩa hòa bình một cách cụ thể hơn nữa trong một bức thông điệp gởi cho ủy ban phát triển của LHQ: “Trong một vài tình trạng chính trị và xã hội, hòa bình còn có nghĩa là mất tự do, hòa bình đồng nghĩa với một trật tự cưỡng ép và bất công hòa bình còn là nhãn hiệu để chỉ một tình trạng thăng bằng hay một cuộc ngưng chiến giữa hai lực lượng đối lập, một thứ hòa bình được nuôi dưỡng bằng những hiệp ước mong manh, hay bằng cách thi đua võ trang giữa đôi bên với những khí giới ngày càng kinh khủng. Nhưng hòa bình nhờ ơn Chúa, chính là cộng đồng các dân tộc của quý vị quyết tâm tạo nên giữa các quốc gia những mối liên lạc có trật tự và lợi ích cho mọi người, mà không cần dùng đến những biện pháp bạo động hay đổ máu… Nếu người ta muốn nền hòa bình ấy được vững chắc và minh chứng thực lực và sức bành trướng của nó, thì nhất thiết phải tìm ra một liều thuốc cho những nỗi cơ cực một phần lớn nhân loại phải gánh chịu. Có lẽ phải vượt hẳn những hệ thống kinh tế hiện hành theo đó những dân tộc nghèo vẫn nghèo và những dân tộc giàu lại mãi giàu thêm. Chúng tôi mong rằng quý vị nhận thấy nơi tiếng nói của chúng tôi chính tiếng nói của Đức Kitô, vị trạng sư cao cả của những người nghèo và bần cùng nhất”. Và mới đây, ngày 19/9 trong một thông điệp ngài lại tha thiết kêu gọi hòa bình, như độc giả đã thấy trong số này.
Đức Phaolô VI đã cảm thấy một cách sâu xa rằng bao lâu tình trạng bất bình đẳng về kinh tế xã hội giữa các cường quốc và nhược tiểu, giữa một thiểu số sống trong đống vàng và 2/3 nhân loại ăn không đủ no mặc không đủ ấm, bấy lâu chưa có hòa bình. Hòa bình chỉ có nghĩa là phát triển, phát triển toàn diện cho tất cả mọi người và cho tất cả con người trong mọi lĩnh vực trí tuệ, văn hóa, kinh tế, xã hội, v.v… Đó là tư tưởng rất dồi dào, rất thiết thực, rất xây dựng của Đức Phaolô VI về hòa bình và ngài đã tích cực hoạt động để thiết lập hòa bình ấy trên thế giới, đúng với tinh thần Vatican II. Đức Phaolô VI thật xứng đáng được thế giới ca tụng là “sứ giả của hòa bình”.
Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
Số 209-10/1966
Nguồn: VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét